Cầu đã bắc qua sông

Người xưa vẫn thường cho rằng nơi nào được tạo hóa ban cho một cặp đôi Sông - Núi thì dễ trở thành đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra những người tài giỏi. Bởi vì, theo quan niệm phương Đông, sông ở dưới thấp, chở nước, dung dưỡng sự sống, sinh sôi sự sống, nên mang tính thủy, tính Mẹ.
NGÔ VĂN GIÁ
10, Tháng 02, 2024 | 17:49

Người xưa vẫn thường cho rằng nơi nào được tạo hóa ban cho một cặp đôi Sông - Núi thì dễ trở thành đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra những người tài giỏi. Bởi vì, theo quan niệm phương Đông, sông ở dưới thấp, chở nước, dung dưỡng sự sống, sinh sôi sự sống, nên mang tính thủy, tính Mẹ.

Còn núi ở trên cao, gần trời, trầm tĩnh và uy nghi, bao quát và bảo vệ vùng thấp, đồng bằng, nên mang tính dương, tính Cha. Một cặp đôi nước non cẩm tú như thế là nơi tụ khí linh thiêng của đất trời, có khả năng sinh ra những bậc hiền tài cũng là điều dễ hiểu. Đừng cố công lý giải nó theo cách khoa học, hãy cảm nhận nó như một kinh nghiệm, như một niềm tin.

Ngày tôi học đại học, thầy tôi, GS Nguyễn Đăng Mạnh, hay nói với chúng tôi câu chuyện về nơi sinh ra của các nhà văn. Cụ bảo: Để ý quan sát thì thấy rằng thường các nhà văn lớn đều gắn bó với một con sông nào đó. Tú Xương có con sông Lấp, Nam Định. Nguyễn Du thì rõ là sông Lam núi Hồng rồi. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thì núi Tản sông Đà, Huy Cận với “Tràng giang”, thực chất là sông Hồng quãng bến đò Chèm. Nguyễn Đình Thi chẳng phải đã có sông Lô, sông Hồng hùng tráng, thiêng liêng đó sao... Có thể thấy khắp đất nước mình, trải dài từ Bắc vào Nam có biết bao cặp đôi Sông - Núi, nơi sinh ra những con người tuấn kiệt làm rạng danh cho đất nước: Núi Rồng - Sông Mã, Sông Hương - Núi Ngự, Núi Ấn - Sông Trà...

Tôi là kẻ bé mọn theo đòi nghiệp văn chương chữ nghĩa, chưa nên danh giá gì, nhưng cũng có một vùng quê sông Thương núi Dành thuộc Kinh Bắc xưa, nay thuộc tỉnh Bắc Giang, tên chữ gọi là sông Nhật Đức, núi Chung Sơn.

Cả tuổi thơ tôi gắn bó với sông Thương. Trước mặt nhà tôi là dòng sông Thương bốn mùa nước chảy. Một không gian bờ đê, triền đê cao rộng, phóng khoáng, bên này là bãi cỏ, là dòng sông vơi đầy con nước và bên kia là cánh đồng bà con canh tác mùa nào thức nấy quanh năm. Chúng tôi thả trâu ăn cỏ. Chúng tôi tắm sông, rồi kiếm củi trôi về từ phía thượng nguồn. Chúng tôi lặn ngụp xuống lòng sông mò con hến con trai, bứt từng nắm rong tóc tiên để mang về làm thức ăn cho lợn... Trẻ con ở đâu cũng thế, sông nước bao giờ cũng là một thế giới thần tiên, cả những niềm vui vô bờ, cả những nỗi buồn đủ loại. Sông nuôi lớn con người, hiểu theo nghĩa cả thể chất lẫn tâm hồn. Sông làm nên hành trang tinh thần cho những đứa trẻ bước vào đời, và trong suốt cả đời mình, dòng sông ngọn núi quê hương vẫn luôn là nguồn dưỡng chất nuôi nấng tâm hồn.

Từ nhà tôi đi lên đê, xuôi một quãng nữa là bến đò Mom để sang bên kia sông, về thị xã. Chao ôi, thị xã những năm tuổi thơ tôi luôn là một vầng sáng cuốn hút gần như mê hoặc, một nơi chốn có sức vẫy gọi bước chân và trí tưởng của tôi. Khi đó, nếu tôi được phép, trong túi có tiền, tôi sẽ sang đò đi bộ về thị xã tưởng như rất đỗi xa xôi mà kỳ diệu ấy.

Mơ ước của một đứa trẻ đeo đẳng cho đến tận khi học cấp hai, vào dịp tôi được nhận giấy khen cuối năm. Bố tôi đèo xe đạp chở tôi đi chơi thị xã, được bố cho ăn que kem cửa hàng mậu dịch, uống nước si rô màu hồng, ngọt và mát lịm.

Sau này, lớn hơn một chút, thỉnh thoảng dịp mùng Hai tháng Chín hay dịp nghỉ hè, tôi được phép cùng lũ bạn, dăm bẩy đứa, đi bộ xuống thị xã chơi. Khi đi, mẹ cho mấy đồng tiền lẻ, dặn mua những gì để ăn kẻo đói, dặn để tiền thế nào cho khỏi bị móc túi... Suốt đêm bồn chồn không ngủ được. Sáng sớm, lũ chúng tôi rủ nhau cùng xuống bến đò. Đò ơi, đợi chúng cháu với. Đò ơi!... Nghe tiếng gọi, ông lái đò vừa mới hướng mũi thuyền sang sông đã kịp quay lại, cập bến. Trong câu chuyện líu ríu của đám trẻ chúng tôi, có đứa nào đó hỏi: Không biết sau này ở bến đò này có bắc được cầu không nhỉ? Có đứa bật lại: Cứ ở đấy mà mơ nhé! Có mà chờ đến Tết Công gô! Chả hiểu sao, những năm 80 của thế kỷ trước hay nói theo cách như vậy...

Sông Thương quê tôi là dòng sông có chế độ con nước thủy triều, bởi nó nối liền với Lục Đầu Giang phía hạ nguồn rồi thông ra biển. Chính vì thế, con sông đã được khai thác giao thông đường thủy khá nhộn nhịp. Những khi thủy triều lên, các con thuyền căng buồm ngược sông lên mạn Bắc phía đầu nguồn xứ Lạng, mang theo nhiều loại hàng hóa. Những khi thủy triều rút xuống, trời lặng gió, từng tốp người gò lưng ghì bước dọc triền sông kéo thuyền, những bước chân chắc nịch bám vào mặt đất, gương mặt họ mang vẻ lam lũ. Tôi nhớ, vào những ngày nước đầy, từ sân nhà tôi, nhìn qua con đê ra phía sông, thấy những cánh buồm no gió ngạo nghễ ngược sông lừng lững êm trôi. Trong trí tưởng non nớt của một đứa trẻ khi ấy, tôi mường tượng đó là đoàn quân đang di chuyển lên đánh vào nơi đồn trú của bọn giặc nào đó, rồi lại nhảy cóc sang hình dung những trận Xích Bích trong Tam Quốc...

Đứa trẻ là tôi của hôm nay đã bắt đầu bước vào tuổi hoa giáp, nghĩa là cũng đã đi qua hai phần ba của một đời người. Hôm mới đây, khi gọi điện cho đứa cháu ở quê rằng chú định về quê thăm bố mẹ cháu và các cháu chút, thì nó dặn dò: “Chú ơi, bây giờ đừng đi cây cầu đầu thành phố nữa nhé, mà chú đi qua con đường mới, qua cây cầu mới một mạch thẳng băng là tới nhà”. Tôi cứ tưởng mình nghe nhầm, hỏi lại thằng cháu thì mới biết rằng đã có một cây cầu lớn mới bắc qua sông, cách cái bến đò Mom của làng tôi chưa đầy cây số, nối liền hai bờ sông Thương, bên lở thuộc huyện Lạng Giang, bên bồi thuộc huyện Tân Yên, rồi thông vào thành phố. Thì ra, cái mơ ước vời vợi có phần không tưởng ngày xưa của đám trẻ chúng tôi nay đã thành hiện thực. Tôi lái xe từ Hà Nội ngược đường cao tốc về quê, rồi theo chỉ dẫn, đi qua cây cầu mới. Khung cảnh đồng đất, làng mạc hai bên đường hoàn toàn khác lạ. Đang lúc trời râm mát, thưa xe đi lại trên đường, tôi mở cửa xe cho gió tươi tràn vào buồng phổi. Thì ra cuộc sống đổi thay nhanh hơn sự tưởng tượng của mình. Sợ phởn chí êm chân ga cho xe đi quá đà, tôi thận trọng giữ tốc độ vừa phải để quan sát cái đình làng có cây đa cổ thụ làm dấu chỉ đường mà thằng cháu đã hướng dẫn. Ôi chao, làng mình đây ư? Bến đò Mom đây ư? Trên bờ đê bây giờ trâu bò cũng thấy vắng bóng. Xe máy chạy qua cũng lưa thưa. Thì ra, khi đã có cây cầu thì bến đò chỉ thỉnh thoảng mới có người qua lại. Ông lái đò năm xưa chắc bây giờ cũng không còn nữa. Gặp thằng cháu, hỏi thăm, nó bảo ông bà chở đò năm xưa đã mất có dễ đến hơn chục năm rồi. Các con cháu của cụ cũng không theo nghề chở đò nữa. Bây giờ người chở đò cũng đã là chủ khác, nhưng họ cũng đang muốn bỏ nghề vì đò vãn khách lắm... Một khi cầu đã xuất hiện thì chủ đò phải giải nghệ. Mong sao cho những người lái đò cũ giờ đây sẽ được hỗ trợ để chuyển nghề, không ai phải thất nghiệp thất thu…

Mỗi khi nhớ về con sông Thương, tôi lại hay nhớ cái lần rủ vợ mới cưới ngồi trên chiếc thuyền câu mượn được của người hàng xóm, tôi tự tay cầm chèo bơi ra phía giữa dòng. Ban đầu vợ tôi có vẻ thích thú. Lúc sau, khi chiếc thuyền tre ra xa bờ được một quãng thì cô ấy sợ, hốt hoảng đòi vào. Tôi trấn an cô ấy rồi quay vội vào bờ, ngộ nhỡ… Khi vào tới sát bờ, cô ấy bình tĩnh trở lại, rồi bảo tôi chèo dọc bờ sông để cô ấy ngắm bờ và nghịch nước. Nước sông trong vắt, có chỗ trở nên xanh biếc dưới bóng rặng tre rậm rạp chân đê. Cô ấy khỏa nước lên hai cánh tay, gương mặt, hân hoan lắm. Ngày ấy chưa có Iphone như bây giờ để mà chụp choẹt và lưu giữ. Tôi bảo: “Ngày bé, bọn anh xuống tắm sông lặn ngụp ùm ụp, có hôm khát nước vục mặt xuống sông uống no bụng nước mà chả làm sao”. Cô ấy nghe thế lấy làm kinh hãi, không thể tin nổi. Ừ, làm sao có thể tin được khi cô ấy gốc gác đô thị, dùng nước máy, ăn chín uống sôi đúng như lời thầy cô dạy từ tấm bé… “Tuổi thơ chân đất đầu trần/Từ trong lấm láp em thầm lớn lên” (Phạm Công Trứ). Con trai con gái làng quê tôi là như vậy.

Bây giờ, mỗi khi đưa vợ về thăm quê, có hôm rảnh rỗi, chúng tôi rủ nhau chạy lên bờ đê hóng gió, ngắm cảnh sông nước lúc chiều tà. Sông vẫn chảy. Dường như sông nhỏ lại thì phải. Hay mình bây giờ là người lớn nên thấy sông nhỏ lại? Dĩ nhiên bây giờ không ai dám tắm sông, kể cả khỏa nước sông đùa nghịch. Cũng không ai dám cả gan uống nước sông nữa. Hầu hết các con sông nước Việt đã bị dòng thác kinh tế thị trường làm cho ô nhiễm, tất cả, không trừ một con sông nào, chỉ có nặng nhẹ khác nhau thôi. Công nghiệp, thủ công nghiệp, chăn nuôi, thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật, sân golf, rác thải… tất cả từng ngày từng giờ đầu độc các con sông, đến nỗi không ít con sông trở thành sông chết.

Bây giờ thì ai cũng thấy hậu quả nhãn tiền của tình trạng ô nhiễm môi trường và nguyên nhân của nó. Nhưng bài toán mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường không dễ có lời giải ngay được. Nhưng rồi cũng đã đến lúc phải tìm cách giải quyết tình trạng này, không thể trì hoãn được nữa. Đây là câu chuyện không chỉ một vùng quê nào, cho một quốc gia nào, mà là câu chuyện của nhân loại toàn thế giới. Có điều, quốc gia nào nhận thức được sớm, có chính sách đầu tư và phát triển đúng, quốc gia đó sẽ trở thành nơi đáng sống sớm hơn, trở thành quốc gia hạnh phúc sớm hơn.

Về quê, dân làng cho biết, chân núi Dành hiện giờ đã có một tập đoàn đầu tư khu resort nghỉ dưỡng sinh thái. Còn con sông Thương thì vẫn có vẻ ngày một bệnh tật già nua… Phát triển mà vẫn giữ được sinh thái chất lượng cao là một tiếng nói khẩn thiết hôm nay.

Tôi mong đến một ngày nào đó lại được dầm đôi chân trần xuống mặt nước sông Thương vốc đầy từng vốc nước thỏa thuê vỗ lên khuôn mặt để được hân hưởng cái mát rượi thanh sạch của con sông quê như thuở trước… Đừng có ai đó cho tôi là người viển vông nhé, sông ơi!...

TỪ KHÓA: Văn Hóavăn nghệ
Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ