Gần 11 tỷ USD vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam trong 4 tháng

Nhàđầutư
Mặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đăng ký trong 4 tháng chỉ bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên tín hiệu tích cực là các nhà đầu tư đã hiện diện tại Việt Nam vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam khi liên tục tăng vốn mở rộng sản xuất.
MY ANH
28, Tháng 04, 2022 | 14:15

Nhàđầutư
Mặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đăng ký trong 4 tháng chỉ bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên tín hiệu tích cực là các nhà đầu tư đã hiện diện tại Việt Nam vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam khi liên tục tăng vốn mở rộng sản xuất.

doanh-nghiep-fdi-tphcm

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính đến 20/4/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỷ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 56,3%, nhưng vốn điều chỉnh và GVMCP tăng mạnh lần lượt là 92,5% và 74,5%. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, trong 4 tháng năm 2022, có 454 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), tăng 0,7% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 3,7 tỷ USD; Có 323 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 22,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ; Có 1.026 lượt GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt trên gần 1,83 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ.

Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2022, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, với sự trợ giúp liên tục và hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch và thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vị đại diện này cũng cho biết, vốn đầu tư đăng ký mới giảm khá mạnh, tiếp tục làm giảm tổng vốn đầu tư trong 4 tháng (giảm 11,7%), song số lượng dự án đầu tư mới trong cả 4 tháng đầu năm vẫn tăng nhẹ (0,7%). Dù có những tác động bất lợi từ đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư hiện hữu.

Lý giải việc vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng nguyên nhân do không có nhiều các dự án quy mô vốn lớn như các tháng cùng kỳ 2021. Tuy nhiên ngoài số lượng dự án mới, số lượt GVMCP giảm nhẹ so với tháng 3/2022 thì đều tăng hơn so với các tháng 1 và 2 năm 2022. Riêng số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn đang có xu hướng tăng đều trong các tháng đầu năm.

"Việc mở cửa các đường bay quốc tế từ ngày 15/3 sẽ tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư trong thời gian tới", đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nhìn nhận.

Đáng chú ý, theo báo cáo, cuộc xung đột Nga – Ucraina tuy không có tác động trực tiếp đáng kể đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhưng về trung và dài hạn, cuộc xung đột có thể dẫn đến xu hướng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Nga và Ucraina sang các nước Châu Á. Trong đó Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư dịch chuyển này. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng này vẫn chưa rõ ràng.

Xét về đối tác đầu tư, bảng xếp hạng năm nay đã có sự thay đổi khá rõ trong top 3 đối tác hàng đầu khi Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,82 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư, tăng 53,9% so với cùng kỳ; Với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư.

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhất trong 4 tháng năm 2022, chiếm 18,7% số dự án mới, 33,7% số lượt điều chỉnh và 37,3% số lượt GVMCP.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài khi dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,2 tỷ USD, chiếm 57,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 2,8 tỷ USD, chiếm 26,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 667,8 triệu USD và gần 357,5 triệu USD.

Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ lại là ngành thu hút được nhiều dự án nhất khi chiếm 28,6% tổng số dự án.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ