9 sự kiện nổi bật nhất ngành giao thông vận tải năm 2018

Nhàđầutư
Dưới đây là các sự kiện lớn của ngành giao thông vận tải trong năm 2018 do phóng viên chuyên trách của nhadautu.vn điểm chọn.
26, Tháng 12, 2018 | 07:51

Nhàđầutư
Dưới đây là các sự kiện lớn của ngành giao thông vận tải trong năm 2018 do phóng viên chuyên trách của nhadautu.vn điểm chọn.

3duongsat_zing

Tàu Cát Linh - Hà Đông vận hành thủ toàn tuyến

1. Vận hành thử toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Cuối cùng sau nhiều lần lỡ hẹn, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống. 

Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành thử nghiệm toàn hệ thống vào tháng 10/2017 và quý II/2018 sẽ đưa vào khai thác thương mại. Tuy nhiên, do tiến độ dự án không đáp ứng được yêu cầu nên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phải tuyên bố “phá sản” kế hoạch này.

Sau khi bị “lụt” tiến độ, phía Tổng thầu Trung Quốc đã đề xuất với Bộ GTVT xin lùi dự án thêm 11 tháng so với kế hoạch. Bộ GTVT đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi thời gian hoàn thành dự án và được Thủ tướng chấp thuận.

Từ tháng 8/2018, Tổng thầu Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra và thử đơn động cho từng chuyên ngành thiết bị, chạy thử từng đoàn tàu, kiểm tra hệ thống thông tin, tín hiệu…

Đến nay, công tác thử đơn động cho từng chuyên ngành thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào vận hành thử liên động toàn hệ thống.

2. Khánh thành cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và cầu Bạch Đằng

thu-tuong-cat-bang-khanh-thanh-cao-toc-ha-long-hai-phong-va-cau-bach-dang-2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành cầu Bạch Đằng

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng đã chính thức được đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Hạ Long còn 90 phút. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và cắt băng khánh thành dự án này.

Được biết, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có chiều dài 24,6km, rộng 25m, được thiết kế với 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, tổng vốn đầu tư 6.416 tỉ đồng. Điểm đầu dự án giao với quốc lộ 18 tại km102 + 300 (thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long); điểm cuối dự án tại lý trình km19+800 (là điểm đầu dự án thành phần cầu Bạch Đằng, đường dẫn nút giao cuối tuyến).

Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công-tư (PPP).

Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến dài 5,4km được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức vốn 7.661 tỷ đồng. Công trình do chính người Việt Nam tự đầu tư, thiết kế, tổ chức thi công với kỹ thuật phức tạp, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.

Sau khi đưa vào hoạt động, cao tốc Hạ Long-Hải Phòng sẽ nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, giúp rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hà Nội từ 180km trước kia xuống còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 giờ xuống còn 1,5 giờ; rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng từ 75km xuống còn 25km.

3. Cao tốc 34 nghìn tỷ vừa khánh thành đã xuống cấp

Tuyến cao tốc cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hư hỏng, bong tróc nhiều nơi bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 10/2018.  

Sự việc cao tốc hơn 34.000 tỷ (tương đương 1,65 tỷ USD) Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe toàn tuyến chưa lâu đã có nhiều hỏng hóc khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi nghi ngờ về chất lượng công trình này do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiên.

Ngày 13/10, khi thị sát công tác khắc phục hư hỏng tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cũng không khỏi bức xúc trước thực trạng vá víu cao tốc thủ công, phản cảm và bong tróc trở lại ngay sau khi khắc phục.

Nguyên nhân quan trọng khác được các chuyên gia mổ xẻ là chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý và nghiệm thu chất lượng công trình; chọn nhà thầu không đạt yêu cầu; tư vấn giám sát kém dẫn tới chất lượng công trình không đảm bảo và cuối cùng là lập hội đồng nghiệm thu không làm tròn chức năng nhiệm vụ....

4. Dự án Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn cán đích

san bay van don

Sân bay Vân Đồn đang chuẩn bị đón chuyến bay đầu tiên

Những hạng mục cuối cùng của dự án Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đã hoàn thành để đón chuyến bay đầu tiên vào ngày 25/12/2018.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Đây là Cảng hàng không quốc tế cấp 4E có thể đón những loại máy bay lớn và hiện đại như Airbus 350, Boeing 777. Dự án được triển khai trên tổng diện tích hơn 288 ha, giai đoạn 1 đến năm 2020 có thể đón 2,5 triệu hành khách/năm và đạt công suất thiết kế 5 triệu lượt hành khách vào năm 2030.

Cho đến thời điểm này, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đã hoàn tất gần 100 % hạng mục, và chuẩn bị đón chuyến bay đầu tiên.

Sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) là sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.

5. Công bố quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Bộ Giao thông vận tải đã công bố quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào hồi cuối tháng 9/2018. Theo quy hoạch điều chỉnh đến năm 2020 và định hướng đến 2030, nhà ga hành khách T1 và T2 vẫn giữ nguyên và được cải tạo, mở rộng để nâng công suất phục vụ đạt khoảng 30 triệu người/năm. Quy hoạch bổ sung nhà ga T3 ở phía nam với công suất đáp ứng 20 triệu khách.

Quy hoạch khu bay, hệ thống đường cất hạ cánh sẽ được giữ nguyên; bổ sung 3 đường lăn song song và bổ sung 5 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối.

Sân đỗ máy bay trước ga T3, sân phía Tây Nam sẽ được bổ sung 56 vị trí, nâng tổng vị trí đỗ của sân bay lên 106.

Với hệ thống đường ra vào sân bay, quy hoạch mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, Thân Nhân Trung với quy mô 4 làn xe, mở rộng đường 18E quy mô 4-6 làn xe. Cầu vượt trên cao cũng được nghiên cứu xây dựng đoạn từ công viên Hoàng Văn Thụ qua đường Trần Quốc Hoàn, Thăng Long đến sân bóng Chảo Lửa.

Tuyến đường trên cao từ cuối sảnh ga quốc tế T2 qua ga quốc nội T1 đi theo đường Thăng Long đến Phan Thúc Duyện cũng được nghiên cứu quy hoạch bổ sung.

Về lộ trình đầu tư, nhà ga T3, sân đỗ, đường giao thông và các công trình phụ trợ trên khu vực phía nam mà Bộ Quốc phòng giao đất sẽ được ưu tiên triển khai ngay. 

Ở khu vực phía bắc, hạng mục được ưu tiên là hồ chứa nước, trạm bơm cưỡng bức nhằm chống ngập úng. Hệ thống trục ra vào sân bay sẽ được đầu tư ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết được duyệt, phù hợp với quy hoạch giao thông của TP.HCM. 

Theo đó, tổng diện tích đất quy hoạch điều chỉnh là 791 ha, gồm 545 ha đất cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện hữu, 19 ha đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ, 18 ha đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng, 35 ha đất quy hoạch bổ sung phía nam và 171 ha đất quy hoạch bổ sung phía bắc.

6. Chính thức thông xe cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình và cầu Văn Lang

hoa lac

Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đã thông xe vào dịp ngày giải phóng Thủ đô

Sáng 10/10/2018, đúng kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, 2 công trình giao thông quan trọng là đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và dự án cầu Văn Lang nối Ba Vì (Hà Nội) với TP. Việt Trì (Phú Thọ) chính thức được thông xe đưa vào sử dụng.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang đường bộ nối Tây Bắc với Hà Nội, đồng thời tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuyến đường sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Hoà Bình nói riêng.

Tuyến đường mới này sẽ giúp hành trình từ Hà Nội tới Hòa Bình rút ngắn khoảng 20 km so với đi trên tuyến Quốc lộ 6 trước kia.

Đường Hòa Lạc - Hòa Bình có điểm đầu tại nút giao Hòa Lạc (giữa Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 21, lý trình Km 17+850 trên Quốc lộ 2, tại vị trí tách đường Hòa Lạc - Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam). Điểm cuối tại Km 32+367 (xã Trung Minh, TP. Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình).

Tuyến đường có tổng chiều dài 25,69 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m và có vận tốc tối đa 80 km/giờ.

Đáng chú ý, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là hơn 2.989 tỷ đồng với thời gian thu phí 24 năm. Sau khi kiểm toán tổng mức đầu tư giảm xuống còn khoảng 2.700 tỉ đồng nhưng thời gian thu phí lại tăng lên hơn 27 năm.

Cũng trong sáng ngày 10/10/2018, dự án cầu Văn Lang với mức đầu tư 1.460 tỷ đồng, nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C nhằm nối tỉnh Phú Thọ với thủ đô Hà Nội và vùng phụ cận chính thức được thông xe đưa vào khai thác.

Điểm đầu của dự án (phía Hà Nội) kết nối với Quốc lộ 32 tại lý trình Km59+500 thuộc địa phận xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Điểm cuối dự án (phía Phú Thọ) giao với Quốc lộ 32C tại lý trình Km3+100 thuộc địa phận phường Thọ Sơn, TP Việt Trì.

Tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46 km. Trong đó, chiều dài đường dẫn phía Phú Thọ khoảng 0,26 km, chiều dài cầu vượt sông khoảng 1,55 km, chiều dài đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54 km.

7. Máy bay Vietjet liên tục gặp sự cố, đặc biệt là vụ máy bay mất 2 bánh trước, hơn 200 hành khách "tiếp đất" bằng lối thoát hiểm

may bay

Máy bay Vietjet gặp sự cố, mất 2 bánh trước, hơn 200 hành khách "tiếp đất" bằng lối thoát hiểm

Chiếc Airbus của hãng hàng không Vietjet chở theo 207 hành khách đã hạ cánh trong tình trạng mất cân bằng do có vấn đề ở phần bánh. Một số hành khách bị va đập dẫn tới choáng và bị thương, phải nhập viện. Sự việc nghiêm trọng này vừa xảy ra lúc 23h15 tối qua 29/11/2018.

Chuyến bay gặp sự cố nghiêm trọng nói trên số hiệu VJ 356 khởi hành từ TPHCM đi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Theo đó, trong quá trình hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột, do bánh máy bay bị kẹt nên máy bay đã tiếp đất trong tình trạng mất cân bằng; máy bay bị nghiêng.

Trước tình huống nghiêm trọng này, phi hành đoàn đã ra thông báo hành khách khẩn cấp rời máy bay bằng 4 cửa thoát hiểm, phao trượt được bung ra giúp 207 hành khách và phi hành đoàn rời máy bay. Lực lượng cứu hỏa, cứu thương, lực lượng chức năng được huy động đến hiện trường.

Sau khi rời máy bay, một số hành khách bị thương và choáng do va đập nên đã được đưa đến bệnh viện.

Sau đó, vào những ngày cuối năm, Vietjet tiếp tục dậy sóng dư luận với các sự cố như máy bay hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa được khai thác ở sân bay Cam Ranh vào trưa ngày 24/12/2018. "Bộ đánh giá đây là sự cố uy hiếp an toàn hàng không nghiêm trọng", văn bản do Thứ trưởng Lê Đình Thọ Bộ Giao thông vận tải ký, nêu rõ.

Chuyến bay VJ861 khởi hành từ Incheon (Hàn Quốc) đi TP.HCM tối 24/12/2018, sau khi cất cánh được khoảng 2 tiếng, cơ trưởng quyết định hạ cánh xuống Đài Bắc (Đài Loan) để kiểm tra do phát hiện cảnh báo kỹ thuật tại buồng hàng sau.

Đại diện Vietjet xác nhận thông tin này và cho biết sau khi dỡ hành lý, kiểm tra, xác định tình trạng máy bay bình thường, chuyến bay được tiếp tục hành trình và về đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 5h20 ngày 25/12/2018.

8. Phát hiện quỹ đen ở Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam

Theo bản tường trình và biên bản làm việc số 18/BB-XM ngày 16/8/2018 giữa tổ xác minh với ông Phạm Văn Thông, nguyên Giám đốc ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (trực thuộc cục ĐTNĐVN), nội dung vụ việc được ông Phạm Văn Thông tường trình và khai nhận.

Cụ thể, vào cuối năm 2015 đến năm 2016, trong giờ làm việc, có một số nhà thầu đến phòng làm việc của ông Thông (phòng 507, tầng 5, tòa nhà trụ sở của cục đường thủy nội đại Việt Nam - địa tại số 5 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) và đưa tiền cho ông Thông. Các nhà thầu nói: “Ông Trần Đức Hải - Phó Cục trưởng cục ĐTNĐVN nói đưa tiền cho ông Thông”.

Sau đó, ông Thông hỏi ông Trần Đức Hải: “Em có liên quan gì mà các nhà thầu đưa tiền cho em?", ông Hải trả lời: “Chú cứ cầm đi”.

Những công trình mà những nhà thầu đưa ông Thông tiền thuộc năm 2015 (thời điểm đó ban Quản lý dự án đường thủy nội địa không phải chủ đầu tư), chủ đầu tư là cục ĐTNĐVN ký hợp đồng với các nhà thầu, ban Quản lý dự án đường thủy nội địa là tư vấn giám sát.

Sau khi được ông Trần Đức Hải chỉ đạo, ông Thông đã nhận tiền của các nhà thầu. Tuy nhiên, ông Thông không biết chi tiết việc cục ĐTNĐVN và các thầu làm việc như thế nào.

Theo tổ xác minh, việc ông Trần Đức Hải chỉ đạo ông Phạm Văn Thông nhận tiền của 15 nhà thầu vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016 là “chỉ đạo bằng miệng, chỉ là lời khai một phía của ông Thông”. Vì vậy chưa xác định được việc ông Trần Đức Hải có chỉ đạo hay không?

Về việc nhận tiền, ông Thông đã nhận của 15 nhà thầu, tổng số tiền là: 4.800.650.600 đồng. Tuy nhiên, hồ sơ xác minh thể hiện có 10 nhà thầu không ký tên. Có 5 nhà thầu đã ký tên gồm: Công ty tư vấn GTCC Hải Phòng ký nộp: 628.106.364 đồng; Công ty Đất Việt ký nộp: 258.833.182 đồng; Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng công trình thủy, ký nộp: 321.000.000 đồng; Công ty HCC và Công ty ALPHA, ký nộp cho ông Long 100.000.000 đồng (tạm ứng); Công ty tư vấn 89, ký nộp: 330.000.000 đồng.

Tổng cộng 5 nhà thầu đã tự ký tên và nộp cho ông Phạm Văn Thông - nguyên Giám đốc Ban QLDA đường thủy nội địa và ông Nguyễn Long - Trưởng phòng Tài chính. Cụ thể, ông Phạm Văn Thông nhận của 5 nhà thầu là: 1.537.939.546 đồng.

Ông Nguyễn Long - Trưởng phòng Tài chính nhận: 100.000.000 đồng của Công ty HCC và Công ty ALPHA (tạm ứng chi đối ngoại), nhà thầu là ông Lê Đình Nguyên - Phó Giám đốc Công ty HCC và Công ty ALPHA ký tên, nhưng ông Nguyễn Long không ký tên và không thừa nhận nội dung nêu trên.

9. Triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

bac nam

Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được triển khai trong năm 2018

Tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn – Nông Cống, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được thi công trong năm 2018. Theo đó, các đơn vị vừa báo cáo Bộ GTVT về các đoạn cao tốc trong tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, gồm đoạn Mai Sơn – Nông Cống, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) đã trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - QL45.

Dự án có chiều dài khoảng 63,67km. Điểm đầu nối với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại địa phận xã Mai Sơn (huyện Yên Mô, Ninh Bình), điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 45 tại địa phận xã Tân Phúc (huyện Nông Cống, Thanh Hóa).

Quy mô tuyến cao tốc gồm 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tổng mức đầu tư hơn 13.788 tỷ đồng, xây dựng khoảng 36 tháng.

Đoạn tuyến thứ 2, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng vừa trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông).

Điểm đầu kết nối với đoạn cao tốc Quy Nhơn - Nha Trang, điểm cuối nối với dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Trước đó, Chính phủ đã có báo lên Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng “Một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020” sẽ được lựa chọn các đoạn ưu tiên làm trước 654km với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng và khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ