Già làng vui bất tận

Những ngôi làng nhỏ bé và lẩn khuất trong núi, trong rừng của bà con các dân tộc đều được hình thành dựa theo kinh nghiệm sống chung với thiên nhiên cùng những bước chân thăng trầm dạn dày nắng mưa sương gió của các bậc trưởng lão, mà ngày nay ta gọi một cách trân trọng và trìu mến, ấy là các già làng.
Nhà văn TRUNG TRUNG ĐỈNH
25, Tháng 01, 2023 | 07:00

Những ngôi làng nhỏ bé và lẩn khuất trong núi, trong rừng của bà con các dân tộc đều được hình thành dựa theo kinh nghiệm sống chung với thiên nhiên cùng những bước chân thăng trầm dạn dày nắng mưa sương gió của các bậc trưởng lão, mà ngày nay ta gọi một cách trân trọng và trìu mến, ấy là các già làng.

nguoi-e-de-tay-nguyen

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Rừng sâu đầy bí hiểm, nhưng rừng sâu cũng là điểm tựa, là chốn nương thân, bởi cuộc đời ta gắn bó với rừng, với sông núi. "Ơ thần Núi, thần Sông, thần Mưa thần Gió, thần Lửa! Thần của các Thần!...", đó là câu mở đầu cho mọi bài cúng, là tiếng kêu gọi thiết tha của các nhân vật trong những bản trường ca hùng tráng dài bất tận mà ta gọi là sử thi Tây Nguyên.

Sử thi được người già kể, rồi lan truyền sang con cháu và cộng đồng, từ đời này qua đời khác, như nhắc nhở rằng, cái Núi, cái Sông, cái Lửa, cái Gió, cái Mưa Nắng kia không phải tự nhiên mà có. Nó có được là nhờ sự kỳ diệu của Thần Linh, của Yàng. Trong tiếng các dân tộc Tây Nguyên, đều gọi Trời là Yàng. Trời vừa là Thần Linh như người Việt vẫn thường gọi, nhưng có cái khác, ấy là ở nơi đây, mỗi vật đều có Yàng trong mình. Mỗi loài cây, loài con cũng có Yàng trong đó. Yàng vừa là Yàng, lại cũng là bạn, là thành viên trong cộng đồng, có ưu có khuyết, có đúng có sai. Ưu thì ta học, ta theo.

Không hay thì ta làm lễ “phê bình”, nếu quá nữa là làm lễ chia tay! Tất thảy, nhất nhất đều được “hội đồng già làng” xét xử và vị già làng có tín nhiệm nhất sẽ ra… quyết định.

Các già làng luôn luôn là chỗ dựa tinh thần của cộng đồng. Buôn làng nào có nhiều người già, buôn làng đó sẽ được giàu sang hơn, hùng mạnh hơn. Một buôn làng có thể thiếu một vài chức danh với một vài vai trò khác, nhưng già làng là không thể thiếu, mặc dù già làng hình thành tự nhiên, không qua bầu bán. Mỗi dàn ching chiêng đều phải có chiêng Cái, chiêng Con, chiêng Núm, chiêng Bằng, cái “đi” giai điệu, cái “cầm” nhịp cho cả dàn. Chiêng Cái vừa giữ nhịp vừa tôn giai điệu, giữ cho dàn nhạc chiêng giàu sinh lực và đẹp sắc diện.

Người ta ví già làng là chiêng Cái. Già làng cầm chịch mọi sinh hoạt đời sống văn hoá tinh thần của buôn làng. Già làng có cái tai nghe được cả dàn ching chiêng, biết và nhận ra ngay cái nào đi đúng, cái nào lỡ nhịp, tách đàn. Và bằng khả năng trực giác nhạy cảm của mình, già so chiêng, giống như lên dây đàn vậy. Việc so chiêng là linh thiêng, cầu kỳ và huyền bí. Khi cánh tay già giơ lên, hạ xuống, theo đấy là tiếng gõ điều chỉnh cho cả dàn chiêng, từ tiết tấu, nhịp điệu để truyền cảm hứng cho người đánh chiêng. Người đánh chiêng phải thổi hồn mình vào trong từng lá chiêng như đang được tiếp lửa...Khi con cháu dựng ngôi nhà rông cho buôn làng, vai trò của hội đồng già làng đặc biệt quan trọng.

Sự điều hành của các già làng bên ghè rượu cần cũng giống như “Bộ chỉ huy chiến dịch ở tiền phương”. Họ vẽ bản đồ rất chặt chẽ, rất chi tiết, tỉ mẩn, nhưng lại khác các vị chỉ huy ở chiến trường, các già làng rất thoải mái và phóng túng, không gượng ép gò bó bất kỳ ai, bất kỳ cung đoạn nào của công việc. Tất cả vì vẻ đẹp truyền thống của buôn làng ta. Làng ta không thể thiếu được ngôi nhà rông, nơi sinh hoạt văn hoá của cộng đồng.

Cũng như trong các ngày lễ hội, nếu không có già làng thì liệu có thành được lễ hội không?Đêm đêm trong những ngôi nhà sàn bình yên bên bếp lửa, những người già là thành viên trong cộng đồng già làng thường tới nhà một già làng trò chuyện. Hôm nay ở nhà này, ngày mai, ngày kia ở nhà khác. Vị già làng hôm ấy là trung tâm đoàn kết, là nơi thu gom kho báu kinh nghiệm sản xuất và ứng xử. Ứng xử với thiên nhiên khi sấm sét, lũ lụt, khi mưa to, bão lớn, khi núi lở, sông cạn, khi có thú dữ loạn rừng, khi hạn hán kéo dài...

Và các già làng chính là kho tư liệu luật tục ngàn đời truyền lại, là cuốn từ điển bách khoa sống động, giúp cho con cháu biết điều hay lẽ phải, biết cái đúng cái sai, để ứng xử trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên. Những cô gái Mơ Nông, Bah Nar, Jrai thường tỏ điều tâm sự của mình cùng cây đàn làm bằng tre nứa, gọi là dinh yiơng, được các già làng làm cho đấy. Già bảo, khi nào trong bụng có điều gì buồn, không nói được với ai, thì đem đàn ra chơi. Tự chơi tự mình nghe… Đó là loại nhạc cụ như một chùm ống nứa, chỉ dành riêng cho phụ nữ.

Nỗi buồn của riêng ta, ta biết trong lòng, nhưng nếu ta không trút được vào trong hơi thở, vào trong âm thanh thì thầm của đinh yiơng, ta sẽ dễ đàng ngã gục Bà cụ trăm tuổi của làng ta là niềm tự hào chung của cả cộng đồng. Cụ bà tồn tại như là sự hiện diện của lòng kiêu hãnh của buôn làng trước vị thần Thời Gian linh thiêng và huyền bí. Trong các bản trường ca cổ của các dân tộc Mơ Nông, Bah Nar, JơRai, Ê Đê, Xê Đăng, Giẻ Triêng... thường xuất hiện các tù trưởng là nữ. Nhưng già làng thì vẫn là các vị đàn ông cao niên tài giỏi, thời trai trẻ đã từng là những tay phóng lao lừng danh, tay rựa sắc bén, tay ná cự phách. Già làng từ thời cổ xưa đã có nhiều quyền uy, cái quyền uy không mang dấu ấn nào của bạo lực, của cường quyền mà là cái quyền uy linh thiêng xuất phát từ lòng ngưỡng mộ, tôn sùng vì đức trọng, tài cao, uy danh lừng lẫy.

Những điệu múa mà người Mơ Nông, Bah Nar, người JơRai đều gọi là xoang. Những bước xoang bước theo nhịp của cồng chiêng. Âm nhạc cồng chiêng là tiếng lòng của người Tây Nguyên, là niềm vui và cả nỗi buồn. Cồng chiêng không tạo nên vẻ đẹp linh thiêng huyền diệu của con người nếu không có làng rừng. Làng và rừng là không gian văn hóa của cồng chiêng. Các nhà quản lý xã hội, quản lý văn hóa mà không hiểu điều cốt lõi ấy thì cái gọi là quy hoạch mới đều bằng không, giống như người ta lôi cồng chiêng lên sân khấu, ra đường phố biểu diễn vậy, chỉ là để thỏa mãn cái “ngọn” quảng cáo cho các dự án kinh tế chứ không phải là cái “gốc”, ấy là núi, là rừng tự nhiên. Mất núi mất rừng là mất không gian văn hóa cồng chiêng.

Mỗi bến nước miền rừng núi đều mang theo tên đất, tên làng, buôn. Làng buôn gắn liền với tuổi thơ, gắn liền với bến nước, dòng sông. Bến nước, dòng sông, dòng suối gắn với đời người, dù ở trong rừng sâu núi thẳm. Bến nước này là do già làng ta chọn, dân làng ta chọn. Chọn bến nước, giọt nước ấy là chọn nơi cư trú cho mình, chọn giàu nghèo trong tương lai cho cộng đồng.

Trong du lịch mà không có các khu rừng nguyên sinh cho các du khách tham quan cùng với các ngôi làng rừng của bà con sinh sống tự nhiên với thiên nhiên thì cũng giống như điệu cồng chiêng lên sân khấu bùng binh cho vui tai vậy thôi!Những tấm thổ cẩm với muôn ngàn đường hoa văn rực rỡ được dệt nên bởi những bàn tay chai sạn, cần cù mà già làng có thể chỉ ra cho ta hiểu ý nghĩa mỗi chi tiết, mỗi đường tơ, mũi chỉ lên xuống trập trùng.

Tấm dồ chàng Đam San, tấm hà bành nàng Hơ Bia, dây khố kơtenl chàng Đăm Noi cùng với tiếng rung vòng đồng, tiếng ngân vòng bạc ngày làng ta rước Mẹ Lúa về kho, làm lễ hội ăn cốm dưới trăng rộn ràng tiếng hát ca vây quanh già làng trước cây nêu, ghè rượu, trước đống lửa linh thiêng cùng tiếng của dàn ching chiêng reo mừng được mùa là niềm vui bất tận và bền bỉ mãi mãi nhưtrời đất vậy.

Tiếng đinh yiơng là nơi nương tựa, giúp ta dịu lòng thoát khỏi cô đơn, giúp tâm hồn ta trở nên yên lành, không còn yếu đuối ngập chìm trong u mê. Âm thanh ấy là bạn tâm giao. Ta nhập hồn ta vào trong ống nứa...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ