Ngành công nghiệp Việt Nam phục hồi trong quý I

Nhàđầutư
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong những tháng đầu năm đang trên đà phục hồi và làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường. Các chuyên gia nhận định, việc mở cửa trở lại là yếu tố quan trọng, hứa hẹn một năm tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp.
ĐÌNH NGUYÊN
18, Tháng 03, 2022 | 15:26

Nhàđầutư
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong những tháng đầu năm đang trên đà phục hồi và làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường. Các chuyên gia nhận định, việc mở cửa trở lại là yếu tố quan trọng, hứa hẹn một năm tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp.

Nhiều chỉ số cải thiện

Ngày 15/3, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị quyết về việc miễn thị thực trong 15 ngày kể từ khi nhập cảnh cho công dân của 13 quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp… Đây là một tin vui trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam John Campbell cho biết, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phát triển vượt kỳ vọng trong năm 2022 khi nhu cầu trong nước phục hồi cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI vẫn duy trì ổn định. Bên cạnh đó, các điều kiện kinh doanh được cải thiện đáng kể trong 5 tháng qua sau những cản trở của dịch COVID-19.

Vị chuyên gia này đánh giá lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 2 đầu năm vẫn đang trên đà phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh, điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng và niềm tin được duy trì. Theo HIS Markit, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 2 đã tăng lên mức 54,3 so với con số 53,7 của tháng 1.

kcn-chuyen-sau-Phu-My-3

Ngay trong quý I, không ít nhà đầu tư lớn đã đầu tư nhà máy để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

“Tháng 2 không chỉ là tháng tăng trưởng thứ năm liên tiếp trong hoạt động sản xuất mà còn có tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 4/2021. Cụ thể, cả sản lượng và số đơn đặt hàng mới đều tăng mạnh nhất trong 10 tháng, trong đó lượng đơn hàng xuất khẩu tăng rõ rệt. Mặc dù nhân lực trong ngành sản xuất đã tăng liên tục trong 3 tháng song tỷ lệ việc làm vẫn ở mức khiêm tốn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều báo cáo cho thấy người lao động chưa thể trở về quê do dịch bệnh”, ông John Campbell cho hay.

Trong tháng 2 vừa qua, sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng mạnh so với mức tăng 2,8% của tháng 1. Tốc độ tăng trưởng sản lượng tăng nhanh ở lĩnh vực sản xuất cũng đã được cải thiện từ 2,8% trong tháng 1 lên mức 10% trong tháng 2.

Theo số liệu FDI 2 tháng đầu năm, Bắc Ninh dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư. Thái Nguyên đứng thứ 2 với việc thu hút được 924 triệu USD vốn FDI, chiếm gần 18,5% tổng vốn FDI cả nước trong kỳ. Nổi bật trong đó là khoản bổ sung vốn trị giá 920 triệu USD của Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Tập đoàn Samsung), giúp nâng tổng vốn đầu tư vào khu công nghiệp Yên Bình tại TX. Phổ Yên (Thái Nguyên) lên 2,27 tỷ USD (gần 52 nghìn tỷ đồng).

Loạt dự án khu công nghiệp tỷ USD

Việc mở cửa trở lại là yếu tố quan trọng, tăng niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế, đồng thời hứa hẹn một năm phát triển thành công của lĩnh vực công nghiệp. Thực tế cho thấy, ngay trong quý I, không ít nhà đầu tư lớn đã đầu tư nhà máy để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Trong tháng 3, Fuchs - Tập đoàn dầu nhớt hàng đầu của Đức thuê thành công khu đất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, Fuchs đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam với việc thuê dài hạn khu đất 20.000 m2 tại khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3.

Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ có giá thuê cạnh tranh, cơ sở hạ tầng phù hợp cho nhóm ngành công nghiệp trung bình và công nghiệp nặng mà còn có khoảng cách gần với một cụm cảng biển đang phát triển. Do đó, hợp đồng thuê lên đến 55 năm của Fuchs cho thấy sự tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu và nhu cầu của những khách thuê đa quốc gia trong việc lựa chọn các điểm đến thay thế.

Trước đó, tháng 2, một thương vụ thuê nhà xưởng giữa Framas và KTG Industrial cũng đã thành công. Framas, nhà sản xuất máy ép phun hàng đầu của Đức, đã thuê một cơ sở xây sẵn rộng 20.000 m2 tại KTG Industrial Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai. Hợp đồng thuê có thời hạn 10 năm được ký vào cuối đợt bùng phát dịch COVID-19 thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Về phía các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp, thị trường trong 3 tháng qua đã rất sôi động với những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD tại các khu công nghiệp trên cả nước.

Đơn cử, cuối tháng 12/2021, Gaw NP Industrial đã khởi công dự án nhà máy xây sẵn (RBF) rộng 16 ha tại Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình 2. Bên cạnh đó, cuối tháng 2, khu công nghiệp Việt Nam cũng đã tổ chức lễ khởi công dự án nhà xưởng và nhà kho tại khu công nghiệp Phú An Thạnh, tỉnh Long An với quy mô 13,4 ha.

Thị trường đã hoạt động tích cực kể từ đầu năm nay. Tiêu biểu, LOGOS Viet Nam Logistics Venture thực hiện thương vụ M&A thứ 4 tại Việt Nam. Ngày 17/2, LOGOS và Manulife Investment Management đã thiết lập mối quan hệ đối tác liên doanh để mua lại một nhà xưởng logistics hiện đại xây theo yêu cầu có tổng diện tích 116.000 m2 với giá trị đầu tư lên đến 80 triệu USD.

CapitaLand Development cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 1 tỷ USD với tỉnh Bắc Giang để phát triển khu công nghiệp, khu hậu cần và khu đô thị đầu tiên của CLD tại Việt Nam. Cùng với đó, Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW đã mua lại khu công nghiệp DEEP C với quy mô khoảng 74.000 m2 tại khu công nghiệp Bắc Tiên Phong, tỉnh Quảng Ninh.

Ông John Campbell đánh giá, ngoài kế hoạch mở cửa trở lại, sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khả năng phục hồi và thích ứng của các doanh nghiệp trong nước cho thấy một năm đầy hứa hẹn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ