2023 đánh dấu 20 năm mang Y tế chất lượng quốc tế đến Việt Nam. Cũng là dấu ấn quan trọng của FV, bệnh viện 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam. Ông đánh giá sao về cột mốc quan trọng này và 20 năm trước, yếu tố nào đã khiến ông quyết định thành lập FV tại Việt Nam?
BS. Jean-Marcel Guillon: Hành trình mang y tế chất lượng quốc tế đến Việt Nam của chúng tôi có thể phải kể đến thời điểm năm 1996, Chính phủ Việt Nam soạn thảo một báo cáo về thực trạng ngành y tại Việt Nam. Tháng 3/1997, bản báo cáo đã được công bố miêu tả tổng thể tình hình y tế Việt Nam, bao gồm cơ sở vật chất lúc bấy giờ. Đặc biệt, trong báo cáo này Chính phủ đã kêu gọi 100% đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế tư nhân nhằm góp phần giảm tải cho y tế công và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ. Chính vào thời điểm đó, chúng tôi cũng đang có ý tưởng đầu tư vào Việt Nam.
Hay nói một cách chính xác là nắm bắt thời cơ đặc biệt này, rôi mong muốn phải xây dựng một cơ sở y tế tiêu chuẩn quốc tế cho người Việt Nam. Và ngày 11/03/2003, Bệnh viện FV đã chính thức đi vào hoạt động và trở thành bệnh viện 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam, có trang thiết bị cơ sở sở vật chất hiện đại hàng đầu cùng đội ngũ y bác sĩ giảu kinh nghiệm.
Vậy là ông cũng đã có ý tưởng đầu tư vào Việt Nam trước đó?
BS. Jean-Marcel Guillon: Đúng vậy, có nhiều lý do chúng tôi chọn Việt Nam để đầu tư. Đầu tiên là vì giữa Việt Nam và Pháp vốn đã có mối quan hệ gắn bó lâu dài, đặc biệt trong ngành y. Nhiều sinh viên ngành y Việt Nam đã được sang Pháp để học hỏi vào những năm 80 và 90.
Đặc biệt, khi nói về đầu tư, tất nhiên cần phải xét đến yếu tố tiềm năng của thị trường. Theo bản báo cáo năm 1997, ngành y tế Việt Nam chưa phát triển, đồng thời nhà nước cũng đã mở cửa đón các nhà đầu tư, đời sống được cải thiện với sự gia tăng tầng lớp trung lưu. Điều này đồng nghĩa nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng cao.
Vì vậy, không chỉ đối với ngành y chúng tôi mà còn những ngành khác đều nhận thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam lúc bấy giờ.
Tiềm năng này dựa trên hai điều kiện tiên quyết mà các nhà đầu tư vào lĩnh vực y tế tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Thứ nhất, thu nhập của người dân phải có khả năng chi trả cho các dịch vụ y tế chất lượng cao vì bảo hiểm xã hội không đủ chi trả cho các dịch vụ này. Thứ hai, nhà nước phải có chính sách mở tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Vậy tại sao ông lại chọn TP.HCM để đầu tư, mà không phải là một tỉnh thành khác, ví dụ như Hà Nội?
BS. Jean-Marcel Guillon: Thời điểm đó chúng tôi có gặp Bộ Y Tế, lúc đó Bộ đã gợi ý và khuyên chúng tôi đầu tư vào TP.HCM. Chúng tôi cũng chưa rõ lý do vì sao thời điểm đấy Bộ đề nghị chúng tôi như thế. Đến sau này, chúng tôi mới biết rằng cùng thời điểm đó ở Hà Nội, cũng đã có một nhà đầu tư vào Bệnh viện Việt - Pháp. Đó có phải là cái duyên không? (cười)
Nhưng phải nói, thực tế cho thấy TP.HCM có đủ các tiềm năng mà chúng tôi đang tìm kiếm như dân số đông và mức thu nhập bình quân cao.
Với vai trò là một nhà đầu tư, ông có nhận thấy nhà nước Việt Nam đã có những chính sách gì để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực y tế?
BS. Jean-Marcel Guillon: Đầu tư cho lĩnh vực y tế hay bất kỳ lĩnh vực nào khác tại Việt Nam, các nhà đầu tư đều phải trải qua các quy trình như nhau, và hầu như không có chính sách đặc biệt nào ưu tiên cho ngành y tế.
Xin chia sẻ thêm, nhà nước và y tế công lập có trách nhiệm xã hội lớn nhưng không đủ chi phí cho các dịch vụ y tế chất lượng cao. Vì vậy, việc tham gia của tư nhân vào lĩnh vực y tế chính là góp phần giảm bớt gánh nặng cho nhà nước và y tế công lập, từ đó dành nguồn lực cho dịch vụ y tế khác dành cho người dân vì vốn số lượng bệnh nhân đã rất nhiều.
Vậy, với ông 20 năm qua đầu tư vào Việt Nam có phải là một chặng đường đúng?
BS. Jean-Marcel Guillon: Có thể nói với tôi là hoàn toàn đúng, tôi đã đến, sống và làm việc ở Việt Nam suốt 25 năm. Hai cậu con trai của tôi sinh ra tại FV và lớn lên ở TP.HCM. Người bạn đời của tôi là một phụ nữ nhỏ xinh người Vinh. Nhân viên và các cộng sự của tôi là người Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam như yêu FV - đứa con tinh thần mà tôi dành cả con tim và khối óc để chăm chút cải thiện từng ngày.
Và tâm huyết của ông đã được thể hiện ở 2 thập kỷ qua, qua các số, qua các thế hệ y bác sĩ tâm huyết của FV đã điều trị cho gần 5 triệu lượt bệnh nhân. Trong đó 75% là bệnh nhân Việt Nam, 25% là bệnh nhân nước ngoài?
BS. Jean-Marcel Guillon: Bạn biết không, 8 yếu tố ''vàng'' giúp bệnh viện FV trở nên đặc biệt đó là: văn hóa gia đình; niềm tin vào y đức; đội ngũ quản lý xuất sắc; đội ngũ nhân viên trung thành và tận tâm; đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn; hoạt động theo tôn chỉ ''lấy bệnh nhân làm trung tâm''; cơ sở vật chất đẳng cấp thế giới; tiêu chuẩn y tế quốc tế.
Ngoài ra, FV là Bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận HAS (của Pháp) vào năm 2007; đạt chứng nhận JCI năm 2016 và tái đạt năm 2019 và 2022. Điều này đánh dấu FV trở thành bệnh viện đầu tiên ở phía Nam 3 lần đạt chứng nhận JCI (Joint Commission International - tổ chức giám định chất lượng bệnh viện của Hoa Kỳ). FV có 230 giường bệnh, 36 chuyên khoa, trong đó có 6 chuyên khoa mũi nhọn, gồm: Khoa Sản, Khoa Ung bướu, Khoa Mắt, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Khoa Tiêu hóa & Gan mật, Khoa Tim mạch. Khả năng tiếp nhận 1.500 lượt bệnh nhân/ngày.
Có một thực trạng tại Việt Nam là người làm bác sĩ thì không có chuyên môn trong quản lý.
Tuy nhiên, ông được biết đến như là một bác sĩ giỏi và là một người quản lý tốt, giúp cho bệnh viện FV trở thành một trong những bệnh viện tư nhân tốt nhất ở Việt Nam. Ông có thể chia sẻ bí quyết của mình và cho lời khuyên cho các nhà quản lý bác sĩ ở Việt Nam không, thưa ông?
BS. Jean-Marcel Guillon: Đầu tiên, tôi cám ơn lời khen đó. Để trở thành một bác sĩ, họ dành rất là nhiều năm để học tập và nghiên cứu, và gần như không học về quản trị. Tại Việt Nam, một người có thể trở thành giám đốc bệnh viện phải là một bác sĩ trước tiên. Đây là một yêu cầu tiên quyết. Theo tôi, đây là một yêu cầu không đúng.
Ở các nước phát triển, một người là giám đốc bệnh viện phải được đào tạo về quản trị y tế công lập hoặc tư nhân và luôn có những trường đào tạo về chuyên ngành này.
Mô hình hoạt động và quản trị bệnh viện vốn rất khó và phức tạp.
Khi tôi bắt đầu quản trị FV, tôi cũng đã gặp nhiều khó khăn. Tôi đã phải học rất nhiều và lắng nghe người khác về chuyên môn quản trị. Và sau một thời gian thì tôi cũng đã biết cách vận hành và quản trị bệnh viện.
Năm 2022, FV đã mua lại chuỗi phòng khám ACC, đánh dấu sự kiện M&A đầu tiên của FV tại thị trường Việt Nam. Yếu tố nào đã khiến cho FV đưa ra quyết định này? Và trong tương lại FV có kế hoạch nào cho hoạt động M&A nữa không?
BS. Jean-Marcel Guillon: Lý do chúng tôi quyết định mua lại chuỗi phòng khám ACC là vì ACC đang cung cấp dịch vụ về trị liệu thần kinh cột sống, đây là một dịch vụ chưa có ở FV. Đây là một sự bổ trợ tốt cho cả hai bên.
Thêm một lý do khác nữa, FV hiện chỉ có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh trong khi ACC đã có các phòng khám ở Hà Nội, Đà Nẵng và đương nhiên là cả Thành phố Hồ Chí Mình. Vì vậy, việc mua lại chuỗi phòng khám ACC sẽ giúp cho dịch vụ của chúng tôi hiện diện ở cả Hà Nội và Đà Nẵng.
Trong tương lại, chúng tôi có kế hoạch mua thêm các chuỗi bệnh viện và phòng khám. Tuy nhiên, tôi chưa thể chia sẻ đó là bệnh viện và phòng khám nào.
Sau chặng đường 20 năm đầy dấu ấn này, kế hoạch năm năm sắp tới của bệnh viện FV là gì, thưa ông?
BS. Jean-Marcel Guillon: Sắp tới, FV sẽ khánh thành thêm một tòa nhà "H" với tổng diện tích 15.000 mét vuông để mở rộng Trung tâm điều trị ung thư, trung tâm Tiêu hóa gan mật, cung cấp dịch vụ mới như thụ tinh trong ống nghiệm và chạy thận nhân tạo, cấy ghép tủy…
Đồng thời, FV sẽ đưa vào hoạt động Phòng Khám Đa Khoa Sài Gòn & Trung Tâm Chẩn Đoán quy mô lớn tại trung tâm TP.HCM cung cấp dịch vụ phẫu thuật trong ngày.
Chúng tôi gọi đây là sự phát triển tự nhiên, có nghĩa là mở rộng ra các dịch vụ hiện có của chúng tôi.
Với kinh nghiệm hoạt động 20 năm trong ngành y tế tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào vào ngành y tế hiện tại, đặc biệt trong khu vực tư nhân, và có đề xuất nào để giúp ngành phát triển mạnh hơn, và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân như FV trong tương lại?
BS. Jean-Marcel Guillon:So với năm 1997 khi tôi lần đầu tiên đến Việt Nam, y tế tư nhân tại Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh hơn với rất nhiều phòng khám, bệnh viện tư nhân trên khắp cả nước.
Tôi không có ý kiên đóng góp nào, nhưng theo kinh nghiệm đầu tư cá nhân của tôi tại Việt Nam thì khi gặp vướng mắc ở cấp thấp hơn thì buộc chúng tôi phải làm việc với cấp cao hơn, vì cách hiểu luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật rất là khác nhau và việc để hiểu chúng rất là phức tạp.
Đa số người Việt Nam có điều kiện thường chọn khám chữa bệnh ở nước ngoài. Vậy FV có kế hoạch gì để có thể thu hút những đối tượng này đến với FV hay không?
BS. Jean-Marcel Guillon: Điều này phụ thuộc nhiều vào truyền thông. Người dân phải biết đến bệnh viện và dịch vụ của bệnh viện để đến khám chữa bệnh.
Năm 2022, Bệnh viện FV tiếp nhận điều trị hơn 270,000 lượt bệnh nhân và rất nhiều trong số họ từng đi điều trị ở nước ngoài. Khi mà dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, vì không thể ra nước ngoài nên cũng đã có rất nhiều bệnh nhân, và đặc biệt là bệnh nhân ung thư đã tìm đến bệnh viện FV.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!