Cơ quan nhà nước vẫn chuộng sử dụng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào thị trường

Đây là một trong những vấn đề quan trọng được VCCI nhấn mạnh trong báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2019”.
HUYỀN TRANG
06, Tháng 01, 2020 | 07:09

Đây là một trong những vấn đề quan trọng được VCCI nhấn mạnh trong báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2019”.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc sử dụng các biện pháp thị trường nên tập trung vào việc trao quyền tự quyết cho các chủ thể trên thị trường, Nhà nước chỉ giám sát ở một số khâu đầu ra then chốt để bảo đảm khắc phục được các khuyết tật của thị trường.

Ví dụ cụ thể ông Tuấn lấy dẫn chứng về các quy định trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa. Ông Tuấn cho biết trước đây, các quy định về quản lý vận tải thuỷ nội địa mang nặng tính hành chính. Thông tư 80/2014/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa có các quy định như: Doanh nghiệp chỉ được sử dụng vé giấy mà không được sử dụng vé điện tử, chỉ được áp dụng giá vé mới sau 15 ngày kể từ khi công bố kể cả khi giảm giá, phải đóng cửa bán vé tối thiểu 15 phút trước khi phương tiện xuất bến, không được bán vé vượt số lượng hành khách…

van-tai-thuy-noi-dia

Nhà nước chỉ giám sát ở một số khâu đầu ra then chốt để bảo đảm khắc phục được các khuyết tật của thị trường.

“Những quy định này là các biện pháp hành chính can thiệp tương đối sâu vào quyền tự do thoả thuận giữa doanh nghiệp vận tải và hành khách. Cách quản lý này sẽ khiến các doanh nghiệp rất khó có thể cung cấp dịch vụ đa dạng cho khách hàng như đặt vé trực tuyến, giảm giá vé cho người đặt vé sớm hoặc người mua vé không đổi không huỷ, hoặc tăng giá khi khách mua vé giờ chót”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng thời, với quy định này, theo đánh giá của ông Tuấn doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khi muốn bán vé tháng, vé quý cho hành khách vì khi đó sẽ không xác định được số lượng vé đã bán ra cho mỗi chuyến.

Không chỉ trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa, tại lĩnh vực khám chữa bệnh việc nhà nước dùng các công cụ hành chính cứng nhắc can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp cũng được ông Tuấn chỉ ra.

Theo đó, hiện nay, dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) đang được xây dựng và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Rất nhiều quy định về đăng ký hành nghề khám chữa bệnh trong dự thảo được lấy từ Nghị định 109/2016/NĐ-CP về quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện vẫn đang có hiệu lực áp dụng. Nhiều quy định trong số đó dường như được thiết kế để quản lý trường hợp các bác sĩ bệnh viện công ra ngoài mở phòng khám hoặc làm việc cho các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập khác.

“Tuy nhiên, các quy định này lại không thực sự phù hợp với những người làm việc trong cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là về quản lý thời gian làm việc. Các quy định mang tính hành chính quản lý thời gian làm việc như phân biệt trong giờ và ngoài giờ; phải đăng ký hành nghề với cơ quan nhà nước chi tiết đến từng giờ trong ngày, ngày trong tuần, thậm chí phải bảo đảm thời gian đi lại”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn đây là vấn đề quan hệ giữa cơ sở khám chữa bệnh công lập với người lao động, không cần có sự can thiệp của Nhà nước. Còn nếu coi các quy định này là nhằm bảo đảm thời gian làm việc của bác sỹ không bị quá mức thì cũng không có biện pháp nào để bảo đảm thi hành trên thực tế.

Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, việc cơ quan nhà nước sử dụng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào thị trường vẫn xảy ra.

Năm 2019, Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu.

Theo đánh giá của ông Tuấn, dự thảo đưa ra một số biện pháp hành chính để xử lý những hành vi mang tính dân sự một cách không cần thiết.

“Ví dụ đơn cử như dự thảo xử phạt hành vi của đơn vị phân phối mua bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối trừ trường hợp bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng; hành vi không thông báo bằng văn bản về sự thay đổi giá bán khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tới các đơn vị trong hệ thống.

Các hành vi trên chủ yếu là vấn đề quan hệ giữa các chủ thể trong chuỗi phân phối xăng dầu, khí hoá lỏng, hầu như không ảnh hưởng đến các lợi ích công cộng. Nếu các bên trong quan hệ đó vi phạm nghĩa vụ thì tự họ sẽ có các chế tài xử lý lẫn nhau trong một quan hệ dân sự, Nhà nước không cần thiết phải sử dụng biện pháp hành chính ở đây”, ông Tuấn nhấn mạnh.

(Theo Enternews.vn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ