'Cởi trói' bất cập trong thủ tục thông quan

Nhàđầutư
Trong nỗ lực đơn giản hoá thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 30/3, Tổng cục Hải Quan, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
N.THOAN
30, Tháng 03, 2021 | 14:24

Nhàđầutư
Trong nỗ lực đơn giản hoá thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 30/3, Tổng cục Hải Quan, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Những bất cập trong thủ tục thông quan đang cản trở Việt Nam cải thiện sức cạnh tranh thương mại. Kiểm tra chuyên ngành là một phần của thủ tục thông quan hàng hoá do các bộ chức năng thực hiện đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Các loại kiểm tra chuyên ngành hiện liên quan đến nhiều bộ, gây trì hoãn đáng kể cho việc thông quan hàng hoá, làm cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tốn thời gian và chi phí, làm ảnh hưởng nhiều nhất tới doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, Tổng cục Hải Quan, Bộ Tài chính sáng 30/3 đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, nằm trong Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

20210330_131908

Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính. Ảnh: N. Thoan

Theo quan điểm từ phía chuyên gia tư vấn, những vấn đề được đánh giá cao tại dự thảo là cách tiếp cận mới theo hướng áp dụng cơ chế quản lý mặt hàng thay cho cơ chế quản lý lô hàng hiện hành; kiểm tra trên cơ sở đánh giá rủi ro toàn diện, tổng hợp phân tích rủi ro từ nhiều nguồn thông tin, kiểm tra trọng điểm, có sự tham gia từ phía các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Cùng với đó dự thảo chuyển mạnh sang chế độ kiểm tra sau, theo phương pháp quản lý rủi ro đối với việc đăng ký công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy; Miễn kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đơn lẻ để bảo hành, thay thế, hàng hóa là bộ phận của dây chuyền thiết bị đồng bộ; mọi thủ tục thực hiện trên cổng thông tin một cửa và kết quả được phản hồi tự động. 

Cơ quản quản lý cũng đặt mục tiêu xây dựng trung tâm dữ liệu về quản lý rủi ro hàng hóa nhập khẩu liên ngành với sự tham gia xây dựng, cung cấp, chia sẻ thông tin của tất cả các bên tham gia dây chuyền thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; Đồng bộ hóa các chương trình phần mềm của các bên tham gia dây chuyền thủ tục kiểm tra chuyên ngành (Hải quan, Bộ ngành, các cơ quan kiểm tra, các tổ chức chứng nhận sự phù hợp).

Đánh giá về những điểm mới và hạn chế của Dự thảo, đứng từ góc độ hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, dự thảo Nghị định đã đưa ra một mô hình quản lý mới theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và quản lý chuyên nghiệp hơn.

"Mô hình một cửa được doanh nghiệp kỳ vọng rút ngắn bớt thủ tục mà doanh nghiệp cần làm. Cùng với đó, cách làm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý dựa trên rủi ro, doanh nghiệp tuân thủ tốt thì gánh nặng thủ tục hành chính ít hơn là những điểm rất tích cực", ông Tuấn nói.

Theo kinh nghiệm tham gia các chương trình cải cách thủ tục hành chính, ông Tuấn cho rằng, việc đổi mới cách thức quản lý không những không suy giảm hiệu quả quản lý mà còn giúp doanh nghiệp giảm rủi ro, chi phí.

Tuy nhiên, góp ý cho dự thảo, ông Tuấn cho rằng dự thảo Nghị định còn một số hạn chế như quy định quản lý rủi ro theo hướng từng nhóm mặt hàng, từng nhóm sản phẩm. Điều này sẽ dẫn tới việc một số doanh nghiệp làm ăn không tốt sẽ ảnh hưởng tới cả nhóm. Vì thế, Tổng cục Hải quan nên áp dụng theo hướng quản lý theo uy tín của doanh nghiệp hoặc kiểm soát trên cả 2 yếu tố. "Đừng để xảy ra tình trạng một vài doanh nghiệp không tuân thủ ảnh hưởng tới toàn ngành", ông Tuấn nói.

Về dài hạn, ông Tuấn cho rằng, cổng một cửa quốc gia hiện chưa phải là một cửa đúng nghĩa khi chỉ là sự ghép nối của các bộ ngành. Vì vậy, cần một tiêu chuẩn, một cổng chung để các bộ ngành cùng vào lấy dữ liệu, giúp việc chia sẻ thông tin tốt hơn.

"Việc hình thành mô hình cổng thông tin điện tử một cửa để doanh nghiệp thay vì phải vào từng bộ ngành thì chỉ cần qua một cổng thông tin chung sẽ là bước tiến lớn", ông Tuấn đánh giá.

Theo điều tra của VCCI, việc vận hành cổng quốc gia giúp tích kiệm chi phí nhưng lại dễ gặp phải những vướng mắc khi thực hiện. Theo đó, ông Tuấn đề xuất nên có chi phí cho một gói thực thi nghị định. Vì nhiều bộ ngành có thể không hợp tác, dẫn tới thực thi kém hiệu qua, gây trục trặc cho mô hình mới. Vì vậy, cần có chương trình để thúc đẩy việc thực thi, tránh hiện tượng quy định thì tốt nhưng thực thi yếu kém.

Đánh giá về những tồn tại, vấn đề cần làm rõ trong Dự thảo Nghị định, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đề xuất, nên xem xét đưa về một loại thủ tục và cùng một tên gọi. Vì hiện nay mỗi bộ ngành áp dụng một loại thủ tục, một tên khác nhau với mỗi ngành gây khó khăn trong thực hiện và áp dụng cơ chế một cửa.

Cùng với đó, một vấn đề mà doanh nghiệp kiến nghị nhiều nhất là làm sao chia sẻ thông tin, để doanh nghiệp tiếp cận được thông tin dễ dàng hơn. "Hiện trong quy định của dự thảo là chia sẻ thông tin theo quy định của pháp luật, nhưng quy định tại luật nào thì lại không nêu rõ", bà Thuỷ nói.

Cùng với đó, còn vướng mắc về văn bản giấy và văn bản điện tử. "Có thủ tục thì cơ quan hải quan yêu cầu bản giấy nhưng có thủ tục thì không. Trong khi đó, ở các bộ chủ quản thì có cái cung cấp bản giấy nhưng có cái chỉ cấp bản điện tử. Trên thực tế diễn ra tình trạng, cơ quan hải quan đòi bản giấy, nhưng bộ chủ quản chỉ cấp bản điện tử. Vậy doanh nghiệp phải làm thế nào, tìm ai để giải quyết?", bà Thuỷ đặt vấn đề.

Đứng từ phía doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hải quan cho biết, bên cạnh niềm vui vì sắp tới sẽ có một mô hình quản lý mới - một cửa giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong khai thủ tục hải quan thì còn nỗi lo sẽ nảy sinh thêm các thủ tục hành chính mới.

"Đề án đọc thì thấy hay, hợp lý nhưng doanh nghiệp lo ngại rằng trên thực tế thực hiện không phải đơn giản, đặc biệt là sự phối hợp của các bộ ngành. Doanh nghiệp kỳ vọng rằng, khi mô hình đi vào vận hành sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý để "lỗi ở đâu sửa ở đó" khiến mục tiêu ban đầu mà Đề án đặt ra có thể trở thành hiện thực", bà Thủy nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25155.00 25161.00 25461.00
EUR 26745.00 26852.00 28057.00
GBP 31052.00 31239.00 32222.00
HKD 3181.00 3194.00 3300.00
CHF 27405.00 27515.00 28381.00
JPY 159.98 160.62 168.02
AUD 16385.00 16451.00 16959.00
SGD 18381.00 18455.00 19010.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18134.00 18207.00 18750.00
NZD   14961.00 15469.00
KRW   17.80 19.47
DKK   3592.00 3726.00
SEK   2290.00 2379.00
NOK   2277.00 2368.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ