Các bệnh viện tự chủ tài chính kêu cứu

Nhàđầutư
Hầu hết các bệnh viện ở các tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội đều rơi vào tình trạng thiếu vắng bệnh nhân, nguồn thu giảm sút mạnh, buộc phải cắt giảm các khoản lương và phụ cấp, thậm chí có nơi, bị cắt giảm đến 50% lương cơ bản.
ANH PHONG
13, Tháng 09, 2021 | 07:30

Nhàđầutư
Hầu hết các bệnh viện ở các tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội đều rơi vào tình trạng thiếu vắng bệnh nhân, nguồn thu giảm sút mạnh, buộc phải cắt giảm các khoản lương và phụ cấp, thậm chí có nơi, bị cắt giảm đến 50% lương cơ bản.

Empty

Khu vực đăng ký khám ở một bệnh viện chỉ lưa thưa một vài người. Ảnh: Báo Lao động.

Cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có các bệnh viện công lập là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách thể chế kinh tế ở nước ta. Việc áp dụng cơ chế này đã góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cao tính chủ động cho hoạt động của các bệnh viện công lập. Tuy nhiên, trong bối cảnh chống COVID-19, nhiều bệnh viện đã tỏ ra đuối sức với việc thực hiện cơ chế này.

Khó trụ nổi do nguồn thu giảm mạnh

Trong thời điểm dịch bệnh diễn ra những tháng vừa qua, với biện pháp giãn cách xã hội, hầu hết các bệnh viện thiếu vắng  bệnh nhân tự nguyện, ngoài những ca cấp cứu. Tại nhiều bệnh viện, các khoa như đông y, da liễu, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, thẩm mỹ… gần như đóng cửa, không có nguồn thu.

PGS-TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa ngoại Bệnh viện Đại học y Hà Nội cho biết, theo quan sát của ông không chỉ bệnh viện Đại học Y và mà nhiều bệnh viện khác tại Hà Nội đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Giãn cách xã hội làm cho lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm 80-90%, nguồn thu cũng giảm tương ứng, trong khi vẫn phải chi trả lương và các chi phí khác để duy trì hoạt động.

“Bệnh viện tự chủ tài chính cũng giống như doanh nghiệp, muốn chi phải có thu, nguồn thu giảm mạnh mà vẫn phải chi lớn thì không trụ nổi, chỉ có những bệnh viện có dự trữ tài chính mới cầm cự được vài ba tháng, còn lại đều buộc phải cắt mạnh tiền lương và thu nhập của y bác sỹ và người lao động”, Bác sỹ Hùng nói.

Tại bệnh viện Xanh-pôn, một bệnh viện lớn của Hà Nội, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh chỉ còn 10-20% so với trước. BS. Nguyễn Đức Long, Giám đốc bệnh viện cho biết tình hình rất khó khăn, mặc dù đã có chủ trương hỗ trợ để các bệnh viện đảm bảo chi trả đủ lương cơ bản cho các y bác sỹ và nhân viên, nhưng chủ trương này chưa được thực hiện. “Đây là chính sách hỗ trợ rất cần thiết và chúng tôi mong được thực hiện sớm, vì nếu chậm trễ nhiều bệnh viện sẽ không trụ nổi”, BS Long nói.

Tình trạng này càng nan giải hơn tại các vùng dịch bùng phát mạnh như TP.HCM, Bình Dương... Các bệnh viện không có nguồn thu nhưng phải tham gia chống dịch điều trị bệnh nhân COVID-19.

PGS-TS. Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết: “Thống Nhất là bệnh viện tự chủ hoàn toàn về tài chính, phải làm ra tiền thì mới có lương cho anh em. Bây giờ, không có bệnh nhân, nhưng lại phải tập trung chống dịch. Chúng tôi đang thực hiện hình thức tạm chi lương cơ bản cho toàn thể cán bộ, nhân viên bệnh viện bằng nguồn dự trữ còn lại, nhưng sắp hết rồi”

Tương tự, bác sỹ Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM chia sẻ, lượng bệnh nhân giảm khoảng 90%, nguồn thu toàn bệnh viện giảm hơn 90% nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả lương và một phần trợ cấp cho nhân viên y tế. “Chúng tôi cũng đang trông chờ vào các chính sách hỗ trợ và gói động viên tuyến đầu chống dịch”, ông nói.

Cùng chung tình trạng trên, BS. Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh TP.HCM cho biết, nhiều y bác sĩ đang rất khó khăn nhưng phải quán triệt tư tưởng chung để cùng nhau chia sẻ vượt qua dịch bệnh. “Nguồn tài chính nhất định từ phát triển sự nghiệp đang được bệnh viện sử dụng để chi trả lương cho cán bộ, công nhân viên, nhưng nếu dịch kéo dài sẽ rất khó khăn”, bác sỹ Khanh cho biết.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các bệnh viện ở các tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội đều rơi vào tình trạng thiếu vắng bệnh nhân, nguồn thu giảm sút mạnh, buộc phải cắt giảm các khoản lương và phụ cấp, thậm chí có nơi, bị cắt giảm đến 50% lương cơ bản.

Cần đẩy nhanh các gói hỗ trợ

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân.

Được biết, mới đây trong tờ trình gửi Chính phủ về chế độ trợ cấp trong phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị nâng mức trợ cấp chống dịch cho nhân viên y tế lên gấp đôi so với hiện hành cho người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19, tức là 600.000 đồng/người/ngày. Các nhóm nhân viên y tế tham gia điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phân tích mẫu... tại cơ sở y tế, xử lý môi trường y tế được đề nghị tăng trợ cấp từ 300.000 đồng/người/ngày hiện nay lên mức 400.000 đồng/người/ngày.

Người vận chuyển mẫu bệnh phẩm, vận chuyển người bệnh, vận chuyển người tử vong do COVID-19, giám sát và theo dõi dịch tễ tại xã phường được đề nghị nâng trợ cấp từ 200.000 đồng/người/ngày hiện nay lên gấp đôi. Đội vận chuyển cấp cứu 115 hiện đang nhận trợ cấp mức 150.000 đồng/người/ngày được đề nghị lên 300.000-400.000 đồng/người/ngày. Các nhóm đang được trợ cấp mức 130.000 đồng/người/ngày được đề nghị nâng lên mức 200.000 đồng/người/ngày. Nâng mức tiền ăn cho nhân viên y tế tham gia chống dịch từ 80.000 đồng/người/ngày hiện nay lên 150.000 đồng/người/ngày.

Tuy nhiên, ngoài việc nâng mức trợ cấp chống dịch đối với y bác sỹ và các đối tượng nói trên, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các bệnh viện công lập đang không thể tự trang trải về tài chính do giãn cách xã hội. Các bệnh viện này cũng đang tham gia chống dịch với các cấp độ khác nhau. Có bệnh viện trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19, có bệnh viện gửi y bác sỹ ra tuyến đầu hỗ trợ các địa phương chống dịch (và cũng phải trả lương cơ bản cho họ).

Có bệnh viện không trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, nhưng đang làm nhiệm vụ cấp cứu điều trị cho các bệnh nhân khác. Tất cả họ đang thực hiện nhiệm vụ cao cả là cứu người, bảo vệ sinh mệnh của người dân. Tùy theo mức độ khác nhau, các bệnh viện này đang rất cần được hỗ trợ để trụ vững, vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo được đời sống cho đội ngũ lương y.

Bệnh viện tự chủ tài chính không khác gì doanh nghiệp nếu xét về khía cạnh tài chính. Một khi doanh nghiệp khó khăn về tài chính do tác động của đại dịch được nhận các gói hỗ trợ, thì không có lý gì các bệnh viện lại không được hỗ trợ.

Thực tế đang đòi hỏi phải khẩn trương hành động để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc “quan tâm hơn nữa đời sống vật chất tinh thần của lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ