UBND TP. Đà Nẵng vừa kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào 7 dự án trọng điểm. Đây đều là các dự án được đánh giá sẽ có tác động lớn đến kinh tế - xã hội của thành phố.
Điển hình như dự án Cảng Liên Chiểu - một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Dự án này gồm 2 hợp phần. Trong đó, Hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và thành phố, dự kiến khởi công tháng 9/2022 với các hạng mục gồm Đê, kè chắn sóng (1.170m); Luồng tàu, vũng quay tàu, hệ thống báo hiệu cho tàu đến 100.000DWT (6.000-8.000 Teu); Giao thông đường bộ kết nối đến cảng; Hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng cảng.
Hợp phần B (giai đoạn khởi động) với tổng diện tích 44ha, quy mô 2 cầu cảng (750m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.
Hay dự án Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp. Khu phức hợp này được định hướng phát triển tại 4 lô đất đường Võ Văn Kiệt và 1 lô đất giáp đường Võ Nguyên Giáp và đường Võ Văn Kiệt (thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Dự án sẽ là khu lõi trung tâm tài chính với tổng diện tích 8,4ha. Đến năm 2030, khu phố tài chính được quy hoạch tại Khu công nghiệp An Đồn sẻ kết nối đáp ứng khả năng thu hút và phát triển dịch vụ tài chính của khu lõi.
Trung tâm công nghệ tài chính (fintech) sẽ được tập trung kêu gọi vào Khu Công viên phần mềm số 2, gồm 3 khối tòa nhà văn phòng với tổng diện tích sàn sử dụng hơn 71.000 m2 với mục đích thu hút các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính, các công ty Fintech trong nước và quốc tế đặt trụ sở...
Ngoài ra, các dự án khác cũng mang tính động lực cho TP. Đà Nẵng trong giai đoạn mới như: Dự án Không gian sáng tạo Đà Nẵng (tổng diện tích 17,26ha); Dự án Trung tâm thương mại quốc tế; Dự án bệnh viện quốc tế Đà Nẵng; Dự án Viện dưỡng lão; Dự án Trường liên cấp quốc tế.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng quốc tế tại Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng cần thêm nguồn tài chính đáng kể để thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Ngoài thành công trong việc thu hút vốn FDI và ODA, Đà Nẵng có thể đa dạng hóa hơn nữa các nguồn lực tài chính cho phát triển.
Theo bà Carolyn Turk, Đà Nẵng có thể xem xét thực hiện phân tích xếp hạng tín dụng, đây là một phân tích quan trọng để thu hút sự quan tâm và niềm tin của thị trường, cũng như giúp thiết lập giá cả cạnh tranh của các công cụ nợ. Nền kinh tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ, môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, cũng như quản lý tài khóa minh bạch, kỷ luật và hiệu quả là những yếu tố quan trọng cần quản lý để đạt được xếp hạng tín nhiệm tốt của thành phố.
Các doanh nghiệp mong muốn, TP. Đà Nẵng cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp nhiều hơn nữa.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân A Đại Thành Nguyễn Duy Chính cho rằng, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư theo hướng tinh gọn thủ tục hành chính. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền địa phương trong quá trình hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở hạ tầng thông minh. "Bên cạnh phát huy mũi nhọn du lịch - dịch vụ, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chiến lược phát triển chiến lược thành phố thông minh - tinh khiết", ông Chính nói.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty CP Trung Nam Nguyễn Tâm Tiến cho rằng, các cấp Chính quyền Trung ương và địa phương cần đồng hành hơn, sát cánh hơn, chia sẻ hơn, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc triệt để, tạo lòng tin vững chắc hơn để doanh nghiệp yên tâm hơn, tập trung nhiều hơn nguồn lực cho việc đầu tư phát triển.
"Chính quyền TP. Đà Nẵng nên tạo ra đòn bẩy và điểm bẩy. Đòn bẩy chúng tôi cho rằng đó là hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu, các dự án động lực cần được ưu tiên đầu tư bằng nguồn lực từ ngân sách thành phố", ông Tiến nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương tháo gỡ dự án tồn đọng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, để hình thành 3 trung tâm nòng cốt: Trung tâm du lịch dịch vụ chất lượng cao, Trung tâm Công nghệ thông tin - công nghệ cao và Trung tâm tài chính quốc tế. Trong đó có các khu phi thuế quan, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức sự kiện quốc tế, nghiên cứu phát triển…
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng sớm quy hoạch phân khu, đẩy nhanh hạ tầng giao thông; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh thái độ làm việc, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm xử lý hồ sơ dẫn đến chậm trễ...
Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cho rằng quy hoạch phải luôn đi trước một bước. Trong đó, Đà Nẵng có thể tập trung vào phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ 2 bên sông Hàn.
"Phải hoàn thiện toàn bộ quy hoạch Đà Nẵng. Đà Nẵng đang rất thiếu về điều chỉnh quy hoạch bên sông Hàn. Bên cạnh đó, thành phố cần hoàn thiện chức năng đô thị như mở rộng sân bay, phát triển dịch vụ du thuyền…", KTS. Trần Ngọc Chính nói và nhấn mạnh đến việc TP. Đà Nẵng có thể tính đến khai thác lợi thế của bán đảo Sơn Trà; tăng mật độ cây xanh và công viên, có thể tính đến xây dựng công viên thủy công (công viên đại dương).
Trong khi đó, PGS - TS. Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho rằng, khi quy hoạch thì cần phải nhìn nhận, đặt vấn đề Đà Nẵng là một đô thị đã phát triển, một trung tâm vùng. Không nên quy hoạch gói gọn trong diện tích hiện tại của thành phố mà phải nhìn trong chuỗi đô thị miền Trung, trong đó là sự kết nối với các đô thị hiện hữu tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Đặc biệt, cần phải xác định quy mô dân số thật kỹ càng, cụ thể rồi mới quy hoạch cho phù hợp với quy mô đó.
Theo PGS - TS. Bùi Quang Bình, hiện nay, thành phố đang điều chỉnh cơ cấu kinh tế, tập trung vào phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin nhưng việc này không dễ, cần có thêm thời gian và tìm ra thế mạnh. "Đà Nẵng vốn là một thành phố dịch vụ, nên vẫn phải giữ du lịch - dịch vụ là trụ cột chính. Trong thời gian tới, thành phố cần tập trung phát triển du lịch đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút các thị trường khách quốc tế tiềm năng", PGS - TS. Bùi Quang Bình nói.
Tương tự, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, để đạt được tầm nhìn trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ thúc đẩy sự phát triển của khu vực, thành phố cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lập quy hoạch, kế hoạch và tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng công, đây là yếu tố quan trọng để hỗ trợ động lực phát triển, bao gồm động lực mạnh mẽ đến từ các khu vực tư nhân, với trọng tâm là tính bền vững lâu dài.
"Từ góc độ quy hoạch, khi Đà Nẵng thu hút lượng nhập cư ngày càng tăng, thì lõi đô thị hiện tại đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc cung cấp các dịch vụ chất lượng. Để giải quyết tốt áp lực này và đảm bảo cung cấp dịch vụ hiệu quả, điều quan trọng là phải dự đoán và lập kế hoạch cho những thách thức trong tương lai và thực hiện các giải pháp dài hạn sớm", bà Carolyn Turk phân tích.
Nói tại Diễn đoàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, việc thành lập các tổ công tác xúc tiến, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư do các đồng chí lãnh đạo của thành phố chủ trì để triển khai các dự án… đã khẳng định sự cam kết đồng hành của thành phố trong nỗ lực tạo lập niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của Đà Nẵng.
"Đà Nẵng sẽ công khai thông tin về kế hoạch, tiến độ hoàn thành việc lập quy hoạch các phân khu chức năng theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thông tin quỹ đất và các dự án trọng điểm để kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và triển khai thực hiện...", ông Chinh nói.