Tận dụng của 'trời cho'

Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có thế mạnh là nông nghiệp mà với hơn 750km tiếp giáp biển và bức xạ nhiệt ở nhiều nơi rất cao, thích hợp trong phát triển năng lượng tái tạo như điện gió,điện mặt trời, năng lượng sóng biển...Đây cũng là các lĩnh vực còn nhiều dư địa, là động lực tăng trưởng mới cho vùng ĐBSCL.
PHÚ KHỞI
31, Tháng 01, 2022 | 07:00

Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có thế mạnh là nông nghiệp mà với hơn 750km tiếp giáp biển và bức xạ nhiệt ở nhiều nơi rất cao, thích hợp trong phát triển năng lượng tái tạo như điện gió,điện mặt trời, năng lượng sóng biển...Đây cũng là các lĩnh vực còn nhiều dư địa, là động lực tăng trưởng mới cho vùng ĐBSCL.

in

Khát vọng xanh ở Nhà máy năng lượng sạch. Ảnh: Phú Khởi

Vốn đầu tư sẽ chảy mạnh vào "cái nắng, cái gió"

"Điện mặt trời (ĐMT) đã giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch" đó là chia sẻ của ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai. Ông Thành cho biết, từ năm 2015, Tập đoàn Sao Mai đã ký kết hợp tác với Công ty Koyo Corporation trực thuộc tập đoàn Koyo Group của Nhật Bản để xây dựng nhà máy ĐMT và sản xuất pin năng lượng mặt trời trong tương lai. Năm 2017, khi mà ĐMT còn chưa phổ biến tại Việt Nam thì Tập đoàn Sao Mai đã đưa công trình ĐMT áp mái nhà công suất 1.07 MWp, lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ, đi vào hoạt động giúp nhà máy chế biến thủy sản tại Cụm công nghiệp Sao Mai tiết giảm được đáng kể chi phí điện năng hàng trăm triệu đồng/năm.

Tiếp theo đó, trong 2 năm 2019 và 2020, Tập đoàn Sao Mai đã đầu tư hoàn thành và phát điện thương mại (COD) Nhà máy ĐMT Sao Mai công suất 210 MWp tại An Giang và Nhà máy ĐMT Europlast công suất 50 MWp tại Long An. Toàn bộ lượng điện sản xuất ra được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bao tiêu trong 20 năm, áp dụng đơn giá cố định 9.35 uscent/kWh cho 154 MWp COD vào tháng 6/2019 và 7.09 uscent/kWh cho 106 MWp còn lại COD vào tháng 12/2020.

"Lĩnh vực ĐMT mỗi năm đóng góp cho Tập đoàn Sao Mai Group gần 1.000 tỷ đồng doanh thu và gần 400 tỷ đồng lợi nhuận. Ngay trong đại dịch COVID-19, 2 nhà máy ĐMT này như 'gà đẻ trứng vàng' mang về nguồn thu ổn định, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19", ông Trương Vĩnh Thành chia sẻ.

Từ năm 2018, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, thực hiện dự án hỗ trợ người dân lắp điện mặt trời trên mái nhà tại Núi Cấm, tỉnh An Giang. Ông Nguyễn Văn Nhựt - một hộ dân thụ hưởng dự án này cho biết, do là vùng núi, điện quốc gia chưa về tới nên khi chưa có điện mặt trời người dân ở đây vẫn phải đốt đèn dầu như vài chục năm trước, việc sinh hoạt rất khó khăn. Kể từ khi được dự án của Green ID hỗ trợ thì nhà nào cũng có điện, việc sinh hoạt việc học hành của con, em người dân ở đây đã thỏa mái hơn trước rất nhiều. Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Green ID, hiện đã có khoảng 300 hộ gia đình ở huyện Tri Tôn được hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Qua thời gian vận hành cho thấy việc đầu tư ĐMT ở vùng núi, vùng sâu là một giải pháp đa lợi ích, không chỉ có lợi cho người dân mà còn có lợi cho cả nhà nước và nhà đầu tư và ngành điện.

Cuối năm 2020, Công ty CP Halcom Việt Nam và Tập đoàn Shizen Energy (Nhật Bản) đã tổ chức khánh thành Nhà máy ĐMT tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa cho biết, đây là nhà máy ĐMT đầu tiên của địa phương. Nhà máy được đưa vào sử dụng không chỉ góp phần tạo việc làm cho người dân, đóng góp cho ngân sách địa phương, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho biết, mỗi ha đất tại dự án trước kia làm nông nghiệp chỉ cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm; 33 ha mỗi năm doanh thu chỉ hơn 1,5 tỷ đồng. Khi sử dụng 33 ha đất này làm dự án ĐMT, doanh thu mang về hàng năm không dưới 80 tỷ đồng, hiệu quả sử dụng đất đã tăng lên đến hàng trăm lần.

Ngoài "cái nắng" thì "cái gió" cũng đang là nguồn năng lượng chiến lược cho vùng ĐBSCL. Tại tỉnh Bạc Liêu - địa phương đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo với dự án điện gió đầu tiên cả nước hòa lưới điện quốc gia. Tính từ tháng 6/2013 đến tháng 3/2020, nhà máy điện gió Bạc Liêu 1,2 đã phát lên lưới dự kiến đạt trên 1 tỷ kWh điện, đóng góp lớn cho nguồn năng lượng quốc gia. Tại địa phương này đã có 10 dự án nhà máy điện gió được khởi công với tổng công suất 562MW và tổng vốn đăng ký đầu tư là gần 1 tỷ USD, cùng với hơn 27 dự án điện gió khác với tổng công suất hơn 5.000MW đang trình bổ sung quy hoạch điện VIII của quốc gia.

Ngoài Bạc Liêu, các tỉnh ven biển khác thuộc khu vực ĐBSCL như Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang cũng đã đưa vào quy hoạch và chấp thuận chủ trương cho hàng chục dự án điện gió ven bờ lẫn ngoài khơi với tổng công suất lên đến hàng chục ngàn MW. Nếu chỉ lấy mức bình quân suất đầu tư mỗi 1MW khoảng 2 triệu USD thì chỉ riêng lĩnh vực đầu tư điện gió cả vùng ĐBSCL sẽ thu hút vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD.

Mũi tên trúng nhiều đích

Với vị trí "mặt tiền" biển trên 3.000 km, bức xạ nhiệt cao, Việt Nam được xem là quốc gia tiềm năng trong phát triển năng lượng tái tạo. Đối với khu vực ĐBSCL, theo nhận định của Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Thọ, 11/13 tỉnh của ĐBSCL có lượng bức xạ mặt trời đạt mức 1.387 - 1.534 kWh/năm và thời gian khu vực này có nắng 2.200 - 2.500 giờ/năm. Vì vậy, đây là khu vực có thể tận dụng tiềm năng phát triển về năng lượng mặt trời. Về năng lượng gió, khu vực này cũng có tiềm năng rất lớn dọc khu vực ven biển, tới 1.200 - 1.500 MW/năm. "Thuận lợi về địa hình và điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5 - 6m/giây ở độ cao 80m, tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200 - 1.500MW. Chưa kể năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối rất dồi dào từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp trên 23 triệu tấn/năm. Việc dịch chuyển sang năng lượng tái tạo đang là xu thế phát triển bền vững của các tỉnh ĐBSCL hiện nay", ông Thọ nhận định.

Theo GS. Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu, tại COP26 vừa qua đã có 150 nước tuyên bố giảm mức phát thải ròng xuống bằng 0 vào năm 2050 trong đó có Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian tới chúng ta phải chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, quá trình này sẽ bắt đầu ngay từ năm 2022. "Khu vực ĐBSCL có tiềm năng bức xạ mặt trời lớn, nhưng quỹ đất không còn nhiều, do đó cần kết hợp năng lượng mặt trời với trồng trọt, trang trại nuôi thuỷ sản. Tiềm năng năng lượng gió ở ngoài khơi khu vực này cũng rất lớn, có thể bước đầu khai thác điện gió hiệu quả kinh tế chưa cao, nhưng chúng ta có thể kết hợp sản xuất hydro - một loại khí rất quan trọng trong tương lai với phát triển điện gió", GS Thục đề xuất.

Theo Hiệp hội Điện gió Toàn cầu khi sử dụng 1MW điện gió thay thế cho năng lượng hóa thạch là đã góp phần giảm phát thải 1.800 tấn CO2, 9 tấn SOx, và 4 tấn NOx. Điện gió ngoài khơi Việt Nam sẽ đóng góp lớn cho việc cắt giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu khi đạt mục tiêu 10 GW vào năm 2030.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ