Đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi, hỗ trợ tăng trưởng cuối năm

Tạo điều kiện để sản xuất công nghiệp phục hồi là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế cả nước tăng trưởng trong tháng cuối cùng của năm 2021.
VŨ LONG
05, Tháng 12, 2021 | 07:28

Tạo điều kiện để sản xuất công nghiệp phục hồi là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế cả nước tăng trưởng trong tháng cuối cùng của năm 2021.

Cong-Nghiep-Doanh-Ng

Sản xuất công nghiệp tăng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa: Ngọc Hân

47 tỉnh, thành phố tăng chỉ số sản xuất công nghiệp

Theo Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp tại nhiều địa phương trong tháng 11 đã phục hồi mạnh mẽ khi Nghị quyết 128/NQ-CP được triển khai tại nhiều địa phương. Chiến lược chuyển từ “Zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được áp dụng trên cả nước, các doanh nghiệp đang dần hoạt động ổn định trở lại.

Kết quả cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 11.2021 tại nhiều địa phương đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh so với những tháng trước đó, điển hình như: Quảng Ninh tăng 19,17%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Quảng Ngãi tăng 16,11%; Thừa Thiên Huế tăng 9,12%; Cần Thơ tăng 6,77%; Đồng Nai tăng 6,9%, Hà Nội tăng 4,6%...

Trong 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ năm trước đã tăng ở 47 địa phương, nhưng giảm ở 16 địa phương trên cả nước. Trong đó, Ninh Thuận đứng đầu cả nước với tốc độ tăng 26,8%. Tiếp sau là các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Hải Phòng, Thanh Hoá… với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 26,3%; 18,8%; 18,5% và 16,5%.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,2%)… 

Cong-Nghiep-Doanh-Ng-01

Chỉ số sản xuất công nghiệp tại 16 địa phương giảm trong 11 tháng năm 2021. Ảnh minh họa: Vũ Long

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11 đã từng bước phục hồi do các địa phương cơ bản đã tuân thủ các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới, ban hành hướng dẫn và xây dựng kế hoạch về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Chiến Thắng, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản phục hồi sản xuất, nhiều doanh nghiệp đạt công suất 80-90%.

Dù còn gặp khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, nhân công… nhưng các doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để tăng doanh số, tạo việc làm cho công nhân và đặc biệt là giữ khách hàng.

Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái - cũng cho biết, hoạt động sản xuất 11 tháng qua duy trì ổn định, hoạt động kinh doanh thương mại dần hồi phục trở lại do thực hiện chính sách nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Các chỉ tiêu của ngành duy trì và có mức tăng trưởng khá. Hiện nay, toàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp đang tăng tốc, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hoàn hành kế hoạch năm 2021 và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Đồng hành cùng doanh nghiệp khó khăn

Trong 11 tháng năm 2021, có 16 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TP.HCM có mức giảm sâu nhất: 15,5%.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng thứ tư của dịch COVID-19, quá trình hồi phục sản xuất trên địa bàn TP.HCM rất gian nan bởi những tổn thất kinh tế - xã hội nghiêm trọng, nguồn nhân lực bị đứt gãy. 

15 địa phương khác cũng gặp không ít khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm tương đối mạnh: Tỉnh Trà Vinh giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, là địa phương có mức giảm lớn thứ 2, sau TPHCM. Tiếp sau đó là các tỉnh Cần Thơ, Cao Bằng, Sơn La, Đồng Tháp… với tốc độ giảm lần lượt là 10,4%; 9,9%, 9,1% và 8,7%.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, các bộ, ngành và các địa phương đang đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn vốn… để khôi phục sản xuất.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với 3 khó khăn nổi cộm: Thiếu lao động, thiếu vaccine và thiếu vốn… Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo về các bộ, cơ quan (thành viên Tổ công tác) tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. 

(Theo Lao động)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ