Đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Bắc Úc trong thời điểm này là thuận lợi hơn bao giờ hết

Nhàđầutư
Australia ở cả cấp liên bang và tiểu bang hiện đang hướng tới Châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là quan hệ với ASEAN. Việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Australia nói chung và Bắc Úc nói riêng trong thời điểm này là thuận lợi hơn bao giờ hết.
NGUYỄN NGỌC MỸ (Chủ tịch Tập đoàn Vabis)
28, Tháng 03, 2024 | 10:10

Nhàđầutư
Australia ở cả cấp liên bang và tiểu bang hiện đang hướng tới Châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là quan hệ với ASEAN. Việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Australia nói chung và Bắc Úc nói riêng trong thời điểm này là thuận lợi hơn bao giờ hết.

Năm 2023 vừa qua là năm Việt Nam và Australia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chúng ta đã chứng kiến một chặng đường dài với nhiều Hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hỗ trợ phát triển, an ninh và quốc phòng đã được hai bên ký kết.

IMG_9667

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Tập đoàn Vabis phát biểu tại Hội thảo Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc năm 2024 sáng ngày 28/3/2024. Ảnh: Trọng Hiếu

Việc tăng cường và thắt chặt mối quan hệ hai bên bắt đầu từ tuyên bố về thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2018, sau đó là Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Australia - Việt Nam được Chính phủ hai nước công bố vào cuối năm 2021, cho đến Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Australia vào ngày 7/3 vừa qua.

Australia ở cả cấp liên bang và tiểu bang hiện nay đang hướng tới Châu Á - Thái Bình Dương và đặt tầm quan trọng lớn hơn vào mối quan hệ với ASEAN. Điển hình là Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040, đã được Chính phủ Australia công bố vào ngày 6/9/2023, trong đó Việt Nam luôn được đặt vào vai trò và vị trí trung tâm.

Như vậy, việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời điểm này là thuận lợi hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đối với đại đa số người Việt Nam khi nói đến Australia thì địa điểm đầu tiên thường nghĩ đến là New South Wales hay Victoria với những đô thị sung túc như Sydney hay Melbourne,… Ít người biết rằng, nếu nói đến vị trí địa lý chiến lược thì Thủ phủ Darwin của Lãnh thổ Bắc Úc mới đóng vai trò độc nhất vô nhị, là cửa ngõ gần nhất kết nối Châu Úc với Châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là khối ASEAN.

Tóm tắt Chiến lược hợp tác đầu tư Việt Nam - Bắc Úc

Vùng Lãnh thổ Bắc Úc là bang có diện tích lớn thứ ba và là cửa ngõ giao thương gần nhất của Australia với khu vực Châu Á Thái Bình Dương và ASEAN, là nơi có rất nhiều tiềm năng phát triển, thế mạnh, cũng như sự tương đồng và tính bổ trợ rất tốt với Việt Nam, nhưng chưa được hai phía đánh giá đúng mực và khai thác đúng tầm.

Bắc Úc rất giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản, di sản văn hóa người bản địa, nhiều khu bảo tồn nhiên hùng vĩ… GDP trên đầu người thuộc hàng cao nhất Australia, có diện tích gấp 4 lần Việt Nam nhưng dân số chỉ vào khoảng 1/4 triệu người.

Năm 2013, nhận lời mời của ông Lê Việt Duyên, Tổng Lãnh sự Việt Nam phụ trách Bắc Úc, trong chuyến viếng thăm và làm việc với chính quyền Bắc Úc, trên cơ sở phân tích thế mạnh và sự hạn chế giữa Việt Nam và Bắc Úc, chúng ta đã nhận ra cơ hội và tiềm năng cực kỳ to lớn để hợp tác đầu tư và phát triển giữa hai bên.

Từ năm 2014, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc (NTVBC), tôi đã nỗ lực thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa Việt Nam và Bắc Úc, đóng vai trò là cầu nối tổ chức nhiều đoàn cho nhiều cơ quan từ Trung ương, cho đến các tỉnh thành của Việt Nam và các doanh nghiệp đến tham quan, nghiên cứu môi trường và cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường Bắc Úc.

Năm 2019, sau khi đảm nhiệm thêm vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), với sự ủng hộ mạnh mẽ của GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE, một Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa VAFIE và NTVBC đã được ký kết, tạo điều kiện cho sự phối kết hợp nguồn lực của hai phía, nghiên cứu tổng hợp các văn kiện, tài liệu, chủ trương và đường lối chính sách của Việt Nam và Australia nói chung và Bắc Úc nói riêng. Đặc biệt, tập trung vào phân tích và nghiên cứu các báo cáo, chiến lược và chính sách phát triển của Bắc Úc. Từ đó, hình thành nên Hồ sơ Chiến lược giao thương và hợp tác đầu tư Việt Nam - Bắc Úc vào giữa năm 2021, và sẽ được cập nhật thêm hàng năm khi có những báo cáo và chính sách mới.

Chiến lược hợp tác đầu tư Việt Nam - Bắc Úc là một sáng kiến cụ thể hóa ở cấp độ địa phương và doanh nghiệp trong triển khai thực hiện Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia đã được Chính phủ hai nước công bố ngày 21/12/2021.

Trên cơ sở phân tích SWOT, so sánh thế mạnh, hạn chế, thách thức và cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư cho doanh nghiệp giữa Việt Nam và Bắc Úc, báo cáo đã đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư như sau:

(1) Vật liệu xây dựng, prefab, modular: tận dụng lợi thế giá nhân công phổ thông khá thấp để sản xuất tại Việt Nam một số vật liệu xây dựng theo kiểu tiền chế (prefab), mô hình lắp ráp (modular),… có nhu cầu cao tại thị trường xây dựng Bắc Úc để xuất khẩu.

(2) Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào về trâu, bò nuôi thả tự nhiên tại Bắc Úc để hợp tác đầu tư lò mổ và xẻ khối cấp đông nhập khẩu về Việt Nam, sau đó gia công chế biến và tiêu thụ tại Việt Nam và các nước lân cận.

(3) Hợp tác trao đổi tour du lịch kết hợp khảo sát thị trường và kết hợp kinh doanh (Business Matching) cho doanh nghiệp hai bên.

(4) Hợp tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động tay nghề cao sang Bắc Úc.

Dựa trên diễn biến của tình hình hai bên trong bối cảnh biến động toàn cầu, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư như đã đề xuất ở trên cũng sẽ được cập nhật và thay đổi để phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế.

Tiến độ thực hiện

  • Ngày 21/03/2022, VAFIE báo cáo với Bộ trường Bộ KH-ĐT về Chiến lược HTĐT VN – Bắc Úc.
  • Đầu tháng 6/2022, VAFIE phối hợp với NTVBC cử Đoàn công tác tháp tùng Đại sứ VN tại Úc đến làm việc với Chính quyền Bắc Úc và khảo sát tiềm năng, cơ hội và thách thức khi triển khai Chiến lược.
  • Ngày 20/07/2022, VAFIE báo cáo với Thủ tướng đề nghị đưa Chiến lược này vào Chương trình nghị sự VN – Australia.
  • Ngày 27/07/2022, VAFIE phối hợp với NTVBC tổ chức Hội thảo triển khai tại TPHCM để lựa chọn khoảng 10 doanh nghiệp có đủ điều kiện về vốn, công nghệ, quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực thực hiện thí điểm các dự án hợp tác đầu tư theo chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Bắc Úc trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
  • Tháng 11/2022, đã hợp tác với Ủy ban Dân tộc, tổ chức đoàn cán bộ do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đến thăm Autralia và Bắc Úc, gặp gỡ chính thức Chính quyền Bắc Úc và Lãnh đạo các tổ chức dân tộc bản địa để bàn về quan hệ hợp tác giữa các dân tộc bản địa Bắc Úc với một số tỉnh miền núi có dân tộc ít người của Việt Nam.
  • Tháng 03/2023, tổ chức Đoàn doanh nghiệp đến khảo sát một số địa điểm dự án tại Bắc Úc và thiết lập mối quan hệ với Hiệp hội doanh nghiệp bản địa Bắc Úc (NTIBN).
  • Tháng 08/2023, Tập đoàn Vabis Group đến Batchelor, Bắc Úc để tham quan và khảo sát Trang trại và Nhà máy Rum Jungle Meat của Tập đoàn CAG, chuỗi cung ứng tích hợp về thịt đỏ lớn nhất Australia.
  • Tháng 09/2023, Tập đoàn CAG đến Việt Nam thăm và làm việc với Tập đoàn Vabis Group để bàn việc hợp tác đầu tư chuỗi cung ứng thịt đỏ Australia, giết mổ tại Bắc Úc, cấp đông và vận chuyển về Việt Nam chế biến và tiêu thụ tại thị trường trong nước và các quốc gia lân cận.
  • Tháng 10/2023, thông qua sự hỗ trợ của UBVN-TP.HCM, Văn phòng đại diện VAFIE cùng với Tập đoàn Vabis Group đã có buổi làm việc với các Sở ngành và BQL các Khu công nghiệp TP.HCM để giới thiệu nội dung dự án và tìm kiếm địa điểm để đặt nhà máy chế biến thịt bò.
  • Đầu tháng 03/2024, Đại diện VAFIE đã tháp tùng Tổng Lãnh Sự Việt Nam phụ trách Tây Úc và Bắc Úc đến làm việc với Chính quyền Bắc Úc và Phòng Thương mại Bắc Úc để thảo luận về kế hoạch triển khai hợp tác đầu tư Việt Nam và Bắc Úc năm 2024.

Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư trong năm 2024

Rút kinh nghiệm từ nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài đã thất bại, Chiến lược hợp tác đầu tư Việt Nam - Bắc Úc đề ra phương pháp tiếp cận với mô hình thí điểm hợp tác đầu tư theo chuỗi cung ứng, có nhiều đối tác tham gia vào những mắt xích tạo thành một chuỗi cung ứng khép kín, đảm bảo tính bền vững của dự án đầu tư, tránh rủi ro đứt gãy nguồn cung ứng.

Chiến lược cũng nhấn mạnh đến việc phối kết hợp và tận dụng thế mạnh nguồn lực Việt Kiều ở Bắc Úc nói riêng và Australia nói chung để tham gia vào các chuỗi cung ứng.

Sau đây, xin đề xuất một số các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư trong năm 2024.

Trước hết là về Giáo dục và đào tạo nghề: xuất khẩu lao động tay nghề cao và lao động nông nghiệp theo chương trình PALM/Visa 403 sang Bắc Úc. Về vấn đề này, ngày 1/3/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan và ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản Ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia. Dự kiến, trong năm 2024, có thể đưa di 1.000 lao động.

Về Thịt đỏ (trâu, bò, lạc đà, cừu, kangaroo,…), hợp tác với Tập đoàn CAG của Australia, chi nhánh Rum Jungle Meat (1 ngàn ha trang trại + nhà máy giết mổ), nhập khẩu thịt cấp đông về Việt Nam để chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước láng giềng.

Tại Trung tâm trưng bày và phân phối sản phẩm Việt Nam tại Darwin: Giới thiệu về Vật liệu xây dựng như bê tông khô, gạch siêu nhẹ và bê tông nhẹ (AAC), gỗ lót sàn, ván ép MDF, cấu kiện tiền chế lắp ghép, trang trí nội thất…; Hàng tiêu dùng như thực phẩm đóng gói; Hàng thủ công mỹ nghệ...

Về Điện mặt trời: Cung cấp vật tư, nguyên liệu, thi công lắp đặt solar farm tại Bắc Úc. Với mục tiêu Netzero vào năm 2050, Bắc Úc đã và đang triển khai rất nhiều dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Một trong những dự án mang tầm châu lục là Dự án Australia Asia Power Link (AAPL), với tổng giá trị đầu tư khoảng $30 tỉ đô, tạo 1.500 việc làm trực tiếp: Công suất lên đến 20 Gigawatt solar farm / 12,000 hecta ở vùng Barkly gần Tennant Creek; Kho trữ pin tại Darwin và Singapore; 800 km cáp cao thế nối Solar Farm - Cảng Darwin; 4300 km cáp biển nối Darwin - Singapore.

Về Du lịch Bắc Úc: Đánh Golf; Săn bắn; Câu cá; Đua ngựa.

Về Logistics: Hợp tác với Vietjet mở đường bay thẳng Việt Nam - Darwin; hoặc thuê bao nguyên chiếc, 20 chuyến bay khứ hồi Việt Nam - Darwin, mỗi tuần một chuyến; Chuyên chở khách đoàn du lịch (đánh golf, săn bắn, câu cá, đua ngựa) từ VN sang Bắc Úc; Bán chỗ còn trống cho hành khách có nhu cầu đi lại tuyến Darwin - Đông Nam Á, phục vụ du học sinh và kiều bào sinh sống tại Bắc Úc; Chuyên chở hàng hóa giá trị cao hai chiều; Hợp tác với tàu biển loại nhỏ, hoặc thuê bao nguyên chiếc đi thẳng từ cảng Sài Gòn/Hải Phòng đến cảng Darwin và ngược lại, với tần suất mỗi tuần 1 chuyến; Hàng hóa từ VN à Darwin: Vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm đóng gói,…; Hàng hóa từ Darwin à VN: Thịt đỏ các loại, hải sản, cây vạn tuế,…

Kế hoạch triển khai các hoạt động trong năm 2024

28/2-3/3/2024: Phối hợp với Tổng lãnh sự Việt Nam thăm và làm việc với Chính quyền Bắc Úc để nhắc lại mối quan hệ hợp tác đàu tư Việt Nam - Bắc Úc và Kế hoạch triển khai 2024.

28/3/2024: Tổ chức Hội thảo Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc 2024 tại Hà Nội để giới thiệu triển khai kế hoạch 2024 và lựa chọn các doanh nghiệp tham gia Đoàn đi Bắc Úc vào giữa tháng 05/2024.

Tháng 4/2024: Tổ chức các cuộc họp nhóm theo từng chuyên đề.

16-22/5/2024: Tổ chức Đoàn doanh nghiệp Việt Nam đi Bắc Úc để khảo sát thực tế địa điểm dự án, trải nghiệm một số hoạt động du lịch giải trí, gặp gỡ giao lưu và thiết lập mối quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các doanh nghiệp người bản địa và Việt Kiều đang hoạt động kinh doanh tại Bắc Úc nói riêng và Australia nói chung.

6-8/2024: Tổ chức các Hội thảo Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc tại TP.HCM với những nội dung chuyên sâu theo từng chuỗi cung ứng trong các ngành và lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư như: ngành thịt đỏ, xây dựng, đào tạo nghề, du lịch, logistics…

10-11/2024: Tổ chức từ 1-2 Đoàn doanh nghiệp Việt Nam đi Bắc Úc để triển khai các dự án cụ thể.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24675.00 24695.00 25015.00
EUR 26141.00 26246.00 27411.00
GBP 30532.00 30716.00 31664.00
HKD 3113.00 3126.00 3228.00
CHF 26871.00 26979.00 27815.00
JPY 159.92 160.56 168.00
AUD 15832.00 15896.00 16382.00
SGD 18029.00 18101.00 18636.00
THB 660.00 663.00 690.00
CAD 17973.00 18045.00 18577.00
NZD   14540.00 15029.00
KRW   17.60 19.20
DKK   3510.00 3640.00
SEK   2258.00 2345.00
NOK   2225.00 2313.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ