Sao phải chiều lòng người ra đi?

Thủ tướng Anh Theresa May đã phải rất vất vả để vừa giải quyết những bất đồng với các nghị sĩ trong nước, vừa đàm phán với EU nhằm tìm giải pháp cho thỏa thuận Brexit đang bế tắc, khi thời hạn chót của việc Anh rời EU (29-3) chỉ còn tính bằng ngày.
MINH ĐỨC
15, Tháng 02, 2019 | 08:28

Thủ tướng Anh Theresa May đã phải rất vất vả để vừa giải quyết những bất đồng với các nghị sĩ trong nước, vừa đàm phán với EU nhằm tìm giải pháp cho thỏa thuận Brexit đang bế tắc, khi thời hạn chót của việc Anh rời EU (29-3) chỉ còn tính bằng ngày.

b4e26_47rs171116a836_copy

Hạn chót của việc Anh rời EU chỉ còn tính bằng ngày.

Hôm qua 14-2, bà Theresa May lần thứ 2 đưa kế hoạch Brexit ra thảo luận trước quốc hội, sau khi cơ quan lập pháp Anh bác bỏ văn kiện này trong cuộc bỏ phiếu cách đó một tháng.

Để chuẩn bị cho lần đệ trình này, bà May phải trực tiếp tới Brussels để tiếp tục trao đổi với các quan chức EU. Và cuộc gặp mới nhất diễn ra tuần trước đã không đạt được bất kỳ đột phá nào. Hai bên lại nhất trí sẽ tiếp tục... đối thoại để tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận, có nghĩa rằng Thủ tướng Anh sẽ còn phải đi đi về về nhiều chuyến nữa.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, sau thảo luận với bà May, đã đăng một dòng tweet rất khiêu khích, đại ý là: cần có một chỗ đặc biệt dưới địa ngục dành những người ủng hộ “Brexit không thỏa thuận”.

Trong suốt quá trình đàm phán Brexit, nhiều người Anh đã tỏ ra bất bình với thái độ được cho là “ngạo mạn” của EU. Nhưng ít người cố tìm hiểu xem tại sao EU lại có thái độ như vậy.

Có thể nói, Brexit là hiện thân cho một cuộc khủng hoảng của cả EU lẫn Vương quốc Anh. Và EU đang muốn giải quyết nhanh Brexit để có thể đối mặt với các vấn đề khác, mà quan trọng nhất là cuộc bầu cử nghị viện EU vào tháng 5 tới.

Châu Âu đã phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng di cư gần như chưa từng có. Khu vực đồng euro vẫn đang hồi phục sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà tác động của nó khiến cho Hy Lạp phải cần một gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử. EU cũng đang đối mặt với phong trào dân túy ngày càng trở nên mạnh mẽ trong các cuộc bầu cử quốc gia.

Với tất cả những gì đang diễn ra, không có gì lạ khi cuộc khủng hoảng Brexit làm nản lòng các quan chức châu Âu. Vậy tại sao Brussels lại không nhượng bộ yêu cầu của Thủ tướng Anh?

Sau cuộc gặp được cho là “thẳng thắn” tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker vẫn kiên quyết tái khẳng định EU sẽ không đàm phán lại thỏa thuận đã đạt được với Anh hồi tháng 11 năm ngoái và cũng bác bỏ kế hoạch thay đổi một số điều khoản về đường biên giới (backstop) giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland (thành viên EU). Trong khi đó, bà May thừa nhận rằng nếu không có sự thay đổi về điều khoản rào chắn (backstop), thì kế hoạch Brexit của bà sẽ khó được quốc hội Anh chấp thuận.

Vậy vì sao EU không nhượng bộ? Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã tiết lộ với phóng viên CNN về chiến thuật đàm phán của EU, đó là việc sử dụng “thời hạn chót”.

Ông dẫn chứng bằng ví dụ thực tế mà mình đã trải qua. Khi Varoufakis đàm phán về chương trình nợ và thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp năm 2015, ông có nhiệm vụ thúc đẩy tái cơ cấu nợ. EU không muốn đàm phán về vấn đề này, vì vậy họ áp dụng cách đưa ra thời hạn chót. “Tôi được thông báo nếu bỏ lỡ thời hạn chót được đưa ra thì các ngân hàng Hy Lạp sẽ đóng cửa”, ông kể.

Trường hợp Brexit cũng vậy, cựu bộ trưởng Hy Lạp cho rằng, Anh bị ép phải đồng ý với một thỏa thuận trước ngày 29-3 nếu không muốn ra đi “tay trắng”. “Chúng ta đều biết trước sau gì cũng phải chết. Nhưng nếu biết trước ngày chết thì chúng ta sẽ sống quãng thời gian còn lại trong hoảng loạn”.

Hạn chót 29-3 đã trở thành trung tâm của cuộc tranh luận Brexit ở Anh. Mặc dù Vương quốc Anh đồng ý với thời hạn này, song nhiều người tin chắc rằng sẽ cần phải trì hoãn để tránh khả năng Brexit không có thỏa thuận. Nhưng, Brussels không thích điều đó. EU không muốn gia hạn. Vì sao vậy?

Đầu tiên, là những diễn biến gần đây tại quốc hội Anh đã dẫn đến sự xói mòn hoàn toàn niềm tin của EU. Mặc dù EU có thể nhượng bộ điều khoản “backstop” bằng cách chấp nhận đàm phán lại, nhưng khi đó họ vẫn không lấy gì làm chắc về việc quốc hội Anh sẽ chấp thuận thỏa thuận. Vì vậy EU không muốn xuống thang trước.

Tiếp đó là cuộc bầu cử nghị viện EU sắp tới. Nghị viện EU hiện đang bị chi phối bởi nhiều nhóm chính trị, phần lớn là ủng hộ EU. Nhưng theo dự đoán của các cơ quan phân tích, sẽ có một số nhóm bị mất ghế và điều đó có thể gây hậu quả phức tạp.

Khi phóng viên CNN đặt câu hỏi: “Nỗi lo ngại lớn nhất đối với cuộc bầu cử là gì?”, một nguồn tin bên trong Nghị viện EU trả lời: “Người Anh vẫn còn ở đó”. Về lý thuyết, nếu Brexit bị trì hoãn đến sau ngày bầu cử, Anh vẫn có thể có đại diện trong nghị viện EU. Các quan chức EU lo ngại về khả năng một số nhân vật cực hữu giành chiến thắng và xây dựng “siêu nhóm dân túy chống EU” trong nghị viện.

Điều cuối cùng là, sau hai năm thống nhất về Brexit, EU không muốn thấy những vết rạn nứt xuất hiện vào phút cuối. Brussels không muốn London hiểu nhầm là họ sẽ dễ dàng trao cho nước Anh một thỏa thuận thương mại tự do sâu rộng trong vài tuần cuối cùng (bởi rốt cuộc, Đức, Ý vẫn muốn bán xe hơi và rượu vang cho Anh).

Trong khi châu Âu còn quá nhiều việc phải lo thì tốt nhất là họ tôn trọng nguyên tắc và lợi ích của các thành viên liên minh. Làm sao Brussels có thể trừng phạt Ba Lan hoặc Hungary vì đã làm suy yếu các quy tắc pháp lý, trong khi cung cấp cho Anh một thỏa thuận thương mại “ngọt ngào”? Điều này sẽ khiến các thành viên có cảm giác rằng EU đã thực hiện quá nhiều nhượng bộ đối với một quốc gia đang rời bỏ khối. 

Theo TBKTSG

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ