Tái cơ cấu tổ chức tín dụng: Nguồn lực nào hợp lý?

Nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ mới đây có nêu yêu cầu phải quy định đầy đủ các nguồn lực được sử dụng trong quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu. Vậy đâu là nguồn lực hợp lý để cơ cấu lại tổ chức tín dụng?
HƯƠNG DỊU
03, Tháng 05, 2017 | 20:24

Nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ mới đây có nêu yêu cầu phải quy định đầy đủ các nguồn lực được sử dụng trong quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu. Vậy đâu là nguồn lực hợp lý để cơ cấu lại tổ chức tín dụng?

xu-ly-no-xau-ngan-hang-de-luat-chuyen-thanh-luc1470882579

Cơ cấu lại tổ chức tín dụng: Nguồn lực nào hợp lý? 

Cần thiết

Trong dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành và lấy ý kiến góp ý, điều 20 về các biện pháp hỗ trợ tài chính có quy định TCTD yếu kém là ngân hàng thương mại được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ.

Cụ thể là bán nợ xấu không đủ điều kiện hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên theo quy định pháp luật cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC); được vay tái cấp vốn, vay đặc biệt của NHNN theo phương án phục hồi đã được phê duyệt; được miễn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc…

Đặc biệt, đối với TCTD yếu kém là công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô thì một trong số biện pháp hỗ trợ là được vay đặc biệt của NHNN với mức lãi suất 0% theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt.

Đây là quy định rất mới, bởi theo báo cáo của NHNN, Điều 11 Luật NHNN 2010 quy định, NHNN thực hiện tái cấp vốn nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho TCTD. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách nhà nước không có nguồn lực dành cho việc cơ cấu lại TCTD yếu kém, quy định trên đã cản trở việc hỗ trợ vốn dài hạn của NHNN cho TCTD yếu kém thông qua công cụ tái cấp vốn.

Do đó, trên thực tế, để áp dụng biện pháp phục hồi, NHNN đã thực hiện tái cấp vốn ngắn hạn và xem xét cho gia hạn theo quy định. Bên cạnh đó, Điều 151 Luật các TCTD 2010 quy định việc cho vay đặc biệt của NHNN đối với TCTD trong trường hợp TCTD lâm vào trình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự an toàn cả hệ thống TCTD… Tuy nhiên, Luật các TCTD hiện hành chưa có quy định cho vay đặc biệt để hỗ trợ nguồn vốn dài hạn để phục hồi TCTD yếu kém. Do vậy, NHNN cho rằng, việc phục hồi các tổ chức tín dụng yếu kém đang thiếu giải pháp hỗ trợ tài chính hiệu quả.

Theo các chuyên gia, những bất cập về cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại, xử lý nợ xấu không được giải quyết sẽ không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các TCTD. Hiện trạng này sẽ kéo dài tiến trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém.

Chính vì thế, Nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ đã yêu cầu: Về nguồn lực, cần quy định đầy đủ các nguồn lực được sử dụng trong quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó bao gồm cả việc sử dụng các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. “Trường hợp sử dụng nguồn lực nhà nước, kể cả trường hợp cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay tái cấp vốn thông thường thì làm rõ các trường hợp phải sử dụng và phải được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận”, Nghị quyết nêu rõ.

Nên hay không?

DSC_8838_GMTT

Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành 

Một lần nữa, việc dùng nguồn lực nhà nước đã được “khơi” lại sau nhiều tranh cãi trái chiều. Tuy nhiên, một điều khá rõ ràng là tại Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia giai đoạn 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua đã nêu rõ: "Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế”. 

Hiện gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế đặt lên hệ thống các TCTD ngày càng lớn, tỷ lệ tín dụng so với GDP tăng liên tục trong giai đoạn 2012-2015 (năm 2012 là 95,2%; năm 2015 là 111,1%) và ở mức cao so với các nước. Sự lệ thuộc rất lớn về vốn của các tổ chức kinh tế và cá nhân vào hệ thống các TCTD khiến cho hệ thống các TCTD dễ bị tổn thương và cũng khiến hệ thống các TCTD đối mặt với các nguy cơ, rủi ro đổ vỡ.

Chính vì thế, việc tìm một nguồn lực hợp pháp để cơ cấu lại hệ thống TCTD đang gặp nhiều khó khăn, mặc dù đã có nhiều lời kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các nguồn lực này đang vấp phải những vướng mắc về cơ chế và hành lang pháp lý nên vẫn phải cân nhắc thận trọng và đợi chờ nhà đầu tư có tiềm lực.

Nhận xét về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, các TCTD yếu kém đã không còn năng lực hoạt động, tỷ lệ nợ xấu dâng cao… nên nếu cứ tiếp tục kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới cả hệ thống, làm tăng nguy cơ nợ xấu cho toàn ngành ngân hàng. Do đó, bên cạnh giải pháp căn cơ để giảm nợ xấu, cần tính tới chuyện cho phá sản các ngân hàng yếu kém, bởi nếu không kêu gọi được nguồn lực bên ngoài thì nguồn lực nhà nước không thể và không nên dùng để trả nợ cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, song song với việc tìm nguồn lực và giải pháp để hỗ trợ cơ cấu lại TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu, ngay bây giờ, các cơ quan quản lý và hệ thống ngân hàng nên có giải pháp để giảm thiểu nguy cơ nợ xấu tăng thêm, cũng như lành mạnh hóa thị trường tài chính. Theo đó, nhiều ngân hàng đang tìm cách để tăng vốn, huy động thêm vốn từ việc bán cổ tức, phát hành trái phiếu, kêu gọi nhà đầu tư; nâng chuẩn cho hoạt động quản trị ngân hàng và minh bạch thông tin…

Theo Báo Hải quan

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ