Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt năm 2009, do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Tuyến đường sắt dài 12,5 km với 12 ga, trong đó có 8,5km đi trên cao, 4 km đi ngầm.
Tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 783 triệu euro, sau đó điều chỉnh tăng lên hơn 1,1 tỷ euro (tăng hơn 66%). Trong đó, có 957 triệu euro vốn ODA từ 4 nhà tài trợ quốc tế, phần còn lại là vốn đối ứng trong nước.
Tại quyết định phê duyệt dự án, Hà Nội dự kiến khởi công năm 2006 để hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, phải tới tháng 9/2010 dự án mới chính thức được khởi công trong chuỗi sự kiện chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, và tiến độ được lùi tới năm 2015. Sau khi lùi tiến độ nhiều lần, năm 2019, Hà Nội quyết định tách phần trên cao khai thác trước vào cuối năm 2021, đoạn đi ngầm hoàn thành cuối năm 2022. Tới nay, mốc hoàn thành tiếp tục lùi lần lượt tới cuối năm 2022 và năm 2025.
Trong báo cáo cập nhật tiến độ mới nhất gửi UBND TP. Hà Nội về dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, MRB cho hay, đến nay, tiến độ tổng thể dự án trên đạt khoảng 74,6%, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,2%.
Theo MRB, với đoạn trên cao, tới nay toàn bộ mặt bằng đã được bàn giao cho nhà thầu, không ảnh hưởng thi công, nhưng còn 177 hộ dân nhường đất xây dựng khu Depot (khu kỹ thuật) và đường dẫn có khiếu nại liên quan tới chính sách hỗ trợ tái định cư.
Theo UBND TP. Hà Nội, từ tháng 7/2021, liên danh 2 nhà thầu nước ngoài là Hyundai (Hàn Quốc) và Ghella (Ý) đã dừng thi công tại nhiều ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội với lý do không được bàn giao mặt bằng theo cam kết.
Đồng thời, các nhà thầu này đã 3 lần gửi khiếu nại yêu cầu dự án bồi thường hơn 114 triệu USD về việc chậm bàn giao mặt bằng thi công, dẫn đến chậm tiến độ, gây thiệt hại cho nhà thầu.
Trước tình trạng này, tháng 10/2021, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Đống Đa phối hợp với chủ đầu tư dự án ga ngầm S11 huy động máy móc, công nhân tiến hành giải tỏa ngôi nhà số 23 Quốc Tử Giám - công trình nằm trong vùng bị ảnh hưởng khi thực hiện đào thăm dò ngầm, cần bố trí tạm cư, phá dỡ. Do là đối tượng phát sinh thêm, gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, ngôi nhà không được giải tỏa trong thời gian dài khiến cho tiến độ phần ga ngầm S11 đi qua khu vực này (theo hướng Quốc Tử Giám về ga Hà Nội) bị ngừng trệ suốt nhiều tháng.
Theo MRB, phát sinh trong GPMB đoạn ngầm là chưa có chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với công trình bị ảnh hưởng do thi công, đối tượng phải tạm cư.
Vừa qua, Hà Nội đã phê duyệt khung chính sách với mức hỗ trợ tạm cư 6 triệu đồng/tháng/cặp vợ chồng; hỗ trợ phục hồi sinh kế cho chủ đất 1 tháng lương tối thiểu (4.420.000 đồng/người/tháng) và tối đa 16 triệu/hộ dân/tháng.
MRB đã trình UBND TP. Hà Nội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (metro Nhổn - ga Hà Nội). Cụ thể, MRB Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009-2022 thành 2009-2029, trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao trong năm 2022; vận hành toàn tuyến vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029.
Trước khi dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được khởi công, dự án này từng được kỳ vọng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP. Hà Nội đi vào hoạt động, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc của Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, có thể nói đây là dự án chậm tiến độ nghiêm trọng nhất, đội vốn "khủng" nhất cả nước.
So với tổng vốn đầu tư ban đầu là 18.408 tỷ đồng từ năm 2006, kế hoạch hoàn thành vào năm 2010 thì đến nay, sau 3 lần điều chỉnh vốn và 4 lần lùi tiến độ, dự án sẽ tiêu tốn 34.532 tỷ đồng, tiến độ được lùi tới năm 2029. Ước tính, dự án chậm tiến độ 19 năm với vốn đầu tư tăng 16.000 tỷ đồng (tương đương 87,5%), phá vỡ mọi kỷ lục về đội vốn, chậm tiến độ của các dự án hạ tầng giao thông từ trước đến nay.