[Gặp gỡ thứ Tư] Phó Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương: Mở cánh cửa an toàn nhưng không chủ quan

Nhàđầutư
Nước ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh, chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới, giảm tỷ lệ ca chuyển nặng, tử vong và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà lơ là, chủ quan, như đã là ngày cuối của đại dịch.
MINH ANH - GIA YÊN
20, Tháng 04, 2022 | 09:00

Nhàđầutư
Nước ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh, chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới, giảm tỷ lệ ca chuyển nặng, tử vong và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà lơ là, chủ quan, như đã là ngày cuối của đại dịch.

233d4669decd109349dc

 

Tháng 4 này là đúng 1 năm của làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 ở Việt Nam. Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương, cũng là Trưởng đoàn y, bác sĩ Hải Dương tham gia chi viện, chống dịch tại TP.HCM trong đợt dịch vừa qua.

Câu chuyện xoay quanh về những ngày căng thẳng của đại dịch COVID-19, sứ mệnh lịch sử của những thiên thần áo trắng, những thay đổi tiếp cận để đưa cuộc sống trở về bình thường mới và lời cảnh báo phải tiếp tục cảnh giác, không chủ quan.

Thưa ông, đúng thời khắc 1 năm sau làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, cảm xúc của ông thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Thế Anh: Với những ai từng xem bộ phim tài liệu "Ranh Giới", chắc sẽ ám ảnh mãi về thước phim người sản phụ tên Ngân gọi điện về cho chồng trước khi mở nội khí quản: "Anh ơi, em sợ quá, em muốn được gặp con"... Đó cũng là cuộc điện thoại cuối cùng của họ.

Có lẽ là không nên nếu ta cứ kể mãi về cái chết. Nhưng hãy biết rằng, mùa dịch căng thẳng thứ 4 vừa rồi đã chứng kiến những cuộc chia ly đau xót. Và không chỉ có cái chết mới mang đến nỗi đau, mà nỗi đau giày xéo cả những người ở lại. Đó là nỗi đau của những gia đình đã vĩnh viễn mất đi người thân, nỗi đau của những đứa trẻ từ nay sẽ sống bơ vơ… và đó còn nỗi đau của những người ngoài cuộc như chúng ta.

Nhưng nay, sau một năm nhìn lại, quả thật không điều gì làm thay đổi con người nhiều hơn nỗi đau. Và dù là trực tiếp hay gián tiếp, những ngày đau dai dẳng giúp ta hiểu và quý hơn những gì mà ta vẫn gọi là bình thường, giữa những ngày thật... bất thường. 

Ảnh: Thùy Huy

Ảnh: Thùy Huy

Với tư cách là Trưởng đoàn y, bác sĩ Hải Dương tham gia chi viện, chống dịch tại TP.HCM, chắc hẳn ông có nhiều kỷ niệm trong đợt dịch vừa rồi?

Bác sĩ Nguyễn Thế Anh: Phải nói là có quá nhiều kỷ niệm, tôi sẽ không kể về những đau thương hay nỗi vất vả, thiếu thốn của đội ngũ y bác sĩ tham gia tuyến đầu, vì mỗi chúng tôi khi lên đường chi viện đều là vì "mệnh lệnh từ trái tim" thôi thúc. Mà là những kỷ niệm về tình người giữa đại dịch, những chuyến xe rau củ 0 đồng, những cửa hàng thực phẩm di động miễn phí, hàng ngàn phần cơm, bánh mì… đã lan tỏa đi khắp nơi, trở thành hậu phương vững chắc cho lực lượng tuyến đầu an tâm chống dịch.

Lúc đấy, tôi tự hỏi phải chăng đây là những ánh sáng rực rỡ giữa bầu trời ảm đạm của Sài Gòn.

Vậy có khó khăn nào ở những ngày căng mình chống dịch không thưa ông?

Bác sĩ Nguyễn Thế Anh: Có chứ, sau khi cởi bỏ lớp áo phòng hộ để quay về phòng nghỉ tạm, tôi nhận ra sự lo lắng, sợ hãi đang lớn dần lên trong lòng của các đồng đội, nhưng họ chưa bao giờ ngừng nghỉ mà hướng về quê hương để lấy động lực hỗ trợ Sài Gòn. Còn riêng tôi, dù đôi lúc rất mệt mỏi nhưng lúc nào cũng tự động viên bản thân, đồng đội bằng nguồn năng lượng tích cực nhất để vượt qua cuộc chiến khốc liệt này.

Ảnh: Thùy Huy

Ảnh: Thùy Huy

Một năm đã trôi qua, mọi thứ có phải đang dần trở về bình thường mới?

Bác sĩ Nguyễn Thế Anh: Đúng, có thể nói Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Trong nhiều tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành có xu hướng giảm từng ngày. Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Nguyên nhân một phần do tỉ lệ tiêm vắc-xin cao, lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phù hợp, hiệu quả và năng lực y tế của Việt Nam dần được nâng lên nên đáp ứng yêu cầu tốt hơn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra các kịch bản về diễn biến dịch COVID-19 trong thời gian tới, đồng thời thay đổi các biện pháp phòng chống nhằm sớm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19. Thậm chí, WHO còn nhận định họ đã "thấy ánh sáng" sau "cơn bão" Omicron.

Cụ thể là những kịch bản gì, thưa ông?

Bác sĩ Nguyễn Thế Anh: Trước tiên, biến chủng Omicron đang xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nên số ca mắc, số trường hợp diễn biến nặng và tử vong sẽ giảm. Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa COVID-19 trở thành bệnh lưu hành. Khi đó, các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường. Chúng ta cần chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, mắc bệnh nền

Với kịch bản thứ hai, các biến chủng mới liên tục xuất hiện vẫn có khả năng xảy ra. Các biến chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến chủng đã xuất hiện hoặc biến chủng khác mới hơn. Biến chủng mới khi xuất hiện sẽ làm giảm hiệu lực bảo vệ của vắc-xin, lây lan nhanh hơn và tăng nguy cơ diễn biến nặng. Với kịch bản này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách đã từng làm như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm và những biện pháp phòng dịch…

Vậy theo ông, có nên xem đây là những ngày cuối của đại dịch COVID-19?

Bác sĩ Nguyễn Thế Anh: Nhiều người nói với việc nới lỏng các hoạt động như hiện nay tức là chúng ta đã trở về cuộc sống bình thường cũ. Điều này không đúng. Hiện nay, chúng ta chưa xem COVID-19 là bệnh thông thường vì vẫn phải xét nghiệm, phải cách ly khi mắc bệnh… Các hoạt động phòng chống dịch vẫn được khuyến cáo thực hiện nhưng điều đáng mừng là hiểu biết phòng bệnh của người dân đã được nâng lên nhiều, hệ thống y tế đã có kinh nghiệm trong việc phân tầng điều trị hiệu quả. 

Ảnh: Thùy Huy

Ảnh: Thùy Huy

Thực tế thời gian qua, có rất nhiều người đã nhiễm rồi vẫn tái nhiễm. Vì thế, chúng ta không được lơ là, chủ quan mà vẫn cần cảnh giác trong việc giám sát các biến chủng của SARS-CoV-2. Đặc biệt, bài học của châu Âu vẫn còn đó, họ là những quốc gia phát triển, nơi luôn tự hào có nền tảng y học tiên tiến, tiềm lực kinh tế dồi dào và trình độ dân trí cao… nhưng vì chủ quan nên đã có những thời điểm rất mong manh trước "tên giặc" vô cùng nhỏ bé và khó lường này.

Ông có lời khuyên nào không gì với trạng thái bình thường mới hiện nay?

Bác sĩ Nguyễn Thế Anh: Hiện nay không phải là lúc hạ thấp mức độ cảnh giác của chúng ta, trái lại, đây là lời khuyến nghị cực kỳ mạnh mẽ. Đại dịch COVID-19 còn lâu mới chấm dứt, mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn còn rất mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao và virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa một cách không thể dự đoán được.

Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là tiêm vaccine ngừa COVID-19 và tiêm mũi tăng cường theo khuyến cáo của giới chức y tế. Cùng với đó, khi ra ngoài nên đeo khẩu trang tại những địa điểm đông đúc và không gian kín. Với những người ở trong nhà, khuyến nghị hãy giữ không khí trong lành bằng cách mở cửa sổ và cửa ra vào, đồng thời đầu tư vào hệ thống thông gió tốt. Ngoài ra, hậu COVID-19 rất khó lường, cần nâng cao ý thức phòng hơn trị bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ