Trên những nẻo đường phía Bắc

Ở một góc nhìn văn hóa, giao thông không chỉ là di chuyển, đi lại mà mỗi con đường mới mở ra, đi qua bao nhiêu vùng đất mới, cũng có nghĩa là đình chùa miếu mạo, lễ hội và văn hóa sắc tộc, cộng đồng ở hai bên con đường sẽ không còn bị ngủ quên nữa.
NHÀ VĂN SƯƠNG NGUYỆT MINH
22, Tháng 01, 2023 | 07:00

Ở một góc nhìn văn hóa, giao thông không chỉ là di chuyển, đi lại mà mỗi con đường mới mở ra, đi qua bao nhiêu vùng đất mới, cũng có nghĩa là đình chùa miếu mạo, lễ hội và văn hóa sắc tộc, cộng đồng ở hai bên con đường sẽ không còn bị ngủ quên nữa.

mu-cang-chi

Ảnh minh họa. Nguồn tỉnh Yên Bái

Trên những nẻo đường tôi đi, có lẽ quen thuộc nhất, lạ lẫm, hấp dẫn nhất vẫn là những con đường phía Bắc. Bắt đầu từ quốc lộ 1A, còn được gọi là đường thiên lý, đường cái quan, đường xuyên Việt. Km 0 của quốc lộ 1A nằm tại cửa khẩu Hữu Nghị ở biên giới Việt - Trung nơi thị trấn Đồng Đăng, thuộc huyện Cao Lộc của tỉnh Lạng Sơn, và điểm cuối là thị trấn Năm Căn, thuộc tỉnh Cà Mau, dài 2.482 km.

Lịch sử ghi nhận là nó được hình thành dần dần, bắt đầu từ thời đất nước phân chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nó tương đối hoàn chỉnh khi đất nước thống nhất hình chữ S dưới thời nhà Nguyễn. Khi ấy đường nhỏ chủ yếu dành cho đi bộ và vận chuyển người cùng hàng hóa trên lưng ngựa. Nó chỉ thực sự được mở rộng, nâng cấp, hoàn chỉnh kéo dài từ Hữu Nghị Quan đến Cà Mau vào thời Pháp thuộc để ô tô có thể lưu thông từ Bắc vào Nam. Cái đoạn quốc lộ 1A ở phía Bắc, từ Lạng Sơn qua Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội dài khoảng 170 km.

Chỉ riêng đoạn quốc lộ chưa đầy 200 cây số này, đã đi qua bao năm tháng gồng mình chở hàng triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới Việt - Trung và đi qua trùng trùng khu vực di sản văn hóa: Ải Nam Quan, pháo đài Đồng Đăng, Ải Chi Lăng, Xương Giang, chùa Vĩnh Nghiêm, Kinh Bắc, phòng tuyến Sông Cầu, văn hóa Tràng An…Tôi cũng đã vài ba lần rong ruổi trên quốc lộ số 3. Quốc lộ số 3 bắt đầu từ bắc cầu Đuống (Yên Viên - Hà Nội) qua Phù Lỗ đi Thái Nguyên, Bắc Kạn, lên thành phố Cao Bằng qua Quảng Yên và điểm cuối là cửa khẩu Tà Lùng tại biên giới Việt – Trung, dài 350 cây số. Đường quanh co, phải qua đèo Giàng, đèo Gió, đèo Ngân Sơn, đèo Cao Bắc, đèo Tài Hồ Sìn.

Hai bên Quốc lộ số 3 là trùng trùng di sản lịch sử, văn hóa. Chỉ cách 3 cây số là thành Cổ Loa xưa, nay vẫn còn dấu tích lưu lại hơn ngàn trượng, đắp hình vòng ốc với huyền thoại nỏ thần chống quân xâm lăng Triệu Đà cùng câu chuyện tình Mị Châu - Trọng Thủy: "Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu". Rồi đền Sóc thờ Thánh Gióng đánh giặc Ân. Ngược lên là Trung Giã, là huyền thoại hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa, hồ Ba Bể. Lên Cao Bằng là những danh thắng như Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao và khu di tích lịch sử Pác Pó.

Hơn 20 năm trước, ngược quốc lộ số 3 là cả một hành trình gian lao, chật vật, bây giờ: "Khi trở lại Cao Bằng, qua đèo Mây đèo Gió/ Suối róc rách reo vui trên đường về Pác Bó", là một chuyến du ngoạn đầy hấp dẫn, kỳ thú.Tôi biết đến quốc lộ số 2 cách đây gần nửa thế kỷ. Dạo đó, còn là một cậu học sinh phổ thông, đúng kỳ nghỉ hè, tôi ngồi ô tô khách đi trên con đường này một cách thích thú, cái gì cũng mới mẻ, hấp dẫn. Quốc lộ 2 bắt đầu từ ngã ba Phù Lỗ qua Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, qua cầu Đoan Hùng lên Tuyên Quang, ngược Bắc Mê, lên Hà Giang và điểm cuối là cửa khẩu Thanh Thủy tại biên giới Việt – Trung, dài 300 cây số. Hồi ấy đường hẹp, mỗi khi gặp xe ngược chiều là phải đứng lại nhường đường và rất nhiều ổ gà ổ voi, nhiều gấp cua tay áo. Những phút lạ lẫm, thích thú ban đầu qua nhanh, tôi xây xẩm mặt mày, ù tai hoa mắt bởi say xe.

Khi xe đến Đầm Hồng, Chiêm Hóa, thì tôi xuống đi bộ thêm hai tiếng đồng hồ vào tới bản Liệt, nơi cha tôi và ông cậu làm thợ mộc đang dựng nhà cho người Dao. Phải đến mấy ngày sau, tôi vẫn chưa hoàn hồn. Bây giờ, mỗi khi nghĩ lại chuyến đi ngày xưa ấy, hình ảnh con đường xấu xí, chật hẹp cứ hiện lên song hành cùng con đường hiện tại rải nhựa dịu dàng như dải lụa quấn hững hờ quanh các triền núi, trải dài qua các thung lũng trù phú. Tôi cũng vài lần đi trên quốc lộ số 4 tuyến vành đai kéo dài suốt từ Quảng Ninh đến Điện Biên.

Còn quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng, rồi cả đường vành đai biên giới phía Bắc, cũng đã thành quen thuộc, những đường liên tỉnh, liên huyện… cứ chằng chịt như mạng nhện, thì vẫn là hành trình phía trước đầy lạ lẫm, kỳ thú, vẫn rất cần khám phá. Mỗi con đường như là một mạch máu làm cho vùng đất nó đi qua nhuận sắc, tươi hồng, và cũng chứng kiến đời sống văn hóa, số phận con người mỗi vùng đất ấy.

Tôi đã nhiều lần lên du ngoạn ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Xã Ngọc Chiến có bản Lướt suối nước nóng, khách du lịch và những người dân đến đây chữa bệnh trước tôi nhiều năm. Xã Ngọc Chiến có 15 bản người dân tộc thiểu số như bản Phày, bản Lướt, Căm Pộng, Nậm Nghẹp, Nà Pâu… Từ Hà Nội đi bản Lướt mất hơn 300 cây số theo quốc lộ 32, qua lối Nghĩa Lộ, ngược đèo Khau Phạ dài 30 cây số, một trong "Tứ đại đèo Tây Bắc", sang Mù Cang Chải rồi đến. Quốc lộ 32 chỉ là một con đường liên tỉnh nhưng đi qua vùng Than Uyên, có văn hóa Mường Than, qua Mường Lò của người Thái (Nghĩa Lộ) với các lễ hội đặc sắc như lễ hội hoa ban, lễ hội xuống đồng, múa xòe…

Xe chúng tôi hồng hộc lên dốc, băng băng đổ đèo Khau Phạ. Khau Phạ có nghĩa là "Sừng Trời", cái sừng núi đá nhô lên tận trời xanh, có khi Khau Phạ còn được ví là "Cổng Trời". Vượt qua Cổng Trời sang Mù Cang Chải, tôi chợt nghĩ về những ngày tuổi thơ đọc bài viết "Một lần đến Mù Cang Chải" của ai đó không nhớ, nhưng mỗi khi cái danh từ "Mù Cang Chải" vang lên thì cảm giác xa vời vợi lại ập về. Vậy mà, đường đẹp, cảnh sắc cũng đẹp.

Hết đường cao tốc thẳng thớm êm ru, rồi lại đường quốc lộ, đường đèo núi quanh co trải nhựa có vạch phân làn, có rào chắn bảo vệ phía vực và sơn phản quang. Hai bên đường phong cảnh hữu tình nên thơ, những mái nhà sàn thấp thoáng dưới tán cây và đôi khi bắt gặp mấy con dê vặt lá ăn mải miết, hay vài con ngựa gõ móng trên đường nhựa, thấy đồng bào đang gò lưng gùi ngô xuống dốc. Ở điểm nhảy dù trên đèo Khau Phạ, có chỗ dừng chân, có đài quan sát và chụp ảnh. Du khách có thể trải nghiệm "Bay trên mùa vàng Mù Cang Chải" hay chiêm ngắm những cánh diều lượn phiêu du trên vô vàn các thửa ruộng bậc thang xếp như những vân hoa tay uốn lượn mềm mại dưới thung lũng rộng và trên sườn đồi.

Con đường chật hẹp, gập ghềnh ổ gà ổ voi, mỗi khi mưa lớn là sạt đồi lở núi, giao thông bị chia cắt đã lùi xa vào dĩ vãng, chỉ còn trong câu chuyện kể ngày xưa và xa vắng buồn bã cũng đã trở nên gần gũi đông vui. Ấy là phải kể đến giao thông, đường đi đến đâu ấm no tràn đến đó.Nói đến các nẻo đường phía Bắc thì không thể quên quốc lộ 6 bắt đầu từ cầu Trắng, Hà Đông qua Xuân Mai, Hòa Bình, Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo, Điện Biên và điểm cuối Mường Lay, dài 504 cây số. Lộ 6 được xây dựng từ thời Pháp chiếm Hà Nội, lúc đầu mới đến Hòa Bình. Về sau, để phục vụ công cuộc khai phá Tây Bắc cùng bộ máy làm việc của châu, phủ, khu tự trị, thì lộ 6 được kéo dài đến Sơn La, và tiếp tục được hoàn thành khi người Pháp xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ.

Dĩ nhiên, cái thời xa xưa ấy, đường 6 nhỏ hẹp, quanh co và phải vượt qua nhiều đèo cao, qua văn hóa Mường Bi, Mường Tấc, Mường Thanh. Đi trên quốc lộ 6, cảm xúc ngập tràn nhất trong tôi là lúc vượt đèo Pha Đin giữa mù sương. Đèo Pha Đin dài 32 cây số, ở độ cao hơn 1000 m, như là nơi đất trời gặp nhau. Đường đèo quanh co, nhiều cua tay áo, chênh vênh một bên là núi dựng đứng, một bên là dốc sâu thăm thẳm. Đường đèo Pha Đin giữa thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, điệp trùng rừng núi. Không còn cảnh đường khó đi khúc khuỷu, trên trời máy bay Pháp oanh tạc và đoàn dân công hỏa tuyến gánh gạo, gánh đạn tiếp tế cho mặt trận Điện Biên Phủ, hình ảnh "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát" chỉ còn trong sách vở.

Bây giờ, quốc lộ 6 trải nhựa dài rất đẹp, nhiều chỗ đường cắt qua núi đồi, nhiều đoạn cua rộng thênh thênh, làm cho tuyến đường vốn nguy hiểm và đi lại trầy trật ngày xưa đã trở nên thuận tiện, an toàn. Đường đi đến đâu là kinh tế, xã hội, văn hóa phát triển đến đó. Nhưng, cũng lại có ý kiến đường mở đến đâu rừng mất đến đó. Là bởi giao thông thuận lợi, đường xuyên rừng, hay đi qua bìa rừng thì lâm tặc dễ đưa xe tải, cưa công nghiệp để vào rừng sâu hơn, tiếp cận và săn bắt thú dễ dàng hơn, hậu quả là phá rừng cũng thảm hại hơn. Còn cứ để đó, con người xa lăng lắc với rừng xanh núi đỏ, thì đại ngàn vẫn thăm thẳm đại ngàn. 

Tôi có dịp đi từ Mù Cang Chải - Yên Bái sang Ngọc Chiến của huyện Mường La - Sơn La, rồi phải bỏ ô tô mà cưỡi xe máy từ bản Lướt qua bản Phày, bản Chăm Pộng, lên Nậm Ngẹp ở độ cao gần 2000 m. Nậm Ngẹp có nghĩa là vùng đất nghèo khó, có người bảo Nậm Ngẹp là vùng đất trong cùng, đến đó là… "cùng đường", núi đồi dựng đứng chắn ba bề bốn bên, không còn lối đi nữa. Con đường gập ghềnh, khúc khuỷu, có nhiều dốc dài, trầy trật bánh xe máy. Vào ngày mưa thì xe máy cũng không đi được vì trơn, chỉ còn nước bỏ giày dép mà… đi bộ.

Có lẽ lối vào Nậm Ngẹp quá khó khăn nên cái bản người Mông xa vắng cuộc sống công nghiệp và kinh tế thị trường, vẫn còn nặng về tự cung tự cấp. Còn gần hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán mà đã lác đác những hoa đào nở sớm đỏ hồng trên nền xanh ngằn ngặt của rừng. Những cây sơn tra (táo mèo) bỏ quên không hái, quả rụng cồn đống dưới gốc... Đột nhiên, tôi chợt nghĩ: Nếu đường công nghiệp (nhựa, hoặc bê tông) chạy lên tới cái bản của người Mông xa ngái trên độ cao gần 2000 m này thì con người và rừng Nậm Ngẹp sẽ ra sao? Chắc chắn đời sống kinh tế sẽ cải thiện, người Mông trên núi cao sẽ gần với văn minh công nghiệp hơn, nhưng văn hóa bản địa ít nhiều sẽ phôi phai và núi rừng sẽ bớt xanh hơn lúc người Mông còn biệt lập, đóng kín.

Trên đất nước hình chữ S thân thương này còn bao nhiêu bản làng chưa có đường công nghiệp tới, và có rồi thì cuộc sống và văn hóa nơi ấy sẽ ra sao?Vẫn phải mở đường mới, không thể khác được. Nhà văn Lỗ Tấn nói: "Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi mà thành đường". Đấy là cách đi đường cũ, mở ra theo thói quen. Còn bây giờ là thời đại mới, là mở đường có ý thức, có khát vọng, thì những con đường mới càng phải được mở ra, để mà phát triển và cũng là để gìn giữ nữa chứ!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ