Báo cáo chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2019: Những bất cập và khuyến nghị

Nhàđầutư
Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2019.
NGUYỄN VĂN TOÀN - Phó chủ tịch VAFIE
05, Tháng 09, 2020 | 06:30

Nhàđầutư
Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2019.

hoi-thao-POBI

Ảnh minh họa.

Khảo sát chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI là một sáng kiến quốc gia, được thực hiện độc lập bởi các tổ chức nghiên cứu, phi lợi nhuận. Khảo sát POBI 2019 được thực hiện chính bởi hai tổ chức thành viên Liên minh BTAP là Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam và Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tại Việt Nam, trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước”.

POBI là khảo sát đầu tiên ở Việt Nam về mức độ công khai ngân sách tỉnh bắt đầu từ năm 2017 và tiếp tục được thực hiện đối với năm 2018 và 2019. Chỉ số công khai ngân sách (POBI) là công cụ giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý NSNN và mức độ thực thi Luật NSNN năm 2015 góp phần nâng cao hiệu quảvà hiệu lực quản trị địa phương, chống thất thoát, lãng phí ngân sách.

POBI giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển đối với quản lý ngân sách tại địa phương thông qua các hình thức minh bạch, giải trình và sự tham gia về ngân sách. POBI cũng là công cụ giúp cho Việt Nam thực hiện ngày càng tốt hơn nỗ lực cải cách hành chính và tài khóa, góp phần thực hiện cam kết với mục tiêu phát triển bền vững SDG 16 về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân.

Bộ câu hỏi khảo sát POBI được thiết kế dựa trên các quy định của Luật NSNN năm 2015 và các quy định về công khai minh bạch hiện hành của Việt Nam.

Phương pháp đánh giá POBI được xây dựng dựa vào tham khảo phương pháp khảo sát về công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Tổ chức Đối tác ngân sách Quốc tế (IBP) và các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân sách (bao gồm các hướng dẫn của IMF, OECD, INTOSAI).

POBI 2019 là khảo sát dựa trên bằng chứng về công khai các tài liệu ngân sách địa phương của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Nguồn minh chứng là các tài liệu ngân sách tỉnh được công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND, HĐND, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh.

POBI 2019 bao gồm hai trụ cột về quá trình công khai minh bạch và sự tham gia về ngân sách. Điểm xếp hạng POBI dựa trên mức độ công khai minh bạch của 10 tài liệu trong đó có 7 tài liệu bắt buộc phải công khai theo luật ngân sách nhà nước 2015.

Trong Xếp hạng công khai ngân sách POBI 2019,có 24 tỉnh được xếp vào nhóm A (từ 75 - 100 điểm) công khai đầy đủ, đứng đầu là: Quảng Nam (90,51 điểm) Có 27 tỉnh công khai tương đối (50 - dưới 75 điểm), 9 tỉnh công khai chưa đầy đủ (từ 25 - dưới 50 điểm) và 3 tỉnh ít công khai là Hoà Bình, Đồng Tháp và Lạng Sơn ( lần lượt 7,9 và 1,69 điểm).

Số liệu của POBI 2019 cho thấy: Sự khác biệt quá lớn giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng ( Quảng Nam 90,51 và Hòa Bình 1,69), Sự chênh lệch điểm số giữa nhóm đầu và nhóm cuối bảng xếp hạng cũng rất cao.

Sự khác biệt giữa mức độ công khai ngân sách tỉnh của các vùng theo 7 vùng địa lý trên cả nước, Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam bộ là hai vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt là 77,16 và 73,81 điểm, tiếp theo đó là vùng Tây Nguyên (70,27 điểm) và Đồng bằng sông Hồng (68,24 điểm).

Vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 52,62 điểm, tiếp đó là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (58,7 điểm) và khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ với 63,5 điểm.

Báo cáo cũng chỉ ra, vùng công khai ngân sách kém nhất lại là các vùng được hưởng nhiều trợ cấp ngân sách như Trung du và miền núi Bắc Bộ. Như Hoà Bình 3 năm liên tiếp hầu như không có sự cải thiện, đứng ở mức cuối cùng, là tỉnh phụ thuộc vào ngân sách trung ương. Trong khi các tỉnh công khai ngân sách tốt lại là những tỉnh đóng góp rất lớn về T.Ư như Quảng Ninh, Hà Nội...

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai thành phố đầu tầu kinh tế trong cả nước, có số điểm còn khá chênh lệch (Hà Nội 79,59 điểm, tăng 29,87 điểm so với mức 49,72 điểm của năm 2018 và TP. Hồ Chí Minh 66,03 điểm).

Về mức độ sự tham gia của người dân vào ngân sách, có 61/63 cổng thông tin điện tử của các tỉnh đều có thư mục hỏi đáp và email liên hệ. Tuy nhiên, mức độ phản hồi của Sở Tài chính các tỉnh đối với người dân rất thấp.

Có 8/63 Sở Tài chính của các tỉnh trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của nhóm nghiên cứu qua email.

Những điểm tích cực và điểm yếu

Qua ba năm thực hiện, chỉ số Pobi đã gia được cải thiện đáng kể ( năm 2019 là 65,55/100, Năm 2018 là 51/100 và năm 2017 là 30,5/100). Phải chăng công khai chỉ số Pobi đã góp phần “đánh thức” lãnh đạo và cơ quan quản lý nhà nước một số tỉnh thành.

Trong 10 tài liệu được tính điểm, có 3 tài liệu không thuộc tài liệu công khai bắt buộc nhưng nhiều tỉnh vẫn có chỉ số cao.Về tính thuận tiện của tài liệu được công khai của POBI 2019 cũng được cải thiện nhiều so với POBI 2018 và 2017.

Bên cạnh đó, những điểm yếu và là dư địa rất lớn có thể cải thiện chỉ số POBI trong những năm tới: Sự chênh lệch rất lớn chỉ số POBI giữa các tỉnh, đặc biệt là giữa tỉnh đứng đầu và cuối bảng xếp hạng chỉ ra rằng một số tỉnh hầu như không quan tâm đến kết quả đánh giá, cũng như quan tâm cải thiện chỉ số POBI qua các năm.

Một số địa phương có chỉ số POBI thấp ngay cả đối với 7 tài liệu công khai bắt buộc theo luật Ngân sách nhà nước 2015 và thông tư hướng dẫn thực hiện công khai NSNN 2016 của Bộ Tài chính, thể hiện tính tuân thủ pháp luật của đơn vị chịu trách nhiệm còn thấp, các cơ quan kiểm tra giám sát chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm.

Vai trò thẩm tra ngân sách của HĐND các cấp cần được nang cao hơn, cũng như tăng cường sự chỉ đạo chỉ đạo nhằm cải thiện chỉ số POBI của địa phương.

Sự tham gia của mặt trận tổ quốc đại diện cho người dân tuy đã có nhiều cải thiện song cần phát huy mạnh mẽ hơn.Việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế ảnh hưởng đến các chỉ số POBI, đặc biệt là sự tương tác giữa cơ quan công khai và người dân.

Một số khuyến nghị

Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia của người dân thể hiện tính ưu việt của nhà nước XHCN của dân, do dân và vì dân cần được phát huy trong việc cải thiện chỉ số POBI.

Khi người đứng đầu của các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao, chắc chắn chỉ số POBI sẽ được cải thiện.

Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nâng cao chỉ số POBI của tỉnh. Chấp hành nghiêm chỉnh luật NSNN 2015 và các văn bản dưới luật liên quan đến công khai NSNN.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ