Chưa nên cho phép dịch vụ điều trị bệnh nhân Covid-19

Nhàđầutư
Trước kiến nghị mới đây của chính quyền TP.HCM gửi Bộ Tài chính và Bộ Y tế, tác giả bài viết này cho rằng bối cảnh bất thường hiện tại chưa phù hợp để cho phép các cơ sở y tế tư nhân được tiếp nhận và thu phí điều trị bệnh nhân COVID-19 theo yêu cầu.
NGUYỄN VĂN ĐÁNG (Học viện CTQG Hồ Chí Minh)
26, Tháng 08, 2021 | 07:36

Nhàđầutư
Trước kiến nghị mới đây của chính quyền TP.HCM gửi Bộ Tài chính và Bộ Y tế, tác giả bài viết này cho rằng bối cảnh bất thường hiện tại chưa phù hợp để cho phép các cơ sở y tế tư nhân được tiếp nhận và thu phí điều trị bệnh nhân COVID-19 theo yêu cầu.

dieu-tri- benh- nhan-covid

Điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh minh hoạ: Bộ Y tế. 

Ưu điểm của dịch vụ điều trị

Kiến nghị của chính quyền TP.HCM ngày 23/8 về việc cho phép các cơ sở y tế tư nhân được tiếp nhận và điều trị theo yêu cầu đối với bệnh nhân COVID-19 có thể phát huy một số thế mạnh của cơ chế thị trường trong phòng chống dịch bệnh hiện nay. 

Thứ nhất, sự tham gia của các chủ thể tư nhân sẽ giúp gia tăng nguồn cung dịch vụ điều trị. Trước lượng số lượng bệnh nhân vẫn đang gia tăng tại TP.HCM và một số tỉnh xung quanh, các cơ sở y tế tư nhân có thể nhanh chóng hoán cải công năng bệnh viện để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người bệnh.

Thứ hai, với những thế mạnh sẵn có về cơ chế hoạt động, chất lượng dịch vụ do bệnh viện tư nhân cung cấp nhìn chung sẽ có thể tốt hơn so với các đơn vị y tế của nhà nước, vốn đang quá tải. Nguồn tài chính từ khách hàng tiềm năng sẽ giúp các cơ sở điều trị tư nhân đầu tư nâng thêm số lượng giường bệnh, mua sắm trang thiết bị mới và hiện đại, và tuyển thêm được những y bác sỹ có trình độ chuyên môn cao để phục vụ bệnh nhân.

Thứ ba, các cơ sở y tế tư nhân sẽ thu hút số lượng đáng kể những bệnh nhân có khả năng chi trả, qua đó giảm tải cho các đơn vị y tế công. Mức độ chia sẻ sức ép với các đơn vị y tế của nhà nước phụ thuộc rất lớn vào mức giá dịch vụ mà các bệnh viện tư nhân áp dụng.

Với một số ưu điểm nêu trên, sự tham gia của các bệnh viện tư nhân trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 theo cơ chế thị trường sẽ góp phần gia tăng tổng phúc lợi xã hội, cụ thể hơn là tăng số lượng bệnh nhân được phục vụ kịp thời và cải thiện chất lượng điều trị, qua đó góp phần giảm số bệnh nhân có thể bị tử vong.

Hệ quả của cơ chế điều trị theo nhu cầu

Hệ quả rõ nhất của việc cho phép các bệnh viện tư nhân điều trị bệnh nhân COVID-19 theo nhu cầu là sẽ làm lộ rõ hơn sự bất bình đẳng xã hội. Những bệnh nhân có điều kiện khá giả sẽ được điều trị tốt hơn trong khi số đông bệnh nhân còn lại thì không thể tiếp cận dịch vụ với chất lượng như ý muốn. Quá trình điều trị có thể kéo dài, liên quan đến sinh mệnh của bệnh nhân cho nên rào cản tài chính tạo ra sự phân biệt đối xử là điều không nên diễn ra khi chúng ta đang đối diện thách thức nan giải, cần sự đoàn kết cộng đồng.

 
Hệ quả rõ nhất của việc cho phép các bệnh viện tư nhân điều trị bệnh nhân COVID-19 theo nhu cầu là sẽ làm lộ rõ hơn sự bất bình đẳng xã hội.

Trong khi Đảng và nhà nước đang kêu gọi sự đồng tâm và hiệp lực của mọi chủ thể, nỗ lực huy động mọi nguồn lực để phòng chống dịch bệnh thì việc cho phép các cơ sở y tế tư nhân điều trị theo cơ chế thị trường sẽ giúp họ kiếm được lợi nhuận từ hoạn nạn của người dân. Thực tế này không chỉ dẫn đến sự bất bình đẳng về thù lao thực hiện khám chữa bệnh giữa các bác sỹ, nhân viên y tế của khu vực công và khu vực tư, mà còn có thể gây ra những tranh luận về đạo đức nghề nghiệp.

Sự hình thành thị trường khám chữa bệnh nhân COVID-19 tất yếu dẫn đến sự cạnh tranh giữa khu vực công và khu vực tư trong việc mua sắm trang thiết bị và vật phẩm y tế. Trong tình huống bất thường như hiện nay, nếu điều nêu trên xảy ra thì nó không chỉ tiềm ẩn nguy cơ khan hiếm hàng hóa, đẩy giá thành tăng cao, gây ra những khó khăn cho hệ thống y tế công lập, vốn kém linh hoạt hơn.

Về mặt tinh thần, cho phép dịch vụ khám chữa bệnh nhân COVID-19 cũng có thể làm giảm ý thức cộng đồng cũng như động lực tự nguyện cống hiến của nhân lực y tế khu vực tư. Nếu dịch bệnh lan rộng và kéo dài, nhà nước có thể khó khăn hơn trong việc huy động tình nguyện viên từ khu vực y tế tư nhân để phục vụ lợi ích tập thể. Những ảnh hưởng về tinh thần cũng có thể nảy sinh trong đội ngũ y bác sỹ công lập, những người đang ngày đêm tham gia phòng chống dịch bệnh với mức thù lao khiêm tốn của khu vực công.

Bệnh nhân được bệnh viện tư chăm sóc tốt hơn sẽ gia tăng tỷ lệ điều trị thành công, giảm nguy cơ tử vong. Trong khi có thể gia tăng uy tín và lợi ích cho các chủ thể y tế tư nhân thì kết quả như vậy lại có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của hệ thống y tế công lập – vốn là lực lượng chủ lực phòng chống dịch bệnh suốt gần hai năm nay, và hiện đang phải đối diện với vô vàn khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng điều trị.

Ứng phó đại dịch cần dựa trên lợi ích cộng đồng

Trong cuộc sống hàng ngày, những bệnh tật thông thường chỉ là "vấn đề cá nhân" bởi nếu không được điều trị thì hậu quả cũng chỉ xảy ra với cá nhân mà thôi. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 hiện đang là "vấn đề sức khỏe mang tính cộng đồng". Nếu không được kiểm soát, dịch bệnh sẽ phát tán và gây hậu quả cho cả cho cộng đồng. Vì thế, chúng ta không nên coi việc ứng phó với dịch bệnh hiện nay giống như các bệnh thông thường khác. Thay vào đó, tình huống đại dịch bất thường đang đòi hỏi sự đồng tâm, nhất trí của mọi chủ thể, lợi ích của tập thể phải đặt lên trên lợi ích của cá nhân cũng như tổ chức.

 
Nhà nước nên sử dụng cơ chế hợp đồng để có thể phát huy tiềm lực về cơ sở vật chất, phương tiện, và nhân lực của y tế tư nhân. Sự cung cấp tài chính và kiểm soát chi phí của nhà nước sẽ bảo đảm mọi bệnh nhân đều có thể được bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, thụ hưởng chất lượng điều trị như nhau.

Chính bối cảnh dịch bệnh phức tạp và nan giải hiện nay là yếu tố khiến sự cho phép hình thành thị trường khám chữa bệnh nhân Covid-19 là chưa phù hợp. Những hệ quả tiềm ẩn từ việc khám chữa bệnh theo nhu cầu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực tập thể trong quá trình phòng chống dịch bệnh. Thay vào đó, nhà nước và nhân dân đang cần sự chung tay chia sẻ trách nhiệm từ các cơ sở y tế tư nhân. Theo đó, nhà nước nên sử dụng cơ chế hợp đồng để có thể phát huy tiềm lực về cơ sở vật chất, phương tiện, và nhân lực của y tế tư nhân. Sự cung cấp tài chính và kiểm soát chi phí của nhà nước sẽ bảo đảm mọi bệnh nhân đều có thể được bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, thụ hưởng chất lượng điều trị như nhau, đồng thởi giảm thiểu những hệ lụy tiềm ẩn từ sự bất bình đẳng và cạnh tranh nếu dịch vụ điều trị theo nhu cầu được chấp nhận tại thời điểm hiện tại.

Từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước ta, mọi công dân Việt Nam nhiễm bệnh đều được khám và điều trị miễn phí, với vai trò chủ lực của hệ thống y tế công. Đây là trách nhiệm và cam kết chính trị nhất quán của Đảng và nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe toàn dân. Cũng bởi thế, việc hình thành thị trường điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ phù hợp hơn trong tương lai gần khi tỷ lệ người dân được tiêm vaccine đạt yêu cầu và cả nước đã bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, trở lại với trạng thái bình thường. Khi đó, nhiễm virus cúm SARS-COV-2 cũng như mọi bệnh thông thường khác, việc điều trị theo hình thức dịch vụ là tương lai tất yếu, và chúng ta không phải lo ngại về những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường trong y tế.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ