Ông Liu biết rất nhiều về iPhone. Là nhà sản xuất cho Apple, Tập đoàn Công nghệ Hon Hai, hay còn gọi là Foxconn, công ty mà ông điều hành, sản xuất hầu hết iPhone trên thế giới.
Nhưng bây giờ công ty muốn thử một điều gì đó mới mẻ, đó là thiết kế và chế tạo ô tô điện.
Sự thay đổi đi kèm với những rủi ro đáng kể.
Theo ước tính của Liu, ô tô có số lượng linh kiện gấp 20 lần điện thoại. Nhiều thứ trong số đó, từ các bộ phận của hệ thống treo cho đến cần gạt nước kính chắn gió và động cơ công suất cao, đều không có trên chiếc điện thoại thông minh thông thường.
Và ô tô được quản lý chặt chẽ hơn nhiều so với điện thoại thông minh, với các quy tắc khác nhau tùy theo thị trường.
Đối với Liu và Foxconn, đây là một bước đi táo bạo. Ông nói rằng, để kế hoạch này có thể thực hiện được, Foxconn cần phải chiếm khoảng 5% thị trường xe điện toàn cầu vào năm 2025.
Trên dây chuyền sản xuất ô tô điện, họ còn cần nhiều thứ hơn là tiền, dù cho Foxconn hiện đã sở hữu kha khá trong số những thứ đó. Đấy còn chưa kể đến danh tiếng của Liu, và của Foxconn.
Và, tất nhiên, Foxconn còn có lịch sử về các vấn đề lao động ở Trung Quốc, với việc công nhân đã có lúc phải chống lại cảnh sát, điều mà họ cũng sẽ cần phải khắc phục để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
Nhưng Liu cần phát triển công ty, và ô tô, dù khác với điện thoại, vẫn là một phần quan trọng trong kế hoạch đó.
"Doanh thu của chúng tôi lớn bằng GDP của một số quốc gia", Liu nói khi trả lời các câu hỏi được CNN Business gửi qua email. "Tôi phải suy nghĩ về những ngành nào sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Mảng kinh doanh PC và điện thoại thông minh đã khá trưởng thành rồi", ông viết.
Từ mạt chược đến CEO
Có trụ sở tại Đài Loan, Foxconn đã là một trong những công ty lớn nhất thế giới. Nó có hơn 1 triệu nhân viên và hoạt động tại 24 quốc gia khác nhau. Nó tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ đa dạng và ngày càng phát triển, từ bàn di chuột đến TV cho nhiều đối tượng khách hàng.
Tuy nhiên, khách hàng lớn nhất và được biết đến nhiều nhất của nó là Apple.
Rõ ràng là Liu biết cách đánh một canh bạc có tính toán. Để kiếm thêm tiền khi còn rất trẻ, Liu nói với các cộng sự rằng anh chơi mạt chược, một trò chơi phức tạp liên quan đến yếu tố chiến lược và may mắn. Anh ấy đã nói rằng anh ấy có thể thắng hết trận này đến trận khác.
Sau khi lấy bằng thạc sĩ về kỹ thuật máy tính tại Đại học Nam California năm 1986, Liu tiếp tục làm việc tại ba công ty công nghệ khác nhau ở California. Ông đã nghỉ hưu vào năm 2001 nhưng ông nói rằng ông cảm thấy hơi lạc lõng.
"Tất cả bạn bè của tôi đều lớn tuổi hơn tôi. Người bạn trẻ nhất của tôi đã 60 tuổi", ông nói.
Bản thân ông Liu hiện đã hơn 60 tuổi nhưng với mái tóc đen và dáng người mảnh khảnh, ông trông trẻ hơn rất nhiều. Nụ cười ngốc nghếch nhưng niềm nở của anh ấy có vẻ trái ngược với phong cách kinh doanh của một người đàn ông đã thành lập nhiều công ty.
Ông gia nhập Foxconn vào năm 2007 với vai trò 'trợ lý đặc biệt' cho người sáng lập Terry Gou. Chỉ sau hơn chục năm, ông đã trở thành chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty vào năm 2019.
Công ty vốn đã rất lớn nhưng Liu ngay lập tức bắt đầu tìm cách để làm cho nó lớn hơn nữa.
Kịch bản gồm ba phần
Xe điện có vẻ gây ngạc nhiên khá nhiều đối với một công ty công nghệ như Foxconn.
Mặc dù có một số trường hợp ngoại lệ đáng chú ý đã thành công trên toàn cầu – đặc biệt là Tesla – nhưng đây không phải là một ngành dễ dàng tham gia.
Nhưng Liu nhận thấy ngành công nghiệp ô tô đang rất cần những gì Foxconn có thể cung cấp.
Liu cho biết: "Khi chúng tôi nghiên cứu thị trường xe điện, chúng tôi nhận thấy nó chưa đủ tích hợp theo chiều dọc. Mô hình kinh doanh không tối ưu so với những gì chúng tôi đã học được trong 30 đến 40 năm kinh nghiệm trong ngành [công nghệ thông tin]. Chúng tôi cho rằng mô hình kinh doanh xe điện nên được đổi mới".
Foxconn đang tiếp cận ngành công nghiệp ô tô về cơ bản giống như cách họ sản xuất điện thoại thông minh. Họ không có kế hoạch bán xe dưới tên Foxconn, hoặc dưới tên Foxtron, một liên doanh xe điện Foxconn được thành lập với nhà sản xuất ô tô Đài Loan Yulon (Liu cũng là Chủ tịch của Foxtron).
Thay vào đó, mẫu xe điện đầu tiên của hãng vừa được đưa vào sản xuất và dự kiến bán ra bắt đầu vào đầu năm 2024, sẽ được bán ở châu Á dưới thương hiệu Luxgen của Yulon.
Mẫu SUV điện Luxgen N7 sẽ được bán với giá khởi điểm khoảng 999.000 tân Đài tệ, tương đương khoảng 31.000 USD.
Liu cho biết anh đã từ bỏ chiếc Mercedes của mình và hiện đang lái chiếc N7.
N7 là phiên bản mang nhãn hiệu của mẫu crossover SUV mà Foxonn trước đây đã ra mắt với tên gọi Model C.
Foxconn cũng đã tiết lộ một số mẫu xe khác được giới thiệu như các loại sản phẩm mà công ty có thể sản xuất cho người khác.
Model B là một chiếc SUV crossover nhỏ hơn. Model E là mẫu sedan hạng sang được thiết kế hợp tác với công ty thiết kế ô tô Ý Pininfarina.
Foxconn cũng tự hào rằng Model V của họ là chiếc xe bán tải đầu tiên do Đài Loan sản xuất trong khi xe buýt điện Model T của họ đã hoạt động tại Đài Loan.
Sau đó là Model N, một loại xe tải chở hàng tương tự như xe tải BrightDrop của GM hoặc xe tải giao hàng Amazon của Rivian.
Thay vì hoàn toàn dựa vào sự hiểu biết của chính mình về ngành, Foxconn đã thuê cựu giám đốc điều hành Nissan Jun Seki để giúp lập chiến lược cho các nỗ lực xe điện của công ty.
"Mối quan hệ của anh ấy rất rộng và sâu", Liu nói về Seki. "Nhờ có anh ấy, chúng tôi đã thuê các chuyên gia trong ngành trong lĩnh vực mua sắm và sản phẩm, và chúng tôi đang tuyển dụng nhiều người hơn nữa".
Chuỗi cung ứng toàn cầu mạnh mẽ
Các công ty công nghệ khác cũng đã nói về việc sản xuất ô tô.
Apple, khách hàng nổi tiếng nhất của Foxconn, đã có chương trình phát triển xe điện dù không được thừa nhận trong nhiều năm.
Sony hợp tác với Honda để tạo ra một chiếc xe điện, dự kiến sẽ được sản xuất tại Ohio vào năm 2026.
Công ty điện tử Trung Quốc Xiaomi, nổi tiếng với điện thoại thông minh, cũng có kế hoạch bắt đầu sản xuất xe điện trong vài năm tới.
Tuy nhiên, Foxconn là công ty duy nhất có bước tiến mạnh mẽ vào ngành công nghiệp rộng lớn này.
Liu đưa ra đề xuất giá trị trực tiếp cho các nhà sản xuất ô tô, nói rằng Foxconn có thể cung cấp một loạt dịch vụ bao gồm thiết kế, kỹ thuật và chế tạo phương tiện.
Nhà phân tích ngành ô tô Bill Russo của Auto Mobility Ltd cho biết, trước những khó khăn mà ngành công nghiệp ô tô toàn cầu phải đối mặt vào năm 2021 khi cố gắng chế tạo ô tô khi nguồn cung cấp chip máy tính cạn kiệt, Foxconn có thể dễ dàng tìm được nguồn hàng mà các nhà sản xuất ô tô điện tử hiện đại ngày một cần thiết.
Đó là yếu tố chính của Monarch Tractor. Foxconn đã sản xuất máy kéo nông trại chạy điện tự lái ở quy mô nhỏ cho công ty khởi nghiệp này tại một nhà máy ở Ohio. Mark Schwager, Chủ tịch của Monarch, cho biết Foxconn là một trong 16 công ty mà Monarch coi là đối tác sản xuất.
Schwager nói: "Chúng tôi tạo ra một mạng lưới rộng khắp vì đây là một sản phẩm mới mà chưa có ai thực sự tạo ra trước đây. Chúng tôi sở hữu một vài yếu tố thực sự rất quan trọng: Khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu mạnh mẽ và Foxconn có một thứ không ai sánh kịp về mặt điện tử và vị thế trong ngành [bán dẫn]".
Khách hàng đầu tiên
Hiện tại, ngoài Yulon, các công ty khởi nghiệp, một số được thành lập với sự hợp tác của chính Foxconn, là đầu mối cho các thiết kế xe điện của Foxconn.
Ví dụ, Ceer, một liên doanh được Foxconn và Quỹ đầu tư công của Saudi thành lập năm ngoái. Nhà sản xuất ô tô mới này có kế hoạch bắt đầu bán xe điện ở Trung Đông bắt đầu từ năm 2025. Những chiếc xe này được sản xuất dựa trên kỹ thuật của Foxconn nhưng sẽ được bán dưới thương hiệu Ceer.
Foxconn đã thực hiện một số thỏa thuận được công bố công khai với những ông lớn thực sự trong ngành công nghiệp ô tô.
Foxconn và Stellantis gần đây đã công bố liên doanh SiliconAuto để thiết kế và chế tạo chip máy tính dành riêng cho xe điện.
Và Foxconn đang hoàn tất thỏa thuận mua một nửa ZF Chassis Systems, một phần của nhà cung cấp phụ tùng ô tô toàn cầu ZF của Đức.
Không phải mọi mối quan hệ kinh doanh của Foxconn đều diễn ra suôn sẻ.
Năm ngoái, Foxconn đã mua một nhà máy ở Lordstown, Ohio, từ Lordstown Motors, một nhà sản xuất xe bán tải EV mới khởi nghiệp (chính Lordstown Motors đã mua nhà máy này từ General Motors vào năm 2019).
Nhưng vào tháng 6 năm 2023, không lâu sau khi bắt đầu sản xuất xe tải, Lordstown Motors tuyên bố phá sản. Mặc dù có một số yếu tố liên quan nhưng Lordstown cũng đã đệ đơn kiện Foxconn.
"Vụ việc này phát sinh từ/ và dựa trên hành vi gian lận của một trong những công ty sản xuất đa quốc gia lớn nhất thế giới, mà theo thời gian đã có tác dụng phá hủy hoạt động kinh doanh của một công ty khởi nghiệp ở Mỹ", câu mở đầu trong hồ sơ của vụ kiện viết.
Trong vụ kiện và trong các tuyên bố công khai, Lordstown cáo buộc Foxconn phớt lờ các thỏa thuận của họ và không tuân thủ các khoản đầu tư đã hứa. Vụ kiện vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Foxconn đã phủ nhận những cáo buộc vào thời điểm đó, gọi chúng là "những bình luận sai sự thật và những cuộc tấn công ác ý".
Foxconn cho biết họ đang cố gắng thực hiện "các cuộc đàm phán mang tính xây dựng" với Lordstown để giúp "tìm ra giải pháp cho những khó khăn tài chính của mình".
Foxconn hiện đang thảo luận với Fisker Automotive để chế tạo một chiếc xe điện hatchback cỡ nhỏ, tương đối rẻ tiền có tên PEAR – từ viết tắt của Cuộc cách mạng ô tô điện cá nhân (Personal Electric Automotive Revolution)– tại nhà máy Lordstown, nơi các máy kéo điện đang được chế tạo.
Người sáng lập và giám đốc điều hành Fisker, Henrik Fisker, đã biến hoạt động sản xuất thuê ngoài trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch kinh doanh.
Mẫu SUV Fisker Ocean đã được nhà sản xuất theo hợp đồng Magna sản xuất tại Áo.
Foxconn hiện đang sản xuất xe điện ở Đài Loan và ngoài Lordstown, họ còn có kế hoạch sản xuất xe điện ở các quốc gia khác.
Không giống như những mặt hàng nhỏ, dễ vận chuyển như điện thoại thông minh, ô tô hầu hết được sản xuất gần nơi bán để giảm chi phí vận chuyển.
Đó là lý do tại sao các công ty như Toyota, Kia, BMW và Mercedes-Benz đều có nhà máy lớn ở Mỹ.
Nhà phân tích Sam Fiorani của Auto Predict Solutions cho biết nhà máy Lordstown mang lại cho Foxconn một lợi thế rất lớn trên thị trường xe điện Bắc Mỹ.
Ông nói: "Các công ty như Magna đã đùa giỡn với ý tưởng xây dựng một nhà máy ở Bắc Mỹ cho mục đích này, và Foxconn tình cờ gặp được một nhà máy có không gian đó".
Các cuộc đấu tranh của người lao động
Khi Foxconn chuyển sang thị trường xe điện và bổ sung các khả năng sản xuất mới, Liu phải đảm bảo rằng các vấn đề lao động vốn tồn động của công ty phải được giải quyết.
Mới năm ngoái, hàng trăm công nhân tại cơ sở Foxconn ở Trung Quốc đã phải đối mặt với cảnh sát.
Các công nhân tại nhà máy, nơi bùng phát dịch bệnh khiến hàng nghìn người phải chạy trốn, phàn nàn về tình trạng sức khỏe trong nhà máy và về mức lương mà họ cho rằng không được trả theo đúng như đã hứa.
Foxconn sau đó đề nghị trả tiền cho công nhân để họ nghỉ việc và rời khỏi nhà máy.
Foxconn cũng từng là mục tiêu của những cáo buộc trước đó về việc lạm dụng công nhân tại một số nhà máy ở Trung Quốc. Đó là điều mà Liu luôn tỏ ra mệt mỏi khi được hỏi tới.
Liu cho biết trong một phản hồi qua email: "Cho dù chúng tôi chủ động có những cải thiện đáng kể trong lĩnh vực này, chúng tôi vẫn nhận được những lời chỉ trích về các vấn đề trong quá khứ".
Công ty đã công bố trên trang web của mình một danh sách dài các sáng kiến phúc lợi nhân viên mà họ đã thực hiện để đảm bảo rằng người lao động được chăm sóc tốt hơn.
Ngoài ra, để tăng cường nỗ lực cải thiện quan hệ lao động, Foxconn đã thuê các kiểm toán viên bên thứ ba để xem xét cách đối xử của nhà sản xuất đối với nhân viên của mình, Liu cho biết.
Nếu Liu có thể dẫn dắt công ty của mình vượt qua tất cả những thách thức này, trong một vài năm nữa, bạn có thể lái chiếc ô tô của mình nghe nhạc từ một chiếc điện thoại thông minh do Foxconn sản xuất.