Hành trình tái khởi động, phục hồi nền kinh tế: Lấy lại ánh hào quang

Nhàđầutư
Lần đầu tiên số doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp được thành lập mới. Bình quân một tháng, 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, gây nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế. Điều nghiêm trọng hơn là ngay cả các doanh nghiệp còn hoạt động thì phần lớn cũng đang kiệt quệ, nhiều doanh nghiệp chết lâm sàng.
TS. VŨ TIẾN LỘC
02, Tháng 10, 2021 | 10:46

Nhàđầutư
Lần đầu tiên số doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp được thành lập mới. Bình quân một tháng, 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, gây nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế. Điều nghiêm trọng hơn là ngay cả các doanh nghiệp còn hoạt động thì phần lớn cũng đang kiệt quệ, nhiều doanh nghiệp chết lâm sàng.

Doanh nghiệp ốm!

Số liệu của Tổng cục Thống kê vửa công bố, cho thấy, trong 9 tháng đầu năm cả nước có 85,000 doanh nghiệp được thành lập mới trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là trên 90,000 doanh nghiệp (đây là chưa kể đến số lượng không nhỏ doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường nhưng chưa thể làm thủ tục giải thể phá sản do dịch bệnh).

Và đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp được thành lập mới. Bình quân một tháng có cả 10 ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, gây bao hệ luỵ cho nền kinh tế. Và điều nghiêm trọng hơn là ngay cả các doanh nghiệp còn hoạt động thì phần lớn cũng đang kiệt quệ, nhiều doanh nghiệp chết lâm sàng.

doanh nghiep gap kho vi covid

Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty Nestlé Việt Nam.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê 94% doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn về dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phố phía Nam, 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (các doanh nghiệp chỉ hoạt động chừng 5 - 10% công suất). Phần lớn các doanh nghiệp nói rằng, họ khó có thể trụ thêm 3 - 6 tháng tới, nếu tình hình không được cải thiện.

Vu Tien Loc Mr

 

“Mở cửa hay là chết”, 3 tháng cuối năm, 100 ngày tới là thời gian vàng và cũng là thách thức sinh tử với nền kinh tế Việt Nam. Mở cửa là con đường không thể nào khác được! Nếu mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn và chúng ta có điều kiện thuận lợi để mở cửa nền kinh tế trong điều kiện đang kiểm soát khá tốt bệnh dịch.

TS. VŨ TIẾN LỘC

Trên phương diện lao động và việc làm, trong quý III/2021, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2,4 triệu người so với quý trước. Nghĩa là đội quân thất nghiệp đã tăng 2,4 triệu người, chỉ trong 1 quý. Đằng sau 2,4 triệu người lao động cũng là sinh kế của ngần ấy gia đình. Đó là một con số khủng khiếp, rung lên hồi chuông báo động cho chính sách an sinh, đe doạ sự bình yên của xã hội và của mỗi gia đình.

Ngôi sao xuống thấp!

Có thể nói rằng cả năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới đã trở thành nền kinh tế “ngôi sao”: khi chúng ta đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh và duy trì tăng trưởng 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5,64% - mức tăng trưởng cao hàng đầu trên thế giới.

Nhưng với sự bùng phát của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, xu hướng kinh tế đã đảo chiều: “Ngôi sao xuống thấp”!

Vừa rồi, Tổng cục Thống kê đã công bố một thông tin gây “sốc”. Lần đầu tiên trong lịch sử suốt 2 thập kỷ qua, kể từ khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê theo quý, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III ước tính âm  đến 6,17%, so với quý III. Vẫn biết rằng tăng trưởng âm một vài % là điều có thể. Nhưng âm sâu tới 6,17% thì ít ai nghĩ tới. TP.HCM và một số địa phương là trung tâm dịch bệnh có thể  âm rất sâu tới 2 con số. Và xu hướng này, theo dự báo GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm!

Nguy cơ lỡ nhịp

Nhìn ra ngoài: Dự kiến ngay trong năm 2021, nền kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5,6% - mức phục hồi lớn nhất trong vòng 80 năm qua. Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, phải đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là các đối tác chiến lược của chúng ta theo các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi, đang nỗ lực nối lại các chuỗi cung ứng và các đối thủ cạnh tranh cũng đang tái khởi động và tranh thủ các đơn hàng. 20 - 30% các đơn hàng của một số nhãn hàng lớn đã chuyển đi trong những tháng qua. Các FDI không chờ đợi, các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của những tập đoàn lớn đã dừng lại, không tiếp tục triển khai, nhà đầu tư do dự.

Ở bên trong thì doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta đang sức cùng, lực kiệt, người dân và doanh nghiệp mất đi sinh kế, chi phí cho y tế tăng lên, trong khi ngân sách nhà nước và các địa phương thì co hẹp. Giải cứu nền kinh tế, giải cứu doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp bách.

Mở cửa hay là chết

May mà, với sự chuyển hướng kịp thời và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 2 tuần qua, dịch bệnh đã được kiểm soát bước đầu tại TP.HCM, Bình Dương, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác… Và chúng ta đang đứng trước cơ hội ngàn vàng để có thể nới lỏng dãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế.

“Mở cửa hay là chết”, 3 tháng cuối năm, 100 ngày tới là thời gian vàng và cũng là thách thức sinh tử với nền kinh tế Việt Nam.

Mở cửa là con đường không thể nào khác được! Nếu mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn và chúng ta có điều kiện thuận lợi để mở cửa nền kinh tế trong điều kiện đang kiểm soát khá tốt bệnh dịch.

Luật “sống chung”

Ngày 28/9, tham dự phiên đối thoại đặc biệt 90 phút của Đài tiếng Nói Việt Nam VOV1 với chủ đề “thích ứng để bình thường mới”, tôi có nhắc đến tên một bộ phim kinh điển của nền Điện ảnh Việt Nam “Bao giờ cho đến tháng 10” để kỳ vọng đến thời điểm 1/10 TP.HCM và nhiều tỉnh thành phố phía Nam mở cửa. Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nghĩ về “ngày mở cửa” 1/10, chúng ta nhớ về “ngày giải phóng” 30/4 của thành phố vinh quang và anh dũng này.

Tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp ngày 26/09 vừa qua, tôi cũng chính thức đề nghị với Thủ tướng kiên định chủ trương mở cửa nền kinh tế và đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia ban hành ngay trong tuần này tài liệu hướng dẫn “Thích ứng (hay sống chung), an toàn với COVID” để xác lập kịch bản và các khung khổ hành xử của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Chúng ta có thể coi đó là cuốn “cẩm nang”  hay là “bộ luật” “Chung sống an toàn với covid”. Đây là một công cụ quan trọng để chúng ta có thể chủ động và kiên định chung sống an toàn với dịch bệnh, tránh lúc “đóng” , lúc “mở”; lúc “siết”, lúc “buông”; trên nói một đằng, dưới làm một nẻo; tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chặn; quận, huyện bảo doanh nghiệp được vận hành, xã phường bảo người lao động “ở đâu yên đó”, “một ngõ có F0, cả vùng phong tỏa”, “ngăn sông, cấm chợ” vô lối, làm khó doanh nghiệp, làm khổ cho dân …

Có cẩm nang rồi, thì địa phương không phải xin phép Trung ương, doanh nghiệp và người dân không phải chờ phê duyệt của chính quyền, doanh nghiệp có thể chủ động các phương án dự phòng để duy trì sản xuất, các chủ nhãn hàng quốc tế có thể yên tâm vào khả năng thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp Việt Nam.

Và đối với cả nước, thông điệp của chúng ta là: Việt Nam đã mở cửa, tái khởi động phục hồi nền kinh tế, rằng: Việt Nam không để đại dịch kìm chân, Virus sẽ không thể buộc Việt Nam phải đóng cửa nền kinh tế. Việt Nam đã đang và sẽ là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư.

Đặc thù và sáng tạo

Chúng ta rất mừng, Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành phố đã xây dựng kịch bản và triển khai mở cửa nền kinh tế. Bên cạnh khung khổ hướng dẫn chung của Trung ương, tôi thiết nghĩ chúng ta cũng nên ủng hộ các giải pháp, phương án và kịch bản mở cửa và kích hoạt các hoạt động kinh tế của mỗi địa phương.

Hôm đối thoại ở VOV1, tôi đã nói: Không ai hiểu hơn TP.HCM về những mất mát và đau thương của những ngày phong toả, và không ai có thể đề ra cách thức ứng phó và chung sống an toàn với dịch tại đây như chính Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Tôi đề nghị Trung ương ủng hộ TP.HCM thực hiện những quy định và điều kiện mở cửa thành phố phù hợp với đặc thù yêu cầu về dịch tễ và phát triển kinh tế của chính mình. Với tư cách là động lực kinh tế lớn nhất của cả nước, sự hồi phục của TP.HCM sẽ là một động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế cả vùng, cả nước và kết nối lại Việt Nam với các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chúng ta cũng hoan nghênh TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đã thống nhất một chương trình kết nối để tái khởi động phục hồi nền kinh tế, với nhận thức rằng trong giãn cách hay phong toả, mỗi xã, phường là một “pháo đài” là phù hợp, nhưng trong công cuộc tái thiết phục hồi kinh tế thì phải xuất phát từ quan điểm: mỗi phường xã là một “tế bào” trong một cơ thể sống - nền kinh tế quốc dân. Chia cắt theo địa giới “ngăn sông, cấm chợ” thì nền kinh tế và doanh nghiệp chết. Chúng ta đã có nhiều bài học nhãn tiền từ những ngày phong toả. Phải kết nối để người lao động trở lại công trường, để vật tư nguyên liệu về nhà máy, hàng hoá đến thị trường, muốn vậy cả vùng, cả nước phải chung tay mở cửa.

Chính quyền và doanh nghiệp chung tay

Chúng ta chờ đợi cuốn cảm nang hướng dẫn “sống chung”, chúng ta cũng chờ đợi bản kế hoạch của Trung ương về tái khởi động, phục hồi nền kinh tế. Nhưng chúng ta không thể ngồi yên, mỗi địa phương và doanh nghiệp hãy chuẩn bị cho mình kịch bản về kế hoạch sống chung và phục hồi nền kinh tế của riêng mình, gắn với đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương, doanh nghiệp.

Tôi đã đề nghị với Thủ tướng: sáp nhập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vào Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID và tái cấu trúc lại Ban này thành Ban Chỉ đạo phòng chống COVID và phục hồi kinh tế. Ban chỉ đạo cần có đại diện của cộng đồng doanh nghiệp tham gia, để phối hợp các chính sách y tế và kinh tế hài hoà, để bảo đảm rằng mỗi quyết định về y tế phải tính đến những hệ luỵ và giải pháp về kinh tế và ngược lại.

Và dù cho không có gì là chắc chắn, nhưng giải pháp tăng cường tiêm chủng mở rộng phạm vi bao phủ vaccine vẫn là giải pháp nền tảng cho việc kiềm chế dịch bệnh. Nỗ lực từ các chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp rất cần được khuyến khích để tạo nguồn, góp kinh phí cho tiêm chủng vaccine.

Riêng về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi, chúng tôi đề nghị cần triển khai theo 5 mũi giáp công:

Một là, mở cửa thị trường: Đây là cỗ máy trợ thở lớn nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế lúc này (chủ động, nhất quán, có lộ trình, kịch bản).

Hai là, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính (Đây là thời cơ tốt cho sự đồng thuận, chung tay, đẩy nhanh cải cách).

Ba là, thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh. (Rất lưu ý dư địa còn lớn của chính sách tài khoá và không  gian rất hẹp của chính sách tiền tệ, để đề phòng lạm phát và bất ổn vĩ mô). Dự địa của chính sách tài khóa còn lớn, đầu tư công và các gói hỗ trợ mới thực hiện được 50%. Các biện pháp hỗ trợ định hướng không chỉ cứu các doanh nghiệp khó khăn mà còn nhằm thúc đẩy các ngành và doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.

Bốn là, triển khai chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng về tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đào tạo nguồn nhân lực.

Năm là, tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư kết nối lại các chuỗi cung ứng và mở mang thị trường cho doanh nghiệp.

Lấy lại ánh hào quang

Chúng ta tin tưởng rằng sự suy giảm GDP trong quý III chỉ là nhất thời, GDP sẽ đảo chiều khi các biên pháp mở cửa thị trường được kích hoạt và chúng ta có thể không đạt được mục tiêu 3,5 - 4% như dự kiến nhưng vẫn có khả năng tăng trưởng vào quý IV này và trong năm 2022, đà tăng trưởng sẽ hồi phục lại.

Mỗi địa phương cần tái cấu trúc để phục hồi tăng trưởng. Tái cấu trúc để phục hồi tăng trưởng. Đối với nền kinh tế của mỗi địa phương và doanh nghiệp, quá trình phục hồi cũng chính là quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Tái cấu trúc để phục hồi trên cơ sở các định hướng lớn sau: Đổi mới mô hình kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Chuyển đổi số, bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư; Chuyển đổi xanh, theo định hướng phát triển bền vững; Nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu trong bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế đảo chiều: theo kiểu “Hàng Trung Quốc về Tàu, Nhà đầu tư Hoa Kỳ về Mỹ”. Trong cơ cấu kinh tế mới của chúng ta, doanh nghiệp dân tộc phải là chủ đạo. Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ lên ngôi. Thị trường nội địa sẽ là chỗ đứng, hội nhập phải đa phương. Đó là những định hướng tái cấu trúc của tương lai.

Đồng bằng sông Cửu Long toả sáng

Không dựng đê điều như ngoài Bắc, từ hàng ngàn năm, Đồng bằng sông Cửu Long đã là 1 hệ sinh thái an toàn sống chung với ngập mặn thành công với vai trò là vựa lúa, vựa cá tôm của cả nước nên nông nghiệp nói chung và vùng Đồng bằng song Cửu Long nói riêng có vai trò bệ đỡ mỗi khi nền kinh tế khó khăn.

Tôi tin rằng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo ra 1 hệ sinh thái có hiệu quả, sống chung an toàn với COVID và bứt phá vượt lên trong thời gian tới, đồng thời với quá trình tái cấu trúc nền nông nghiệp, công nghệ sinh học, mô hình kinh doanh mới, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Và tôi muốn chung tay với các tỉnh khu vực vận động xây dựng 1 trung tâm quốc tế về nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu tại đây. Tất nhiên đây là việc khó nhưng rất mong được các đồng chí chung tay.

Diễn đàn Vượt qua COVID diễn ra từ 15/9/2021 đến 31/12/2021 trên nhadautu.vn. Bài tham dự diễn đàn vui lòng gửi về email: [email protected], tiêu đề ghi rõ: Bài tham dự diễn đàn “Vượt qua COVID”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ