cfb637390c90cace9381

 

Đầu tháng 9, sau một tuần kể từ khi Tập đoàn bất động sản lớn nhất tại TP.HCM thông báo sẽ cắt giảm 40% nhân sự vì doanh nghiệp gặp khó khăn. Võ Thuý Hà, Phó phòng Marketing nhận được thông tin mình trong nhóm nhân sự bị cắt giảm lần này.

Cầm tờ giấy thông báo trên tay, cô gái 29 tuổi không tin vào sự thật này bởi với kinh nghiệm 7 năm trong ngành, cùng với cống hiến của mình ở tập đoàn mà vẫn nằm trong danh sách bị cho thôi việc.

Buồn hơn nữa là hơn một năm nay cô phát hiện mình bị bệnh ung thư và đang trong thời gian điều trị, mỗi tháng tiền lương của cô ở doanh nghiệp này cũng tạm đủ để cô hoá trị cũng như thuốc thang.

"Trong thông báo cắt giảm nhân sự, tập đoàn đưa ra 3 sự lựa chọn cho chúng tôi, một là tiếp tục làm không lương thì tập đoàn sẽ đóng bảo hiểm lao động, hai là tiếp tục làm việc nhưng nhận mấy chục % lương, và cuối cùng là nghỉ việc khi nào công ty ổn định sẽ mời đi làm lại.

Tuy nhiên, hiện tôi bị bệnh nặng, cần tiền điều trị và sinh hoạt nên không thể lựa chọn các giải pháp tập đoàn đưa ra. Nhưng từ tháng 10 tới nay tôi mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng vẫn không công ty nào nhận bởi các doanh nghiệp bất động sản đều thông báo cắt giảm nhân sự cũng như không tuyển nhân sự mới. Tôi tính tuần sau sẽ trả nhà trọ, về quê sau tết quay lại xin việc vì giờ đây ở lại cũng không thể xin được việc mà chi phí ở thành phố rất lớn", Hà chia sẻ.

0b77101496be50e009af

 

Đồng cảnh ngộ, Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên kinh doanh của Tập đoàn Danh Khôi cùng vừa nhận được thông báo "mất việc". Tuấn kể, hai vợ chồng là nhân viên kinh doanh bất động sản, vợ Tuấn làm cho một công ty môi giới tại quận 1, nhưng từ tháng 9 công ty thông báo dừng hoạt động vì 4 tháng không bán được sản phẩm nào nên không có tiền để duy trì hoạt động.

Tập đoàn Danh Khôi nơi Tuấn đang làm thì cũng 3 tháng chưa có tiền trả lương cho toàn bộ nhân viên. Và giờ đây, lãnh đạo Tập đoàn này thông báo cắt giảm hàng chục % nhân sự.

"Hai vợ chồng tôi đều dân tỉnh lẻ vào TP.HCM lập nghiệp, năm 2019 tích góp mua được căn hộ chung cư trả góp, mỗi tháng chung tôi phải trả gần 20 triệu tiền ngân hàng. Vợ tôi cũng đang có bầu sắp sinh, giờ đây cả hai vợ chồng cùng mất việc sẽ không biết xoay sở xao cho cuộc sống sắp tới, nhất là tết đã cận kề", anh Tuấn nói.

Hạnh phúc hơn chị Hà và anh Tuấn là công ty không cắt giảm nhân sự nhưng thay vào đó là công ty sẽ cắt giảm 40% lương và sẽ thanh toán lương theo quý, mỗi quý trả lương 1 lần cho nhân viên. Chị Phạm Hồng Tiên, Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP bất động sản Hải Hà tại TP.HCM kể mình giờ đâu còn lựa chọn nào khác ngoài đồng ý giải pháp này của doanh nghiệp.

"Những năm trước, bình quân mỗi tháng chúng tôi bán được hàng trăm sản phẩm, và chỉ sợ thiếu hàng để bán. Nhưng từ đầu năm 2022 tới nay, hàng không thiếu để bán nhưng người mua lại không có. Lý do vì ngân hàng không có tiền cho vay, cộng thêm các tin đồn xấu về thị trường khiến khách hàng e ngại không mua bất động sản. Hàng không bán được, đồng nghĩa với việc công ty không có nguồn thu và từ đây cũng không có tiền trả lương cho nhân viên", chị Tiên kể.

Trao đổi với Nhadautu.vn, bà N.H, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Đ.P, cho biết từ tháng 10 doanh nghiệp đã rục rịch cắt giảm 10% nhân sự doanh nghiệp. Các bộ phận cắt giảm nhiều nhất là giám sát công trình.

Điểm đặc biệt là doanh nghiệp này trước nay được biết đến là doanh nghiệp "mạnh gạo bạo tiền" khi không phải vay ngân hàng quá nhiều. Bên cạnh đó, dự án bán lớn và lượng hàng sẵn để bán cao. Tuy nhiên, từ năm 2022 tới nay, số lượng hàng bán ra rất thấp do ảnh hưởng thị trường nên doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự.

286a86cabd637b3d2272

 

Thành lập công ty môi giới bất động sản từ năm 2016, khi thị trường bất động sản phát triển mạnh trở lại, có thời điểm Công ty CP bất động sản Hà Thanh do ông Lê Tuấn Võ, làm Tổng giám đốc có tới 300 nhân viên. Nhưng từ năm 2021 tới nay công ty của ông Võ đã phải chật vật duy trì hoạt động và buộc cắt giảm nhân viên.

"Năm 2021 do ảnh hưởng đại dịch, không có nhiều hàng để bán, nhưng còn có thể tồn tại vì vẫn giao dịch dù thưa thớt. Nhưng bước vào năm 2022, 8 tháng đi qua chúng tôi chỉ có 7 giao dịch. Trong đó tiền trả mặt bằng công ty, lương cho nhân viên, điện nước… mỗi tháng chúng tôi lỗ 1 tỷ đồng. Giờ không thể gồng lỗ nên trong tháng 10 tôi quyết định tạm đóng cửa doanh nghiệp để chờ thời mở lại", ông Võ nói.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding cho biết đã nhiều tháng nay doanh nghiệp của ông chỉ có vài giao dịch thành công. Mỗi tháng ông phải gồng lỗ hơn 1 tỷ đồng trả lương và các chi phí khác cho công ty.

Trong báo cáo mới đây về tình hình thị trường BĐS của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - BĐS Dat Xanh Services (FERI) đã đưa ra một số liệu đáng "giật mình" đó là 10 tháng năm 2022, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300 doanh nghiệp, tăng 52,8% so với cùng kỳ.

62c08ca00a0acc54951b

 

Số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể gần 1.000 doanh nghiệp, tăng 42% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại mô hình, giảm quy mô, tinh giảm hệ thống nhân sự.

Giao dịch không có dẫn tới tình trạng doanh thu của các doanh nghiệp môi giới sụt giảm. Hệ quả, thu nhập của môi giới cũng gặp nhiều khó khăn, chưa kể phải chịu âm do tiền chạy quảng cáo, chi phí phát sinh. 

0a5841e07a49bc17e558

 

Trong tình hình khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay, để doanh nghiệp tồn tại, nhiều chủ doanh nghiệp đã chọn giải pháp "đi buôn" để có tiền nuôi quân.

Đơn cử như câu chuyện của bà Mỹ Lệ, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản MULand. Từ năm 2021, doanh nghiệp môi giới nay chật vật trong việc bán hàng, lượng hàng bán ra không nhiều trong khi tiền để vận hàng doanh nghiệp và nuôi nhân viên quá lớn.

Để tồn tại, bà Lệ cho biết mình đã xoay chuyển bằng cách đi buôn đất. Cụ thể, bà Lệ đi các tỉnh phụ cận TP.HCM, mua quỹ đất rồi bán lại cho các nhà đầu tư khác, hoặc làm môi giới quỹ đất cho các bên lấy tiền hoa đồng và dùng tiền đó để bù đắp và các khoản chi phí của doanh nghiệp hàng tháng.

0d88e7e86142a71cfe53

 

"Đi buôn tuy vất vả, nhưng đây là giải pháp khả quan nhất cho tôi để giúp doanh nghiệp của mình có thể tồn tại vượt qua tình hình khó khăn chung của thị trường hiện nay", bà Lệ nói.

Cũng lựa chọn giải pháp đi buôn để doanh nghiệp tồn tại, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corp cho biết từ năm 2021 tới nay bà đã thay đổi mô hình kinh doanh.

Cụ thể bà đóng phần môi giới bán hàng mà chỉ chú trọng vào đầu tư dự án. Đặc biệt là đi tìm kiếm quỹ đất, dự án các tỉnh rồi thâu tóm và tìm nhà đầu tư để bán lại. Lợi nhuận đó để nuôi nhân viên và đưa công ty vượt qua khó khăn hiện tại.

Trao đổi với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản phía Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp đều cho biết đang cố gắng tìm mọi cách để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Trong đó ví dụ như Trần Anh Group, để bán được hàng thay vì bán nhà thô doanh nghiệp này quyết định hoàn thiện luôn nội thất sản phẩm nhà rồi bán cho khách hàng để khách hàng có thể mua để ở ngay. Bên cạnh đó, công ty liên kết làm nội thất sẽ được doanh nghiệp thanh toán bằng trả sản phẩm bất động sản thay vì trả bằng tiền mặt. Cách này vừa giúp doanh nghiệp giải quyết lượng hàng và đa dạng dòng sản phẩm bán cho khách hàng.

e66d79c31769d1378878

 

Tập đoàn Nova, Hung Thịnh… thì giảm giá từ 45 tới 50% giá trị sản phẩm nếu khách hàng mua nhà thanh toán 95% giá trị sản phẩm ngay khi ký hợp đồng mua bán.

Trong đó, đã có nhiều doanh nghiệp quyết định bán bớt quỹ đất của mình để lấy tiền duy trì phát triển doanh nghiệp của mình. Đơn cử như Tập đoàn Phát Đạt đang thông báo chào bán quỹ đất lớn tại Bà Rịa – Vũng Tàu…

Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh Group cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần đẩy nhanh tiến trình sửa đổi Luật theo hướng phù hợp tình hình thực tế để nhanh chóng đi vào triển khai, sớm tạo ra hành lang pháp lý, môi trường minh bạch cho các hoạt động bất động sản.

Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, góp phần khôi phục thị trường theo hướng tích cực như: Tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án, xây dựng các cơ chế theo hướng mở, phù hợp với tình hình hiện nay cũng là công tác cần được coi trọng.
Bên cạnh đó, đề xuất triển khai song song công tác thanh tra với việc triển khai các chính sách phát triển NƠXH nhằm cân bằng nguồn cung, giá cả. Cũng như, cần xây dựng giải pháp mở rộng, đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường. 

589b56fcd05616084f47

 

GIA HUY - MINH ANH