Sẽ rất tốn kém để đạt được mục tiêu cân bằng khí thải

Bà Kelly Sims Gallagher, Trưởng cố vấn về chính sách khoa học và phát triển của Nhà Trắng thời ông Obama cho rằng những mục tiêu tài chính 100 tỷ USD dành cho biến đổi khí hậu mà các nước giàu có cam kết trong COP26 dù có đạt được cũng chỉ như muối bỏ biển, thế giới sẽ cần hàng nghìn tỷ USD.
MINH TIỆP
09, Tháng 11, 2022 | 09:14

Bà Kelly Sims Gallagher, Trưởng cố vấn về chính sách khoa học và phát triển của Nhà Trắng thời ông Obama cho rằng những mục tiêu tài chính 100 tỷ USD dành cho biến đổi khí hậu mà các nước giàu có cam kết trong COP26 dù có đạt được cũng chỉ như muối bỏ biển, thế giới sẽ cần hàng nghìn tỷ USD.

Vào tháng 9/2021, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cam kết tăng gấp đôi số tiền viện trợ của nước mình cho các quốc gia đang phát triển để đối phó với biến đổi khí hậu lên 11,4 tỷ USD mỗi năm vào năm 2024. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đưa ra lời hứa hứa tương tự về năng lượng xanh và carbon thấp.

Tuy nhiên, hơn một năm sau, cả hai nhà lãnh đạo đều chưa làm được điều đó: Quốc hội Hoa Kỳ vẫn chưa trích lập bất kỳ quỹ bổ sung nào liên quan đến khí hậu cho các nước đang phát triển và Trung Quốc cũng không thể hiện nhiều trong việc thúc đẩy năng lượng sạch ở các nước nghèo. Trên thực tế, theo các nhà phân tích tại Đại học Phục Đán, các khoản tài chính và đầu tư liên quan đến dầu mỏ của Trung Quốc vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2021 so với năm trước, trong khi các khoản đầu tư vào năng lượng xanh của họ vẫn giữ nguyên.

Anh01-NetZero-Herdboy

Một cậu bé chăn bò người Turkana gần các tuabin gió ở quận Loiyangalani, Kenya, tháng 9/2018. Ảnh: Thomas Mukoya/Reuters.

Trên khắp thế giới, các chính phủ, đặc biệt là ở những đất nước giàu có, đang không tuân thủ các cam kết về tài chính đối với khí hậu của họ. Tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc 2021 ở Glasgow, các nhà đàm phán của các chính phủ buộc phải thừa nhận rằng họ đã không đạt được mục tiêu huy động 100 tỷ USD tài chính cho khí hậu từ các nguồn công và tư vào năm 2020 và họ có thể sẽ không tiếp tục tìm kiếm nguồn tiền cho đến năm 2023.

Trong khi đó, Liên minh tài chính Glasgow vì cân bằng khí thải, một liên minh các tổ chức tài chính tư nhân cam kết thực hiện hành động nhanh chóng để hạn chế lượng khí thải carbon và đưa nền kinh tế toàn cầu tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đã bắt đầu tan rã khi các thành viên đã thất bại trong việc hạn chế tài chính cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới.

Không chỉ các chính phủ và các công ty tư nhân đang lùi bước khỏi các cam kết về khí hậu của họ. Tại một sự kiện vào tháng 10/2022, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass đã từ chối thừa nhận rằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra biến đổi khí hậu, càng không trả lời câu hỏi liệu giải quyết biến đổi khí hậu có phải là trọng tâm trong sứ mệnh của tổ chức tài chính dành cho phát triển lớn nhất thế giới hay không.

Theo cơ sở dữ liệu về dự án của Ngân hàng Thế giới, họ đã đầu tư 31,6 tỷ USD vào năng lượng tái tạo và 34,4 tỷ USD cho việc truyền tải và phân phối điện kể từ khi Hiệp định khí hậu Paris được thông qua vào năm 2015. Nhưng họ cũng đã đầu tư 18,8 tỷ USD vào dầu khí. Có thể một số khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch đã giúp xóa đói giảm nghèo hoặc tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng ở các nước đang phát triển, nhưng việc ngân hàng thiếu một chiến lược chặt chẽ cho quá trình chuyển đổi năng lượng đã làm mất lòng tin của công chúng.

Một sự kìm hãm khác trong quá trình chuyển đổi năng lượng là giá năng lượng cao và biến động mạnh cũng như lạm phát đang tăng lên nhanh chóng. Người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng nặng nề không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn ở các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, nơi có tới 20 triệu người đã chậm trả hóa đơn tiền điện.

Trong năm nay, giá dầu thô bắt đầu ở mức 86 USD/thùng, tăng lên mức cao nhất là 122 USD vào tháng 6 trước khi giảm trở lại 89 USD vào tháng 10. Đáng lo ngại hơn khi mùa đông đến gần, giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm tại châu Âu và Hoa Kỳ. Tại châu Á, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng cũng đã tăng đột biến, đặt ra câu hỏi về khả năng của các quốc gia trong việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi từ than sang khí thân thiện với khí hậu hơn.

Anh02-NetZero-Cop27

Các nhà đàm phán về khí hậu của các chính phủ đã có mặt tại COP27. Ảnh: NYT.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ đẩy nhanh các xu hướng lạm phát này mà còn làm lệch hướng sự chú ý của các nhà lãnh đạo thế giới khỏi các nỗ lực thích ứng và giảm nhẹ sự khẩn cấp về khí hậu. Hoa Kỳ đã cam kết viện trợ quân sự 17,5 tỷ USD cho Ukraine. Chỉ 2/3 số tiền đó sẽ cho phép ông Joe Biden thực hiện cam kết tài chính khí hậu của mình đối với thế giới đang phát triển. Cuộc chiến, cùng với nhiều yếu tố khác, đã khiến các chính phủ, tập đoàn và các tổ chức tài chính phát triển từ bỏ khoản tài chính dành cho khí hậu vào đúng thời điểm cần thiết nhất.

Các nhà lãnh đạo thế giới hiện đã có mặt tại khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh ở Biển Đỏ, Ai Cập để dự COP27 - Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm nay. Họ phải đối mặt với sự đi chệch hướng của những nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Để đưa nó trở lại đúng hướng, họ sẽ cần phải làm nhiều hơn là đáp ứng các cam kết tài chính khí hậu và khuyến khích các tổ chức tư nhân làm điều tương tự. Họ sẽ cần phải rà soát lại toàn bộ cấu trúc của tài chính phát triển, thúc đẩy tất cả các nguồn vốn trong thế giới đang phát triển để thực hiện mục tiêu về một tương lai carbon thấp và tập hợp lại các chiến lược quốc gia về nhu cầu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 và sự bền vững về khí hậu.

Không thể phớt lờ sự thật

Năm 2022 vẫn chưa kết thúc nhưng đã là một năm xảy ra những cuộc khủng hoảng khí hậu tàn khốc. Pakistan tiếp tục hứng chịu đợt lũ lụt kỷ lục bao phủ 1/3 đất nước, ảnh hưởng đến 33 triệu người và gây ra 1.500 ca tử vong, trong đó có 552 trẻ em. Ước tính thiệt hại ban đầu ít nhất là 40 tỷ USD.

Vào tháng 10, Nigeria cũng phải vật lộn để đối phó với trận lụt lớn khiến hơn 1,4 triệu người phải di dời, hơn 600 người thiệt mạng và làm hư hại, phá hủy khoảng 440.000ha đất nông nghiệp - điều này sẽ góp phần làm nghiêm trọng hơn tình trạng khan hiếm lương thực. Trung Quốc cũng ghi nhận đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất và mùa hè khô hạn thứ ba trong năm nay, cả hai đều gây ra cháy rừng, mất mùa và thiếu nước cho thủy điện.

Anh03-NetZero-Pakistan

Lụt lịch sử tại Pakistan năm 2022. Ảnh: NatGEO.

Những thảm họa như vậy đã trở nên phổ biến một cách đáng sợ, khiến các nước đang phát triển yêu cầu bồi thường cho "những mất mát và thiệt hại" do biến đổi khí hậu mà các nước phát triển đã gây ra. Một nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, được gọi là V-20, dự kiến sẽ khởi động một cơ chế bảo hiểm mới với các nước G-7 tại COP27 được gọi là Lá chắn toàn cầu chống lại rủi ro khí hậu. Cơ chế này sẽ thiết lập các quỹ và khoản trợ cấp được thu xếp trước cho bảo hiểm để giúp các xã hội gặp rủi ro khi đương đầu với thảm họa khí hậu. Những sáng kiến như vậy rất đáng khen ngợi, nhưng chúng sẽ không đủ cho tất cả các quốc gia. Một số nước phải đối mặt với khả năng sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn do mực nước biển dâng cao.

Các nước giàu có cũng không tránh khỏi tác động của biến đổi khí hậu. Bão Ian là sự kiện thời tiết mới nhất ở Hoa Kỳ, có thể trở thành cơn bão tốn kém nhất của bang Florida từ trước đến nay, với thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 47 tỷ USD. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, kể từ năm 1980, nước này đã trải qua 338 thảm họa thời tiết và khí hậu gây thiệt hại vượt quá 1 tỷ USD (đã điều chỉnh theo lạm phát) với tổng chi phí hơn 2.295 tỷ USD. Năm nay, Hoa Kỳ đã trải qua 15 thảm họa khí hậu gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD, bao gồm hạn hán, lũ lụt, bão nghiêm trọng, lốc xoáy nhiệt đới và cháy rừng làm 342 người thiệt mạng.

Anh04-NetZero-IanHurricane

Hậu quả của bão Ian tại bang Florida, Hoa Kỳ. Ảnh: Sky News.

Bất chấp những thảm họa nhân tạo ngày càng tốn kém này, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng. Sau một đợt sụt giảm ngắn trong thời gian bắt đầu đại dịch COVID-19, tổng lượng phát thải khí nhà kính do nhiên liệu hóa thạch đã tăng 5,3% vào năm 2021, một phần do công suất điện than tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia.

Lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch đã tăng ở mọi quốc gia phát thải lớn vào năm ngoái, trong đó mức tăng lớn nhất đến từ Brazil (11%) và Ấn Độ (10,5%), tiếp theo là Pháp, Ý, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (đều khoảng 8%). Tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, lượng khí thải tăng 6,5%. Sự phục hồi rõ rệt này chứng minh rằng việc giảm mạnh lượng khí thải toàn cầu được ghi nhận trong những tháng đầu của đại dịch là một hiện tượng ngắn hạn.

Không chỉ lượng khí thải carbon đã tăng lên, tỷ lệ đói nghèo cũng tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Điều này khiến thách thức chuyển đổi sang năng lượng sạch càng trở nên khó khăn hơn. Theo Liên Hợp Quốc, COVID-19 đã xóa bỏ những tiến bộ trong 4 năm chống đói nghèo và lạm phát đang gây ra nhiều khó khăn hơn. Có tới 95 triệu người được dự đoán sẽ rơi vào cảnh bần cùng (được định nghĩa là mức sống dưới 1,90 USD/ngày) vào năm 2022. Gần 90 triệu người ở các nước đang phát triển đã được tiếp cận với điện không còn đủ khả năng chi trả cho nhu cầu năng lượng của họ . Ở nhiều quốc gia, các dự phòng cơ bản, chẳng hạn như nhiệt và điện lạnh, chắc chắn sẽ được ưu tiên hơn việc giảm lượng khí thải carbon.

Các nước cần hành động thiết thực hơn

Để bắt đầu quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và tránh cơn “sóng thần phát thải” từ các nước đang phát triển - những nước vốn quan tâm đến việc ngăn chặn dân số của họ tái nghèo hơn là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại COP27 sẽ cần phải hành động thiết thực hơn là vá víu các góc cạnh của vấn đề. Mục tiêu trước đó là 100 tỷ USD tài chính cho khí hậu chỉ là "hạt muối bỏ biển" khi đối mặt với những thảm họa khí hậu hàng ngày thường gây ra thiệt hại hàng tỷ USD. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô thực sự của nhu cầu tài trợ cho chống biến đổi khí hậu là hàng nghìn tỷ chứ không phải hàng tỷ USD.

Các nhà đàm phán về khí hậu tại COP27 nên áp dụng cách tiếp cận “do quốc gia quyết định” đối với tài chính cho khí hậu: mỗi quốc gia nên xem xét quy mô tài chính để giảm nhẹ và thích ứng với khí hậu mà họ có thể huy động, cho cả mục đích trong nước và quốc tế. Một số nước đang phát triển có thể chỉ thu thập đủ tài chính cho các nhu cầu trong nước. Những nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc, trước đây đã cam kết tăng cường hỗ trợ năng lượng sạch ở nước ngoài có thể làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các nước nghèo.

Sự hợp tác nam-nam (hợp tác trao đổi tài nguyên, kỹ thuật và tri thức giữa các nước đang phát triển) như vậy có thể mang tính chuyển đổi. Và tất nhiên, các nước công nghiệp phát triển phải vượt ra khỏi cam kết 100 tỷ USD chưa thực hiện được và cam kết thực hiện các chính sách mới như đòi hỏi công bố thông tin về khí hậu đối với các công ty đại chúng, có thể huy động khối lượng tài trợ lớn hơn nhiều.

Anh05-NetZero-Guiteress

António Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 đẩy nhanh nỗ lực của các quốc gia để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hoặc đối mặt với "địa ngục khí hậu". Ảnh: AP.

Các vòng đàm phán về khí hậu trước đây đã dẫn đến việc thành lập các quỹ tài chính về khí hậu với sứ mệnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc thích ứng và giảm nhẹ. Nhưng tất cả các quỹ này là tương đối nhỏ. Ví dụ, Quỹ Khí hậu Xanh có vốn cam kết ban đầu là 10,3 tỷ USD, và Quỹ Thích ứng có các cam kết hiện tại chỉ hơn 1 tỷ USD. Cả hai quỹ đều được thành lập bởi các chính phủ tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Các quỹ này cũng thực hiện cách tiếp cận từng dự án rất chậm, đòi hỏi các quy trình đăng ký và phê duyệt phiền toái (dù Quỹ Thích ứng đã đi tiên phong trong quy trình tiếp cận trực tiếp hợp lý hơn). Một cách tiếp cận tốt hơn sẽ là các ngân hàng và cơ quan phát triển chủ động đầu tư vào các dự án ở các nước đang phát triển, do đó giảm rủi ro cho các ngân hàng thương mại mà từ đó họ có thể kêu gọi đồng tài trợ.

Các cuộc đàm phán tại các nhóm G-7 và G-20 đã không còn thành công trong việc huy động tài chính khí hậu, mặc dù các bộ trưởng tài chính tham gia vào các cuộc đàm phán này (chứ không phải trong các cuộc đàm phán về khí hậu như COP27). Đến nay, G-7 và G-20 đã hành động tốt hơn trong việc ngăn chặn điều xấu hơn là thúc đẩy điều tốt đẹp.

Chẳng hạn, họ đã đồng ý ngừng cung cấp tài chính cho than và loại bỏ dần các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch - mặc dù nhiều quốc gia đã “quay đầu” sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. G-20 đã bị tê liệt do cuộc xung đột vì cả Nga và Trung Quốc đều là thành viên G-20 – nhưng nhóm này vẫn là một diễn đàn đàm phán quan trọng có khả năng giải quyết nhu cầu tài chính khí hậu.

Đã đến lúc phải thay đổi 

Một chương trình nghị sự mới về tài chính khí hậu nên bắt đầu bằng việc cải tổ các tổ chức tài chính phát triển lớn, bao gồm Ngân hàng Thế giới và IMF. Hiện tại, các tổ chức này chỉ không cung cấp đủ tài chính cho năng lượng sạch và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Họ cần huy động thêm vốn "xanh" để cho vay liên quan đến khí hậu, và sau đó họ cần sử dụng nó. Bởi ngay cả khi chưa huy động thêm vốn, họ vẫn có khả năng cho vay nhiều hơn so với những gì đã làm. Làm như vậy sẽ giúp tạo ra một hệ thống các dự án liên quan đến khí hậu, ít rủi ro hơn cho các tổ chức tài chính song phương và khu vực tư nhân.

Ngân hàng Thế giới nói riêng phải được “đại tu”. Sau những nhận xét thiếu cân nhắc của Malpass, nhiều cổ đông - bao gồm cả cổ đông lớn nhất là Hoa Kỳ - đã kêu gọi cải cách sâu rộng. Trong bài phát biểu trước Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế của IMF vào tháng 10, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã kêu gọi Ngân hàng Thế giới "khảo sát tỉ mỉ các lĩnh vực cải cách với tầm nhìn, động cơ, cách tiếp cận hoạt động và mô hình tài chính để ứng phó tốt hơn với các thách thức toàn cầu" như biến đổi khí hậu. Bà đã yêu cầu ban lãnh đạo ngân hàng cung cấp một lộ trình cải tổ cho ban điều hành ngân hàng để xem xét vào cuối năm 2022.

Anh06-NetZero-CoalFiredPlan

Một nhà máy điện than tại Đức. Ảnh: AP.

Các nước đang phát triển cũng đang kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế phải cải cách để đưa việc thúc đẩy lợi ích toàn cầu vào sứ mệnh của họ. Chẳng hạn, Chương trình nghị sự Bridgetown, do Thủ tướng Barbados Mia Mottley dẫn đầu, kêu gọi một cơ chế toàn cầu mới để giải ngân các khoản tài trợ tái thiết cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thảm họa khí hậu - và để IMF cấp 500 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) hoặc các khoản lãi suất thấp khác, các công cụ tài chính dài hạn để tăng tốc đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch hoặc các biện pháp thích ứng với khí hậu.

Những yêu cầu trên diện rộng như vậy có thể mang lại cơ hội chỉ một lần trong một thế hệ để hiện đại hóa các tổ chức tài chính phát triển, một quá trình cần được thực hiện với sự tham vấn chặt chẽ của các quốc gia đang phát triển, những quốc gia đang chịu gánh nặng của các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.

Ngoài việc cải tổ các tổ chức tài chính quốc tế, vẫn cần phải hành động nhiều hơn. Tất cả các nguồn tài chính cho các nước đang phát triển - từ các tổ chức cho vay tư nhân đến các cơ quan phát triển song phương - phải điều chỉnh các chiến lược của họ xung quanh mục tiêu tăng trưởng carbon thấp.

Sau đó, họ phải chuyển đổi các chiến lược thành hành động thực tế, cân bằng các mối quan tâm về khí hậu với các nhiệm vụ hiện tại của họ, cho dù đó là tối đa hóa lợi nhuận hay tạo điều kiện phát triển. Tất cả các khoản đầu tư phải phù hợp với một tương lai carbon thấp, thích ứng với khí hậu.

Anh07-NetZero-BongPakistan

Những người nông dân Pakistan đang cố gắng vớt vát những gì còn sót lại từ một cánh đồng bông sau trận lũ lụt kinh hoàng ở Nawabshah, Pakistan. Ảnh: NYT.

Việc "không ảnh hưởng đến khí hậu" của ngành tài chính vẫn chưa được thực hiện, mặc dù có nhiều hứa hẹn đầy tham vọng và nhận thức rộng rãi rằng tất cả các loại hình tài chính cần phải tính đến các rủi ro và cơ hội về khí hậu. Khi những thiệt hại về khí hậu ngày càng chồng chất, các biện pháp ngày càng cho thấy lợi ích về kinh tế. Và, như Trung Quốc đã chứng minh, các ngành năng lượng sạch có thể tạo ra việc làm và thúc đẩy hoạt động kinh tế. 

Cuối cùng, các nước đang phát triển phải thực hiện đúng khuôn khổ chính sách của mình. Họ cần phát triển, thực hiện và thúc đẩy các chính sách về khí hậu giúp phân bổ hiệu quả tài chính trong nước và quốc tế, công và tư, hướng tới các giải pháp cho các vấn đề của họ. Trong nỗ lực này, họ sẽ cần sự hỗ trợ từ các nước phát triển, đặc biệt là việc tùy chỉnh và thực hiện các chính sách một cách tốt nhất, phù hợp với hoàn cảnh địa phương.

Các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới cũng cần cải thiện chính sách của họ để điều hành tài chính công và tư nhân theo hướng thân thiện với môi trường. Những chính sách mà các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trước đây đưa ra sẽ không hiệu quả. Chỉ những cải cách sâu rộng hợp nhất các chính phủ quốc gia, các công ty tư nhân và các tập đoàn tài chính phát triển xung quanh các mục tiêu phát triển kinh tế trên diện rộng, không phát thải ròng và khí hậu bền vững mới có thể ngăn chặn thảm họa.

(Nguồn: Foreign Affairs)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ