VPS: VN-Index có thể đạt đỉnh 1.380 điểm trong năm nay

Nhàđầutư
Chỉ báo độ rộng thị trường đang cho thấy nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu blue chips đang vượt đỉnh mới – điều này phản ánh việc thị trường tiếp tục chinh phục các điểm cao mới 1.280 – 1.380 điểm trong năm 2021.
LÊ ĐỨC KHÁNH (*)
31, Tháng 03, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Chỉ báo độ rộng thị trường đang cho thấy nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu blue chips đang vượt đỉnh mới – điều này phản ánh việc thị trường tiếp tục chinh phục các điểm cao mới 1.280 – 1.380 điểm trong năm 2021.

chung-khoan

Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt mốc 1.380 vào năm 2021. Ảnh: Internet.

Bối cảnh trong nước: Lãi suất ngân hàng tăng nhẹ

Triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 vẫn duy trì tích cực, bất chấp dịch COVID-19 bùng phát đợt 3. Theo đó, kỳ vọng lạm phát có thể sẽ đến sớm hơn dự kiến, kéo theo áp lực sớm phải “bình thường hóa” chính sách tiền tệ. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục là điểm sáng. FDI vẫn tăng tốt trong quý I/2021. Chỉ số PMI hồi phục nhẹ trong các tháng đầu năm. Đặc biệt, bộ máy lãnh đạo chính trị mới được kỳ vọng sẽ thổi luồng không khí cải cách mạnh mẽ hơn nữa vào môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất huy động tăng nhẹ với kỳ vọng lạm phát và kinh tế hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát. Từ đầu tháng 3, lãi suất huy động có sự phân hóa rõ khi một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn như: Techcombank, VPBank hay MB tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Ngược lại, nhóm ngân hàng cỡ vừa và nhỏ như BacABank, BaoVietBank hay PGBank,... vẫn giữ nguyên hoặc tiếp tục giảm.

Các ngân hàng quốc doanh lớn như Vietcombank và Agribank đã tăng nhẹ lãi suất một số kỳ hạn ngắn. Lãi suất cao nhất tại các ngân hàng hiện tại ở mức 7,1%/năm – được áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng rút gốc cuối kỳ. Những ngân hàng hiện có mức lãi suất huy động khá cao trên thị trường là Việt Á, ngân hàng liên doanh Việt Nga và MB.

Việc các ngân hàng duy trì mức lãi suất huy động cao với các kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên so với các kỳ hạn ngắn 3, 6 tháng được cho là động thái cần thiết nhằm tăng cường lượng tiền gửi dài hạn vào ngân hàng, qua đó đảm bảo vốn trung – dài đáp ứng nhu cầu của thị trường và tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động.

Dịch bệnh khả năng tiếp tục được kiểm soát và việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai sẽ là những yếu tố tích cực tạo điều kiện để hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại bình thường, thúc đẩy nhu cầu tín dụng gia tăng. Cùng với đó, lạm phát được dự báo gia tăng trong thời gian tới là những yếu tố tiền đề cho việc tăng lãi suất.

Mặc dù có thể tăng trở lại song lãi suất huy động sẽ khó tăng cao do đầu ra tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. NHNN vẫn ưu tiên chính sách nới lỏng tiền tệ ít nhất là đến cuối quý II/2021.

Triển vọng thị trường 2021

Thị trường chứng khoán có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn do sự đảo chiều của chính sách tiền tệ nới lỏng trước kỳ vọng lạm phát sớm gia tăng trở lại cùng nguy cơ bong bóng tài sản, áp lực nợ công, … cùng với tác động từ những biến động trên thị trường tài chính quốc tế. Với kịch bản cơ sở, tỷ giá cuối năm so với đầu năm tiếp tục giữ xu hướng giảm, chủ yếu do triển vọng dòng vốn vào tốt; thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dư thừa dần từ cuối H1.21 khiến lãi suất MM điều chỉnh đi lên, kéo theo đó, lợi suất trái phiếu chính phủ cũng điều chỉnh tăng..

Thị trường chứng khoán năm 2021 có triển vọng khá tích cực mặc dù thị trường đang trong giai đoạn đi ngang. 

Sau khi tiến sát mốc 1.200 điểm, trong tuần cuối tháng 3 thị trường có xu hướng giao dịch đi ngang quanh biên độ 1.190 điểm. Lỗi nghẽn lệnh trên sàn HOSE khi khối lượng giao dịch vượt quá 15 nghìn tỷ đồng cùng với sự đảo chiều, bán mạnh của khối nhà đầu tư ngoại trong 3 tháng đầu năm, đặc biệt là tháng 3 với gần 11 nghìn tỷ đồng, là những lực cản khiến tâm lý thị trường trở nên rất thận trọng, không thể vượt qua mức cản 1.200 điểm. Trong khi đó, thị trường thế giới cũng biến động mạnh do những lo ngại về diễn biến tăng đột ngột của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm. Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán vẫn duy trì đà đi lên, tâm lý chung vẫn khá tích cực nhờ việc Mỹ thông qua gói hỗ trợ mới cùng với triển vọng vacxin COVID-19 tích cực.

Triển vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam năm 2021 tiếp tục được dự báo khả quan. Đại dịch COVID-19 là một cú hích tiếp theo sau chiến tranh thương mại khiến làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, Nhật Bản đang xây dựng lại chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những điểm đến khá tốt.

Việt Nam tạo được ấn tượng tốt với nhà đầu tư trong việc kiểm soát biến cố dịch bệnh, chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, lao động, các quy định về hạn chế nhập cảnh do dịch bệnh được gỡ bỏ. Các hoạt động đầu tư được kích hoạt, tạo lợi thế thu hút dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân thực tế trong 2021. EVFTA/EVIPA có hiệu lực, cùng các FTAs khác, sẽ kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2021.

Theo đó, hoạt động thương mại dự báo sẽ tiếp tục khả quan. Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam sẽ giúp xuất khẩu các mặt hàng máy móc, điện tử mở rộng đà tăng trưởng. Xuất khẩu dệt may, nông lâm thủy sản tiếp tục cải thiện nhờ động lực từ EVFTA, CPTPP và sắp đến là RCEP. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục khởi sắc ở các thị trường quan trọng, gồm Mỹ, Trung Quốc và ASEAN. Nhập khẩu các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất trong nước cải thiện, phát tín hiệu phục hồi của lĩnh vực sản xuất. 

VN-Index có thể tiến lến vùng 1.280 – 1.380 điểm trong năm 2021

Thanh khoản toàn thị trường đang duy trì ở mức cao là yếu tố hỗ trợ TTCK tăng điểm. Triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực cũng như các giải pháp giải nghẽn cho HSX cũng phần nào là động lực giúp VN-Index bứt phá. Chỉ báo độ rộng thị trường đang cho thấy nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu blue chips đang vượt đỉnh mới – điều này phản ánh việc thị trường tiếp tục chinh phục các điểm cao mới 1.280 – 1.380 điểm trong năm 2021.

Sau những khó khăn ban đầu do dịch COVID-19 mang lại, các doanh nghiệp có thị trường nội địa đã nhanh chóng phục hồi và thích nghi trong điều kiện mới. Đây là bước đệm để các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 quý đầu năm 2021 so với nền tảng thấp ở Q1 và Q2 năm 2020, qua đó TTCK sẽ nhận được tác động tích cực.

Sau đợt phục hồi nửa cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, hệ số P/E thị trường năm 2021 tăng lên mức 16 lần vào ngày 20/3/2021. Số liệu kinh tế 3 tháng đầu năm khá tích cực, không chỉ đến từ xuất khẩu (tăng 23% so với cùng kỳ) hay sản xuất công nghiệp mà đặc biệt là tổng mức bán lẻ hàng hóa sau khi loại trừ lạm phát cũng tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Do tháng 3/2020 là tháng chịu ảnh hưởng nặng nhất từ COVID-19, trong khi tháng 3/2021 lại là tháng Việt Nam đã kiểm soát thành công đợt bùng phát thứ 3 của đại dịch COVID-19 với việc hầu hết các địa phương đều nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, do đó việc GDP quý I/2021 có thể tăng cao hơn cùng kỳ là khá rõ ràng, và có thể đạt được mục tiêu đề ra của Chính phủ là vào khoảng 4,7-5%.

Khuyến nghị đầu tư năm 2021

Tương tự các đợt hồi phục sau tác động từ COVID-19, thị trường chứng khoán tăng lại mạnh trên diện rộng. Bốn nhóm ngành có tăng trưởng 2 con số cao hơn tăng trưởng chung bao gồm: Tài chính (+17,3%), vật liệu (+14,9%), năng lượng (+19,7%) và công nghệ thông tin (+21,4%). Trong đó, nhiều trụ cột quay lại tác động tích cực lên điểm số của VN-Index như: VIC, VHM, TCB, CTG, GAS, VPB, HPG, VCB, GVR, SAB, BID, ACB, PLX, MBB, FPT. Nhóm cổ phiếu VN30 vẫn sẽ thu hút dòng tiền đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, đặc biệt là các nhà đầu tư F0.

Ý tưởng đầu tư đến từ nhóm ngành nghề có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2020 và dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 như nhóm ngân hàng, chứng khoán, tài nguyên cơ bản (thép), hóa chất, bất động sản và dầu khí. Mặt khác, chính sách tiền tệ nới lỏng dược dự báo sẽ duy trì ít nhất đến hết quý II 2021 cũng là động lực giúp kinh tế cũng như nhiều nhóm ngành nghề kết quả kinh doanh tốt so với cùng kỳ năm 2020.

Triển vọng 2021 của dòng “cổ phiếu vua” - ngân hàng

Nhóm ngân hàng tiếp tục là nhóm nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư với những cổ phiếu điển hình: TCB, VPB, VIB, MBB, CTG, BID, ACB, MBB…. Các ngân hàng được dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (theo FiinPro) khoảng 18% năm 2021 này. Triển vọng tích cực này được dự báo đến từ cả hoạt động tín dụng, nhất là các ngân hàng lớn như: VCB, CTG, ACB và HDB, cũng như tiếp tục câu chuyện về doanh thu dịch vụ trong đó đặc biệt là thu nhập từ hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancasurance) của nhiều ngân hàng.

Ngoài ra, một số ngân hàng còn có dự báo lợi nhuận tăng mạnh như VCB (14,9%), BID (41,3%), và CTG (41,9%) trong khi một số ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong năm 2021 này, bao gồm TCB (5,1%), VPB (2,8%) và TPB (6,7%).

Trước đó, trong năm 2020 ngành ngân hàng đạt mức tăng trưởng 14,9% lợi nhuận sau thuế nhờ sự cải thiện lợi nhuận không chỉ từ hoạt động tín dụng, đầu tư và kinh doanh chứng khoán nợ, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và đặc biệt là thu nhập dịch vụ thanh toán được cải thiện.

Nhóm tài nguyên cơ bản tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2021

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của 6/123 doanh nghiệp ngành này (chiếm 65% vốn hóa ngành) dự báo tăng lần lượt là 16,3% và 7,5% so với năm 2020. Rủi ro là giá nguyên liệu đầu vào (quặng và than) tăng mạnh sẽ kéo biên lợi nhuận gộp nhóm cổ phiếu thép giảm.

Công nghệ thông tin

Xu hướng chuyển đổi số là động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp ngành này trong giai đoạn 2021-2025.  

Ngành bất động sản có triển vọng hồi phục mạnh sau COVID-19 và có dự báo kết quả kinh doanh khởi sắc năm 2021. Bất động sản khu công nghiệp, nhóm doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn như: SZC, KBC, DIG, KSB, NLG, KDH…sẽ được chú ý.

Ngành bán lẻ 

Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của 5/36 doanh nghiệp bán lẻ (chiếm 80,5% vốn hóa ngành) được dự báo tăng 19,7% so với năm 2020 (năm 2020 mức tăng chỉ là 4,9%) với kỳ vọng chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu tăng lên nhờ thu nhập người dân được cải thiện sau COVID-19.

Nhu cầu tiêu thụ điện nước (tại các cơ sở sản xuất) và đi lại (của người dân) tăng trở lại sau khi Covid-19 dần được kiểm soát sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm Tiện ích và Du lịch & Giải trí. Với Dầu khí, lợi nhuận sau thuế dự báo tăng 326,9% nhờ triển vọng giá dầu tăng (+55,5% theo dự báo của EIA, HSBC) và nhu cầu tiêu thụ hồi phục trong khi nguồn cung được cắt giảm.

(*) Giám đốc Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ