Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu trường hợp nào chi tiêu 'bất chấp nguyên tắc, quy tắc'

Nhàđầutư
Trao đổi với đại biểu Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn ngân sách năm 2022 của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích, nhiều khi phải vì dân, có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc, quy tắc, đảm bảo phục vụ chống dịch COVID-19, khiến các đơn vị bị động trong dự toán, quyết toán.
ĐÌNH VŨ
09, Tháng 01, 2023 | 11:29

Nhàđầutư
Trao đổi với đại biểu Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn ngân sách năm 2022 của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích, nhiều khi phải vì dân, có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc, quy tắc, đảm bảo phục vụ chống dịch COVID-19, khiến các đơn vị bị động trong dự toán, quyết toán.

ho-duc-phoc

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Sáng 9/1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Tạ Văn Hạ nêu: Việc điều chuyển nguồn chi thường xuyên để thực hiện chi đầu tư phát triển cho các dự án của Bộ Tài chính không có trong danh mục đầu tư công trung hạn có phải là hiện tượng lách luật?

"Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc "gác cửa" chưa nghiêm, trong khi kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn là căn bệnh trầm kha đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm, báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của tình trạng này", đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng nêu lo ngại về việc điều chuyển vốn vay của năm 2022 của các địa phương triển khai chậm. "Có địa phương như Bắc Kạn đề nghị từ tháng 4/2022; Phú Thọ đề nghị từ tháng 7/2022 nhưng công tác tổng hợp rất chậm. Điều này cho thấy công tác lập, thẩm định chưa có chất lượng cao, chưa sát với thực tiễn".

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn về thời gian giải ngân kế hoạch điều chỉnh vốn vay lại năm 2022. "Nếu hôm nay Quốc hội thông qua nghị quyết này thì chỉ còn 22 ngày nữa là đến 31/1/2023, các địa phương chỉ còn 9 ngày nữa để giải ngân hết toàn bộ số vốn được điểu chỉnh tăng dự toán, điều này là khó khả thi. Nếu không kịp thì mục tiêu của việc điều chỉnh là tạo điều kiện cho các địa phương sẽ không còn ý nghĩa".

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu nguyên nhân có những địa phương vay dư vốn, phải trả lại, còn có những địa phương vay thiếu vốn. Đại biểu cho rằng, cần phân tích nguyên nhân lập dự toán không chuẩn, để có thể rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khả thi, hữu hiệu cho tình trạng đầu tư cho vay, vay lại, trả lại vốn của các địa phương.

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, viện trợ nước ngoài phụ thuộc các tổ chức nước ngoài, nên thường là các khoản nhỏ, bất thường và không có dự toán từ trước.

Năm 2021-2022, đặc thù các khoản viện trợ là dành cho phòng, chống dịch COVID-19, các tổ chức nước ngoài tài trợ trực tiếp cho các địa phương (TP.HCM, Hà Nội...). Địa phương sau khi tiếp nhận, phục vụ chống dịch, rồi mới báo cáo Bộ Tài chính.

Việc này, theo Bộ trưởng Tài chính, khiến nhiều đơn vị rất bị động. "Chúng tôi nhiều khi cũng phải vì dân, nên có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc, quy tắc".

Nêu thực tế, Bộ trưởng Phớc kể, thời điểm đỉnh dịch tại TP.HCM, số ca tử vong tăng cao, nhưng theo quy định phải có đầy đủ hồ sơ thủ tục, giấy tờ hải quan mới cho xuất hàng, thông quan hàng hoá. Lúc đó, kit test xét nghiệm, vaccine Covid-19... được nhà tài trợ vận chuyển, thông báo cho địa phương, ngành y tế.

Bộ trưởng Y tế, Thứ trưởng Công an, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy... tới nhận nhưng Cục Hải quan TP.HCM cũng không đồng ý, do lô hàng tài trợ chưa đủ hồ sơ, điều kiện để thông quan.

"Lúc đó tôi phải gọi cho Cục trưởng Hải quan TP.HCM. Tôi nói sẽ chịu trách nhiệm, phải cho Ban chỉ đạo chống dịch nhận vaccine, kit xét nghiệm, nhưng Cục Hải quan không đồng ý cho xuất hàng. Tôi yêu cầu, nếu anh không có xuất hàng thì trả chức lại cho Bộ và tự chịu trách nhiệm. Sau đó, hải quan mới đồng ý xuất hàng trước, hoàn thủ tục sau", Bộ trưởng Tài chính kể lại.

Theo ông, tùy vào thực tế, có những lúc phải đảm bảo phục vụ dân, cho chi trước, xuất hàng trước, rồi hoàn thành thủ tục, quyết toán sau. Song như vậy cán bộ lại rủi ro, hàng cho xuất đi rồi mà sau này quyết toán không đầy đủ thì sẽ bị truy trách nhiệm.

"Trường hợp này may là sau này tập hợp hồ sơ, đầy đủ", ông nói, và mong muốn các đại biểu Quốc hội thấu hiểu, Bộ Tài chính luôn chủ động trong phạm vi, còn những tình huống, hoàn cảnh chưa dự báo được thì phải "hết sức sáng tạo".

Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, điều chuyển vốn theo đề xuất của Chính phủ tại phiên họp bế mạc chiều nay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ