Nhiều ngành xuất khẩu tỉ USD dần hồi phục

Nhiều ngành sản xuất chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ hàng tỉ đến chục tỉ USD đã dần có những điểm sáng khi đơn hàng hồi phục sau thời gian dài giảm sâu, có những doanh nghiệp đã lấy lại "phong độ" vào giai đoạn cuối năm.
ĐỨC THIỆN
26, Tháng 09, 2023 | 03:08

Nhiều ngành sản xuất chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ hàng tỉ đến chục tỉ USD đã dần có những điểm sáng khi đơn hàng hồi phục sau thời gian dài giảm sâu, có những doanh nghiệp đã lấy lại "phong độ" vào giai đoạn cuối năm.

base64-16956156134791486534930

Công nhân Công ty CP thực phẩm Bình Tây trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) đóng gói sản phẩm để xuất khẩu vào sáng 23/9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, nhiều ngành vẫn còn không ít khó khăn.

Ngành công nghệ chạy nước rút

Cách đây ít ngày, Công ty phần mềm FPT (FPT Software - thành viên Tập đoàn FPT) công bố thành lập văn phòng tại thành phố Guadalajara - được mệnh danh là Silicon Valley của Mexico. Cùng với Mexico, các văn phòng tại Costa Rica và Colombia sẽ tạo thế kiềng ba chân cho FPT Software tại khu vực Mỹ Latin.

FPT Mexico cùng với các trung tâm phát triển phần mềm khác tại Ấn Độ, Philippines, Costa Rica và Colombia cũng đảm bảo vững chắc khả năng cung cấp dịch vụ 24/7 cho khách hàng tại Mỹ. Đây là văn phòng nước ngoài thứ tư chỉ trong vòng chín tháng của FPT Software.

Với sự hiện diện tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh nghiệp đang cung ứng dịch vụ công nghệ tới hơn 1.000 khách hàng toàn cầu, trong đó có gần 100 khách hàng thuộc danh sách Fortune Global 500 đang hoạt động đa lĩnh vực như hàng không vũ trụ, năng lượng, xe hơi, tài chính ngân hàng...

Đại diện FPT cho biết bước đi này nằm trong "cuộc đua nước rút" đạt doanh thu 1 tỉ USD vào cuối năm 2023.

Trong khi đó, đầu tháng 9, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với WB Group (tập đoàn công nghệ lớn nhất Ba Lan) để mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế.

Ông Nguyễn Vũ Hà, tổng giám đốc Viettel High Tech, cho biết sự hợp tác hai chiều trên tinh thần "win - win" giữa Viettel và WB Group giúp cả hai cùng mở rộng mạng lưới kinh doanh toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Một công ty công nghệ lớn khác của Việt Nam là VNG cũng đang kỳ vọng "hái quả ngọt" từ chiến lược Go Global (tạm dịch: vươn ra thế giới). Cụ thể, ở mảng trò chơi trực tuyến, VNGGames đang ngày càng được công nhận trên các thị trường ngoài Việt Nam, tập trung vào Đông Nam Á. Công ty đặt mục tiêu mở rộng thị phần nhanh chóng trong các thị trường mới trong khi tối ưu hóa chi phí hoạt động.

Đến nay, công ty đã ra mắt và vận hành hơn 80 trò chơi do chính mình phát triển trong nước và quốc tế. Việc mở rộng kinh doanh, bán hàng hóa, dịch vụ vào các thị trường quốc tế của FPT Software, Viettel High Tech và VNG phản ánh sự cạnh tranh và khả năng ngày càng tăng của ngành công nghệ Việt Nam.

base64-16956156264821300579035

Công nhân sơ chế và đóng gói mít sấy xuất khẩu tại Công ty cổ phần Vinamit, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xuất khẩu nông sản, thủy sản khởi sắc

Ông Nguyễn Văn Trung, đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản tại miền Nam, cho biết nhờ có công nghệ bảo quản tốt đối với xoài, nhãn, thanh long, sầu riêng... nên hiện sản lượng xuất khẩu của các loại quả này đi Úc, Mỹ... đã tăng mạnh.

Đặc biệt, công ty có phương pháp bảo quản xoài xanh đến 60 - 70 ngày giúp việc xuất qua thị trường xa như Mỹ khá thuận lợi. "Ngoài ra, Mỹ đã nhập khẩu dừa tươi Việt Nam trở lại. Lần này họ nhập cả dừa gọt vỏ kiểu kim cương với thời hạn bảo quản kéo dài khoảng hai tháng, không phải dừa sọ có thời hạn bảo quản ngắn như trước. Đây là thuận lợi lớn để gia tăng xuất khẩu", ông Trung nói.

Trong khi đó, bà Ngô Tường Vy, tổng giám đốc Công ty Chánh Thu (Bến Tre), cho biết vừa xuất khẩu bưởi đi Mỹ và đã ghi nhận sự tăng trưởng nhanh. Sắp tới đây, khả năng bưởi sẽ là loại trái cây thế mạnh của Việt Nam được Trung Quốc cho nhập chính ngạch.

Còn ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết cơ hội xuất khẩu cuối năm khả quan, đặc biệt là sầu riêng. "Hiện chỉ khoảng 300 triệu người Trung Quốc tiếp cận được sầu riêng. Nếu giá bán tốt hơn, bình ổn hơn, tiêu thụ sầu riêng còn tăng mạnh", ông Tùng nói.

Tuy vậy, ông Tùng cũng cảnh báo hiện cả Malaysia, Thái Lan, Lào... đang đẩy mạnh trồng sầu riêng, xây dựng thương hiệu. Do đó, Việt Nam cũng phải nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu tốt.

Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay hiện mỗi năm Việt Nam xuất qua Mỹ tối đa khoảng 250 triệu USD. Nếu so sánh con số này với tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trên 5 tỉ USD, kim ngạch đi Mỹ còn quá nhỏ bé. Do đó, nếu cải tiến công nghệ bảo quản, đẩy mạnh các mặt hàng có hạn sử dụng dài, đi sâu chế biến thì kim ngạch qua Mỹ sẽ còn tăng mạnh.

Riêng với ngành hàng thủy sản, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết đang ghi nhận sự khởi sắc khi ba tháng gần đây có doanh số xuất khẩu tôm cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm, trong đó thị trường Mỹ ghi nhận mốc tăng trưởng dương đầu tiên trong tháng 7. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang tốt lên, khi Giáng sinh và Tết dương lịch đang đến gần.

5ee72b331ca845ff8be7d31023199a9e

Nguồn: Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê - Tổng hợp: Ngọc Hiển - Đồ họa: N.KH.

Dệt may, đồ gỗ phục hồi trong khó khăn

Tại Công ty CP May Sài Gòn 3, nhà xưởng sáng đèn, công nhân tấp nập vào ca sản xuất. Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch hội đồng quản trị, cho biết doanh nghiệp này đã có đủ đơn hàng cho các tháng 9, 10 và 11.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Việt, phó chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM, cho hay so với đầu năm, thị trường dệt may nay đã tăng trưởng khoảng 20%, song nếu so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng trưởng âm, khó khăn có thể kéo dài tới năm 2024.

"Nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội đã hoạt động tới 90 - 95% công suất. Tuy công nhân không tăng ca nhộn nhịp, dư dả như những năm trước nhưng không tới nỗi phải nghỉ việc", ông Việt nói.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khẳng định khó khăn của ngành dệt may Việt đã chạm đáy vào tháng 6, tháng 7. "Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sang tháng 8, con số này chỉ còn 9,6%", ông Giang nói và cho biết đã có số ít doanh nghiệp hoạt động hơn 100% công suất, phần đông đang hoạt động 90 - 95% công suất.

Ông Giang cho biết năm nay ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39,5 - 40 tỉ USD, giảm 4 tỉ USD so với năm 2022. "Ngành dệt may cũng quyết liệt đầu tư vào xanh hóa, phát triển bền vững, tự động hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến... Đây là giải pháp điểm cộng giúp chúng ta có thêm các đơn hàng vào các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Mỹ...", ông Giang nói.

Còn với ngành gỗ, ông Huỳnh Quang Thanh, tổng giám đốc Công ty TNHH gỗ Hiệp Long, cho hay đơn hàng đã dần phục hồi khi doanh nghiệp đã có đơn hàng để duy trì toàn bộ công nhân đến cuối năm.

Theo ông Thanh, hàng tồn kho bắt đầu giảm trong khi người dân ở các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng đã có những tín hiệu mua sắm trở lại nên cuối năm nay và đầu năm sau sẽ là giai đoạn ngành gỗ tăng đơn hàng.

Không ít doanh nghiệp vẫn chưa hết khó

Bà Trương Thị Chí Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho hay dù tình hình đơn hàng có khá hơn so với hồi đầu năm nhưng so với năm ngoái thì lượng đơn hàng giảm đi rất nhiều.

Tình hình thị trường đến cuối năm có thể khá hơn, nhưng cũng chưa có dự báo khả quan hơn cho doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo. Cũng bởi cầu thị trường thế giới suy giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu đều bị ảnh hưởng. Trong khi đó, doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam chỉ đáp ứng được đơn hàng sản xuất linh kiện đơn lẻ. Nhiều nhà mua hàng có xu hướng đặt hàng các linh kiện nguyên chiếc, linh kiện hoàn chỉnh yêu cầu khó hơn trong sản xuất. Đơn hàng giá rẻ thì doanh nghiệp lại không thể cạnh tranh về giá với doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 8 có khởi sắc khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỉ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Tuy nhiên, do những khó khăn chung của thị trường thế giới nên tính chung tám tháng năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt 435,23 tỉ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%.

 

* Ông ĐẶNG PHÚC NGUYÊN (tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam):

Cơ hội lớn xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Các tháng cuối năm Trung Quốc vào mùa lạnh, sản xuất nông sản nội địa giảm, họ sẽ tăng mạnh nhập khẩu và đây là cơ hội lớn cho Việt Nam. Trong khi đó, sau Đắk Lắk, đến lượt Gia Lai thu hoạch sầu riêng... nên sản lượng còn nhiều.

Trung Quốc có thể nhập hơn 5 tỉ USD sầu riêng năm nay, trong đó nhập từ Thái Lan khoảng 3 tỉ USD, Việt Nam 2 tỉ USD. Nếu Trung Quốc cho Việt Nam xuất chính ngạch với sầu riêng cấp đông như áp dụng cho Thái Lan, giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt sang Trung Quốc có thể sớm vượt Thái Lan. Vì tổng chi phí nhập sầu riêng từ Việt Nam thường rẻ hơn ít nhất 20% so với nhập từ Thái Lan.

Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc để sớm cho xuất chính ngạch với ớt, dưa hấu, sầu riêng đông lạnh. Nếu được, giá trị xuất khẩu sẽ tăng mạnh. Chưa kể, mặt hàng dừa tươi khả năng trong tháng 10 hoặc tháng 11 sẽ bắt đầu xuất chính ngạch đi Trung Quốc với kim ngạch dự báo rất lớn.

Nếu thuận lợi, xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt 5 - 5,2 tỉ USD, trong đó sầu riêng có thể đạt 2 tỉ USD, thậm chí 2,5 tỉ USD.

Tuy vậy, không nên chỉ tập trung mở rộng danh sách hàng nông sản Việt Nam xuất chính ngạch đi Trung Quốc mà cần đàm phán xuất đi chính ngạch ở nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường tỉ dân Ấn Độ...

(Theo Tuổi trẻ)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ