Hãng bay sẵn sàng nhưng chưa được cấp phép bay quốc tế

Một tuần nữa là bắt đầu thí điểm bay thương mại quốc tế nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể, thậm chí chưa được cấp phép bay.
LAN ANH
24, Tháng 12, 2021 | 06:32

Một tuần nữa là bắt đầu thí điểm bay thương mại quốc tế nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể, thậm chí chưa được cấp phép bay.

Ngay khi có văn bản của Chính phủ cho phép mở lại các đường bay thương mại quốc tế, Vietjet Air đã lên tất cả kế hoạch chuẩn bị. Tuy nhiên đến nay, hãng vẫn chưa được cấp phép bay, thậm chí chưa biết tần suất bay cụ thể như thế nào.

Tại tọa đàm "TP.HCM: Mở cửa đón khách du lịch quốc tế và kiều bào an toàn, chu đáo" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 23/12, bà Nguyễn Thị Thúy Bình - Phó tổng giám đốc Vietjet Air - cho rằng tiến độ và tính đồng bộ khi triển khai các chính sách, quy định mới là lo lắng lớn nhất của doanh nghiệp.

Đồng bộ trong tư duy, chiến lược và thực tế triển khai

"Khi nào chúng ta mới mở cửa và phục vụ như thế nào để đồng bộ nhất, tránh tình trạng phải thực hiện yêu cầu này, yêu cầu kia và các yêu cầu không giống nhau. Đó cũng là điều chúng tôi đang lo lắng và chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý giúp làm rõ các quy trình và tiến độ khi nào chúng tôi được phục vụ kiều bào Việt Nam về quê ăn Tết, phục vụ khách du lịch đến Việt Nam", bà Thúy Bình nhấn mạnh. 

Ms_Thuy_Binh

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình - Phó tổng giám đốc Vietjet Air. Ảnh: VGP/Anh Đức.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel - nhấn mạnh mong muốn chính sách sắp tới cần rõ ràng, rành mạch, cụ thể và đồng bộ hơn. "Vừa qua do chưa đồng bộ, nên trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn", ông nói.

Ngày 22/12, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các Bộ Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao để thực hiện kế hoạch thí điểm khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế kể từ ngày 1/1/2022.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vietravel, giới doanh nghiệp nói chung cần nhìn thấy một “master plan” (chiến lược tổng thể) của Chính phủ cho giai đoạn từ nay đến năm 2023, 2025.

"Trong bối cảnh bình thường mới, nếu không có 'master plan' chúng ta sẽ rất bị động. Dĩ nhiên trong giai đoạn dài như thế sẽ có nhiều đột biến, làm cho kế hoạch của chúng ta thay đổi, chúng ta sẽ cập nhật và điều chỉnh. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp như chúng tôi xây dựng kế hoạch tiếp theo", ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.

Tính đồng bộ trong tư duy, chiến lược và thực tế triển khai, theo các doanh nghiệp, không chỉ gói gọn trong lĩnh vực hàng không và du lịch. Với vị Chủ tịch HĐQT Vietravel, muốn du lịch sôi động trở lại thì cần mở cửa về giao thông vận tải và các dịch vụ, tiện ích khác như F&B, giải trí, bán lẻ...

"Du lịch có tính tổng hợp, mình nó không thể vận hành mà phải có sự trợ giúp của cả hệ thống. Chúng tôi mong muốn sắp tới chính sách của Chính phủ sẽ mạnh mẽ hơn trong việc mở lại hệ thống dịch vụ, hạ tầng, đặc biệt là những cơ sở dịch vụ phục vụ cho cuộc sống và cho du lịch", ông Nguyễn Quốc Kỳ nhìn nhận.

Còn với bà Thúy Bình, việc tích hợp các ứng dụng công nghệ vào một nền tảng chung là cần thiết. "Chính phủ phải có những nền tảng chung nhất, đồng bộ nhất để kiểm soát cả đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, cung cấp các dịch vụ hàng ngày, lẫn kiểm soát thông tin của khách hàng thì sẽ thuận tiện hơn", bà nói.

 
Tôi có kiến nghị chúng ta hãy duy trì cuộc sống bình thường, theo một cách thức mới thích ứng an toàn.

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình - Phó tổng giám đốc Vietjet Air

Và trên tất cả, mọi chính sách phải nhất quán với chủ trương sống chung và thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19.

Dẫn chứng về giai đoạn Thái Lan có đến 20.000 ca nhiễm nhưng vẫn mở cửa du lịch, hàng không, đường bộ, thậm chí khi mở cửa thì số ca mắc giảm xuống, đại diện Vietjet Air cho rằng cần phòng chống dịch bằng cách nâng cao ý thức của người dân, thay vì hạn chế đi lại.

"Tôi có kiến nghị chúng ta hãy duy trì cuộc sống bình thường, theo một cách thức mới thích ứng an toàn", bà Thúy Bình kết luận.

Sẵn sàng đón kiều bào và du khách quốc tế

Cũng tại tọa đàm, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết TP đã xây dựng đề án đón khách quốc tế trở lại với các lộ trình, giai đoạn, giải pháp cụ thể, đang chờ phê duyệt. Đặc biệt, Sở đã tham mưu UBND TP đề xuất với Bộ VHTT&DL và Chính phủ không cách ly đối với khách đến TP.HCM có hộ chiếu vaccine.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá lượng khách quốc tế đến Việt Nam sắp tới chủ yếu là Việt kiều. Do đó, Vietravel đã mở cửa trở lại 4 văn phòng tại nước ngoài ở Mỹ, Pháp, Australia,Thái Lan, sắp tới là Singapore, để kiều bào đến đăng ký. 

TSN_zing_24

Các doanh nghiệp hàng không, du lịch đã chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng đón kiều bào và du khách quốc tế về Việt Nam. Ảnh: Chí Hùng.

Trong khi đó, Vietjet lại lên kế hoạch tăng tần suất đường bay giữa Bangkok và TP.HCM, đồng thời mở rộng các đường bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Malaysia để kịp đón kiều bào về nước dịp Tết Nguyên đán.

"Rất mong Chính phủ và các cơ quan quản lý có những hướng dẫn, phê duyệt khẩn trương để chúng tôi triển khai, giúp cho đồng bào kịp thời về nhà ăn Tết với gia đình", bà Thúy Bình nói.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng nhìn nhận: "Nếu chúng ta chậm trễ trong việc mở lại thị trường bay quốc tế thì không những chúng ta mất đi cơ hội thu hút khách vào đúng thời điểm, mà còn chậm trễ trong việc phục hồi những lĩnh vực khác và mất đi năng lực cạnh tranh của ngành du lịch cũng như của nền kinh tế Việt Nam".

Đồng tình với ý kiến của các doanh nghiệp, ông nhấn mạnh doanh nghiệp muốn khôi phục lại thì cần phải có "oxy", trong đó chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, lao động và thu hút lao động ngành du lịch quay lại với nghề là hai vấn đề đáng lưu tâm nhất. 

(Theo Zing)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ