'Kéo khách' về miền Trung - Bài cuối: Những chướng ngại cuối cùng

Nhàđầutư
Chưa có chính sách ưu tiên để phát triển các thị trường thay thế khi thị trường truyền thống 'đóng băng', quá chú trọng vào số lượng khách mà quên đi chất lượng cần hướng tới là những chướng ngại khiến du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương miền Trung nói riêng 'đi trước, về sau'.
NGUYỄN TRI
21, Tháng 01, 2023 | 07:30

Nhàđầutư
Chưa có chính sách ưu tiên để phát triển các thị trường thay thế khi thị trường truyền thống 'đóng băng', quá chú trọng vào số lượng khách mà quên đi chất lượng cần hướng tới là những chướng ngại khiến du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương miền Trung nói riêng 'đi trước, về sau'.

LỜI TÒA SOẠN: Những thời khắc đón chào năm mới 2023 cũng là thời điểm du lịch tại các tỉnh miền Trung bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển.

Những tín hiệu tích cực từ thị trường du lịch nội địa và quốc tế cho thấy, các địa phương đã và đang sẵn sàng trong lộ trình thu hút khách trở lại.

Với việc không ngừng nỗ lực để đưa ra các sản phẩm du lịch mới, khai thác thêm các thị trường khác, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung kỳ vọng sẽ thu hút một lượng lớn du khách ngay trong năm 2023.

Xem lại bài 1: 'Kéo khách' về miền Trung - Bài 1: Du lịch phục hồi mạnh mẽ

Xem lại bài 2: 'Kéo khách' về miền Trung - Bài 2: Hút khách quốc tế bằng du lịch golf

Xem lại bài 3: 'Kéo khách' về miền Trung - Bài 3: Theo đuổi du lịch xanh

Xem lại bài 4: 'Kéo khách' về miền Trung - Bài 4: Thu hút các nguồn lực đầu tư vào du lịch

Xem lại bài 5: 'Kéo khách' về miền Trung - Bài 5: Sẵn sàng khai thác thị trường khách quốc tế lớn nhất

Doanh thu từ du khách còn thấp

Theo công cụ theo dõi điểm đến của Tổ chức Du lịch Thế giới và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, đến ngày 22/7/2022 đã có 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID-19. 

Trong đó, khu vực châu Âu dẫn đầu với 39 quốc gia, tiếp theo là châu Mỹ (10 quốc gia), Trung Đông và Châu Á - Thái Bình Dương (5 quốc gia), Châu Phi (3 quốc gia); 54% quốc gia trên thế giới vẫn yêu cầu test COVID-19 khi nhập cảnh; 27% duy trì các quy định liên quan đến cách ly. 

Đáng chú ý, Việt Nam là một trong quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia duy nhất khu vực Đông Nam Á đã mở cửa hoàn toàn du lịch.

Tuy nhiên, theo đại diện Vietravel, Việt Nam công bố chính sách mở cửa du lịch sớm hơn một số nước trong khu vực nhưng kết quả thu được thực tế lại thấp hơn. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa rà soát, đánh giá hiệu quả để kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với sự thay đổi không ngừng của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội.

Bên cạnh đó, chính sách visa vẫn chưa thật sự mở, khách phải theo đi theo tour hoặc phí xin visa theo các công ty bảo lãnh do vậy chi phí xin visa cao.

Các thị trường nguồn, được xem là truyền thống của Việt Nam chưa hoặc mới mở cửa nên chưa kịp khôi phục (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), tuy nhiên, nước ta lại chưa có chính sách ưu tiên phát triển các thị trường thay thế (như Malaysia, Ấn Độ, Trung Đông), trong khi Thái Lan đang làm rất tốt công tác thị trường. 

khach-Han-4

Khách Hàn Quốc trở lại Đà Nẵng sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hồi tháng 4/2022. Ảnh: Thành Vân.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch cấp quốc gia về phục hồi ngành du lịch. Doanh nghiệp du lịch vẫn chưa tiếp cận các gói hỗ trợ về tín dụng, để đảm bảo hoạt động kinh doanh các đơn vị phải tăng giá do vậy giá dịch vụ tại Việt Nam cao hơn Thái Lan khoảng 30%.

"Nước ta quá chú trọng vào lượt khách mà quên đi chất lượng thực sự cần hướng tới, là doanh thu từ du khách. Ví dụ, cùng lưu trú khoảng thời gian hơn 9 ngày nhưng trung bình một khách đến Thái Lan chi tiêu 2.500 USD, còn tại Việt Nam chỉ 1.200 USD", đại diện Vietravel dẫn chứng.

Là đơn vị đón chuyến bay của Hãng hàng không Scatt Airline từ thành phố Almaty (Kazakhstan) đến Khánh Hòa với tuần suất 2 chuyến/tuần vào thứ 5 và chủ nhật đến tháng 2/2023.

Bà Đỗ Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Amega nhận định, khách du lịch từ Kazakhstan, Uzbekistan là những thị trường mới của du lịch Việt Nam.

Theo bà Hằng, khách Kazakhstan, Uzbekistan cũng giống du khách Nga ở điểm thích nghỉ dưỡng ở biển. Tuy nhiên, du khách đến từ 2 quốc gia trên có khả năng chi tiêu tốt, ăn uống sành điệu, khả năng chi trả tốt, ở khách sạn 4-5 sao... Trong khi đó, du khách Nga lại là khách đại trà, có du khách còn ở khách sạn 3 sao.

Bà Hằng còn nhìn nhận, hiện, chính sách visa cho du khách Kazakhstan, Uzbekistan vào Việt Nam còn gặp khó khăn. Vì vậy, nếu như được miễn thị thực đối với du khách từ 2 quốc gia trên thì sẽ thúc đẩy du lịch được tốt hơn.

"Chúng tôi thực hiện 2 chuyến bay/ tuần, nhưng thời gian làm giấy mời visa, in visa rất tốn thời gian và nhân lực. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét được miễn thị thực vào Việt Nam có thể trong vòng 15 hoặc 30 ngày giống nước Nga thì sự phát triển của hai nước sẽ tốt hơn", bà Hằng chia sẻ. 

khach-Han-5

Doanh nghiệp đề xuất tăng số nước miễn thị thực và kéo dài thời gian miễn visa lên 30-45 ngày. Ảnh: Thành Vân.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Cũng theo đại diện Vietravel, cần phải có đánh giá cụ thể về kết quả khôi phục ngành du lịch, đặc biệt là thị trường quốc tế sau dịch trên cơ sở so sánh với các nước trong khu vực về: Chính sách, thị trường, chương trình quảng bá, hỗ trợ của chính phủ đối với ngành du lịch…

Cùng với đó là ban hành kế hoạch cấp quốc gia về khôi phục và phát triển ngành du lịch, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan để giải quyết những mặt tồn tại nêu trên của ngành du lịch Việt Nam. Đại diện Vietravel cũng đề xuất thành lập tổ công tác đặc biệt để phục hồi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong đó có sự tham gia của cơ quan quản lý về du lịch và các doanh nghiệp tư nhân.

Việt Nam cần xây dựng chiến dịch phát động thị trường khách du lịch thay thế, nhất là thị trường Ấn Độ và Trung Đông. Tuy nhiên, phải có sự chuẩn bị dịch vụ cho các thị trường này, nơi du khách có khả năng chi tiêu cao và đang tìm kiếm điểm đến mới sau dịch, trong đó có sự đầu tư, chung tay từ cơ quan quản lý du lịch, cụ thể là Tổng cục Du lịch với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không. 

Đại diện Vietravel còn ý kiến nêu cần tăng số nước miễn thị thực và kéo dài thời gian miễn visa lên 30-45 ngày; nới lỏng điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp (theo hình thức tín chấp căn cứ trên dòng thu của doanh nghiệp) để các doanh nghiệp bổ sung vào nguồn vốn lưu động, phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

"Chúng ta cũng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, mua sắm hoàn thuế và nhiều dịch vụ hấp dẫn vào ban đêm tại các điểm đến địa phương. Phát triển kinh tế ban đêm cần gắn với văn hóa bản địa, nâng cao sức cạnh tranh của từng địa phương. Khách đến Việt Nam vẫn đi ngủ sớm, không có nhiều dịch vụ để tiêu tiền. "Bỏ quên" kinh tế ban đêm đang là rào cản khiến du lịch Việt Nam đi sau nhiều nước", địa diện Vietravel  phân tích thêm. 

Đồng quan điểm, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, thời gian tới cần mở rộng mạng lưới các đường bay trực tiếp đến các thị trường tiềm năng, tăng tần suất các chuyến bay đến các thị trường khách trọng điểm là một trong những biện pháp thu hút khách du lịch hiệu quả và bền vững nhất.

Theo ông Dũng, cần liên kết vùng trong việc xây dựng đa dạng các nhóm sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái, khám phá văn hóa, ẩm thực, sự kiện lễ hội, sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng miền, kèm chính sách kích cầu phù hợp với từng thị trường khách và xu thế khách.

Các doanh nghiệp cần có các chính sách hỗ trợ tiếp cận nhóm khách sự kiện, hội nghị, MICE từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khách hạng sang, giới siêu giàu, tỷ phú,... để tạo sức hút truyền thông điểm đến.

"Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần có đánh giá các điểm đến thu hút khách trong khu vực để có các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh về điểm đến, từ đó, từng bước cải thiện các chính sách còn hạn chế liên quan đến du lịch. Tăng cường công tác quản lý về du lịch tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trong nước phát triển và cạnh tranh lành mạnh", ông Dũng kiến nghị.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chính phủ quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch sớm phục hồi và phát triển như: Giảm thuế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cho vay ưu đãi để khôi phục các cơ sở dịch vụ du lịch.

Trong khi đó, các địa phương tập trung đầu tư trực tiếp hoặc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng các khu, điểm du lịch để phục vụ nhu cầu thăm quan, giải trí, nghỉ dưỡng của khách du lịch nội địa và kêu gọi các nhà đầu tư hoàn thiện các cơ sở lưu trú du lịch để đáp ứng nhu cầu cao của Du lịch nội địa và chuẩn bị đón khách quốc tế.

Về phát triển các sản phẩm du lịch, theo ông Bình, cần đẩy mạnh loại hình du lịch MICE, du lịch thể thao để tăng lượng khách ở các mùa thấp điểm; các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch để từng bước xây dựng thương hiệu dịch vụ du lịch cho các địa phương (như nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, may mặc, giày dép...). 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25155.00 25161.00 25461.00
EUR 26745.00 26852.00 28057.00
GBP 31052.00 31239.00 32222.00
HKD 3181.00 3194.00 3300.00
CHF 27405.00 27515.00 28381.00
JPY 159.98 160.62 168.02
AUD 16385.00 16451.00 16959.00
SGD 18381.00 18455.00 19010.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18134.00 18207.00 18750.00
NZD   14961.00 15469.00
KRW   17.80 19.47
DKK   3592.00 3726.00
SEK   2290.00 2379.00
NOK   2277.00 2368.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ