'Vùng đất chín rồng' bắt tay với miền Trung để phát triển du lịch

Nhàđầutư
Các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long liên kết với các tỉnh miền Trung để phát triển du lịch, nhằm tận dụng lợi thế của mỗi địa phương, và hình thành các sản phẩm du lịch chung độc đáo.
NGUYỄN TRI
19, Tháng 08, 2023 | 07:15

Nhàđầutư
Các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long liên kết với các tỉnh miền Trung để phát triển du lịch, nhằm tận dụng lợi thế của mỗi địa phương, và hình thành các sản phẩm du lịch chung độc đáo.

Liên kết cùng phát triển

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là 2 thị trường khách du du lịch lớn của cả nước. Với những đặc trưng vùng miền riêng biệt, 2 khu vực đã hình thành nên những sản phẩm du lịch trong nước và quốc tế.

Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ĐBSCL có cảnh quan sinh thái đặc trưng là vùng đồng bằng và biển đảo, một vùng sông nước hữu tình, cây trái bốn mùa trĩu quả, kết hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời.

Với những đặc trưng riêng, ngành du lịch ĐBSCL từng bước được đầu tư phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa giúp cho du khách có nhiều trải nghiệm và thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, mice, văn hóa - lịch sử, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp…là sản phẩm đặc trưng và thu hút khách du lịch của vùng ĐBSCL.

"Trong 6 tháng năm 2023, ĐBSCL đón gần 27 triệu lượt khách, tăng 133,6% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch hơn 28.000 tỷ đồng, tăng 191,4% so với cùng kỳ", ông Thiện thông tin.

DBSCL

Chợ nổi - nét văn hóa đặc sắc của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Ảnh: An Hòa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, dù có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên, du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách và doanh thu du lịch còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành cũng như các vùng miền trong cả nước. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn có những hạn chế.

Do đó, các tỉnh, thành ĐBSCL rất chú trọng đến công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là đối với thị trường du lịch Miền Trung để liên kết cùng phát triển du lịch.

Hiện, có 2 hãng hàng không cung cấp chặng bay từ Cần Thơ đi Đà Nẵng mỗi ngày là Vietnam Airlines và Vietjet làm cho ĐBSCL gần hơn với các tỉnh, thành miền Trung. Đây là điều kiện thuận lợi để du lịch ĐBSCL kết nối thị trường du lịch với các tỉnh, thành miền Trung.

"Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đón tiếp các bạn và các bạn hãy lựa chọn ĐBSCL là điểm đến trong hành trình về vùng đất phương Nam", ông Thiện chia sẻ.

Còn ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng hy vọng các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp dịch vụ, du lịch ở miền Trung và khu vực ĐBSCL sẽ hiến kế, đưa ra những ý tưởng hợp tác, chia sẻ những kinh nghiệm, chính sách để hình thành các sản phẩm du lịch mới đa dạng, đặc sắc hơn nữa cũng như cùng nhau thúc đẩy phát triển du lịch, trao đổi khách giữa 2 khu vực.

DBSCL-1

Du lịch sinh thái hòa mình cùng thiên nhiên được du khách ưa chuộng. Ảnh: NQ

Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc

Tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh, thành miền Trung, 13 doanh nghiệp ĐBSCL đã ký kết với 5 doanh nghiệp tại miền Trung để phối hợp xây dựng các tour du lịch đặc thù, hấp dẫn phù hợp với thị trường khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch tại các tỉnh, thành phố ĐBSCL và các tỉnh, thành phố miền Trung.

Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ tổ chức đoàn khảo sát, cập nhật thông tin về điểm đến, dịch vụ, các hoạt động du lịch tại các tỉnh, thành ĐBSCL và các tỉnh, thành phố miền Trung để xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách du lịch; liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ du lịch, xây dựng, kết nối tour tuyến đưa đón khách du lịch từ các tỉnh, thành phố miền Trung đến các tỉnh, thành ĐBSCL và ngược lại.

Cũng tại hội nghị, 11 Sở VH-TT&DL, Trung tâm Xúc tiến Du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL đã ký kết với các Sở Du lịch, Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành miền Trung trong hoạt động liên kết, hợp tác trong lĩnh vực thông tin về xu hướng, nhu cầu thị trường khách du lịch nội địa, quốc tế về sản phẩm du lịch.

Các tỉnh, thành phố lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc thù giới thiệu nhằm đưa vào chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch của ĐBSCL và các tỉnh, thành miền Trung.

Về liên kết, hợp tác trong quảng bá, xúc tiến du lịch, các địa phương sẽ phối hợp thực hiện các hoạt động xúc tiến điểm đến với các thị trường ĐBSCL và miền Trung; đưa các sản phẩm du lịch, chương trình, tuyến, điểm du lịch kết nối giữa ĐBSCL và miền Trung vào nội dung các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của tất cả các địa phương; thường xuyên liên kết, hợp tác quảng bá và xúc tiến tại sự kiện trong nước; từng bước cùng thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài.

hoi-an

Phố cổ Hội An, địa điểm không thể bỏ qua khi đến Quảng Nam. Ảnh: T.X

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá, cả nước đang nỗ lực để phục hồi du lịch, trong đó ĐBSCL đã và đang tìm được hướng đi rất phù hợp.

Theo ông Siêu, ĐBSCL là điểm đến đặc sắc mà không nơi nào trên thế giới có được. Trong khi đó, miền Trung đầy ắp các giá trị về di sản như Huế cho đến Hội An, Mỹ Sơn...; ngoài ra, du lịch biển, đảo của miền Trung trở thành trung tâm du lịch tiêu biểu của cả nước.

Thời gian tới, ông Siêu đề nghị, các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương tại ĐBSCL và miền Trung tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Đặc biệt là 7 nhóm giải pháp để đẩy mạnh phục hồi du lịch gồm: Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, bền vững; tăng cường thu hút khách quốc tế; đẩy mạnh đầu tư vào các trọng điểm du lịch, các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, xúc tiến quảng bá du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi số.

Ông Siêu còn đề nghị các doanh nghiệp du lịch phải xây dựng dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có và khai thác được lợi thế vùng miền. "Đối với công tác xúc tiến quảng bá, tôi đề nghị phải xây dựng được nội dung xúc tiến quảng bá; cần tạo ra các sự kiện; cùng Bộ VH-TT&DL, Cục Du lịch Quốc gia tham gia các  sự kiện lớn của cả nước và nước ngoài…", ông Siêu đề nghị.

Bình Định tung loạt ưu đãi kích cầu du lịch mùa thấp điểm

Ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, nhằm kích cầu du lịch trong mùa thấp điểm, ngành du lịch tỉnh này xây dựng thêm nhiều tour mới trải nghiệm độc đáo, chương trình mới vui chơi về đêm kết hợp với chương trình kích cầu ưu đãi đặc biệt để hấp dẫn du khách đến với Bình Định.

Theo đó, chương trình năm nay sẽ có nhiều tour tiêu biểu, đặc sắc để hút khách du lịch gồm: Champa Bình Định, Hành trình chữ Quốc ngữ, Hành trình di sản, Hành trình văn hóa tâm linh, Tây Sơn Tam kiệt, Thiên đường biển đảo và tour mới, được kỳ vọng là độc đáo, chuyên biệt, hữu ích là Khám phá khoa học ở trung tâm sáng tạo Quy Hòa.

Chương trình kích cầu du lịch Bình Định mùa du lịch thấp điểm năm 2023 với sự tham gia của 51 tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên các lĩnh vực lưu trú, lữ hành, vận chuyển, nhà hàng, điểm đến.

Trong đó, các cơ sở lưu trú giảm giá phòng ít nhất là 50% (đối với khách sạn), 30% (đối với resort) so với giá phòng niêm yết; giảm giá ít nhất 10% dịch vụ ăn uống và ít nhất 20% giá cho thuê hội trường so với giá niêm yết.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế giảm giá ít nhất 30% lợi nhuận sau khi đã giảm giá các dịch vụ có trong chương trình tour.

Doanh nghiệp vận tải khách du lịch giảm giá ít nhất 20% so với giá niêm yết. Các cơ sở ăn uống giảm giá ít nhất 5% đến 10% so với giá niêm yết. Khu, điểm du lịch giảm giá ít nhất 10% dịch vụ ăn uống; giảm giá ít nhất 16% - 50% giá vé vào cổng; ít nhất 30% - 50% dịch vụ lưu trú trong khu, điểm du lịch và ít nhất 30% các dịch vụ khác so với giá niêm yết.

Thời gian kích cầu từ ngày 8/9/2023 đến hết ngày 31/1/2024 và áp dụng đối với các đoàn khách, nhóm khách từ 20 người trở lên.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ