Cởi bỏ cơ chế để chắp cánh cho các 'sếu nhà nước đầu đàn'

Nhàđầutư
Cơ chế như "tấm áo chật" đã, đang tạo rào cản phát triển cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bấy lâu nay sắp được cởi bỏ. DNNN sẽ được ứng xử công bằng hơn, tạo nhiều không gian phát triển hơn, để thực sự là những cánh chim đầu đàn mở đường, dẫn dắt cả khu vực doanh nghiệp khác cùng phát triển.
ANH PHONG
11, Tháng 03, 2021 | 12:20

Nhàđầutư
Cơ chế như "tấm áo chật" đã, đang tạo rào cản phát triển cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bấy lâu nay sắp được cởi bỏ. DNNN sẽ được ứng xử công bằng hơn, tạo nhiều không gian phát triển hơn, để thực sự là những cánh chim đầu đàn mở đường, dẫn dắt cả khu vực doanh nghiệp khác cùng phát triển.

viettel-16029006054976962

Các doanh nghiệp công nghệ cao như Viettel sẽ được đặt hàng nắm bắt các công nghệ lõi phục vụ cho sự phát triển của đất nước

DNNN phải “gánh” vai trò dẫn dắt, mở đường

Tại Hội nghị về phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn do Bộ KH&ĐT vừa tổ chức, vai trò mở đường, dẫn dắt của khối doanh nghiệp này một lần nữa được nhấn mạnh.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), “có tính chất mở đường” phải được hiểu theo nghĩa hướng đến các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Còn “dẫn dắt” là hướng đến các ngành hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với sự tham gia của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững.

Tại Đề án phát triển DNNN đang được xây dựng, Bộ KH&ĐT đã đề xuất 7 doanh nghiệp sẽ được trao cơ hội, gồm 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (Viettel, VNPT, MobiFone), 2 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (Tập đoàn Điện lực EVN và Tập đoàn Dầu khí PVN), 1 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, và Vietcombank thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Để đóng góp hoàn thiện đề án với nhiều mục tiêu tham vọng, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề, liệu các doanh nghiệp được đề xuất lựa chọn đã phù hợp chưa? Lĩnh vực hàng không hay Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) có nên được nghiên cứu, xem xét đưa vào Đề án không? Cơ chế chính sách như dự kiến đề xuất đã đủ mạnh chưa? Trong bối cảnh có rất nhiều cơ hội, nên chăng phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm để tận dụng được cơ hội chứ không “bó tay bó chân” doanh nghiệp, tất nhiên phải đi kèm việc giám sát hiệu quả.

“Thậm chí, kể cả một số doanh nghiệp, lĩnh vực có thể chưa tốt nhưng cần thì vẫn có thể đưa vào Đề án để phát triển mạnh lên, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước, chứ không chỉ lựa chọn những doanh nghiệp, lĩnh vực đang làm ăn tốt. Tranh thủ cơ hội để giúp doanh nghiệp trỗi dậy, đất nước bứt phá”, Bộ trưởng nói.

Nhắc lại những quan điểm lớn về phát triển DNNN được khẳng định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng cho biết, đây là yêu cầu, đòi hỏi lớn, bức thiết của đất nước trong giai đoạn tới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Đề án này.

Hiện DNNN số lượng không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh…

“Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của DNNN phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là đúng đắn để DNNN tập trung vào những vấn đề mới, lớn, khó, còn lại để cho doanh nghiệp tư nhân làm”, Bộ trưởng phát biểu.

Muốn phát triển DNNN phải cởi được “tấm áo chật” về cơ chế

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Viettel đã chia sẻ thẳng thắn về "tấm áo chật" của cơ chế đã, đang ràng buộc, tạo rào cản cho DNNN hiện nay.

"Tôi mong các bộ, ngành hãy nghĩ một câu thôi. Cố gắng làm sao từ tư duy hãy coi DNNN giống như doanh nghiệp tư nhân. Cái gì thuộc về Nhà nước thì để Nhà nước quản, nhưng riêng về cơ chế để phát triển thì chí ít phải giống tư nhân chứ. Hãy giao quyền tự chủ cho người đứng đầu là các Chủ tịch hay Tổng giám đốc", Quyền Chủ tịch Viettel nói.

Ông Dũng lấy ví dụ một bất cập, "việc thu phí không dừng trên cao tốc, chúng tôi phải xin làm thủ tục mất 2 năm trời để được thu. Nếu ngày hôm nay tôi nảy ra ý nghĩ một ngành mới, phải làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian. Kinh doanh, lợi nhuận là thời cơ, mất vài năm thì thời cơ đâu? Hay đầu tư nước ngoài cũng vậy, doanh nghiệp Nhà nước mà muốn mua vài chục % của doanh nghiệp nước ngoài, không hề dễ dàng, có ai cho quyền đâu!".

Theo quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel, Việt Nam có khát vọng đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, muốn đạt được điều này hoàn toàn phải dựa vào công nghệ.

"Không biết năm 2045 nhân loại sẽ phát triển đến đâu nhưng chắc chắn Việt Nam sẽ phải là xã hội số, phát triển văn minh. Thêm nữa, Việt Nam phải làm chủ được công nghệ lõi, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, nếu không làm chủ được thì không bao giờ chúng ta vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, chứ đừng nói đến thịnh vượng, thu nhập cao được", ông Dũng nói.

Các ngành như công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin cũng cần phải được tập trung đầu tư, ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt là tạo cơ chế và xây dựng nguồn nhân lực....

"Facebook, Alibaba là công ty số, chỉ cần vài năm là có tài sản cả trăm hay nghìn tỷ USD, vượt xa so với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng. Thậm chí, các doanh nghiệp này còn làm náo loạn thế giới, thay đổi hoàn toàn về tư duy sản xuất, phân phối, quan hệ thương mại thế giới", ông Dũng ví dụ.

Trả lời cho vấn đề ông Lê Đăng Dũng nêu, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết, dự thảo Đề án sẽ đề xuất các chính sách chung, với nguyên tắc phù hợp các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ các cam kết quốc tế, không làm méo mó các quan hệ trên thị trường, tạo sự cạnh tranh, bình đẳng và tăng cường minh bạch, công khai của chính sách.

Theo đó, sẽ nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Nhà nước quản lý theo mục tiêu: giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp… Kiểm tra, giám sát theo hướng đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể.

“Đặc biệt, sẽ trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số (sand box)”, ông Lê Mạnh Hùng nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ