Vốn điều lệ khi sáp nhập doanh nghiệp: Hiểu sao cho đúng?

Trong những năm gần đây, dù các thương vụ mua bán và sáp nhập đã gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị nhưng các doanh nghiệp vẫn loay hoay với bài toán chưa có lời giải về vốn điều lệ khi tiến hành sáp nhập doanh nghiệp.
LS.LÊ THỊ TUYẾT DUNG
17, Tháng 12, 2019 | 06:24

Trong những năm gần đây, dù các thương vụ mua bán và sáp nhập đã gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị nhưng các doanh nghiệp vẫn loay hoay với bài toán chưa có lời giải về vốn điều lệ khi tiến hành sáp nhập doanh nghiệp.

b5f70_1_copy_650

 

Vấn đề gây nhiều tranh cãi

Trong thực tiễn gần hai mươi năm hành nghề luật tại Singapore và Việt Nam, người viết nhận thấy rằng số lượng các thương vụ thâu tóm hay mua lại lớn hơn rất nhiều so với số lượng khách hàng đồng thuận ký kết hợp đồng sáp nhập.

Theo đó, các phương án sáp nhập thường chỉ được đặt lên bàn cân khi doanh nghiệp bị sáp nhập hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, đối mặt với tương lai không thể “tồn tại” trên thị trường nếu không bán mình cho doanh nghiệp nhận sáp nhập hoặc sáp nhập với mục đích phát triển kinh doanh chiến lược của tập đoàn, tái cấu trúc nội bộ.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sáp nhập là phương thức nhằm chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp từ công ty bị sáp nhập sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập(1).

Như vậy, hậu quả của việc sáp nhập, rất rõ ràng, là dẫn đến sự chấm dứt hoàn toàn tư cách pháp nhân của doanh nghiệp bị sáp nhập cùng với tên doanh nghiệp, hình ảnh công ty từ lúc thành lập cho đến ngày sáp nhập và có sự chuyển giao tài sản cho bên nhận sáp nhập.

Nhìn chung, sáp nhập doanh nghiệp là một nhu cầu thực tế và cấp thiết của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn đến một vấn đề còn đang gây rất nhiều tranh cãi và không thống nhất là đối với phương án tái cấu trúc khi sáp nhập công ty con vào công ty mẹ thì phần vốn góp, cổ phần của công ty mẹ trong công ty con sẽ được xử lý như thế nào.

Có sáp nhập luôn vốn điều lệ?

Trước hết, cần phải hiểu rằng phần vốn góp, cổ phần của công ty mẹ trong công ty con phải được xem là tài sản của công ty mẹ được đưa vào công ty con nhằm thành lập, quản lý công ty con, qua đó thể hiện năng lực tài chính của công ty con đối với khách hàng, đối tác.

Đối chiếu với quy định sáp nhập nói trên, khi tiến hành sáp nhập thì công ty con phải chuyển toàn bộ tài sản của mình sang cho công ty mẹ, tức là đồng thời phải chuyển giao phần vốn góp, cổ phần này sang cho công ty mẹ. Dưới góc độ pháp lý, công ty mẹ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp, cổ phần của mình trong công ty con(2), đặc biệt là đối với các bên thứ ba như chủ nợ khi phát sinh tranh chấp.

Như vậy, có thể hiểu rằng phần vốn điều lệ trong công ty mẹ trước khi sáp nhập đã phải bao hàm trách nhiệm đối với phần vốn góp, cổ phần sở hữu trong công ty con. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên nhân pháp luật Việt Nam chưa có quy định minh thị về việc xác định phần vốn điều lệ khi sáp nhập nên công ty mẹ thường phải lựa chọn một trong hai phương án để xử lý phần vốn góp, cổ phần trong công ty con khi sáp nhập như sau:

Một là, ghi nhận phần vốn góp tăng lên tương ứng tại công ty mẹ qua việc phát hành thêm cổ phần cho các cổ đông hiện hữu của công ty mẹ với tỷ lệ tương ứng. Đây là phương án thường được sử dụng khi sáp nhập hai doanh nghiệp độc lập, không có sự liên quan về vốn.

Tuy nhiên, điều làm các tập đoàn băn khoăn là việc gia tăng vốn điều lệ như vậy có thực sự phản ánh sự tăng trưởng đối với tài sản thực góp của các cổ đông, thành viên trong công ty mẹ hay không. Ngoài ra, nhìn từ phương pháp dòng tiền và nguyên tắc bảo toàn, việc sáp nhập tài sản tương đương với phần vốn góp, cổ phần từ công ty con không thể làm gia tăng trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của các cổ đông hiện hữu trong công ty mẹ.

Hai là, không ghi nhận phần vốn góp tăng lên tại công ty mẹ. Khi đó, phần vốn góp trong công ty con sẽ chuyển giao và ghi nhận tại công ty mẹ dưới dạng tài sản đơn thuần. Phương án này không gia tăng thêm quyền và nghĩa vụ cho các cổ đông hiện hữu của công ty mẹ.

Trên thực tế, phương thức hoán đổi cổ phần như được trình bày tại phương án 1 nói trên thường được các tập đoàn thực hiện khi công ty mẹ có tỷ lệ sở hữu ít hơn 100% cổ phần, phần vốn góp tại công ty con. Khi đó, việc phát hành thêm cổ phần cho các cổ đông hiện hữu của công ty mẹ sẽ đảm bảo tỷ lệ sở hữu của họ sau khi sáp nhập vì các cổ đông của công ty con cũng sẽ nắm cổ phần tại công ty mẹ thông qua phương thức hoán đổi.

Phương án 2 được cân nhắc khi công ty mẹ sở hữu toàn bộ phần vốn góp trong công ty con, khi đó, họ không nhất thiết phải lựa chọn phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu vì tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty mẹ của các cổ đông không có sự biến động.

Việt Nam có thể tham khảo cách tiếp cận của pháp luật Singapore hiện nay, trong đó ghi nhận rất minh thị từng trường hợp cụ thể như sau:

Thứ nhất, nếu công ty nhận sáp nhập sở hữu cổ phần trong công ty bị sáp nhập thì số cổ phần này sẽ không được chuyển đổi thành cổ phần trong công ty nhận sáp nhập sau khi sáp nhập và cũng không được hoàn trả lại bằng việc thanh toán (payment)(3).

Thứ hai, trong trường hợp công ty mẹ là chủ sở hữu duy nhất của công ty con (nắm giữ 100%) thì khi sáp nhập công ty mẹ vào công ty con, công ty con phải phát hành cổ phần mới cho các cổ đông hiện hữu trong công ty mẹ để các cổ đông này nắm giữ số cổ phần tương ứng trong công ty con, còn nếu sáp nhập công ty con vào công ty mẹ thì cổ phần của công ty mẹ nắm giữ trong công ty con sẽ không được tính đến (cancel) tương tự như trường hợp thứ nhất(4).

Thứ ba, đối với trường hợp sáp nhập các công ty độc lập, tất cả cổ phần và quyền lợi của cổ đông trong công ty bị sáp nhập sẽ được chuyển thành cổ phần tương ứng trong công ty nhận sáp nhập hoặc được hoàn trả lại bằng khoản thanh toán phù hợp với phương án sáp nhập đã được các bên thống nhất(5).

Như vậy, có thể thấy vẫn còn thiếu những quy định chi tiết về vốn điều lệ khi sáp nhập doanh nghiệp trong hành lang pháp lý Việt Nam. Hiện nay các doanh nghiệp, đang phải thực hiện theo các phương án sáp nhập vốn điều lệ mà họ cho rằng phù hợp nhất với thực tiễn kinh doanh hay nhằm bảo vệ cổ đông hiện hữu.

Đã đến lúc cần có một cơ chế pháp lý rõ ràng hơn để điều chỉnh nhu cầu thực tế này, giúp cho các cổ đông thấu hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình cũng như phương án xử lý vốn điều lệ khi bỏ phiếu thông qua hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ