Nhà đầu tư ngoại thấy 'khó khăn ra quyết định' bởi Báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt

Nhàđầutư
Việc Việt Nam chưa áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) khiến nhà đầu tư khó tìm được sự minh bạch và phần nào là trở ngại trong việc đưa ra quyết định đầu tư.
BẢO KHANH
24, Tháng 11, 2022 | 10:56

Nhàđầutư
Việc Việt Nam chưa áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) khiến nhà đầu tư khó tìm được sự minh bạch và phần nào là trở ngại trong việc đưa ra quyết định đầu tư.

Ba_Hao_KPMG

Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam - Ảnh: Lê Toàn.

Phát biểu tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam 2022, bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết các quỹ đầu tư ngoại luôn tìm kiếm những đơn vị có lợi nhuận cao để thực hiện các thương vụ M&A. Theo đó, các nhà đầu tư này lựa chọn đưa ra quyết định M&A dựa trên Báo cáo tài chính (BCTC) từ những năm trước (5 năm hoặc 10 năm) để biết được lợi nhuận doanh nghiệp như thế nào.

"Dù vậy, các nhà đầu tư khó tìm được sự minh bạch từ các báo cáo tài chính của doanh nghiệp bởi vì Việt Nam là một trong 7 quốc gia không áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Hiện nay, mới có 2 doanh nghiệp đăng ký sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, nên chúng ta bị chậm so với các nước trong thu hút nhà đầu tư và khiến sức cạnh tranh cũng kém hơn", bà Hảo nhấn mạnh.

Đồng tình với bà Hảo, ông Dominic Scriven - OBE, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Dragon Capital Group cho rằng để có sức hút hơn với các nhà đầu tư quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng hệ thống báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế (IFRS).

Thực tế, Bộ Tài chính hồi tháng 3/2020 đã ban hành quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Việc áp dụng quy định được chia thành hai giai đoạn gồm giai đoạn một, từ năm 2022 đến 2025 áp dụng tự nguyện; giai đoạn hai là từ năm 2025 sẽ áp dụng bắt buộc.

Việc áp dụng chuẩn mực IFRS được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính minh bạch hơn, thay đổi và áp dụng mô hình quản trị…. Mặt khác, việc tiếp cận IFRS được coi là sẽ mở ra cơ hội để xây dựng các công cụ tài chính, các quy định về báo cáo để các doanh nghiệp này có thể hoạt động và phát triển được ở Việt Nam.

Một khảo sát sau đó từ Deloitte về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp tại Việt Nam với 322 phản hồi đến từ các loại hình doanh nghiệp khác nhau, cho thấy nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ quan tâm cao nhất, tiếp đến là nhóm các doanh nghiệp niêm yết và nhóm doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn, cũng như các tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Các doanh nghiệp chia sẻ việc chuyển đổi từ báo cáo tài chính "kiểu Việt Nam" sang IFRS là không dễ dàng. Nhiều các doanh nghiệp đã bày tỏ về mức độ phức tạp của IFRS và sự khác biệt quá lớn giữa hai bộ chuẩn mực, là những thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi.

Mặt khác, việc áp dụng chuẩn mực kế toán mới sẽ mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị nguồn lực về tài chính và nhân sự, cũng như hệ thống phần mềm, chính sách. Việc chuyển đổi chuẩn mực kế toán cũng tốn nhiều thời gian, có doanh nghiệp mất từ 3-6 tháng, một số khác mất từ 6-12 tháng và không ít doanh nghiệp mất đến hơn 12 tháng để có thể bắt đầu chuyển đổi việc áp dụng chính sách kế toán mới.

Ngoài vấn đề về việc áp dụng IFRS, bà Hảo cho biết một trở ngại khác đối với doanh nghiệp nước ngoài khi đến đầu tư tại Việt Nam là các chi phí tăng nhanh. Do vậy, muốn thu hút doanh nghiệp lớn chuyển dịch từ Trung Quốc và các thị trường khác, thì Việt Nam phải tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh các ngành có thể M&A như điện, nước, thực phẩm đồ uống, chăm sóc sức khỏe, y tế, một số doanh nghiệp có hỏi đến ngành xây dựng, bất động sản, dù ngành này đang gặp khó khăn ở Việt Nam.

Các doanh nghiệp khi tham gia các thương vụ M&A cần lưu ý đến việc minh bạch các thông tin như hợp đồng kinh doanh, các khoản thanh toán; hay khi tiền huy động vào sẽ triển khai dự án nào, dự án nào dừng lại....

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ