Tue, October 10, 2023 | 7:00 am GTM+7

Nâng hạng TTCK để bảo vệ nhà đầu tư

NHÓM PHÓNG VIÊN -

Hội thảo 'Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết' được Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động của thành viên thị trường về nâng hạng TTCK Việt Nam, đề xuất giải pháp thúc đẩy nâng hạng thị trường.

Sáng 10/10, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hội thảo "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết".

Hội thảo, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động của thành viên thị trường về nâng hạng thị trường (TTCK) Việt Nam, đề xuất giải pháp thúc đẩy nâng hạng thị trường.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện các bộ, ngành, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và các công ty kiểm toán, các thành viên thị trường.

Nâng hạng TTCK trước năm 2025 là mục tiêu rất thách thức

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn cho rằng nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

nguyen-anh-tuan

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Trọng Hiếu.

Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững đã yêu cầu: "Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài".

Ngày 22/9 vừa qua, trong buổi toạ đàm với các nhà đầu tư tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định các thị trường của Việt Nam, bao gồm TTCK được xây dựng đều phải hội nhập quốc tế, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế và tham gia vào các hoạt động chung của quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang cố gắng và nỗ lực hết mình để nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi. Việc nâng hạng TTCK được đánh giá sẽ tác động tích cực đối với TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, dù các cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cần thiết, nhưng đến nay các tổ chức xếp hạng thị trường quốc tế vẫn chưa chấp thuận nâng hạng đối với TTCK Việt Nam.

nang-hang-thi-truong-chung-khoan-2

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện các bộ, ngành, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và các công ty kiểm toán, các thành viên thị trường. Ảnh: Trọng Hiếu.

Theo các chuyên gia, hiện còn một số vấn đề kỹ thuật cần xử lý, đòi hỏi sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, trong đó nổi lên là: Vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết cũng là đòi hỏi bức thiết nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường.

Theo đánh giá của tổ chức xếp hạng FTSE Russell, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí nâng hạng, còn theo MSCI thì mới đáp ứng được 8 trên 17 tiêu chí. Việc đánh giá và xem xét nâng hạng của MSCI được thực hiện định kỳ vào tháng 6 hàng năm, còn với FTSE là tháng 3 và tháng 9 hàng năm.

Tại kỳ đánh giá tháng 9 vừa qua, Việt Nam vẫn được xếp hạng ở vị trí thị trường cận biên. Các kỳ đánh giá tiếp theo của Tổ chức này là vào tháng 3 và tháng 9 năm sau. Điều đó có nghĩa là để nâng hạng trước 2025 thì Việt Nam chỉ có chưa đến 1 năm để có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng.

"Rõ ràng, nâng hạng TTCK trước năm 2025 là mục tiêu rất thách thức đối với Việt Nam. Nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động của thành viên thị trường về nâng hạng TTCK Việt Nam, đề xuất giải pháp thúc đẩy nâng hạng thị trường, ngày hôm nay, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết"", TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Gốc thị trường chứng khoán là minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho hay: UBCKNN coi nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là mục tiêu trọng yếu.

Cùng với đó, các chuẩn mực của thị trường cũng phải theo thông lệ quốc tế hiện hành. Hiện nay, Thị trường chứng khoán Việt Nam đã là thành viên của Liên đoàn Các Sở Giao dịch chứng khoán thế giới (WFE), các quy định khung pháp lý của thị trường, kể cả các nghị định cũng đang hướng tới đáp ứng chuẩn mực thế giới.

pham-hong-son-1

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: Trọng Hiếu.

Nối lên hiện nay một số quy định hướng tới thông lệ quốc tế gồm: Công bố thông tin, văn bản nghị định, công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp niêm yết (DNNY)... Tuy nhiên, để được nâng hạng chúng ta còn phải nỗ lực thêm. Trước tiên là đòi hỏi công bố thông tin của DNNY phải bằng tiếng Anh. Hiện nay các quy định của chúng ta mới ở mức khuyến khích, còn nếu bắt buộc thì sẽ gây áp lực lớn cho doanh nghiệp (DN).

Đây tưởng như vấn đề đơn giản nhưng mới chỉ có số ít DN lớn đáp ứng được yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh, còn 1 số DN ngay bảo công bố bằng tiếng Việt còn lỗi. Vì vậy nếu đưa thành quy định thì chế tài xử phạt cũng khó để thực thi. Vì vậy, mọi bước đi phải có lộ trình tiếp cận phù hợp.

Theo đó, ý thức của DNNY là rất lớn, DN muốn được đánh giá minh bạch thì phải tự nâng cấp, công bố thông tin. Điều cũng cần được khuyến khích khi đánh giá vấn đề DNNY công bố thông tin, thang điểm quản trị, nên có DN công bố thông tin bằng tiếng Anh sẽ được cộng điểm. Về vấn đề tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) cũng là 1 vấn đề rất cần được khắc phục.

Theo phản ánh của FTSE Russell, MSCI, hiện nay NĐTNN không biết là tỷ lệ sở hữu nước ngoài cụ thể của DN là bao nhiêu nên khó để đưa ra quyết định đầu tư. Rồi dự báo hơn 10 tỷ USD sẽ chảy vào Việt Nam khi được nâng hạng nhưng không phải là cho tất cả thị trường, mà NĐTNN sẽ lựa chọn những DN tốt.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ đứng trước vấn đề, nếu họ muốn chọn DN tốt, chúng ta có nới room ngoại? Những ví dụ trên để cho thấy, nâng hạng tưởng là vấn đề lớn nhưng là bao gồm rất nhiều vấn đề cụ thể. Ngoài ra có nói về một số điểm nghẽn, thì hệ thống giao dịch cần được cải thiện hơn, nâng cấp khả năng tiếp cận thông tin nhà đầu tư (NĐT) cho DN.

Vấn đề hiện nay, về cơ bản quy mô thị trường vốn, tính minh bạch thị trường để đảm bảo tiêu chí nâng hạng còn thách thức rất lớn về sự toàn vẹn, tính chống chịu rủi ro của thị trường, với sở GDCK là đảm bảo thông suốt giao dịch...

nang-hang-thi-truong-chung-khoan-1

 

Chúng tôi đã báo cáo lên Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ. Qua trao đổi với NĐTNN cho thấy, họ rất kỳ vọng vào TTCK Việt Nam và được coi là điểm sáng. Theo đó, quan điểm là TTCK phải có khuôn khô pháp lý tốt hơn, công bố thông tin phải minh bạch hơn, an toàn, bền vững hơn. Gốc TTCK là minh bạch, bảo vệ NĐT.

Chúng tôi hoan nghênh Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết" ngày hôm nay, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động của thành viên thị trường về công tác nâng hạng TTCK Việt Nam.

Tôi tin rằng, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và các thành viên thị trường, Hội thảo ngày hôm nay sẽ thu được những ý kiến đóng góp quý báu, cũng như đề xuất các giải pháp thực tiễn có hiệu quả, nhằm thúc đẩy việc công bố thông tin minh bạch, hiệu quả hơn của các thành viên thị trường, hỗ trợ công tác nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi.

PHIÊN I: NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN SỰ CẦN THIẾT, CƠ HỘI, THÁCH THỨC

PHẦN THAM LUẬN

Đảm bảo công bằng cho NĐT tham gia thị trường

Trình bày tham luận: "Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi - cơ hội và thách thức", ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN cho biết: Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các TTCK của các nhà đầu tư tài chính quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng TTCK, phân loại chỉ số tham chiếu cho TTCK.

Chính vì vậy, việc phân loại, xếp hạng TTCK của các tổ chức xếp hạng lớn có ảnh hưởng quan trọng đến việc dẫn dắt luồng vốn đầu tư toàn cầu. Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - Thị trường cận biên.

Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường mới nổi. Trong chỉ số FTSE Russell Frontier Index, tính đến ngày 31/8/2023, thị trường Việt Nam chiếm tỷ trọng 34% mức vốn hóa lớn nhất với 103 công ty. Việt Nam cũng có 6 trong số top 10 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất của chỉ số này.

vo-chi-dung

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ Trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (UBCKNN). Ảnh: Trọng Hiếu.

Do đó, Việt Nam có tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi do được đánh giá là quá lớn nếu để ở mức thị trường cận biên. Không như nhiều thị trường khác, việc Việt Nam chưa được nâng cấp lên thị trường mới nổi không phải do các yếu tố về quy mô và thanh khoản mà chủ yếu do các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của NĐTNN.

Trong đó, một trong những vấn đề quan trọng cần cải thiện chính là tăng cường quyền tiếp cận thông tin một cách công bằng và minh bạch cho NĐTNN, cũng như khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh và nâng cao chất lượng thông tin công bố của các doanh nghiệp trên thị trường.

Theo đó, nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống chính sách phát triển TTCK, thông qua việc rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc; tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho NĐTNN đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Thứ hai, rà soát và bổ sung các quy định nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu; nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam theo các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước.

nang-hang-thi-truong-chung-khoan (2)

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại hội thảo. Ảnh: Trọng Hiếu.

Thứ ba, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của NĐTNN tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, từng bước áp dụng chế độ kế toán IFRS của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.

Thứ tư, về công tác truyền thông, duy trì thường xuyên việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, NĐT tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường.

Thứ năm, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thị trường, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc khuyến khích các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Cụ thể, đối với vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài và tiếp cận thông tin cho NĐTNN, UBCKNN đã có một số kiến nghị đối với Bộ KH&ĐT về việc cần công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận; thực hiện cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để tạo thuận lợi cho NĐTNN có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.

Để một TTCK phát triển bền vững, đó phải là một TTCK thực sự "khỏe mạnh", minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả nhà đầu tư tham gia trên thị trường. Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát TTCK, UBCKNN đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường, củng cố niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nền tảng cho công tác nâng hạng của TTCK Việt Nam.

Trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ NĐT "bùng" chỉ 2%

Trình bày tham luận: Điều kiện và giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới, TS. Cấn Văn Lực cho biết: Chúng ta có 2 cấp độ nâng hạng là FTSE và MSCI.

Tôi xin ví von cấp độ 1 như sân chơi Sea Games (FTSE), cấp độ 2 là vươn tầm châu Á (MSCI). Tôi nhìn nhận chúng ta cần phải chịu sức ép cải cách lớn hơn nữa, đặc biệt liên quan đến các quy định pháp luật liên quan đến tính công khai và minh bạch.

can-van-luc

TS. Cấn Văn Lực. Ảnh: Trọng Hiếu.

Việt Nam đang rất thiếu yếu tố này, trong khi đây là nền tảng phát triển vững chắc cho TTCK. Việt Nam cần tạo sức ép quản trị, giám sát, và nâng tầm quản trị. "Size" thị trường ngày càng lớn khi có những thời điểm chiếm 100-120% GDP, các doanh nghiệp niêm yết cần có cách thức quản trị khác.

Tôi cũng nhấn mạnh nâng hạng TTCK gắn với câu chuyện thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và TP. Đà Nẵng. Hiện tại, với cấp độ FTSE, chúng ta đang thiếu 2 chỉ tiêu quan trọng: Đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, và từ đó dẫn đến thiếu tiêu chí sai sót, rủi ro trong thanh toán. Nhiều người lo rằng nếu không giao dịch ký quỹ thì có rủi ro nhà đầu tư không thanh toán.

Tôi nghĩ chúng ta cần phải có giải pháp. Khảo sát cho thấy, trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ NĐT trên thế giới không thanh toán chỉ có 2% mà thôi, tương đương mức tổn thất 3 tỷ USD/năm.

Chúng tôi xin đề xuất 3 biện pháp phòng ngừa rủi ro: Thứ nhất, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót.

Thứ 2, kiểm soát hành vi của NĐT bằng cách tăng chế tài, xử phạt 1.000-5.000 USD, hoặc tính tiền phạt dựa trên tỷ lệ số tiền.

Cuối cùng, tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán (CTCK) để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định, CTCK được phép quyết định một NĐT cần ký quỹ hay không. Như vậy cũng cần cơ chế xử lý rủi ro, CTCK được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán trong trường hợp họ không thể thanh toán.

Về các tiêu chí của MSCI, chúng ta thiếu 9 tiêu chí gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài; "room" khối ngoại còn lại; quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; luồng thông tin; thanh toán bù trừ; khả năng chuyển nhượng không qua sàn; cho vay chứng khoán; và bán khống.

nang-hang-thi-truong-chung-khoan-3

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu hội thảo. Ảnh: Trọng Hiếu.

Về vấn đề sở hữu NĐTNN, chúng ta cần tư vấn, rà soát các lĩnh vực cần và không cần kiểm soát. Theo tôi, chúng ta cần rà soát Quyết định 155 và một số quyết định khác. Ngoài ra, về tự do dòng chuyển vốn và giao dịch ngoại hối, đây là yếu tố vô ùng quan trọng với thị trường tài chính quốc tế.

Chúng ta cần tự do hóa hơn dịch chuyển dòng vốn và giao dịch ngoại hối. Cần nâng tính hấp dẫn của tiền đồng, để tiền đồng tự do chuyển đổi hơn cả trong và ngoài nước. Cuối cùng, mong Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất có đề án"“lấp lại" những khoảng trống chúng ta còn thiếu. Đâu đó chúng ta có những kế hoạch nhưng chưa có đề án cụ thể.

Không nhất thiết hạn chế tiếp cận thị trường với NĐTNN

Ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc, Trưởng Đại diện văn phòng Hà Nội, VinaCapital trình bày tham luận: Ý nghĩa và sự cần thiết của việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

TTCK Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong 10 năm qua. Cụ thể, vốn hóa thị trường trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM vào thời điểm cuối tháng 9/2023 là 246 tỷ USD, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày đạt khoảng 1,1 tỷ USD, lần lượt gấp 5,6 lần và gấp 17 lần so với 10 năm trước. Số lượng công ty có vốn hóa trên 1 tỷ USD hiện tại lên đến 48 công ty, so với 10 năm trước chỉ có 8 công ty.

TTCK Việt Nam hiện tại, vì nhiều lý do, vẫn được 2 tổ chức MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm thị trường cận biên. Với quy mô tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm qua, việc Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên được ví như "một con cá lớn nằm trong ao nhỏ" do Việt Nam đang chiếm tỉ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường cận biên, lên đến 29% trong chỉ số thị trường cận biên của MSCI và 38% trong chỉ số của FTSE Russell. Các nước xếp ngay sau Việt Nam chỉ có tỷ trọng trên dưới 10%.

Xét về quy mô vốn hóa và thanh khoản, TTCK Việt Nam hiện tại đã lớn hơn nhiều nước nằm trong các chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi. Tổng vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE vào thời điểm cuối tháng 9/2023 là 190 tỷ USD, gần tương đương với quy mô vốn hóa của thị trường Malaysia và lớn hơn nhiều thị trường châu Á (Philippines, Qatar, Kuwait…) hay châu Âu (Hy Lạp, CH Séc, Hungary…).

Về thanh khoản cũng tương tự như vậy, thậm chí thanh khoản, tính bằng giá trị giao dịch hàng ngày trên thị trường, của TTCK Việt Nam còn vượt Malaysia và tương đương với Indonesia, tức chỉ đứng sau Thái Lan ở trong khối ASEAN. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng nằm trong nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi.

Do đó, việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là cần thiết và xứng tầm với quy mô của TTCK Việt Nam. Việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ chỉ số (ETF).

Nhờ huy động được vốn, các doanh nghiệp niêm yết sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

dang-hong-quang1

Ông Đặng Hồng Quang. Ảnh: Trọng Hiếu.

Theo thống kê, hiện tại có 860 quỹ đầu tư trên thế giới sử dụng chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi làm chỉ số tham chiếu, tổng giá trị tài sản ròng lên tới 705 tỷ USD. Trong đó, có 844 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số thị trường mới nổi của MSCI làm tham chiếu với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 615 tỷ USD và 16 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số thị trường mới nổi của FTSE Russell làm tham chiếu với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 90 tỷ USD.

VinaCapital ước tính trong trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell.

Như vậy, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 5 đến 8 tỷ USD. Việc nâng hạng thị trường còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho TTCK Việt Nam, khắc phục tình trạng các NĐT cá nhân đang chiếm tỷ lệ giao dịch trên 90% toàn thị trường, thông qua việc tăng hút dòng vốn ngoại.

Điều này còn có tính thời điểm đặc biệt quan trọng khi dòng vốn quốc tế, nhất là dòng vốn của các Quỹ Hưu Trí và Quỹ Hiến Tặng lớn của phương Tây đang rút khỏi thị trường Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung. Các NĐT tổ chức quy mô cực lớn này đang tìm kiếm thị trường chứng khoán giàu tiềm năng khác để giải ngân.

Hiện tại, Việt Nam còn một số tiêu chí chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nâng hạng của 2 tổ chức MSCI và FTSE Russell. Tuy nhiên, có 2 tiêu chí cơ bản nhất đó là giới hạn tỷ lệ sở hữu cho NĐTNN và vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).

Về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, hiện tại, theo Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đang có 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

VinaCapital kiến nghị giảm bớt số lượng ngành nghề ở trong danh sách này đối với những ngành nghề không nhất thiết phải hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) cũng sẽ giúp NĐTNN có thể đầu tư vào những doanh nghiệp đã chạm giới hạn tỷ lệ sở hữu.

Về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), hệ thống giao dịch chứng khoán KRX đang được UBCK đặt mục tiêu đi vào vận hành vào cuối tháng 12/2023. Hệ thống này sẽ là cơ sở về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán.

Công ty chứng khoán cho biết có thể phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ ứng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ 100%. Về lâu dài, việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), trong đó ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ, sẽ giải quyết được vấn đề pre-funding.

PHẦN THẢO LUẬN MỞ

TS. Nguyễn Anh Tuấn là người điều phối. Các diễn giả gồm: Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Vũ Chí Dũng, Vụ Trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (UBCKNN); ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán: ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SmartInvest; ông Steve Brown, Giám đốc kinh doanh Khách hàng tổ chức CTCP Chứng khoán VPS; ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam.

nang-hang-thi-truong-chung-khoan4

Phần thảo luận mở của phiên I. Ảnh: Trọng Hiếu.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Trong phần I, chúng ta đã được nghe phát biểu khai mạc, phát biểu chào mừng và 3 tham luận của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức kinh tế và chuyên gia độc lập. Những vấn đề cần tập trung thảo luận, làm rõ tại hội thảo hôm nay đã được lãnh đạo UBCKNN gợi ý. Tôi muốn mở đầu phiên thảo luận bằng việc đánh giá lợi ích của Việt Nam khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Steve Brown, Giám đốc kinh doanh Khách hàng tổ chức CTCP Chứng khoán VPS. Ông có đồng tình với 2 đánh giá tại 2 tham luận vừa rồi về lợi ích của Việt Nam khi TTCK được nâng hạng lên thị trường mới nổi?

Nâng hạng thị trường thúc đẩy làn sóng đầu tư

Ông Steve Brown: 23 năm kể từ khi Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM được thành lập ngày 20/7/2000. Phiên giao dịch đầu tiên diễn ra vào ngày 28/7/2000 với 2 cổ phiếu niêm yết đầu tiên REE và SAM. Vốn hóa của Sở Giao dịch ban đầu khoảng 35 triệu USD. Vào năm 2005, TTCK Việt Nam chỉ có 10 công ty chứng khoán tham gia vào thị trường.

Đến năm 2007 con số này đã lên tới 52 công ty (tính đến thời điểm trước khủng hoảng tài chính toán cầu) và đến khoảng năm 2011-2012 có hơn 105 công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động, con số lớn nhất kể từ sự ra đời của TTCK Việt Nam.

Hiện tại, con số các công ty chứng khoán đang hoạt động đã giảm đi, thị trường đã được củng cố, nhất là vào năm 2015. Các phi vụ M&A lĩnh vực chứng khoán diễn ra với nhiều thương vụ lớn (ví dụ Công ty Hanwa, Hàn Quốc đã mua lại HFT Securities, một công ty môi giới chứng khoán nhỏ với giá trị 4,3 triệu USD (5 tỷ won vào quý II 2019).

Việt Nam hiện được coi là TTCK cận biên. TTCK VN hiện ở vị trí dẫn đầu và được đánh giá cao trong chỉ số Thị trường Cận Biên MSCI. Các tiêu chí định lượng được đáp ứng nhưng vẫn còn tồn tại những tiêu chí định tính.

Steve Brow

Ông Steve Brow. Ảnh: Trọng Hiếu.

Những vấn đề định tính nào đang là rào cản để đưa Việt Nam trở thành Thị trường mới nổi ? Vấn đề quan trọng nhất đối với cả MSCI và FTSE Russell là giới hạn sở hữu nước ngoài. Vì vậy, vấn đề trên sẽ liên quan đến NĐTNN hơn. Cụ thể hơn, sự mất công bằng của những NĐTNN qua những hạn chế trần sở hữu khối ngoại (FOL).

Việc công bố thông tin trong báo cáo quan hệ NĐT, những bản báo cáo bằng tiếng Việt tốt hơn khi so với bản tiếng Anh. Các vấn đề về thị trường ngoại hối - và thiếu trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán độc lập và yêu cầu NĐTNN cần có "ký quỹ trước" trước khi có thể đặt lệnh.

Lợi ích của việc nâng hạng thị trường: Thu hút được dòng tiền lớn và ổn định hơn; tạo ra các cơ hội để hoàn chỉnh thị trường qua việc nâng cao hoạt động quản lý, minh bạch, các vai trò của các nhà lãnh đạo độc lâp, nhận thức tốt hơn về những yếu tố có trong thị trường mới nổi và thị trường phát triển như CSR và ESG; hiệu ứng lan toả, nâng cao năng lực thị trường tài chính một cách toàn diện.

Việc nâng hạng thị trường sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư của các NĐTNN. Kinh nghiệm từ năm 2013 đến 2014 của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar khi thị trường chứng khoán của họ được chấp thuận nâng hạng từ MSCI Frontier (thị trường cận biên) lên MSCI Emerging (thị trường mới nổi) cho thấy khối lượng giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng lên gấp 2 cho đến gấp 5 lần trong khoảng thời gian - từ ngày thông báo đến ngày áp dụng - tính từ khối lượng hiện tại.

Với dự kiến thị trường Việt Nam sẽ nhận được 1-5 tỷ USD vốn từ nước ngoài khi được nâng hạng từ MSCI Frontier (thị trường cận biên) lên MSCI Emerging (thị trường mới nổi).

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta đã nói về lợi ích của nâng hạng thị trường, tuy nhiên bên cạnh lợi ích thì có rủi ro, ở đây có các chuyên gia kinh tế đầu ngành, các vị có nhìn thấy bên cạnh lợi ích như tại tham luận đã nêu thì có điều gì đang lo ngại, xin mời ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán? Có những ý kiến lo ngại nếu chúng ta đáp ứng tiêu chí chuyển đổi ngoại tệ, thì có rơi vào tình trạng như Thái Lan năm 2007 không, khi các NĐTNN rút vốn ồ ạt?

Nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ thu hút nguồn vốn quốc tế

Ông Nguyễn Sơn: Câu chuyện nâng hạng TTCK đã đặt ra cách đây 10 năm, tuy nhiên cần có thời gian và lộ trình thích hợp. Chúng ta đã từng bước tiếp cận các tiêu chí đánh giá đưa ra, song có một số yếu tố chúng ta cần cố gắng hoàn thiện.

nguyen-son

Ông Nguyễn Sơn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tôi thấy TTCK Việt Nam nâng hạng là một điều thành công và sẽ thu hút được nguồn vốn quốc tế, bởi nguyên tắc của các nhà đầu tư quốc tế là dựa trên xếp hạng thị trường để phân phối nguồn vốn đầu tư.

Vấn đề quan trọng bây giờ là đã đủ điều kiện nâng hạng hay chưa. Về cách tiếp cận dòng vốn lưu chuyển gián tiếp, hiện nay chúng ta tự do hóa tài khoản vốn 1 chiều, vì vậy câu chuyện rút vốn ra ồ ạt hiện nay chưa xảy ra, bởi gần đây ghi nhận lượng bán ròng của NĐTNN trên tài khoản tiền đồng, chứ chưa chuyển thành ngoại tệ để rút khỏi TTCK Việt Nam.

Về việc tiếp cận hệ thống bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), hiện nay đối với thị trường cơ sở, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chúng ta đang thực hiện theo hình thức thanh toán bù trừ đa phương.

Đối với thị trường trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp, chúng ta áp dụng thanh toán tức thời (khi giao dịch xong sẽ thanh toán luôn), nhưng chúng ta đang hướng đến là hệ thống CCP, bởi khi áp dụng mô hình này sẽ bỏ được prefunding và một số sản phẩm khác xử lý rủi ro sell out, buy in để xử lý tình trạng thiếu hụt khi chưa có "hàng", chưa có tiền.

Nếu không áp dụng CCP mà dùng mô hình thanh toán đa phương như hiện nay, thay vì ký quỹ 100% tiền trước khi đặt lệnh thì giao công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký thay NĐT làm việc đó được không? Theo tôi thì có thể được, nhưng cần tính đến rủi ro đổ vỡ và đạo đức khi các công ty chứng khoán lạm dụng việc đó, dẫn tới đổ vỡ thị trường.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi rất muốn nghe ý kiến ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, ông có đồng ý quan điểm tăng quyền cho các công ty chứng khoán trong việc tự quyết định hạn mức ký quỹ với mỗi nhà đầu tư?

Công ty chứng khoán có thể linh hoạt đặt cọc từ 5-20% giá trị giao dịch

Ông Phan Quốc Huỳnh: Chúng tôi thấy các diễn giả đưa nhiều quan điểm giao dịch của NĐT trong và ngoài nước với công ty chứng khoán. Đây rõ ràng là các giao dịch mang tính dân sự. Câu chuyện thực hiện ký quỹ, tôi khẳng định về lý thuyết thì công ty chứng khoán cần chủ động cùng NĐT chịu trách nhiệm giao dịch dân sự kinh tế này.

phan-quoc-huynh

Ông Phan Quốc Huỳnh. Ảnh: Trọng Hiếu.

NĐTNN có lý do của họ khi bơm tiền mua cổ phiếu, không mua được chứng khoán thì lại phải rút ra và từ đó chịu thiệt hại về tỷ giá, chi phí cơ hội… Chưa kể, còn trường hợp đã mua, nhưng trục trặc thanh toán?

Tôi nghĩ cần đặt ra hành lang pháp lý cho các giao dịch đó. Thông lệ các nước, không có ký quỹ đồng nghĩa coi là tín chấp. Chúng ta có thể đưa ra hạn mức về ký quỹ. Với công ty chứng khoán, trong trường hợp T+2 chứng khoán về, cần tính tỷ lệ bao nhiêu NĐT không thanh toán? Và trong trường hợp thị trường giảm, công ty chứng khoán phải bán tài sản để thu tiền, việc quản trị rủi ro sẽ ra sao?

Tôi nghĩ công ty chứng khoán có thể linh hoạt đặt cọc từ 5-20% giá trị giao dịch. Nhìn chung, công ty chứng khoán cần được giao đủ thẩm quyền và họ cần có quy chế phòng ngừa rủi ro.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Ý kiến của ông Phan Quốc Huỳnh đồng tình nhưng vẫn cần thêm quy định để xử lý rủi ro. Tôi muốn nghe ý kiến ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBCKNN), trong tham luận của mình, TS. Cấn Văn Lực đề xuất cần giải pháp nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của TTCK Việt Nam, ông có thể chia sẻ quá trình nâng cấp đang diễn ra như thế nào?

Nâng cấp hệ thống phải xem xét đột biến

Ông Vũ Chí Dũng: Đây rõ ràng là thách thức. Với sự tham gia của NĐTNN có quy mô lớn, một giao dịch 200-500 triệu USD là bình thường. Những giao dịch này cần có đối tác giao dịch, thậm chí là nhiều đối tác cùng tham gia.

vu-chi-dung

Ông Vũ Chí Dũng. Ảnh: Trọng Hiếu.

Khả năng đáp ứng của hệ thống, công ty chứng khoán được bao nhiêu? Sau khi giao dịch xong thì khả năng thanh toán phù trừ sẽ thực hiện như thế nào. Đây không chỉ phụ thuộc vào hệ thống giao dịch, công ty chứng khoán mà còn cả ngân hàng.

Hệ thống KRX đã có tính đến quy mô, cũng phải lường trước những trường hợp tăng quy mô đột biến. Chúng tôi có tham khảo TTCK UEA sẽ xử lý như thế nào. Nguyên tắc thị trường phải đảm bảo thông suốt, mọi giao dịch phải được thanh toán.

Tất cả nguyên tắc của MSCI hay FTSE Russell đề cập chuyển giao chứng khoán khi có tiền. Về cơ bản, hệ thống giao dịch, hệ thống công ty chứng khoán đã có tính toán nhưng phải xem xét đột biến đến mức nào.

Đồng thời, khi có sự xuất hiện của NĐTNN thì NĐT trong nước cũng tăng giao dịch. Khi thị trường đi xuống khả năng giao dịch tăng đột biến nhiều hơn nữa và chúng tôi phải có sự tính toán, đánh giá.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ông Vũ Chí Dũng. Theo mạch này tôi muốn nghe ý kiến ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT SmartInvest, các chuyên gia trình bày trước đã nhận diện rõ 2 rào cản cơ bản, nhìn dưới góc độ công ty chứng khoán, ông có đồng tình với ý kiến của các chuyên gia và có đề xuất gì thêm để tháo gỡ 2 rào cản này?

Công ty chứng khoán phải chịu rủi ro

Ông Trần Minh Tuấn: Liên quan tới việc nâng hạng TTCK, tôi đồng tình với ý kiến của các diễn giả, cơ quan quản lý.

Đứng trên góc độ kinh doanh trên thị trường, hiện nay chúng ta có 2 nấc: Một là nâng lên thị trường cận biên (FTSE) - chúng ta đang chỉ thiếu một tiêu chuẩn Prefunding (NĐT không có tiền trong tài khoản vẫn được đặt lệnh). Có 2 bước, 1 là đặt lệnh vào hệ thống, 2 là lệnh được khớp. Bước thứ 2 dẫn tới thanh toán bù trừ, hiện nay là T+2.

tran-minh-tuan

Ông Trần Minh Tuấn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Hiện Luật Chứng khoán chưa quy định về Prefunding. Hiện nay, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã làm cho NĐT và bị Ủy ban Chứng khoán (UBCK) phạt. Tuy nhiên, UBCK không cấm được CTCK, mà chỉ xử phạt khi đã xảy ra - đây là thực tế.

Như vậy, giống như 2010 khi Luật Margin chưa ra đời, CTCK cũng đã cho vay dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư, cũng đi cùng với đó là rủi ro. Kinh doanh là của CTCK và rủi ro đến đâu thì CTCK phải làm tới đó, ví dụ đánh giá về Prefunding tới đâu để cho vay - CTCK chịu hậu quả thì cũng nên để họ quyết định. Đây là quy định duy nhất cần khắc phục của FTSE.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Qua tiếp xúc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mong muốn nâng hạng TTCK Việt Nam đang là một chủ đề "hot" được bàn tán rất nhiều, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư đang mong đợi TTCK Việt Nam được nâng hạng. Đối với NĐTNN hiện có mấy chục ngành nghề đang hạn chế, danh mục các lĩnh vực đầu tư có điều kiện và việc nới room cho đối tượng này nên xử lý như thế nào, xin mời ý kiến ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội?

Minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp giúp NĐT dễ tiếp cận

Ông Phan Đức Hiếu: Để đạt mục tiêu cao trong phát triển thị trường vốn, theo tôi cần có kế hoạch hoặc chương trình hành động chia làm 3 cấp độ. Cấp độ 1 là hành động chính sách cao nhất, nghĩa là có những vấn đề buộc phải sửa đổi về luật pháp thì mới hành động được như thanh toán bù trừ, giới hạn sở hữu nước ngoài.

phan-duc-hieu

Ông Phan Đức Hiếu. Ảnh: Trọng Hiếu.

Trong trường hợp này nên bám sát các luật đang được xem xét sửa đổi như Luật Các tổ chức tín dụng. Cấp độ 2 là cấp độ hành động trong khuôn khổ chính sách đã có sẵn, tối đa hóa hành động trong khuôn khổi thể chế, như trong lúc chưa thu hẹp hoặc mở rộng sở hữu nước ngoài thì việc minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp sẽ giúp NĐTNN dễ tiếp cận, quản lý được tỷ lệ sở hữu.

Hiện nay, doanh nghiệp tự công bố, nhưng yêu cầu doanh nghiệp công bố kịp thời tỷ lệ sở hữu NĐTNN. Cấp độ 3 là vượt lên trên sự tuân thủ, tiếp cận từ góc độ doanh nghiệp. Nghĩa là thông lệ quốc tế rất phổ biến, luật quy định hoặc không yêu cầu phải làm, nhưng vì lợi ích nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể làm tốt hơn mức yêu cầu, thiết lập quản trị tốt hơn. UBCKNN đóng vai trò lớn trong cấp độ này.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn gợi ý ông Phan Đức Hiếu, vẫn là theo mạch câu hỏi vừa rồi xin mời ý kiến TS. Võ Trí Thành

Tránh trường hợp nâng hạng rồi xuống hạng

TS. Võ Trí Thành: Đầu tiên, tác động lan tỏa của thị trường tài chính rất lớn, rất dễ có những rủi ro đạo đức. Vấn đề đặt ra làm sao để minh bạch. Quản trị rủi ro ở đây không chỉ cho người giao dịch mà của cả thị trường.

Những trao đổi của TS. Cấn Văn Lực, tinh thần rất ổn nhưng để đi đến cụ thể phải xem xét đến tác động lan tỏa đến cả thị trường, nó không phải là vấn để rủi ro của người giao dịch, CTCK (ký quỹ hay không ký quỹ).

Tiếp theo, gắn với ý anh Nguyễn Sơn nói là với mức độ mở cửa cán cân thanh toán của Việt Nam (chuyển đổi đồng tiền Việt Nam) thì rủi ro không đáng ngại lắm. Thế nhưng, ở đây là câu chuyện "con gà, quả trứng", một trong những vấn đề quan trọng nhất của nâng hạng thị trường. Việt Nam muốn nâng hạng thì độ mở phải lớn hơn nhưng rủi ro rất lớn.

Giữa 2 việc này thì nên chọn đến mức nào. Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi đồng tiền đến 2020 thất bại và chưa có cửa đến 2023 có thể thực hiện. Trong đề án để xây dựng trung tâm tài chính Việt Nam, chúng tôi đã có tính đến điều này (chuyển đổi đồng tiền).

vo-tri-thanh

TS. Võ Trí Thành. Ảnh: Trọng Hiếu.

Vấn đề tiếp nữa, NĐTNN tham gia đã bàn rất lâu nhưng đến nay vướng mắc vẫn còn. Thứ nhất, vướng mắc liên quan đến cam kết của Việt Nam với thị trường quốc tế, độ mở với mỗi thị trường, mỗi quốc gia (mỗi FTA khác nhau).

Thứ 2, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đa phần 100%, nhưng FDI niêm yết trên sàn không được lên sàn 100%. M&A mập mờ giữa liên quan đến đầu tư nước ngoài tài chính hay thâu tóm.

Hiện nay, tất cả lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài không cấm nhưng vẫn có cài điều kiện, việc nay gây rối trong áp dụng ra sao. Chúng ta cho phép doanh nghiệp tự quyết định tỷ lệ sở hữu NĐTNN nhưng không thành công.

Chúng ta cho phép 2 ngân hàng nước ngoài sở hữu 49% nhưng cũng chưa được. Tóm lại, những vấn đề vướng mắc vẫn còn đó. Liệu có xử lý được không, trong khi chuyển đồng tiền Việt Nam đến 2030 không có cửa. Chúng ta muốn nâng hạng TTCK phải làm bài bản, tạo nền tảng tốt để tránh trường hợp nâng hạng rồi xuống hạng.

Nhìn vào phát triển thị trường trái phiếu, Việt Nam làm rất bài bản từ 2.000 nhưng không thực hiện và đến 5 năm trước mới mở ra. Vừa qua chúng ta gặp khủng hoảng. Tôi nhấn mạnh chúng ta muốn nâng hạng thì cần phải là bài bản, tạo nền tảng cơ bản cho thị trường để tránh nâng hạng rồi lại xuống hạng.

PHIÊN II: MINH BẠCH HÓA THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

PHẦN THAM LUẬN

Muốn nâng hạng thị trường phải minh bạch thông tin

Trinh bày tham luận "Giải pháp nâng cao tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trong nước", PGS-TS. Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết: Minh bạch thông tin là yêu cầu tất yếu nếu muốn nâng hạng thị trường.

Thực tế tại nhiều thị trường chứng khoán đang phát triển cho thấy, việc phụ thuộc vào mức độ tự nguyện trong cung cấp thông tin của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) thường đem lại hiệu quả không cao do các doanh nghiệp hiện nay chưa hiểu đúng về các lợi ích của minh bạch thông tin.

Kể cả khi các cơ quan quản lý có đưa ra hệ thống các quy định, văn bản luật đầy đủ về nghĩa vụ công bố, thì việc tuân thủ của các công ty vẫn rất hạn chế. Một số công ty công khai thông tin mang tính hình thức, thông tin không đầy đủ, thậm chí đôi khi còn thiếu chính xác nghiêm trọng.

tran-viet-dung

Ông Trần Việt Dũng. Ảnh: Trọng Hiếu.

Trong bối cảnh đó, để nâng cao minh bạch thông tin thị trường, thì vai trò của việc thanh tra giám sát thị trường là rất quan trọng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích; thực hiện phân bảng cổ phiếu niêm yết, nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu trong từng bảng; bổ sung các tiêu chí về quản trị công ty, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, và tỷ lệ lợi nhuận trên quy mô vốn.

Đồng thời, nâng cao khả năng phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm theo chế tài xử phạt đối với các công ty không công bố thông tin theo quy định. Để tăng cường tính minh bạch của các công ty đại chúng, cần triển khai áp dụng Thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN.

Thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN (the ASEAN Corporate Scorecard) được ban hành năm 2011 dựa trên các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD).

Việc áp dụng thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN sẽ giúp cung cấp nguồn thông tin hữu ích cho quyết định đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế, tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường chất lượng quản trị theo tiêu chuẩn của khu vực, từ đó nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán nội địa.

Bộ Tài chính cần bám sát tiến độ đã đề ra đối với việc áp dụng chuẩn mực IFRS, kịp thời chỉ đạo, đánh giá khả năng và tình hình triển khai của các công ty đại chúng nhằm đảm bảo thực hiện đúng thời gian quy định.

Đồng thời, tiến hành các biện pháp quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ VAS sang IFRS, đặc biệt là tại các doanh nghiệp có quy mô vốn hóa vừa và nhỏ, thông qua việc tổ chức các khóa tập huấn đối với bộ phận tài chính - kế toán của công ty, ban hành sổ tay hướng dẫn công việc, thành lập các tổ tư vấn chuyển đổi IFRS dưới hình thức hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp, xây dựng tổng đài, kênh giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời ngay khi có yêu cầu phát sinh, tránh tình trạng trậm trễ, bỏ sót, khó tiếp cận.

z4769406564672_93abd16444a42e1781dc45c5780305f9

 

Hoàn thiện yêu cầu niêm yết thông tin bằng tiếng Anh: Một trong những yêu cầu bắt buộc để nâng hạng thị trường vốn tại Việt Nam, theo đánh giá của tổ chức đánh giá thị trường vốn quốc tế MSCI, là việc đảm bảo công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong nhiều phương diện, tính minh bạch và công bằng của thông tin niêm yết được đặt lên hàng đầu.

Theo đó, ngôn ngữ công bố thông tin phải bao gồm cả tiếng Anh, với thời hạn cập nhật tương đương với bản công bố bằng tiếng Việt. Điều này buộc các công ty niêm yết trên thị trường sẽ cần phải chuyển đổi, bổ sung phương pháp công bố thông tin nếu muốn nhận được lợi ích từ dòng vốn quốc tế khi thị trường lên hạng.

Việc yêu cầu công bố bằng tiếng Anh cần được phân lộ trình thích hợp theo từng nhóm đối tượng. Trong ngắn hạn (6 tháng-1 năm), yêu cầu các công ty thuộc VN30, các công ty có vốn hóa thị trường lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh với chất lượng và mức độ chi tiết cao.

Trên 12 tháng, các công ty niêm yết có vốn hóa nhỏ hơn phải công bố thông tin bằng tiếng Anh nhưng với yêu cầu đơn gian hơn nhằm tiết kiệm chi phí, sau đó dần tiến tới sự đồng nhất về quy định giữa các công ty.

Ngoài ra, cần ban hành mẫu biểu thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, công khai trên cổng thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán, nhằm giúp chuẩn hóa thông tin niêm yết, giảm thiểu chi phí dịch thuật cho doanh nghiệp.

Cách FPT làm yên lòng NĐT

Bà Mai Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Marketing và Truyền thông kiêm Người ủy quyền công bố thông tin của FPT trình bày tham luận "Minh bạch hóa thông tin vì lợi ích nhà đầu tư":

Công bố thông tin công khai và minh bạch theo các quy định của pháp luật là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao uy tín và giá trị của công ty trong mắt NĐT.

mai-thi-lan-anh

Bà Mai Thị Lan Anh. Ảnh: Trọng Hiếu.

FPT luôn nỗ lực đảm bảo việc công bố thông tin đáp ứng nguyên tắc minh bạch, kịp thời, đầy đủ, chính xác và hướng đến mục đích cao nhất là đảm bảo quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư. Yếu tố này cũng đã giúp FPT luôn đạt thang điểm tối đa 100% ở hạng mục công bố thông tin và minh bạch do HoSE đánh giá.

Trước hết, FPT luôn tuân thủ mọi quy định về công bố thông tin đối với công ty niêm yết. 100% các nội dung thông tin cần công bố theo quy định được cập nhật trên website của Tập đoàn bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh cũng như các kênh theo quy định. Đối với báo cáo tài chính quý, FPT luôn là một trong số ít các công ty VN30 nộp báo cáo tài chính sớm nhất.

Không chỉ đảm bảo tuân

  • Read More
Hà Nội thông qua trình tự, thủ tục điều chỉnh xác định phân vùng môi trường

Hà Nội thông qua trình tự, thủ tục điều chỉnh xác định phân vùng môi trường

HĐND TP. Hà Nội thông qua trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong quy hoạch Thủ đô và một số quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt trên địa bàn thành phố.

Sự kiện - Tue, November 19, 2024 | 11:28 pm GMT+7

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội: Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thi hành Luật Thủ đô

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội: Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thi hành Luật Thủ đô

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, các đơn vị tập trung tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để bảo đảm các nghị quyết của HĐND đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực Luật Thủ đô 2024.

Sự kiện - Tue, November 19, 2024 | 11:27 pm GMT+7

Tổng Bí thư: Tập trung thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Tổng Bí thư: Tập trung thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Ngày 19/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Sự kiện - Tue, November 19, 2024 | 8:56 pm GMT+7

Hà Nội thông qua quy định thời hạn đảm nhiệm một số vị trí việc làm

Hà Nội thông qua quy định thời hạn đảm nhiệm một số vị trí việc làm

HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua quy định hợp đồng có thời hạn đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn.

Sự kiện - Tue, November 19, 2024 | 7:31 pm GMT+7

Chủ tịch UBND cấp xã ở Hà Nội được ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính

Chủ tịch UBND cấp xã ở Hà Nội được ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính

Những nội dung về ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã, cho các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng vừa được HĐND TP. Hà Nội thông qua sẽ góp phần cho địa phương, đơn vị giải quyết đã giảm thời gian, khâu trung gian, phục vụ kịp thời các người dân, doanh nghiệp.

Sự kiện - Tue, November 19, 2024 | 3:55 pm GMT+7

Hà Nội trao thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ chi thường xuyên

Hà Nội trao thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ chi thường xuyên

HĐND TP. Hà Nội đã thông qua quy định về thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí chi thường xuyên ngân sách thành phố để thực hiện mua sắm.

Sự kiện - Tue, November 19, 2024 | 2:58 pm GMT+7