Du học sinh trở về, lương còn kém hơn học trong nước

Với bằng cấp từ nước ngoài cùng vốn ngoại ngữ tốt, nhiều du học sinh vẫn nhận mức lương tương đương, đôi khi còn kém hơn ứng viên học tập trong nước.
THỤC HẠNH
17, Tháng 12, 2021 | 07:56

Với bằng cấp từ nước ngoài cùng vốn ngoại ngữ tốt, nhiều du học sinh vẫn nhận mức lương tương đương, đôi khi còn kém hơn ứng viên học tập trong nước.

“Mình rất bối rối khi nhà tuyển dụng đề xuất mức lương 6,5 triệu đồng”, Nguyễn Phương Thảo (25 tuổi, du học sinh trở về từ Mỹ) chia sẻ cùng Zing.

Vào năm 2020, sau bốn năm học đại học ngành truyền thông tại đất nước cờ hoa, Thảo trở về TP.HCM tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp. Với khả năng nói tiếng Anh lưu loát cùng bằng cấp tại môi trường giáo dục hiện đại, cô kỳ vọng mình dễ dàng đạt được mức thu nhập tốt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế lại khiến cô thất vọng.

“Mình ứng tuyển vào vị trí nhân viên marketing cho một công ty sản xuất đồ gia dụng. Phòng nhân sự cho biết chỉ có thể đề xuất mức lương khởi điểm như trên, sẽ nâng lương nếu mình có thể hiện tốt. Trước đó, mình đã hy vọng mức thu nhập sau thuế khoảng 15-18 triệu đồng”, Thảo nói.

Lương thấp

Sau lần thất vọng đầu tiên, Thảo tiếp tục gửi hồ sơ của mình đến một số công ty khác. Cô nhận thấy bằng cấp của mình có thể gây ấn tượng tốt với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty lớn.

Tuy nhiên, đến vòng thi tuyển hoặc phỏng vấn, nhà tuyển dụng lại tỏ ra nghi ngờ về kinh nghiệm cùng sự am hiểu của Thảo đối với thị trường nội địa.

“So với các ứng viên học tập trong nước, mình có lợi thế hơn về ngoại ngữ, nhưng lại không được đánh giá cao về kinh nghiệm nắm bắt thị hiếu khách hàng Việt Nam. Sau nhiều cuộc phỏng vấn với các công ty khác nhau, cuối cùng mình đã lựa chọn làm việc tại một agency quảng cáo với mức lương cứng 10 triệu đồng kèm hoa hồng theo từng dự án, tương đương bất cứ ứng viên nào. Đến hiện tại, mình vẫn làm việc tại đây”, cô cho hay.

z3023782726353_7c9cc5b0070a54ad53dc0722a27942f1_zing

Nhiều du học sinh thất vọng khi được đề xuất mức lương hạn chế. Ảnh: Nam Khánh.

Nguyễn Đinh Trường (26 tuổi, ngụ Hà Nội) về nước sau khi hoàn thành bậc học thạc sĩ, chuyên ngành Truyền thông. Tự tin với bằng cấp được đào tạo ở Italy, nhưng suốt nửa năm đầu về nước, anh không tìm thấy nơi nào có mức lương vừa ý. Thậm chí, so với một sinh viên vừa tốt nghiệp, lương khởi điểm của anh còn kém hơn.

"6 năm đi học, mình cố gắng hoàn thành việc lấy bằng để về nước. Kinh nghiệm làm việc chỉ dừng lại ở các lần đi thực tập và bưng bê, dọn dẹp, bán hàng làm thêm. Trong khi đó, nhiều bạn sinh viên ở nhà đã có cơ hội đi làm thêm đúng chuyên ngành ở các công ty có tiếng", Trường giải thích.

Đọc CV của những người vào công ty cùng lúc với mình, Trường cảm thấy tự ti khi nhiều bạn 22, 23 tuổi đã được trải nghiệm tại môi trường chuyên nghiệp, có lời nhận xét của những người có tiếng trong ngành, có mối quan hệ với một số khách hàng, chuyên gia ở mảng.

"Những gì mình có chỉ tấm bằng, lý thuyết. Để tránh cảm giác tự ti và thất vọng, mình hiểu phải bắt đầu từ con số 0, coi mình là 'ma mới', không đặt mình quá cao theo bằng cấp, và cố gắng học hỏi nhanh trong thời gian ngắn nhất", Trường chia sẻ.

L.T.P. (26 tuổi, ngụ Hà Nội) cũng chung tình cảnh.

Tháng 11/2020, cô tốt nghiệp bậc thạc sĩ ngành Sinh học tại Anh, trở về Việt Nam với nhiều kỳ vọng cho sự nghiệp. Kết quả cho thấy cô đã đạt được nguyện vọng của mình khi nhanh chóng được tuyển dụng vào một viện nghiên cứu thuộc nhà nước.

Nhưng mức thu nhập theo bậc lương công chức chỉ vài triệu đồng khiến cô không tránh khỏi buồn bã.

“Du học về nước, mình mong muốn tìm được một công việc đúng ngành với mức lương phù hợp với năng lực. Tuy nhiên, như mọi người biết thì ngành nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị và thù lao cho nhà nghiên cứu. Mình biết có không ít nhà nghiên cứu sớm rẽ ngang sang con đường khác bởi thu nhập không đủ cho chi phí cuộc sống”, P. thở dài.

Dù mức lương thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, P. vẫn quyết tâm theo đuổi ngành nghiên cứu khoa học. Tuy vậy, cô cho biết vẫn phải tìm kiếm thêm một công việc ngoài giờ nhằm có thêm thu nhập, đảm bảo cho cuộc sống cá nhân.

Cũng theo P., đối với chuyên ngành của cô, bằng cấp từ nước ngoài chính là một lợi thế lớn bởi cho thấy được khả năng nghiên cứu và học tập của cô trong một môi trường vừa đòi hỏi khả năng học thuật và các kỹ năng tại phòng thí nghiệm.

Nhưng cũng như mọi ngành nghề khác, năng lực thực tế mới là cơ sở để tổ chức lựa chọn cô gắn bó lâu dài với công việc.

“Mình rất đam mê làm khoa học, nên dù công việc này không cho mình một mức lương hậu hĩnh, mình vẫn sẽ gắn bó và cống hiến cho nó”, P. tâm sự.

z3023783308694_a04af3cf72dd9697f62fb7f44c56e9dc

Khối ngành công nghệ thông tin săn đón ứng viên có bằng cấp nước ngoài. Ảnh: TTXVN.

Tiếp tục du học

Giấc mơ thu nhập cao của L.G.H. (24 tuổi) cũng tan vỡ sau khi cô tốt nghiệp một trường đại học tại Anh, trở về Việt Nam tìm kiếm việc làm.

Ba năm theo đuổi ngành học quản trị kinh doanh và marketing mang đến cho H. nhiều sự tự tin, đặc biệt khi cô còn có khả năng ngoại ngữ tốt. Nhưng khi phỏng vấn với một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch men tại TP.HCM, cô ngỡ ngàng khi thấy mình không được đánh giá cao hơn ứng viên trong nước.

Đặc biệt, mức lương hạn chế cùng các chế độ phúc lợi không minh bạch từ phía công ty càng khiến H. thất vọng.

“Nhà tuyển dụng đề xuất cho mình mức lương tháng 10 triệu đồng, nhưng cho biết chỉ khai thuế và đóng bảo hiểm trên mức 3 triệu đồng mà thôi. Họ cũng nói sẽ hỗ trợ mình tiền ăn trưa 20.000 đồng/ngày, nhưng suốt 6 tháng làm việc tại đây, mình không thấy có. Chế độ bảo hiểm xã hội cũng rất nhập nhằng, mình kiểm tra chỉ thấy được đóng một tháng bảo hiểm duy nhất”, H. than thở.

H. quyết định xin nghỉ việc, tìm kiếm một môi trường làm việc mới. Thế nhưng, cô vẫn không cảm thấy hài lòng với các chế độ lương, thưởng từ đơn vị này.

“Mình và các bạn ứng viên học tập trong nước đều được trả mức lương như nhau là 10 triệu đồng/tháng. Đây không phải thu nhập mình mong muốn nhưng vẫn chấp nhận làm việc để lấy kinh nghiệm. Sau vài tháng, công ty tuyên bố phải cắt giảm lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập của mình càng kém hơn”.

H. lại nghỉ việc tại đây sau 6 tháng. Cô nhận ra Việt Nam có lẽ không là thị trường lý tưởng dành cho mình.

Đến giữa năm 2021, H. quyết định sang Canada tiếp tục học tập bậc thạc sĩ và cho biết sẽ ở lại nước ngoài làm việc.

“Sau một số trải nghiệm công việc không mấy thuận lợi tại Việt Nam, gia đình quyết định cho mình sang Canada học thêm và dự định sẽ định cư tại đây”, H. chia sẻ.

z3023801458885_8f66b30849736c9dfef6f5ceab4b3fe5_zing

Nhiều du học sinh quay trở lại thị trường nước ngoài học tập, làm việc. Ảnh: Nam Khánh

Không quá mặn mà

Câu chuyện của du học sinh và những kỳ vọng về thu nhập, đãi ngộ tại Việt Nam đã được bàn luận khá nhiều trong thời gian qua.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Navigos Search miền Bắc, Navigos Group, thị trường trong nước chia lực lượng người lao động với bằng cấp nước ngoài làm ba nhóm: Việt kiều; người có bằng cấp nước ngoài và kinh nghiệm làm việc; và du học sinh mới về nước.

Mỗi nhóm trên sẽ có được mức độ săn đón cùng thu nhập đề xuất khác nhau.

“Trên thực tế, người lao động có bằng cấp nước ngoài vẫn được các doanh nghiệp ở Việt Nam chào đón, nhưng họ phải là người phù hợp, có năng lực và đáp ứng được các yêu cầu của công ty”, bà Lan trao đổi cùng Zing.

Bà Lan cho biết, đối với nhóm người lao động là Việt kiều, họ là những ứng viên được các doanh nghiệp đề cao và luôn chào đón tuyển dụng đối với các vị trí cấp trung và cấp cao.

Nhóm người lao động có bằng cấp nước ngoài và kinh nghiệm làm việc cũng được nhiều nhà tuyển dụng yêu thích. Tuy nhiên, họ cũng phải là người phù hợp với văn hóa và đáp ứng được các yêu cầu của tổ chức.

"Còn đối với du học sinh mới về nước hoặc mới ra trường, đây có lẽ là nhóm người lao động không còn được quá đề cao như trước đây, vì một số lý do như:

- Hiện nay, cơ chế đào tạo trong nước đã có những sự thay đổi tiến bộ cả về kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ. Do đó, các ứng viên trong nước hoàn toàn có đủ điều kiện để tiếp thu nền giáo dục hiện đại, phát triển.

- Với chương trình đào tạo vừa học vừa làm, các bạn sinh viên tại Việt Nam có sự am hiểu về quy trình làm việc, va vấp thực tế, sẽ có khả năng đáp ứng công việc nhanh hơn du học sinh mới về nước.

- Bên cạnh đó, các du học sinh mới về nước thường có xu hướng đánh giá bản thân quá cao, thường có những yêu cầu cao hơn đối với các doanh nghiệp về tiền lương, chế độ phúc lợi…

Mặc dù các ứng viên là du học sinh có những lợi thế nhất định, song, so với họ, ứng viên trong nước cũng hoàn toàn không thua kém”, bà Lan cho hay.

z3023794159598_5f15324b9c5b9f5770ba82c575e87759_zing

Bằng cấp nước ngoài không còn là yếu tố được các doanh nghiệp quá đề cao. Ảnh: Việt Linh.

Cũng theo Giám đốc Navigos Search miền Bắc, có rất nhiều ngành nghề tại Việt Nam chào đón ứng viên có bằng cấp nước ngoài như ngân hàng, sản xuất công nghiệp... Tuy nhiên, lĩnh vực thường ưu tiên nhất chính là các khối ngành liên quan đến công nghệ, kỹ thuật số.

Đặc biệt, du học sinh có bằng tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu luôn được săn đón.

“Nhưng thực tiễn cho thấy nếu các ứng viên chỉ có bằng tốt nghiệp thôi thì chưa đủ. Các bạn cũng cần phải học thêm các chứng chỉ chuyên môn khác liên quan đến ngành, có những nghiên cứu chuyên sâu hơn và học thêm về các module khác”, bà Lan nói.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng nói chung, tuyển dụng nhân sự cấp cao tại Việt Nam nói riêng, bà Lan cho rằng những du học sinh có bằng cấp nước ngoài cần tự đánh giá năng lực của mình một cách khách quan dựa trên nhu cầu của thị trường lao động trong nước.

Ngoài ra, họ cũng cần tìm hiểu và phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp.

“Ngày nay, các doanh nghiệp đều rất cởi mở trong việc lĩnh hội nhiều nền văn hóa khác nhau nhằm chào đón lực lượng nhân viên đa dạng. Nhưng mỗi tổ chức sẽ đều có bản sắc riêng đòi hỏi ứng viên dù trong hay ngoài nước phải thích ứng”, bà cho hay.

(Theo Zing)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ