Thấy gì từ bức tranh đầu tư trực tiếp nước ngoài 7 tháng ?

Nhàđầutư
Dư luận đang quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia gắn với việc thay đổi cơ cấu nguồn điện theo hướng thích ứng với đòi hỏi của việc giảm khi phát thải nhà kính bằng cách ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo và các năng lượng tương lai.
GS. TSKH NGUYỄN MẠI
31, Tháng 08, 2017 | 07:07

Nhàđầutư
Dư luận đang quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia gắn với việc thay đổi cơ cấu nguồn điện theo hướng thích ứng với đòi hỏi của việc giảm khi phát thải nhà kính bằng cách ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo và các năng lượng tương lai.

1334781_vvbx

Bức tranh đầu tư trực tiếp nước ngoài đang rất khả quan

Tổng quan

Từ đầu năm đến 20/07/2017 vốn FDI  thực hiện đạt 9,05 tỷ USD, tăng 5,8% (so với cùng kỳ năm trước); kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 83,05 tỷ USD, tăng 20,3%, chiếm 70,53% tổng kim ngạch xuất khẩu; kim ngạch nhập khẩu đạt 71,35 tỷ USD, tăng 20,3%, chiếm 60,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; xuất siêu 11,70 tỷ USD.

Có 1.378 dự án mới được cấp GCNĐT với vốn đăng ký là 12,92 tỷ USD, tăng 48,7%; 677 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đăng ký tăng thêm là 5,87 tỷ USD, tăng 38,5% và 2 946 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN với giá trị góp vốn là 3,12 tỷ USD, tăng 109,7%.

Vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 21,93 tỷ USD, tăng 52%. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo với 10,83 tỷ USD, chiếm 49,4%, sản xuất, phân phối điện với 5,25 tỷ USD, chiếm 23,98%;  khai khoáng với 1,28 tỷ USD, chiếm 5,86% tổng vốn đăng ký.

Hàn Quốc đứng thứ nhất với vốn đăng ký 5,62 tỷ USD, chiếm 25,63%; Nhật Bản đứng thứ hai với vốn đăng ký 5,46 tỷ USD, chiếm 24,92%; Singapore đứng vị trí thứ 3 với vốn  đăng ký 3,8 tỷ USD, chiếm 17,3% tổng vốn đăng ký.

Thanh Hoá là địa phương thu hút nhiều FDI nhất với số vốn đăng ký 3,06 tỷ USD, chiếm 13.9%; Bắc Ninh đứng thứ 2 với vốn đăng ký 2,95 tỷ USD, chiếm 13,48%; Nam Định đứng thứ 3 với vốn đăng ký 2,2 tỷ USD chiếm 10% tổng vốn đăng ký.

Một số dự án FDI lớn trong 7 tháng đầu năm 2017:

    - Đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT tại Thanh Hóa, vốn đầu tư 2,793 tỷ USD của Nhật Bản, xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than công suất 1.200 MW.

    - Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh.

    - Đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT tại Nam Định, vốn đầu tư 2,07 tỷ USD của Singapore, xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất 1109,4 MW.

     - Đầu tư xây dựng đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỷ USD do Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam, xây dựng đường ống dẫn khí tại Kiên Giang.

    - Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xơ tổng hợp polyester tăng vốn đầu tư 485,8 triệu USD của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam), Đài Loan tại Bình Dương.

Những con số thống kê về tình hình thu hút FDI của 7 tháng 2017 đã khẳng định xu thế mới bắt đầu từ năm 2015 và sẽ tiếp diễn không chỉ đến cuối năm nay mà còn cả giai đoạn 2018- 2020.

Vấn đề FDI vào năng lượng

Trong số vốn đăng ký mới là 12,92 tỷ USD thì hai dự án nhiệt điện than tại Thanh Hóa và Nam Định là 4,863 tỷ USD, chiếm 37,63%. Dự báo trong những tháng sắp đến sẽ có thêm một số dự án nhiệt điện than quy mô tương tự.

Dư luận đang quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia gắn với việc thay đổi cơ cấu nguồn điện theo hướng thích ứng với đòi hỏi của việc giảm khi phát thải nhà kính bằng cách ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo và các năng lượng tương lai.

Theo quy hoạch phát triển điện lực của nước ta đến 2020, tầm nhìn đến 2030 thì dự kiến 2025 tổng công suất các nhà máy điện đạt 96 500 MW, trong đó thủy điện chiếm 21,1%, nhiệt điện than chiếm 49,3%, nhiệt điện khí chiếm 15,6%, điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo chiếm 12,5% và nhập khẩu điện chiếm 1,5%. So với cơ cấu điện hiện tại thì tỷ lệ của thủy điện giảm do nước ta không còn nhiều tiềm năng về loại năng lượng này; nhiệt điện than và khí gia tăng mạnh mẽ, chiếm 64,9%, trong khi năng lượng sạch chỉ chiếm 12,5%. Trong quy hoạch phát triển này đã loại trừ điện hạt nhân mà trước đây dự kiến xây dựng tại Ninh Thuận.

Thu hút FDI vào ngành năng lượng có quan hệ hữu cơ với chủ trương và quy hoạch phát triển điện năng trong tương lai; do đó cần lưu ý ba vấn đề sau đây:

(i) Từ khi Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi để phát triển nhanh điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo, trong đó quy định giá mua điện mặt trời 9,35 cent/kwh, điện gió 7,8 cent/kwh; trong điều kiện công nghệ đã được cải tiến với giá thành giảm đáng kể (hiện nay suất đầu tư khoảng  1.500- 1.600 USD/1kw) thì từ đầu năm đến nay đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước dự định đầu tư vào nguồn năng lượng mới này, đây là xu thế tất yếu; do vậy nên nghiên cứu xu thế đó để đưa ra dự báo chính xác hơn triển vọng nguồn năng lượng mới, điều chỉnh theo hướng giảm tỷ trọng của nhiệt điện than và khí, thích ứng với xu thế thời đại hướng đến mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ trái đất, giảm thiểu tác hại của thiên tai mà nước ta là một trong những quốc gia bị đe dọa nhất.

(ii) Trong trường hợp vẩn phải xây dưng thêm nhà máy điện than và khí thì cần quan tâm đúng mức yêu tố công nghệ từ khâu thẩm định dự án cho đến khâu đấu thầu mua sắm thiết bị và vận hành nhà máy để giảm thiểu khí phát thải nhà kính, khói bụi, chất thải rắn và lỏng gây ô nhiễm môi trường. Việc lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án điện than và điện khí cũng cần được cân nhắc thật cẩn thận để không lặp lại hiện tượng đã từng xảy ra ở nước ta là nhà đầu tư bằng mọi cách kể cả móc ngoặc, thông đồng để trúng thầu dự án, sau đó tìm cách nâng giá, đầu tư bằng công nghệ lạc hậu, gây ra hậu quả khó lường.

(iii) Để so sánh giá thành tính trên 1KW không chỉ cần tính chi phí trực tiếp của dự án từng loại năng lượng như máy móc, thiết bị, công nghệ, nhân lực và vận hành mà còn phải tính cả chi phí gián tiếp có liên quan đến xử lý môi trường, khí phát thải nhà kính của các nhà máy điện than, điện khí, thủy điện để lựa chọn khách quan và khoa học, chuyển đổi định hướng an toàn năng lượng quốc gia theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng sạch, giảm dần tỷ trọng nguồn năng lượng cổ điển trong các chiến lược phát triển kinh tế- xã hội.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế thì nước ta có tiềm năng lớn điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo, chưa kể đến điện thủy triều mà một số nước đã thực hiện, do đó quy hoạch phát triển năng lượng cần bảo đảm không những an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần vào việc ứng phó với các vấn đề chung về biến đổi khí hậu của nhân loại.

Về số liệu thống kê FDI

Tại Niên giám thống kê 2016 có ba con số về FDI (tính từ 1988 đến 2016):

- Tổng vốn đăng ký là 341,548 tỷ USD

- Tổng vốn đăng ký còn có hiệu lực là 283,700 tỷ USD

- Tổng vốn thực hiện là 154,492 tỷ USD.

Chênh lệch giữa tổng vốn đăng ký với tổng vốn đăng ký còn có hiệu lực là 57,849 tỷ USD. Con số đó bao gồm vốn đăng ký các dự án đã hết thời gian thực hiện và những dự án đã được cấp GCNĐT nhưng không được triển khai mà những năm gần đây Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và ban quản lý KKT, KCN đã tích cực thanh tra, xử lý đối với dự án không còn tính khả thi.

Tuy vậy, chênh lệch giữa tổng vốn đăng ký còn có hiệu lực với tổng vốn thực hiện là 129,208 tỷ USD. Đó là con số quá lớn nếu so với vốn thực hiện hàng năm, ví dụ năm 2016 là 15,8 tỷ USD thì cần đên 8 năm nữa để thực hiện hết số vốn này.

Trên thực tế không phải như vậy, trong số vốn chưa thực hiện, theo quan sát của chúng tôi có đến 60-70% không thể thực hiện được, cần loại trừ khỏi số liệu thông kê chính thức để không hình thành số ảo về FDI nhằm đánh giá chính xác thành tựu thu hút FDI của nước ta, cũng như có căn cứ thực tế khi đề ra chủ trương, định hướng mới về FDI.

Nhân dịp tổng kết 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chỉ đạo các địa phương thanh tra các dự án đã được cấp GCNĐT nhưng chưa triển khai, kiên quyết loại trừ những dự án không có điều kiện thực hiện khỏi số liệu thống kê để Tổng cục thống kê điều chỉnh các con số thống kê trong Niên giám thống kê hàng năm theo hướng tiếp cận chính xác hơn tình hình thực tế.

Tính đến ngày 20/7/2017 cả nước có 23 737 dự án FDI, vốn thực hiện đạt 163,9 tỷ USD. Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 59%, bất động sản chiếm 16,7% , sản xuất, phân phối điện, khí, nước chiếm 6% tổng vốn đầu tư.

122 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng thứ nhất với vốn đăng ký 55,26 tỷ USD, chiếm 17,9%, Nhật Bản đứng thứ hai với 46,47 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư, tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan, British Virgin Island, Hồng Kông.

63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có hoạt động FDI; thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu với hơn 42 tỷ USD, chiếm 13,6%,  Bình Dương với 28,8 tỷ USD, chiếm 9,3% , Hà Nội với 27 tỷ USD, chiếm 8,77%, Bà Rịa - Vũng Tàu với 26,7 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư.

Vấn đề cơ bản trong thu hút FDI là cần coi trọng hơn chất lượng và hiệu quả của dự án đầu tư, tùy theo trình độ phát triển của từng địa phương, căn cứ vào định hướng mới và chính sách ưu đãi mới của chính phủ để lựa chọn đúng dắn dự án và nhà đầu tư, quan tâm đến tác động lan tỏa của các doanh nghiệp FDI nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia trong việc gắn kết với doanh nghiệp trong nước theo chuỗi cung ứng sản phẩm để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiên tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ thị trường trong nước, tham gia có hiệu quả vào thị trường khu vực và thị trường thế giới.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24550.00 24560.00 24880.00
EUR 26323.00 26429.00 27594.00
GBP 30788.00 30974.00 31925.00
HKD 3099.00 3111.00 3212.00
CHF 27288.00 27398.00 28260.00
JPY 161.63 162.28 169.90
AUD 15895.00 15959.00 16446.00
SGD 18115.00 18188.00 18730.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17917.00 17989.00 18522.00
NZD   14768.00 15259.00
KRW   17.70 19.32
DKK   3538.00 3670.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2274.00 2365.00
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ