Nhiều ngành thấp thỏm chờ bất động sản khơi thông

Nhàđầutư
Bất động sản gặp khó, nhiều ngành khác cũng “khổ” theo. Điển hình như không ít doanh nghiệp thuộc các ngành: xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất... cũng lâm vào cảnh lao đao.
LIÊN THƯỢNG
07, Tháng 01, 2023 | 09:27

Nhàđầutư
Bất động sản gặp khó, nhiều ngành khác cũng “khổ” theo. Điển hình như không ít doanh nghiệp thuộc các ngành: xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất... cũng lâm vào cảnh lao đao.

Thực tế cho thấy, ngành bất động sản liên quan đến hệ sinh thái của nhiều ngành nghề quan trọng khác như: vật liệu, quản lý dự án, vận chuyển, bảo hiểm...

Vì vậy, khi thị trường bất động sản ngưng trệ và đang trải qua giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể triển khai, xây dựng, buôn bán dự án, hoãn các hoạt động đầu tư sẽ khiến các ngành khác ảnh hưởng theo. Trong đó, những ngành liên quan mật thiết chịu thiệt hại nặng nề nhất là xây dựng, vật liệu xây dựng, thiết kế nội thất và môi giới…

323149083_613368800556714_3643734007972210947_n

Nhiều công nhân tụ tập trước công trình xây dựng ở TP. Thủ Đức để dòi quyền lợi. Ảnh: PS

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Tiến (thầu xây dựng ở quận 10, TP.HCM) cho biết ông và những người cộng sự của mình gần như “ngồi không” mấy tháng nay do thị trường bất động sản điêu đứng, không ai thuê.

"Mấy tháng nay chẳng có công trình nào. Tôi đành nghỉ Tết sớm hoặc kiếm việc khác, sửa chữa đồ mà làm. Thị trường bất động sản đóng băng, chẳng buôn bán được thì họ lấy tiền đâu ra mà thuê. Công trình cũ còn thiếu tôi một phần tiền khi xây dựng xong. Nhưng chịu thôi vì giờ họ không bán được. Tôi cũng chẳng biết lấy tiền đâu trang trải dịp Tết này nên đành kiếm việc khác mưu sinh tạm".

Trường hợp của ông Tiến không phải là cá biệt ở thời điểm hiện tại, khi hàng loạt công nhân, thuộc các công ty xây dựng lớn nhỏ cũng đang lâm tình cảnh lao đao khi thị trường bất động sản đóng băng, không thể ra hàng.

Đơn cử như vụ việc nhiều công nhân thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ và thiết kế Đức Tín (Công ty Đức Tín) tập trung trước cổng một công trình xây dựng dự trên đường Đỗ Xuân Hợp, KP.3, P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM, treo băng rôn, yêu cầu chủ thầu xây dựng thanh toán tiền công để họ trả tiền nhà trọ, về quê ăn tết.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Trãi (37 tuổi, quê Bến Tre, Tổ trưởng tổ đổ bê tông tại công trình) cho biết, tổ của anh có gần 20 người, làm việc từ đầu năm 2022 đến nay.

Thời gian đầu, Công ty Đức Tín trả tiền công cho công nhân ổn định. Tuy nhiên, 3 tháng vừa qua, công ty này nhiều lần hứa hẹn, không thanh toán lương.

"Công nhân chúng tôi đi làm trông vào đồng lương để có cái ăn, tiền nhà trọ, gửi về quê nuôi con. 3 tháng nay công ty không trả đồng nào nên nhiều anh em đã bỏ về quê hoặc cầm cự qua ngày ở lại để đòi tiền công. Riêng tôi bị nợ 290 triệu đồng", anh Trãi chia sẻ.

Nhóm công nhân tại đây cho biết, họ đã nhiều lần làm việc với Công ty Đức Tín nhưng phía công ty đổ lỗi cho nhà thầu chính là Công ty cổ phần xây dựng Central (Central) chưa thanh toán.

Tuy nhiên, khi nhóm công nhân làm việc với Công ty Central, nhưng công ty này cho biết đã thanh toán cho Công ty Đức Tín.

Khảo sát thực tế cho thấy, rất nhiều công ty, cửa hàng vật liệu xây dựng lớn nhỏ trên địa bàn TP.HCM đã đóng cửa, nghỉ Tết hoặc buôn bán cầm chừng.

Cuối tháng 10, công ty TNHH MTV Thép Miền Nam (VNSTEEL) đã gửi thông báo đến cán bộ nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngưng sản xuất dài ngày do nhu cầu thép xây dựng trên thị trường giảm mạnh.

Trước đó, cuối tháng 9/2022, Công ty CP Thép Pomina cũng thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF), đồng thời chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty.

Hay như Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem) cũng chật vật thúc đẩy bán hàng. Doanh nghiệp này được biết đến là một trong những công ty xi măng hàng đầu Việt Nam khi chiếm 33% thị phần. Tổng Giám đốc Vicem cho biết, cung - cầu mất cân đối do tình trạng dư cung lớn nên việc kinh doanh rất khó khăn.

Chưa dừng lại ở đó, một ngành được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề trước sự đóng băng của thị trường bất động sản nữa là ngành trang trí nội thất.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Trương Quân, một kiến trúc sư chuyên thiết kế nội thất cho công ty, phòng trọ, các cửa hàng dịch vụ… trên địa bàn TP.HCM cho biết, thông thường, giai đoạn nửa cuối năm là giai đoạn ông nhận được nhiều đơn hàng thiết kế nội thất để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.

"Thế nhưng năm nay, thị trường khó khăn, cả mấy tháng trời tôi mới có được một công trình nhỏ. Thậm chí đã phải dùng lẹm vào số tiền tích lũy lúc trước. Tôi cho rằng, nếu tình hình này kéo dài thì sẽ rất khó khăn".

Trong khi đó, ông T.H.V, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên thiết kế nội thất cao cấp chia sẻ, công ty ông thường thiết kế nội thấy cho các sản phẩm phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang như nhà phố, biệt thự…

“Thị trường bất động sản đang khó khăn nên ngành thiết kế nội thất cũng khó khăn theo. Điều mong muốn của chúng tôi lúc này là thị trường phục hồi, có thể chúng tôi mới có thể có thêm nhiều đơn hàng thiết kế, trang trí, xoay vòng vốn để phát triển, chứ như hiện tại chắc phải phá sản”, ông V. nói và cho biết thêm, hơn mấy chục năm trong ngành, chưa bao giờ ông thấy tình hình khó khăn như hiện tại.

bdsdk

Nhiều ngành nghề đang "nín thở" đợi bất động sản phục hồi như xưa. Ảnh: DK

Mong chờ thị trường phục hồi

Tại "Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2022" vừa qua, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, dù năm 2023, thị trường được dự báo tích cực nhưng vẫn còn nhiều rủi ro cần khắc phục.

"Nguồn cung, pháp lý bất động sản dần được tháo gỡ trong năm 2023. Tuy nhiên, bài toán trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là một thách thức cần giải quyết. Thị trường sẽ được sàng lọc, tái cấu trúc và phục hồi dần", chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dự báo.

Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn dự báo: "Nếu chỉ dựa trên chỉ báo lãi suất, xét theo bối cảnh hiện nay, với kịch bản tích cực nhất thì trần lãi suất có thể sẽ được điều chỉnh vào quý 1/2023. Như vậy, phải đến quý 2 hay quý 3/2024, bất động sản mới có thể đảo chiều".

Trong khi đó, tại diễn đàn "Dự báo thị trường bất động sản 2023" vừa diễn ra, nhiều chuyên gia đã nhận định, từ quý II năm sau, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ dần hồi phục và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn khi những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ, tăng trưởng kinh tế khả quan, tín dụng được khơi thông…

Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam đánh giá, vài năm tới, tiềm năng BĐS Việt Nam vẫn rất lớn. Điều này có được nhờ nền tảng kinh tế ổn định, quá trình đô thị hóa nhanh với tỷ lệ 36% dân số sống tại thành thị. Năm 2023, ngành xây dựng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đô thị hóa cả nước lên 53,9%, tạo thêm cơ hội cho BĐS.

"Cùng với đó, những chính sách mới như nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% tương đương tăng thêm 240.000 tỷ đồng cung ứng cho nền kinh tế; tập trung rà soát và củng cố thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm bảo đảm hoạt động công khai, an toàn; thông qua hơn 700.000 tỷ đồng giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung", Giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhận định

Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, một trong những tín hiệu tích cực nhất hiện nay là sự vào cuộc quyết liệt của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó cho BĐS, tạo nên tâm lý yên tâm cho giới kinh doanh. "Chúng tôi đánh giá động thái của Thủ tướng, của các bộ ngành là hết sức quan trọng, chắc chắn sẽ giúp cho thị trường khởi sắc trở lại, sẽ không bùng nổ như trước nhưng sẽ có tính ổn định cho sự phát triển".

Đối với các ngành nghề liên quan đến bất động sản như thiết kế nội thất, vật liệu xây dựng... góc nhìn tích cực được đưa ra vào nửa cuối năm sau, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

Ông Nguyễn Trương Quân đánh giá: "Tôi nghĩ, tình hình hiện tại sẽ phải cầm cự qua ít nhất nửa đầu năm sau, đến tháng 6, khi bất động sản có dấu hiệu phục hồi thì các ngành khác mới có hy vọng trở lại. Theo tôi dự đoán, quý IV năm sau mọi thứ sẽ tích cực hơn".

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25155.00 25161.00 25461.00
EUR 26745.00 26852.00 28057.00
GBP 31052.00 31239.00 32222.00
HKD 3181.00 3194.00 3300.00
CHF 27405.00 27515.00 28381.00
JPY 159.98 160.62 168.02
AUD 16385.00 16451.00 16959.00
SGD 18381.00 18455.00 19010.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18134.00 18207.00 18750.00
NZD   14961.00 15469.00
KRW   17.80 19.47
DKK   3592.00 3726.00
SEK   2290.00 2379.00
NOK   2277.00 2368.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ