[Emagazine] Sức hút đầu tư vào Bắc Úc: Vùng đất giàu tiềm năng
Bắc Úc là một vùng đất giàu tài nguyên của Australia, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, du lịch, sở hữu nhiều tiềm năng chưa được khai phá, có nhu cầu cao đối với lao động cũng như vật tư, vật liệu xây dựng, phát triển hạ tầng...
Từ 5-9/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm chính thức Australia. Điểm nổi bật nhất của chuyến thăm là việc Thủ tướng hai nước đã công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là tiền đề quan trọng để hợp tác đầu tư giữa hai nước phát triển lên một tầm cao mới, trong đó có khu vực Bắc Úc.
Với nhiều người Việt Nam, khi nhắc đến nước Úc, người ta thường nghĩ đến các thành phố lớn, nổi tiếng như Canbera, Sydney, Melbourne. Nhưng có một thực tế là, nếu nói về vị trí địa lý chiến lược thì Thủ phủ Darwin của Lãnh thổ Bắc Úc mới đóng vai trò độc nhất vô nhị, là cửa ngõ gần nhất để kết nối giữa châu Á với phần còn lại của châu Úc.
Nền tảng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Úc trước đây thường gắn với những khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA). Có thể kể đến các công trình lớn như cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, những chương trình hỗ trợ kỹ thuật về nông nghiệp, biến đổi khí hậu, giáo dục đào tạo, cân bằng giới, quản trị nhà nước... Hiện nay, với vị thế của Việt Nam, đặc biệt là trong Chiến lược thúc đẩy hợp tác giao thương kinh doanh và đầu tư vào Bắc Úc, hai bên đang tiến hành hợp tác theo cơ chế đôi bên đều có lợi.
Bắc Úc là vùng đất rất giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản, có di sản văn hóa Thổ dân, nhiều khu bảo tồn nhiên hùng vĩ… Hiện, Bắc Úc có GDP/đầu người cao nhất nước Úc, có diện tích gấp 4 lần Việt Nam nhưng dân số chưa đầy 1⁄4 triệu người.
Cụ thể, vùng lãnh thổ Bắc Úc là một trong 6 tiểu bang và Vùng lãnh thổ thuộc Liên bang Úc với thủ phủ là thành phố Darwin. Bắc Úc có diện tích 1.349.129 km2 (gấp 4 lần Việt Nam) song dân số chỉ ở mức 246.500 người (số liệu thống kê năm 2020).
Trong đó, người nhập cư (không sinh ra tại Úc) chiếm trên 30%, chủ yếu đến từ Philippines, Vương quốc Anh, New Zealand, Ấn Độ, Hy Lạp, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia... Tại Bắc Úc, người Việt Nam có tỷ lệ sinh sống, học tập và làm việc khiêm tốn hơn so với các thành phố lớn khác như Sydney hay Melbourne.
Các ngành kinh tế chủ đạo của Bắc Úc bao gồm: Khoáng sản, dầu khí, du lịch, giáo dục đào tạo quốc tế, quốc phòng và nông nghiệp; ngành du lịch là động lực đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Bắc Úc với rất nhiều điểm nhấn về những thắng cảnh hoang sơ, hùng vỹ, rất nhiều vườn quốc gia được bảo tồn thiên nhiên hoang dã và nền văn hóa thổ dân đang chờ được khai phá.
Nền kinh tế Bắc Úc đã tăng trưởng nhanh chóng trong suốt thời gian qua với sự hỗ trợ của các dự án chủ đạo. Trong khoảng thời gian 2005-2006 đến 2015-2016, GDP tăng trưởng hơn 40%, từ 16,2 tỷ USD lên 23,6 tỷ USD; dân số tăng 17%, lên đến hơn 245.000 người; lực lượng lao động gia tăng từ 34.000 người lên đến hơn 140.000 người.
Cấu trúc nền kinh tế Bắc Úc độc đáo, tạo nên lợi thế cạnh tranh và tiềm năng to lớn: Có không gian và khả năng để tăng trưởng. Dù chỉ chiếm 1% dân số Úc nhưng sở hữu đến 1/6 đất đai với khoảng cách lớn giữa các trung tâm dân số.
Bắc Úc có nhiều tài nguyên đất, nước và khoáng sản cho các cơ hội phát triển xanh; có nhiều thắng cảnh nổi tiếng, điển hình như di sản Kakadu nổi tiếng. Cư dân Bắc Úc là những chuyên gia biết phát huy cơ hội sẵn có ở vùng nhiệt đới khô cằn và sáng tạo, tự tin với nhiều kỹ năng được tạo ra từ khó khăn.
Sự đa dạng về văn hóa của Bắc Úc mang đến sức mạnh khi có tới 30% dân số Bắc Úc là Thổ dân so với trung bình của quốc gia là 3%. Thổ dân là chủ nhân lâu đời của phần lớn đất đai và bờ biển Bắc Úc. Khoảng 50% đất đai và 80% bờ biển thuộc quyền sở hữu của Thổ dân và được công nhận bởi luật pháp Khối thịnh vượng chung và Luật Đất đai Thổ dân (Bắc Úc) 1976.
Thổ dân Bắc Úc, với quan điểm, đất đai và nguồn lực mà họ sở hữu, và những cơ hội độc đáo mà họ theo đuổi, chính là đối tác và là động lực then chốt cho tương lai kinh tế của Bắc Úc.
Ngoài ra, Bắc Úc gần với châu Á, có mối quan hệ tốt với các nước láng giềng phía Bắc. Có thị trường 24 triệu dân ở phía Nam lãnh thổ Bắc Úc trong vòng 5 giờ bay; và thị trường 400 triệu dân trong vòng 5 giờ bay về phía Bắc.
Bắc Úc có lợi thế cạnh tranh mạnh trong cách ngành sản xuất có nhu cầu cao ở châu Á, có những cơ hội đầy hứa hẹn để tăng trưởng lĩnh vực giáo dục quốc tế, du lịch, khoáng sản, dầu khí, nghề cá và nông nghiệp.
Bắc Úc trẻ và đang phát triển, dù được hưởng lợi từ hơn 200 năm phát triển và công nghiệp hóa nhưng Bắc Úc lại đang học hỏi từ sự phát triển đó với những cơ hội tiên phong trong tăng trưởng và phát triển bền vững mà thế giới đang cần hiện nay.
Chính quyền Bắc Úc vững mạnh, có bề dày lịch sử với những đầu tư chiến lược về chuyển đổi hạ tầng. Trong quá khứ, chính quyền Bắc Úc đã đầu tư vào những dịch vụ và hạ tầng quan trọng mang tầm chiến lược như cảng Darwin, đường sắt AustralAsia, các Trung tâm hội nghị tại Darwin, Alice Springs và Đại học Darwin. Chính những đầu tư này đã đóng quan trọng vào nền kinh tế, xã hội, tri thức, văn hóa; thu hút con người và đầu tư của khu vực tư nhân vào Bắc Úc.
Chính quyền Bắc Úc cũng đã tạo điều kiện cho các đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án quan trọng như là Ichthys - một dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất do các nhà đầu tư Nhật Bản và Pháp thực hiện.
Vị trí của Bắc Úc như là cửa ngõ với châu Á, đóng vai trò như là một trung tâm quốc phòng then chốt, nổi tiếng về hấp dẫn khách du lịch, giàu nguồn khoáng sản, khí đốt, dầu mỏ và nông nghiệp, tất cả những điều này cung cấp các cơ hội chiến lược đáp ứng yêu cầu đòi hỏi để tăng trưởng kinh tế tương lai. Những lợi thế chiến lược này cũng cung cấp các cơ hội để tăng trưởng các ngành dịch vụ như sức khỏe, giáo dục, và nghiên cứu.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc cho biết, từ đầu năm 2013, đã nỗ lực thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Bắc Úc.
Theo ông Mỹ, dù đã nhất nỗ lực nhưng quan hệ hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Bắc Úc chưa xứng với tiềm năng vốn có khi Bắc Úc có một vị trí địa lý chiến lược độc tôn trong đó thành phố Darwin có vai trò quan trọng là cửa ngõ giữa châu Á với phần còn lại của châu Úc.
Chính vì vậy, để góp tạo nên sự khác biệt trong việc thúc đẩy tốc độ phát triển của Bắc Úc, một chiến lược hợp tác đã được Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc xây dựng, qua đó thể hiện rõ những mục tiêu, lộ trình cụ thể, và biến Chiến lược này trở thành động lực kích thích tăng trưởng mạnh mẽ cho Việt Nam và Bắc Úc. Theo đó, trong khuôn khổ mở rộng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Úc cần tận dụng lợi thế sự khác biệt giữa hai nước để xây dựng chiến lược đầu tư, thương mại, du lịch, xuất khẩu lao động vào Bắc Úc.
"Từ nay đến năm 2025, cần xây dựng chiến lược hợp tác giữa Việt Nam với Bắc Úc như là một bộ phận cấu thành trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Úc; chú trọng đặc điểm của Bắc Úc là vùng có nhiều thổ dân sinh sống, đất đai chủ yếu thuộc quyền sở hữu của thổ dân, do đó cần nghiên cứu đặc điểm, tập quán, nền văn hóa, lợi ích của thổ dân để thiết lập quan hệ cùng có lợi với một số dân tộc thiểu số của Việt Nam thông qua Ủy ban Dân tộc", ông Mỹ cho biết.
Về lao động, phải tuyển chọn, đào tạo nghề nghiệp và tiếng Anh, xây dựng đội ngũ người lao động có tay nghề cao, đủ sức khỏe, có ý thức lao động để đưa sang Bắc Úc. Trong 5 năm từ 2021-2025, thí điểm đưa khoảng 30.000-50.000 người Việt Nam sang Bắc Úc nhằm mục tiêu trong vòng 20 năm đưa khoảng 1 triệu người Việt Nam sang lao động, học tập tại Bắc Úc.
Về nông nghiệp, cần tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ có thể trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn, chế biến nông sản thực phẩm để xuất khẩu trở lại Việt Nam và sang các nước. Thành lập một số cụm nông - công nghiệp do người Việt Nam quản lý và làm việc, từ đó hình thành một số làng - xã của người Việt Nam ở Bắc Úc.
Về thương mại, hiện nay Việt Nam hầu như chưa có quan hệ xuất nhập khẩu với Bắc Úc, nếu thực hiện được việc xuất khẩu lao động, hình thành các cụm nông - công nghiệp thì có khả năng đột phá trong quan hệ thương mại giữa hai bên, góp phần nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Úc, gia tăng đáng kể tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ của mỗi nước trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Về du lịch, Bắc Úc có khí hậu tương tự khí hậu của Nam bộ, có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô (nhưng trái mùa với nhau), do đó có thể mở rộng nhanh chóng du lịch giữa hai bên; trước hết là khuyến khích các công ty du lịch lữ hành quốc tế của Việt Nam thăm dò và khai thác tiềm năng phát triển du lịch tại Bắc Úc, thí điểm mở các chuyến bay trực tiếp giữa Hà Nội, TP.HCM với Bắc Úc; khi lượng khách du lịch, thương mại, đầu tư, xuất khẩu lao động đã gia tăng thì có thể thiết lập đường hàng không trực tiếp giữa một số thành phố lớn của Việt Nam với Bắc Úc.
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Úc đã được Thủ tướng Chính phủ hai nước thông qua với mục tiêu trở thành top 10 đối tác thương mại hàng đầu và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều, việc thúc đẩy thành công hợp tác Việt Nam - Bắc Úc sẽ đóng góp quan trọng vào quá trình thực hiện mục tiêu đó.
Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Bắc Úc có đất đai rộng hơn 1 triệu km2 và nhiều lợi thế về nông nghiệp, khoáng sản, du lịch trong khi dân số chưa đến 250.000 người. Việt Nam và Bắc Úc có nhiều lợi thế bổ trợ nhau để cùng hợp tác phát triển trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi.
"Là Hiệp hội của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Bắc Úc, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, nông nghiệp, khai khoáng, xây dựng và du lịch", GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và bày tỏ mong muốn rằng, lao động Việt Nam được đào tạo qua các chương trình hợp tác sẽ được chính phủ Úc tạo điều kiện làm việc cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc.