Bản lĩnh doanh nhân Việt: Vững lái vượt qua sóng gió

Đối điện với một thế giới trắc trở, có không ít bão giông, khó lường nhưng dám và biết "vượt nguy, tận cơ, bắt nhịp xu thế" chính là sự tự tin, bản lĩnh, niềm tin và khát vọng của doanh nghiệp Việt, doanh nhân Việt.
TS. VÕ TRÍ THÀNH (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh)
13, Tháng 10, 2023 | 08:00

Đối điện với một thế giới trắc trở, có không ít bão giông, khó lường nhưng dám và biết "vượt nguy, tận cơ, bắt nhịp xu thế" chính là sự tự tin, bản lĩnh, niềm tin và khát vọng của doanh nghiệp Việt, doanh nhân Việt.

Đại dịch COVID-19, một thảm họa toàn cầu, làm đảo lộn mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội con người. Hàng triệu người chết. Kinh tế thế giới suy thoái nặng nề năm 2020. Thất nghiệp, thu hẹp giờ làm và giảm thu nhập đeo bám hàng tỷ người lao động. Việt Nam cũng đã phải hứng chịu đại dịch rất nặng nề, tổn thất lớn về người và tăng trưởng kinh tế giảm sâu.

Bão tố COVID-19 vừa đi qua, sóng to gió lớn lại ập đến. Đà phục hồi kinh tế sau COVID-19 đã chững lại từ giữa quý III/2022 dù tốc độ tăng trưởng cả năm 2022 đạt 8,0%. Khó khăn, trắc trở ập đến cả từ môi trường bên ngoài không thuận và những vấn đề bên trong nền kinh tế.

Kinh tế thế giới, nhất là nhiều đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam suy giảm. Lạm phát cao, điều kiện tài chính - tiền tệ trở nên ngặt nghèo hơn, gây áp lực lớn đến việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giả, lãi suất ở Việt Nam. Bản thân thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản rung lắc; niềm tin giảm sút. Áp lực bên ngoài giảm dần cùng nỗ lực chính sách đã dần cải thiện tình hình tài chính - tiền tệ. Từ đầu năm 2023 chính sách tiền tệ đã dịch sang nới lỏng; Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất. Kinh tế vĩ mô cơ bản khá ổn định.

Bức tranh kinh tế thực có màu xám trên diện rộng. Thị trường thu hẹp, đơn hàng giảm; xuất khẩu "lao dốc". Công nghiệp chế biến chế tạo mất đi là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Lĩnh vực tiêu dùng, qua số liệu tổng doanh thu bán lẻ, còn tăng khá cao, song có xu hướng chững lại. Đầu tư tư nhân yếu; giải ngân FDI khó tăng đáng kể; đầu tư công có bước chuyển tích cực, song khó đạt mục tiêu kế hoạch. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2023 thấp, chỉ đạt 4,2%, dù có những cải thiện nhất định theo từng quý trong xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, thực hiện đầu tư công, thu hút FDI cùng khách du lịch quốc tế. Nhìn chung, các dự báo kinh tế Việt Nam thay đổi theo hướng giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023, từ mức khoảng 5,8% - 6,7% vào đầu năm chỉ còn 4,7% - 5,8%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đặt ra là 6,5%.

Đây là những giai đoạn vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng càng khó khăn, càng phải biết cầm cự, duy trì "năng lượng" để lại vươn lên mạnh mẽ.

doanh nhan vuot song gio

Đối điện với một thế giới trắc trở, có không ít bão giông, khó lường nhưng dám và biết "vượt nguy, tận cơ, bắt nhịp xu thế" chính là sự tự tin, bản lĩnh, niềm tin và khát vọng của doanh nghiệp Việt, doanh nhân Việt.

Cũng giống như nhiều nước, trong và sau dại địch COVID-19 Việt Nam đã thực hiện các "gói" hỗ trợ kinh tế - xã hội chưa từng có tiền lệ, cả về quy mô, diện bao phủ, và biện pháp chính sách. Năm 2023, Chính phủ tiếp tục nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội bao gồm 3 nhóm chính sách: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao trách nhiệm công vụ; Xử lý các vấn đề tài chính, tiền tệ, tạo thêm dư địa cho chính sách tiền tệ, giảm lãi suất; tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản, khôi phục niềm tin và hoạt động thị trường; và  Kích cầu (cả tiêu dùng, đầu tư, nhất là đầu tư công; và xuất khẩu) và hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Trước cú sốc như đại dịch COVID-19 hay trước sóng gió như hiện nay, sự hỗ trợ của nhà nước là rất quan trọng. Chính phủ đã cố gắng thực thi "nhanh, đúng và minh bạch". Song dù như thế nào, nỗ lực của bản thân doanh nghiệp vẫn có ý nghĩa quyết định. Vấn đề không chỉ mang tính sống còn, "to be or not to be", cách ứng phó với gian khó/khủng hoảng, mà còn là phục hồi và bứt phá khi bão tố qua đi.

Thảm họa, khó khăn không ai mong đợi. Song đây chính là dịp thử thách bản lĩnh Việt và doanh nghiệp Việt. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã đương đầu thử thách, vượt qua khó khăn bằng ý chí, sự linh hoạt và sáng tạo. Có rất nhiều bài học đáng quý ở đây:

Cắt giảm chi phí là việc rất "truyền thống" nhiều doanh nghiệp tính toán và làm ngay, tùy theo nguồn lực của mỗi doanh nghiệp. Tính toán bước đi tiếp và việc chỉ giữ lại phần "core"/cốt yếu nhất (hoạt động, nhân sự) cũng có thể là việc "cực chẳng đã" nhưng là một lựa chọn. Ngay trong khó khăn, việc duy trì quan hệ hoặc tìm hiểu đối tác cũng là khía cạnh đáng lưu tâm.

Thời đại dịch hay hiện nay, "giãn cách xã hội", "đứt gãy chuỗi cung ứng"… đã gián tiếp thúc đẩy kinh tế số, không chỉ thương mại điện tử mà cả trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ. Không ít doanh nghiệp đã bổ sung, chuyển đổi mô hình kinh doanh, cách thức tương tác thị trường, khách hàng thành công nhờ chuyển đổi số.

Trong mọi tình huống, khó khăn hay phục hồi, phát triển của các lĩnh vực/ngành nghề và của các nền kinh tế/thị trường là khác nhau; cùng với đó là dịch chuyển nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp nắm bắt nhanh nhu cầu và chuyển đổi mặt hàng sản xuất kinh doanh. Gắn với đó là sự nhanh nhạy xử lý thông tin và tranh thủ tiếp cận thị trường (ngay khi có điều kiện).

Tìm hiểu thông tin, tận dụng có hiệu quả các "gói" hỗ trợ của Chính phủ cũng là cách giúp vượt khó. Không chỉ chú ý đến chính sách "ưu đãi" mà quên nhìn cả việc thúc đẩy đầu tư công, như vào kết cấu hạ tầng, để có thể trực tiếp hay gián tiếp tham gia. Kết nối trong ngành hàng, hiệp hội/hội nghề nghiệp để chia sẻ khó khăn/cơ hội sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi về pháp lý cũng là cách vượt khó đáng ghi nhận.

Quan trọng không kém là doanh nghiệp cần xem bão tố, sóng gió là "cơ trong nguy" để xoay chuyển tình thế và cải tổ chính mình. Có thể nói đây chính là thời điểm "tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại" gắn với việc nhận diện các xu thế lớn; qua đó định vị thị trường/đối tác, nâng cấp quản trị, công nghệ, kỹ năng, và sáng tạo sản phẩm.

Thế giới đang biến đổi sâu sắc, nhanh chóng. Có cái chưa định hình rõ "điểm cân bằng/kết thúc" của tiến trình như xung đột địa - chính trị, cạnh tranh nước lớn, hay va đập giữa một thế giới liên kết, đầu tư, thương mại tự do với một thế giới "co cụm", phân mảnh về kinh tế, tài chính, công nghệ… Có cái đã khá rõ, mang tính tất yếu. Đó là xu thế gắn với tư tưởng phát triển mới; như lối sống xanh, an toàn, nhân văn; đòi hỏi phát triển bền vững và bao trùm. Không gian phát triển và cơ hội là vô cùng lớn, đi cùng với kỷ nguyên số, tăng trưởng xanh, và sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, những đối chọi trên đây cùng việc phải xử lý các vấn đề/thách thức toàn cầu có thể tạo ra không ít rủi ro, bất định, ảnh hướng tiêu cực đến mỗi nền kinh tế.

Với một thế giới như vậy, doanh nhân Việt cần nhiều nỗ lực: Tìm kiếm cơ hội kinh doanh gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế, nhất là với các FTAs (như AEC; CPTPP; EVFTA, RCEP…). Việt Nam là thành viên cũng như lợi thế nền kinh tế và doanh nghiệp mình có được. Tham gia chuỗi cung ứng, mạng sản xuất toàn cầu dựa trên kết nối, lựa chọn đối tác hiệu quả và biết "học qua kết nối" và "chơi cùng thắng". Nhiều quốc gia có thị trường lớn, công nghệ tiên tiến là đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam; rất nhiều quốc gia vừa tham gia FTAs có Việt Nam, vừa là đối tác toàn diện/chiến lược/chiến lược toàn diện với Việt Nam.

Chuyển động cùng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là kỷ nguyên số, và tăng trưởng xanh.

Chuyển đổi số đã và đang là một trào lưu mạnh mẽ, tạo bước nhảy vượt bậc về năng lực quản trị, trải nghiệm khách hàng và mô hình kinh doanh. Nhưng đây là một tiến trình đầy gian lao, phải "may đo" chứ không "may sẵn" cho mọi doanh nghiệp. Có 3 bài học cho tiến trình này. Một là "nghĩ lớn, làm cụ thể", thực thi quyết liệt từ những việc nhỏ, có tính sáng tạo và mức độ lan tỏa cao. Hai là gắn bó chuyển đổi số với chiến lược công ty. Ba là lãnh đạo đứng đầu phải đi tiên phong.

Chuyển đổi xanh cũng thách thức không kém do phí tổn chuyển đổi không hề nhỏ, đòi hỏi cả hai cách tiếp cận từ "dưới lên" ("bottom up") và từ "trên xuống" ("top down"). Nó liên quan đến thay đổi nhận thức, hoàn thiện thế, chính sách, thu hút vốn, sáng tạo công nghệ, nâng cao kỹ năng, xây dựng kinh tế tuần hoàn, hợp tác quốc tế. Nó không chỉ là cam kết/ý chí chính trị như thực hiện SDGs và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam mà đang là yêu cầu của chính thị trường, chính người tiêu dùng và cách thức thay đổi mô hình kinh doanh.

Học hỏi và biết cách huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp, tinh xảo. Trước hết là tạo khả năng tiếp cận vốn hiện được chu chuyển rộng khắp, trên phạm vi toàn cầu, và thường chịu sự chi phối của các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư, và các tổ chức tài chính khác. Tại nhiều nước đang phát triển (như Việt Nam), nhà nước cũng là nhà đầu tư rất lớn. Các hình thức huy động vốn cũng trở nên đa dạng hơn, không chỉ là vay tín dụng, phát hành trái phiếu và cổ phiếu, mà còn là sự giao thoa giữa chúng và các sáng tạo tài chính. Vốn "xanh", tín dụng "xanh" ngày càng được coi trọng, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhiều lần so với tài chính truyền thống. Các định chế tài chính coi việc có hay không khía cạnh "xanh" trong dự án, trong sản xuất kinh doanh như một yêu cầu thiết yếu để có thể cung ứng vốn.

Học hỏi và vận dụng tốt cách thức quản trị bất định/rủi ro. Đó là việc hiểu và sử dụng hiệu quả các công cụ phòng chống rủi ro, "biến cái bất định thành cái xác định" (như công cụ phái sinh; bảo hiểm). Nhận thức và đảm bảo đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn, các hàng rào kỹ thuật (nhất là tại các thị trường phát triển) cũng là một cách hạn chế rủi ro đối với các nhà xuất khẩu. Nắm bắt mức độ bất ổn kinh tế vĩ mô để có thể tiên liệu về thay đổi chính sách, thậm chí là "sốc chính sách" là cơ sở cho những điều chỉnh chỉnh bộ phận hay điều chỉnh tổng thể chiến lược kinh doanh.

Đối thoại và ứng xử theo luật, đảm bảo hợp đồng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, người lao động; đồng hành với Chính phủ, các bộ ngành, góp phần hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh. Đằng sau đó chính là câu chuyện xây dựng văn hóa và thương hiệu doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là đặc trưng, là "gen" của doanh nghiệp, là nền tảng phát triển doanh nghiệp bền vững. Văn hóa doanh nghiệp sản sinh năng lượng, tạo nên linh hồn cho thương hiệu và thương hiệu là một giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp và thương hiệu bắt đầu từ doanh nhân, người lãnh đạo doanh nghiệp.

Đối điện với một thế giới trắc trở, có không ít bão giông, khó lường nhưng lại với những xu thế chuyển động tất yếu cùng nhiều cơ hội phát triển, thì không gì khác là doanh nghiệp cần biết phòng thủ (quản trị rủi ro, dòng tiền…), vượt qua khó khăn "chớp" cơ hội cùng tái cấu trúc gắn với xu thế. Dám và biết "vượt nguy, tận cơ, bắt nhịp xu thế" chính là sự tự tin, bản lĩnh, niềm tin và khát vọng của doanh nghiệp Việt, doanh nhân Việt.

Đằng sau nhiều thống kê về tăng trưởng và phát triển của một quốc gia chính là câu chuyện doanh nghiệp. Thắng, thua, thành bại cũng ở doanh nghiệp. Việt Nam - một dân tộc tràn đầy sức sống suốt hàng nghìn năm dựng và giữ nước, không thể thiếu bản lĩnh, sáng tạo và tinh thần dám hành động. Tin rằng Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều DOANH NGHIỆP thực sự lớn mạnh và đặc biệt là các DOANH NHÂN với NGHỀ và NGHIỆP KINH DOANH, tất cả cùng được viết hoa trang trọng. Đất nước Việt Nam xứng đáng có những doanh nghiệp và doanh nhân như vậy.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ