Cơn khát điện

Hóa đơn tiền điện nhà bạn có thể không còn dễ chịu như trước. Việt Nam vừa mua gần 1,5 tỷ kWh điện từ Lào vì quốc gia sẽ thiếu điện từ năm nay.
NGUYỄN ĐĂNG ANH THI
07, Tháng 01, 2020 | 09:16

Hóa đơn tiền điện nhà bạn có thể không còn dễ chịu như trước. Việt Nam vừa mua gần 1,5 tỷ kWh điện từ Lào vì quốc gia sẽ thiếu điện từ năm nay.

Theo Bộ Công thương, 47 trên 62 dự án điện công suất lớn, hầu hết là nhiệt điện than, đang chậm tiến độ với Quy hoạch điện 7 - quy hoạch điện quốc gia. Nguyên nhân chính do thiếu vốn và sự phản đối nhiệt điện than của các địa phương.

Trong khi Chính phủ đang xây dựng Quy hoạch điện 8 - thứ sẽ quyết định tương lai năng lượng của quốc gia thập kỷ tới, hãy thử nhìn lại ngành năng lượng. Nguy cơ thiếu điện hiện nay theo tôi đến từ ba nguyên nhân chính: phát triển công nghiệp tràn lan, lấy nhiệt điện than làm trụ cột và sử dụng điện không hiệu quả.

Để thực hiện giấc mơ đưa Việt Nam "cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020", nhiều ưu đãi đã dành cho công nghiệp, điển hình là việc bù chéo giá điện. Tuy vậy, kỳ vọng không thành. Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp vào tăng trưởng GDP đến nay chỉ đạt 28% song đã ngốn tới 54% lượng điện của nền kinh tế, gây áp lực lên nguồn cung.

Bên cạnh đó, việc lấy nhiệt điện than làm lời giải bài toán điện đã bị lỗi thời. Chỉ trong vòng 10 năm, công suất nhiệt điện than của Việt Nam đã tăng 15 lần. Trên 20 nhà máy nhiệt điện than đã liên tục được đưa vào vận hành. Quy hoạch điện 7 xác định xây thêm gần 40 nhà máy nhiệt điện than trong vòng 10 năm tới, đưa công suất nhiệt điện than gấp ba lần so với hiện nay, bất chấp viễn cảnh phải nhập trên 60% lượng than để phát điện. Trong khi đó, điện từ năng lượng tái tạo phải "tự kiềm chế" với lý do không đủ hạ tầng tiếp nhận và đang xếp hàng chờ xin vào quy hoạch.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã ban hành gần 10 năm qua song hiệu quả tiết kiệm điện gần như không thấy. Trung bình 10 năm qua, Việt Nam phải sử dụng lượng điện năng gấp 2,5 lần trung bình của thế giới để tạo ra 1 USD tăng trưởng GDP.  Tỷ lệ này của Việt Nam gấp 1,3 lần so với Trung Quốc và Ấn Độ, gấp 1,7 lần Malaysia, 1,9 lần Thái Lan, 2,6 lần Philipines, 3,8 lần Nhật Bản và gấp 4,7 lần Singapore.

v-15565153254151843911149-crop-1556515330511470291289

Ảnh minh họa

Một ví dụ: quy hoạch ngành xi măng bắt các nhà máy xi măng có công suất lò nung từ 2.500 tấn clinker mỗi ngày trở lên phải đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt thải để phát điện trước năm 2015. Nhưng cho tới nay, chỉ có chưa tới 10 nhà máy đầu tư hệ thống này trong tổng số 74 nhà máy xi măng trên cả nước.

Tại hội thảo về năng lượng tại Vancouver mới đây, một anh chàng tiến về phía tôi: "Chào Thi, anh khỏe chứ? Tôi đoán anh là người Việt Nam". Hơi bất ngờ, tôi liếc nhanh qua bảng tên. Đó là Paul, quản lý cao cấp của một quỹ đầu tư hàng đầu tại Canada. "Chào Paul, tôi khỏe, rất vui được gặp anh. Anh đoán khá đấy", tôi cười. Paul khoái chí: "Đơn giản thôi, tôi mới có chuyến công tác ba tuần tại Việt Nam, và gặp đa số người có họ Nguyễn như anh". Paul kể, quỹ của anh đã thoái vốn khỏi danh mục đầu tư nhiệt điện than do áp lực của các cổ đông và đang chuyển sang đầu tư năng lượng tái tạo. Nghe nói Việt Nam đang phát triển khá nóng về điện mặt trời nên "sếp bảo tôi làm một chuyến".

Paul tham quan một loạt dự án điện mặt trời ở miền Trung Việt Nam trong bối cảnh người hồ hởi, kẻ âu lo. Anh cũng gặp vài công ty tư vấn của nhà nước. "Khá ngạc nhiên là họ đưa tôi một bản danh sách dài về nhiệt điện than và bảo tôi đó là cơ hội đầu tư", anh kể, "Nhưng tôi không muốn như John". John là đồng nghiệp của Paul, phụ trách danh mục đầu tư nhiệt điện than của tập đoàn nhưng vừa bị nghỉ việc vì bỗng trở thành người thừa. John đang hy vọng được nhận vào AIIB (Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á do Trung Quốc lập ra) hay một ngân hàng Trung Quốc chuyên tài trợ nhiệt điện than và chuyển sang Bắc Kinh.

Thế giới hiện chỉ còn Trung Quốc đang ngược dòng với chính sách xuất khẩu nhiệt điện than gây ô nhiễm và có hiệu suất thấp. Quy hoạch điện 7 đã không tính đến khó khăn huy động vốn trong bối cảnh thế giới tháo chạy khỏi nhiệt điện than mà chia sẻ của Paul là một ví dụ. Sự dịch chuyển nguồn vốn từ năng lượng bẩn sang năng lượng sạch là một phần trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Dù muốn hay không, Việt Nam đã là một phần trong cuộc chiến đó. Tôi suy nghĩ về câu chuyện với Paul và cho rằng, Chính phủ không thể bỏ qua các giải pháp tổng thể về cung và cầu để giải cơn khát điện một cách bền vững.

Thứ nhất là thay đổi cách tiếp cận về chiến lược tăng trưởng kinh tế và quy hoạch điện. Tôi hy vọng câu nói "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế" của Thủ tướng luôn là kim chỉ nam cho mọi sách lược kinh tế quốc gia. Quy hoạch điện phải là trung tâm và các ngành xoay quanh nó để phát triển, theo kiểu "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Đó mới chính là một quy hoạch điện lành mạnh. Do đó, sàng lọc nhu cầu điện năng ngay từ khi lựa chọn thu hút đầu tư - theo hướng ưu tiên các ngành dùng ít điện - là một giải pháp. Tài nguyên năng lượng không vô tận. Nếu liên tục chạy theo phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp tràn lan, quy hoạch điện có thể bị phá vỡ.

Thứ hai là một chiến lược tiết kiệm điện trên diện rộng với những hỗ trợ và chế tài hiệu quả. Chi phí bỏ ra để đầu tư cho 1 kWh nguồn điện ước gấp bốn lần chi phí đầu tư để tiết kiệm lượng điện năng đó. Báo cáo về phát triển Carbon thấp của Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam có thể cắt giảm 10.300 MW công suất điện than đến năm 2030 nếu thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp. Họ cũng đánh giá rằng các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng từ 25% đến 40%.

Nếu Việt Nam thực thi quản lý nhu cầu điện (DSM) và tiến tới áp dụng lưới điện thông minh (smart grid) sẽ giúp giảm tổn thất điện trong sản xuất, truyền tải, phân phối, tiêu thụ và cho phép các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định như điện gió và điện mặt trời có thể hòa lưới điện quốc gia trên diện rộng.

Thứ ba, nguồn cung điện phải được "may đo" phù hợp với khả năng cung cấp tài nguyên năng lượng của quốc gia và không thể xem nhẹ những rủi ro trong nhập khẩu điện. An ninh năng lượng không chỉ là đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định với giá phải chăng mà bao gồm cả gìn giữ môi trường, xã hội. Nó có thể gây nghi ngờ nếu ảnh hưởng đến an ninh môi trường - tức tác động xấu đến nguồn sống và sinh kế người dân, tạo ra những đoàn tàu tro xỉ dài vô tận và ô nhiễm bụi mịn. Những phát biểu chủ quan như "không phát triển nhiệt điện than sẽ ảnh hưởng an ninh năng lượng" hay "chỉ đạo các tỉnh không được phản đối nhiệt điện than" sẽ còn gây ngạc nhiên và e ngại cho thế giới.

Ở các quốc gia thành công trong chuyển đổi năng lượng, nguồn điện tái tạo được ưu tiên huy động tối đa. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp như quỹ của Paul chỉ "có cảm giác yên tâm" khi đủ tin tưởng vào chính sách có hiểu biết và quyết tâm của chính phủ. Quy hoạch điện 8 sẽ đáp ứng cảm giác đó hay ngược lại.

(Theo Vnexpress)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ