Ngọn lửa cải cách không thể gián đoạn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Dự thảo phiên bản năm 2021 của Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
KHÁNH AN
24, Tháng 12, 2020 | 09:22

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Dự thảo phiên bản năm 2021 của Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

ngon-lua-cai-cach-khong-the-gian-doan1608481416

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Dự thảo phiên bản năm 2021 của Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, sẽ có những đề xuất để mở ra hướng cải cách mới cho những năm tiếp theo.

Năm nay, vì Covid-19, Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã thông báo không xếp hạng Doing Business, Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 như thường niên. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 02/2020/NQ-CP không? Việc xây dựng mục tiêu cho năm tới có thể cũng bị ảnh hưởng, thưa ông?

Có thể sẽ có ảnh hưởng, nhưng không thể là lý do gián đoạn nỗ lực cải cách.

Chúng ta có thể nhìn thấy những kết quả tích cực từ việc thực hiện Nghị quyết 02/2020/NQ-CP, như miễn lệ phí môn bài theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP, rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng (Luật Xây dựng 2020), nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư (Luật Doanh nghiệp 2020)…

Tất nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ chưa hoàn thành, đặc biệt là công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các điều kiện kinh doanh trong nhiều nghị định, luật vẫn còn cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp…

Song việc thực hiện thành công các phiên bản nghị quyết 02 trong nhiệm kỳ vừa qua đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt, không chỉ cách tiếp cận, cách tổ chức thực hiện, mà quan trọng là những cải thiện rất đáng kể trong môi trường kinh doanh…

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, một trong những dấu ấn của nhiệm kỳ Chính phủ hiện nay chính là việc thực hiện thành công nghị quyết này. Ông nghĩ thế nào?

Tôi đồng ý quan điểm này.

Thứ nhất, tư duy về cải cách môi trường kinh doanh được thay đổi rõ rệt khi gắn nhiệm vụ phải làm với các tiêu chí đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Thứ hai, tư duy quản lý nhà nước cũng thay đổi rất lớn. Trước đây, chúng ta xác định cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách cắt giảm,  sửa đổi các quy định. Nhưng hiện tại, vẫn là cắt giảm, sửa đổi nhưng yêu cầu đầu ra là tác động thực chất tới hoạt động của doanh nghiệp, từ chi phí về thời gian, chi phí tuân thủ… Ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước buộc phải thay đổi.

Ví dụ việc đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Mục tiêu là vậy, nhưng nhiều bộ, ngành sẽ phải tham gia thực hiện. Kết quả chỉ đạt được khi các bộ, ngành cùng hành động theo một hướng…

Thứ ba, hàng năm, Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, với điểm nhấn riêng, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan cụ thể, đã tạo nên những thông điệp tích cực.

Có thể nói, nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh đã phá vỡ khuôn khổ chung của  hình thức văn bản này, khi quy định cụ thể không chỉ mục tiêu, nhiệm vụ, mà cả tên tuổi các văn bản phải sửa đổi…

Vì vậy, để ban hành nghị quyết mới, sẽ đòi hỏi đánh giá, tổng kết việc thực hiện nghị quyết năm trước, từ đó thấy rõ kết quả công việc của từng bộ, ngành. Bức tranh thực thi không thể giấu được. Trong nhiều báo cáo gửi Chính phủ, tên tuổi không ít bộ, ngành không đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc được nêu rất rõ. Một cách rất tự nhiên, điều này đòi hỏi các bộ, ngành không thể lơ là với nhiệm vụ được giao trong năm.

Đặc biệt, vì được ban hành từng năm, các vấn đề phát sinh, những kiến nghị, đòi hỏi mới của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được nghiên cứu, cân nhắc đưa vào kế hoạch hành động của từng năm...

Điều này cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thưa ông?

Chắc chắn như vậy. Cam kết liên tục của Chính phủ trong thực hiện cải cách môi trường kinh doanh chắc chắn là điều kiện tiên quyết để các mục tiêu được giao trong các Nghị quyết 02 hàng năm được thực hiện.

Cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện cam kết cải thiện môi trường kinh doanh. Giới doanh nghiệp cũng vậy, họ kỳ vọng và chờ đợi rất nhiều về nội dung Nghị quyết 02 khi một năm mới bắt đầu.

Hiện tại, chúng tôi cũng nhận được nhiều kiến nghị của doanh nghiệp về những vướng mắc, tồn tại trong các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Điều đáng nói là, việc cập nhật tình hình mới, khuyến nghị mới của doanh nghiệp sẽ mở ra định hướng cho cải thiện môi trường kinh doanh những năm tới.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất những ưu tiên gì cho phiên bản Nghị quyết 02 năm 2021, thưa ông?

Là đơn vị được giao dự thảo, chúng tôi đang đề nghị 4 trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2021.

Một là, tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước và giải quyết các vướng mắc, bất cập và rào cản pháp lý đối với đầu tư kinh doanh. Nói thêm về điểm này, trong đánh giá thực hiện những việc chưa hoàn thành, lý do thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan rất rõ. Nếu không gỡ vướng này, có thể nhiều mục tiêu không đạt được, dù nỗ lực của từng bộ, ngành riêng lẻ là rất lớn. Việc nỗ lực cải cách của từng đơn vị đã tới hạn.

Hai là, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước, chia sẻ và kết nối liên thông điện tử giữa các cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số.

Ba là, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phụ các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Bốn là, cải cách thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh nhằm mục tiêu kinh doanh bền vững.

Tất nhiên, những việc chưa hoàn thành của Nghị quyết 02/2020/NQ-CP, Nghị quyết 20/2019/NQ-CP sẽ tiếp tục được nhắc lại.

(Theo Đầu tư)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ