Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III đạt 7,46% và 9 tháng đầu năm đạt 6,41% so với cùng kỳ, nền kinh tế Việt Nam có khả năng về đích 2017 với mức tăng trưởng 6,7%. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức lớn đòi hỏi cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa.
TS NGUYỄN ANH TUẤN
13, Tháng 10, 2017 | 10:59

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III đạt 7,46% và 9 tháng đầu năm đạt 6,41% so với cùng kỳ, nền kinh tế Việt Nam có khả năng về đích 2017 với mức tăng trưởng 6,7%. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức lớn đòi hỏi cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa.

Dien Ly Son1

Đưa điện ra huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)  Ảnh: Minh họa

Nhận diện các yếu tố tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III đạt 7,46% là một bước đột phá lớn, cao hơn rất nhiều so với quý I (5,15%) và quý II (6,28%). Có được kết quả đó, trước hết nhờ sự đóng góp của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu tính chung 9 tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 14,4%, cao gấp đôi cùng kỳ năm 2016. Sức mua trong nước tiếp tục tăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ,  nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,16% cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (8,95%).

Yếu tố thứ hai là vốn đầu tư toàn xã hội tăng do đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, mặc dù vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp và giải ngân chậm. Tổng đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm tăng 12,1%, cao hơn so với cùng kỳ và đạt 33,9% GDP, cao nhất so với nhiều năm trở lại đây. Trong đó, khu vực tư nhân trong nước chiếm 39,9% tổng đầu tư xã hội, tăng 15,9%, cao gấp 1,5 lần mức tăng cùng kỳ năm 2016 là 10,3%; khu vực FDI tiếp tục tăng trưởng khả quan với tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,48 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là vốn FDI thực hiện 9 tháng đầu năm ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016 (chiếm 24,5% tổng vốn đầu tư xã hội).

Yếu tố thứ ba là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao so với mức tăng của nhiều năm gần đây (tăng 12,8% so với cùng kỳ), trong khi khu vực dịch vụ tăng 7,25% so với cùng kỳ. Kết quả sản xuất nông nghiệp cũng khả quan hơn cùng kỳ năm trước (là năm chịu tác động nặng nề của thiên tai), mặc dù chỉ tăng 2,78%.

Yếu tố thứ tư là tín dụng đối với nền kinh tế tăng 11,02% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ tăng 10,46%). Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, lãi suất cho vay giảm dần, góp phần giảm chi phí, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ năm, tình hình phát triển doanh nghiệp tiếp tục ổn định thể hiện môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là trên 115 nghìn doanh nghiệp, trong đó có gần 94 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016) và 21,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng qua là trên 2,1 triệu tỷ đồng.

Những thách thức, rủi ro

Mặc dù kinh tế quý III chuyển động theo chiều hướng tích cực, nhưng chưa thực sự bền vững, tiềm ẩn những yếu tố có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng không chỉ cho năm 2017 và  mà cả năm 2018 và những năm tiếp theo.    

Thứ nhất, mặc dù quý III tăng trưởng 7,46%, cao hơn nhiều so với quý II song liệu quý IV có thể duy trì được đà tăng trưởng cao hay không vẫn đang là một câu hỏi lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng, thiên tai vẫn còn là yếu tố khó xác định, đồng thời tăng trưởng công nghiệp chủ yếu dựa vào hai doanh nghiệp chủ lực là Formosa và Samsung vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ hai, mặc dù giá cả 9 tháng đầu năm vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng rủi ro về tăng giá vẫn còn cao. Theo thông lệ, giá cả quý IV thường cao hơn hai quý trước đó, thường tăng thêm 1-2% do tính chu kỳ hàng năm, nên khả năng lạm phát có thể vượt 4%.

Thứ ba, trong 9 tháng đầu năm 2017 tín dụng nền kinh tế tăng 11,02%, bình quân mỗi tháng chỉ tăng 1,22%, nếu hệ thống ngân hàng tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 là 21% như kế hoạch đã đề ra (nghĩa là phải thực hiện tiếp 10% trong 3 tháng còn lại) thì tín dụng bình quân mỗi tháng tăng 3,33%/. Đây là thách thức lớn đối với ngân hàng trong việc tìm đối tượng cho vay, gây áp lực lớn lên lạm phát và chất lượng tín dụng. Hệ luỵ của việc tín dụng đổ vào những ngành sản xuất kém hiệu quả và các lĩnh vực tiềm ẩn đầu cơ sẽ là rất lớn đối với nền kinh tế.

Thứ tư, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) và trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong 9 tháng đầu năm còn thấp. Ước tính giải ngân vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và TPCP 9 tháng đầu năm mới đạt khoảng 51,3% so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do quy trình, thủ tục rườm rà, phức tạp và một phần do tâm lý sợ trách nhiệm. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ năm, môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp tuy được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2017 theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới bị giảm 4 hạng, từ 56 xuống 60/138. Trong ASEAN, Việt Nam đang từ vị trí thứ 5/10 quốc gia thành viên ASEAN tụt xuống thứ 6/10. Điều đó nói lên việc cải cách ở nước ta  vẫn còn chậm, chưa theo kịp và vượt các nước trong khu vực, nhất là so với Indonesia là nước có tốc độ cải cách nhanh hơn nước ta.

Thứ sáu, năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả đầu tư còn thấp. Hệ số ICOR vẫn còn ở mức rất cao (6,27). Đây là vấn đề được đề cập và cảnh báo từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa tạo được sự chuyển biến tích cực đáng kể.

Một vấn đề khác rất đáng lưu ý là giới hạn của nợ công, nợ xấu đã làm hạn chế và thu hẹp không gian chính sách, không còn dư địa cho tăng trưởng bằng các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển như trước đây.

Triển vọng 2018

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam sẽ bước sang năm 2018 với những yếu tố thuận lợi nhất định, nhưng thách thức khó khăn là rất lớn. Về mặt thuận lợi, trước hết có thể kể đến dự báo khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2018, tạo điều kiện đề thúc đẩy gia tăng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Kinh tế Mỹ được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định, kinh tế châu Âu tiếp tục phục hồi, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể chậm lại nhưng vẫn duy trì trên 6%. Giá dầu thô năm 2018 được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức 51 đến 55 USD/thùng, riêng IMF dự báo khá lạc quan, ở mức 55USD/thùng.

Ở trong nước, yếu tố thuận lợi cơ bản là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; cải cách thể chế và thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giảm chi phí sản xuất kinh doanh... được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt sẽ phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động đầu tư - kinh doanh. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết Hội nghị TW5 về đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế... được kỳ vọng sẽ tạo cú huých mới cho kinh tế tư nhân phát triển. Cùng với đó là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng phát triển của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nhất là sau Hội nghị cao cấp APEC và trong bối cảnh an ninh tại nhiều nước bất ổn do tình trạng khủng bố.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng được kỳ vọng sẽ hoạt động có hiệu quả hơn sau quá trình tái cấu trúc thông qua cổ phần hoá và thoái vốn, cũng như những tiến triển mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Với việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kết quả tăng trưởng cao trong năm 2017, dự báo cầu tiêu dùng trong nước năm 2018 sẽ tiếp tục tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất.

Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn thách thức với nền kinh tế vẫn còn rất lớn. Ở trong nước, nhiều thách thức rủi ro đối với quý IV đã nêu ở phần trên còn kéo dài sang năm 2018. Bên cạnh đó, việc nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017 cũng là một thách thức cho tăng trưởng 2018, nhất là trong bối cảnh tài nguyên cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm, công nghiệp chế tạo khó có đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu... Thực tế cũng cho thấy, chưa thể kỳ vọng vào sự đột phá về năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp. Lợi thế về lao động giá rẻ đang mất đi nhanh chóng do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Ở ngoài nước, tình hình quốc tế sẽ tiếp tục diễn biến phúc tạp khó lường; xu hướng bảo hộ và đưa sản xuất về trong nước của một số nước phát triển đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu trong khối ASEAN đối với nhiều mặt hàng, trong đó có ô tô sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới một số ngành sản xuất nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nâng cao được năng lực cạnh tranh cả về giá cả và chất lượng sản phẩm.

Trong bối cảnh nói trên, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng khá cao, nhưng khó có thể vượt mức tăng trưởng 2017. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% - 6,7% trên nền tảng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo được  các cân đối lớn, bảo vệ môi trường... thì đó là một thành công lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc để phát triển bền vững.

Bài liên quan

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ