Bài học lịch sử về văn hóa tín ngưỡng

Ở hình thái xã hội nào thì tôn giáo cũng luôn tồn tại. Tôn giáo, như một đức tin màu nhiệm, khiến con người mê say, đắm đuối. Mục tiêu của các tôn giáo, nhìn tổng quát, là đều hướng thiện. Niềm tin tôn giáo khiến con người có thể vững vàng hơn trong cuộc sống muôn màu và luôn luôn phát triển. 
Nhà nghiên cứu Văn hoá VŨ BÌNH LỤC
25, Tháng 01, 2023 | 07:00

Ở hình thái xã hội nào thì tôn giáo cũng luôn tồn tại. Tôn giáo, như một đức tin màu nhiệm, khiến con người mê say, đắm đuối. Mục tiêu của các tôn giáo, nhìn tổng quát, là đều hướng thiện. Niềm tin tôn giáo khiến con người có thể vững vàng hơn trong cuộc sống muôn màu và luôn luôn phát triển. 

cac-loai-hoa-tet-de-trong

Ảnh minh họa. Ảnh: FAO

Ở hình thái xã hội nào thì tôn giáo cũng luôn tồn tại. Nó như một liều thuốc an thần cứu rỗi tâm hồn con người trong cuộc sống vốn quá nhiều bất trắc. Tôn giáo, như một đức tin màu nhiệm, khiến con người mê say, đắm đuối. Mục tiêu của các tôn giáo, nhìn tổng quát, là đều hướng thiện. Niềm tin tôn giáo khiến con người có thể mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn trong cuộc sống muôn màu và luôn luôn phát triển. 

Tự do tôn giáo luôn được các thể chế chính trị đặc biệt quan tâm với nhiều cấp độ khác nhau. Chỉ có điều đáng phải suy nghĩ, đó chính là khi tôn giáo bị lợi dụng, biến tướng, thành phương tiện để phục vụ lợi ích chính trị mà thôi. 

Ở nước ta, ngay từ khi hình thành nhà nước phong kiến, Phật giáo đã được truyền bá vào qua hai hướng, từ Tây Trúc (Ấn Độ) và sau đó, là từ Trung Quốc.  Triều đại nhà Lý (1009 - 1225), Phật giáo được lấy làm quốc giáo. Các thiền sư thường có học vấn uyên thâm và các thiền sư danh tiếng thường được mời làm cố vấn chính sự bên cạnh nhà vua. Họ tham mưu cho các vị vua nhiều vấn đề trong trị nước, làm cho xã hội yên bình, đất nước phát triển thịnh vượng.  Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được như vậy. Triều đại nào cũng hết thịnh thì đến suy. Hưng phế là câu chuyện diễn ra như một quy luật tất yếu vậy. 

Đến đời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210), triều Lý bắt đầu suy thoái, Vua ăn chơi vô độ, bỏ bê việc nước. Xã hội thời kỳ này rối loạn. Nạn trộm cướp mỗi ngày một gia tăng, đến mức không sao kiểm soát được. Nhân dân đói khổ. Nền kinh tế suy sụp. Phật giáo bấy giờ cũng theo đó mà suy đồi, làm phương hại đến kỷ cương, giường mối và an ninh xã hội. Đáng lo ngại đến mức Thái úy Đàm Dĩ Mông phải dâng biểu nói rõ tình trạng với Lý Cao Tông. Lời tâu lên án tín đồ nhà Phật của Đàm Dĩ Mông như sau: “Hiện nay, ở trong nước, số sư sãi đã gần ngang với số phu dịch. (Bọn họ) tự kết bè, lập càn thủ lĩnh, tụ họp thành bầy, làm nhiều việc xấu. Hoặc ở nơi giới trường, tịnh xá mà công nhiên rượu thịt; hoặc ở chốn tăng phòng, tịnh viện mà riêng tự gian dâm. Ngày ẩn tối ra, như phường cáo chuột. Chúng làm bại hoại phong tục, phương hại giáo lý, dần dần đã thành thói quen. Nay không cấm đi, lâu ngày càng tệ”. 

Thái úy Đàm Dĩ Mông không phải là một nhân vật xuất sắc ở triều Lý. Nhưng ở điểm nhìn tôn giáo, ông đã có nhãn quan hiện thực tiến bộ. Ông đã thấy rõ sự suy đồi của Phật giáo làm suy yếu đất nước như thế nào. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, Tầng lớp thống trị, đứng đầu là vị vua hèn kém, vô dụng như thế, thì sự tan rã, sụp đổ của triều Lý là hiện thực nhãn tiền, là tất yếu chứ sao.  

Vua mê đắm tửu sắc, cung đình ngập ngụa son phấn, váy lĩnh quần hồng. Đến như âm nhạc cũng góp phần không nhỏ vào việc làm suy yếu văn hóa dân tộc. Cũng vào thời điểm này, Thiền sư Nguyễn Thường, giữ chức Tăng Phó, đã khuyên vua Lý Cao Tông về điều ấy. Nguyễn Thường nói: “Tôi nghe, bài Tựa Kinh thi nói: ‘Âm nhạc của nước loạn nghe ai oán vì giận chính sự của nước ấy sai trái. Âm nhạc của nước mất, nghe bi thảm vì xót thương nước ấy khốn cùng’. Nay chúa thượng rong chơi vô độ, chính giáo sai lìa, dân chúng buồn khổ. Đến nay càng tệ. Thế mà ngày ngày lại nghe âm nhạc ai oán, đó chẳng phải là điềm nước loạn, nước mất hay sao? Tôi biết rằng, xa giá chuyến này (từ hành cung Hải Thanh) trở về tất sẽ không bao giờ lại ngự ra cung ấy nữa”.

Chả là, vào tháng 10 năm Nhâm Tuất, tức từ ngày 18/10 đến ngày 16/11/1202, Lý Cao Tông ngự ra hành cung Hải Thanh tổ chức yến tiệc. Vua lại sai nhạc công chế ra khúc nhạc theo điệu Chiêm Thành, nghe ai oán thảm thiết lắm. Nguyễn Trường nhân đó khuyên vua mấy lời như vậy. Quả là những lời khuyên chân thành, của những người tâm huyết, cao minh. Đến thời Lý Huệ Tông (1210 - 1224), là con của Lý Cao Tông, thì vị vua này là người đặt dấu chấm hết cho triều Hậu Lý. 

Đến đời Trần, hầu hết các vua Trần và các vương hầu, tôn thất, đều hướng tâm theo Phật pháp. Phần nhiều họ tu tại gia, đều cầu kinh niệm Phật, để tự sửa mình. Vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu thiền. Ngài sáng lập Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. Tư tưởng nhập thế của dòng Thiền Trúc lâm, khởi nguồn từ Tuệ Trung Thượng Sĩ, tức Hưng Ninh Vương Trần Tung. Thiền đạo Trúc lâm mang bản sắc mới, góp phần Việt hóa đạo Phật, làm nên vẻ đẹp văn hóa tâm linh tích cực, khiến dân tộc Đại Việt thêm đoàn kết, tạo ra sức mạnh tinh thần và vật chất mạnh mẽ. Đất nước thái bình thịnh trị. 

Nhưng kể từ đời vua Trần Minh Tông trở đi, triều Trần đã bắt đầu suy thoái. Nhóm lợi ích đã xuất hiện, làm triều chính nghiêng ngả. Vụ án oan thảm khốc của Thượng phụ Trần Quốc Chẩn đã cho thấy sự phân rã sâu sắc trong tầng lớp quý tộc nhà Trần. Đến đời vua Trần Dụ Tông thì tình hình chính sự cũng chả khác gì đời vua Lý Cao Tông trước đó. Vua ăn chơi sa đọa. Dân tình khốn khổ. Kinh tế đất nước suy tàn. Triều đình sinh ra nạn bán quan bán tước, để lấy tiền bù đắp ngân khố kiệt quệ. Nông dân nổi dậy khởi nghĩa khắp nơi. Đến đời vua Trần Nghệ Tông thì triều Trần tụt dốc không phanh. Hồ Quý Ly là quan đại thần dưới trướng, đã lợi dụng sự trì trệ của Trần Nghệ Tông, mưu sự phế bỏ triều Trần. Hồ Quý Ly là người có tư tưởng, mạnh mẽ cải cách, nhưng do đã hành xử tàn độc với tầng lớp quý tộc nhà Trần, dù giành được quyền lực, vẫn bị lòng dân oán hận. Chính Nguyễn Trãi đã viết trong “Đại cáo bình Ngô”: “Vừa rồi, nhân họ Hồ chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận/ Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa/ Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh!”. Triều nhà Hồ chỉ tồn tại được trong một thời gian ngắn rồi đất nước lại rơi vào tay ngoại bang, đó chính là thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư.

Nhớ chuyện xưa, lại nghĩ chuyện nay. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trước sự tồn vong của dân tộc, rất nhiều tăng ni Phật tử đã tạm rời nơi tu hành, sẵn sàng xông ra cầm gươm cầm súng bảo vệ đất nước. Đạo vì đời là thế. Họ là những tấm gương yêu nước tuyệt vời, muôn đời ngưỡng mộ, ngợi ca đức lớn ấy!

Tuy nhiên, đến khi nước nhà đã có “bát ăn bát để”, không ít quan chức “đội lốt thánh hiền” đã bị đồng tiền tha hóa. Nạn “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng chính sách” tinh vi hơn, nguy hiểm hơn. Nhóm lợi ích biến tướng như kỳ nhông biến màu hiện thời đang là quốc nạn.

Thời đại 4.0, hình ảnh của những quan chức nói như thánh, dạy bảo dân như học trò dốt, vẫn nhởn nhơ đây đó, khiến trí thức ngoảnh mặt quay đi, nhân dân khinh nhờn. Thật đáng buồn lắm. Đất đai của dân, họ tìm mọi cách để thu vào làm của riêng, của gia tộc mình, phe nhóm mình. Dân biết cả đấy. Họ căm giận lắm, bất bình lắm.

Những quan chức tha hóa này đã tự biến mình trở thành kẻ thù của nhân dân. Nội tặc chính là nạn tham quan, khiến đất nước suy yếu, khiến kẻ thù ngoại bang có cơ hội nhòm ngó. Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống tự diễn biến tự chuyển hóa, đang diễn ra rất quyết liệt hiện nay, chính là nhằm ngăn chặn những nguy cơ ấy.

Lại nói về vấn đề tôn giáo. Ngày nay chùa chiền mọc lên như nấm. Lòng sùng đạo của dân ta có truyền thống từ lâu đời. Đạo Phật được đa số nhân dân ta ngưỡng mộ, rất đáng quý. Chính quyền nước ta tôn trọng tự do tôn giáo. Tuy nhiên, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì bản chất tốt đẹp của đạo cũng bị tha hóa, làm cho mọi giường mối xã hội bị méo mó đi. 

Lại một mùa xuân tươi mới của đất trời. Mong sao cho công cuộc chiến đấu với tham nhũng, tham quan và tệ nạn thoái hóa tiêu cực nhanh đi đến đích, càng sớm làm cho mùa xuân đất nước vững bền, giữ cho “Non sông ngàn thủa vững âu vàng” như trong thơ của vị vua hiền Trần Nhân Tông, như khát vọng tươi sáng của người xưa và người nay vậy!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25155.00 25161.00 25461.00
EUR 26745.00 26852.00 28057.00
GBP 31052.00 31239.00 32222.00
HKD 3181.00 3194.00 3300.00
CHF 27405.00 27515.00 28381.00
JPY 159.98 160.62 168.02
AUD 16385.00 16451.00 16959.00
SGD 18381.00 18455.00 19010.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18134.00 18207.00 18750.00
NZD   14961.00 15469.00
KRW   17.80 19.47
DKK   3592.00 3726.00
SEK   2290.00 2379.00
NOK   2277.00 2368.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ