Vì sao Đồng Nai huỷ bỏ hàng trăm dự án ra khỏi kế hoạch sử dụng đất?

Nhàđầutư
Theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, trong năm 2021, việc triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh còn thấp vì nhiều dự án chưa hoặc triển khai chậm, nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất quá 3 năm không thực hiện được nên buộc phải hủy bỏ.
LÝ TUẤN
20, Tháng 01, 2022 | 13:20

Nhàđầutư
Theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, trong năm 2021, việc triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh còn thấp vì nhiều dự án chưa hoặc triển khai chậm, nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất quá 3 năm không thực hiện được nên buộc phải hủy bỏ.

Do nhu cầu phát triển của các huyện, thành phố trên địa bàn, hàng năm, tỉnh Đồng Nai đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất nhiều dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh để thực hiện. Trong đó, có nhiều dự án cấp quốc gia, tỉnh, huyện, thành phố, tuy nhiên, do thời gian dài các dự án không được thực hiện nên các địa phương buộc phải đề xuất hủy bỏ, loại ra khỏi kế hoạch sử dụng đất.

Thông tin về vấn đề này, bà Đào Thị Thanh Hoài, Trưởng phòng Quy hoạch (Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai) cho biết, trong năm 2021, việc triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh còn thấp vì nhiều dự án chưa hoặc triển khai chậm, nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất quá 3 năm không thực hiện được nên buộc phải hủy bỏ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Qua kiểm tra, rà soát cũng có nhiều dự án, công trình vướng các quy định về đất đai, đầu tư, nhưng một phần do phòng TN&MT chưa phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban khác trong huyện, thành phố để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án”, bà Hoài đánh giá.

j

Các địa phương đã đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai hủy bỏ 410 dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội với diện tích hơn 8.000 ha. Ảnh minh hoạ: CafeF

Theo số liệu từ Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt 1.967 dự án với diện tích 29.456ha, nhưng đến cuối năm mới hoàn thành thủ tục đất đai 223 dự án, có 1.309 dự án đang triển khai và chưa thực hiện 435 dự án.

Trước tình hình đó, các địa phương trên địa bàn đã đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai hủy bỏ 410 dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội với diện tích hơn 8.000 ha, chiếm gần 21% số dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2021.

Theo các địa phương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các dự án không khởi công xây dựng và hoàn thành theo đúng lộ trình là vì trên địa bàn cùng lúc triển khai nhiều dự án, đội ngũ làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ít, trong khi công việc này rất phức tạp, mất nhiều thời gian để thực hiện nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Chưa kể, có nhiều dự án lấy vào đất lúa, đất rừng phải chờ đợi tỉnh hoặc Trung ương chấp thuận cho chuyển đổi mới thực hiện được…

Thực tế, việc triển khai các dự án có liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn vướng nhiều thủ tục, nhiều doanh nghiệp phải mất bình quân 4-6 năm mới hoàn thành (thu hồi đất thuận lợi), còn nếu không may vướng mắc ở các khâu như: Quy hoạch chưa phù hợp, bồi thường giải tỏa khó khăn, “dính” vào đất lúa hoặc đất rừng… thì một dự án trên thực tế có thể kéo dài đến 8-10 năm mới xong.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai) cho rằng, thời gian qua, rất nhiều dự án trên địa bàn tỉnh chậm triển khai là do vướng vào bồi thường giải phóng mặt bằng. Hầu hết người dân khiếu nại giá đất bồi thường thấp hơn so với giá thị trường đang giao dịch.

“Đặc biệt, các dự án phải thu hồi đất nông nghiệp khu vực đô thị còn khó khăn hơn, vì những khu vực này giá đất bị đẩy lên rất cao, trongkhi, đơn vị tư vấn xác định giá đất không sát thực tế rất dễ dẫn đến người dân có đất bị thu hồi trong dự án không đồng thuận, khiến các dự án chậm triển khai”, ông Quế thông tin.

Trong khi đó, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, các dự án huỷ bỏ và chậm triển khai là do Luật Đất đai chậm sửa đổi dẫn đến nhiều bất cập, bên cạnh đó, tình trạng chồng chéo giữa Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản cũng gây cản trở lớn. Tuy nhiên, các vướng mắc liên quan đến luật, quy định của Trung ương, đã được tỉnh tổng hợp và kiến nghị tháo gỡ.

Còn về phía các địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã yêu cầu các địa phương trên địa bàn có dự án nằm trong quy hoạch sử dụng đất phải chủ động kịp thời tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền của mình để các chủ đầu tư có thể triển khai nhanh dự án, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Bổ sung nhiều quỹ đất cho giai đoạn 2021-2030

Theo định hướng phát triển của tỉnh Đồng Nai, tỉnh dự kiến sẽ xây dựng huyện Long Thành thành đô thị sân bay, huyện Nhơn Trạch là thành phố mới. Đây sẽ là hai khu vực có những đột phá về phát triển kinh tế trong những năm tới, khi cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu xây dựng xong và đưa vào khai thác. Do đó, tỉnh đang tập trung quy hoạch sẵn đất đai để phát triển.

Đối với huyện Long Thành, trong giai đoạn 2021-2030, dự tính sẽ chuyển đổi gần 15.600 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án trên các lĩnh vực. Riêng lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, khu dân cư, giao thông có 252 dự án với tổng diện tích lên đến hơn 10.000 ha. Trong đó, có 13 dự án về khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thương mại dịch vụ 43 dự án; giao thông 83 dự án và khu dân cư, khu đô thị có 113 dự án.

Còn huyện Nhơn Trạch dự tính sẽ chuyển đổi hơn 6.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2030, để thực hiện 602 dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, thương mại dịch vụ để trở thành đô thị loại II vào năm 2025.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 sẽ là cơ sở để các huyện mời gọi doanh nghiệp đầu tư triển khai dự án trên từng lĩnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương lai, 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch sẽ trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là khu vực nhiều nhà đầu tư đang quan tâm muốn đầu tư vào các dự án thương mại dịch vụ, khu đô thị, công nghiệp, logistics, du lịch, cảng…

Đáng chú ý, mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là sẽ huy động nguồn vốn toàn xã hội khoảng hơn 100.000 tỷ đồng/năm để đầu tư cho các lĩnh vực nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo đó, tỉnh cũng dự báo trong giai đoạn 2021-2030, kinh tế của Đồng Nai sẽ có những bước phát triển vượt bậc nhờ vào lợi thế về hạ tầng kỹ thuật. Do dó, các huyện, thành phố căn cứ vào những dự báo trên quy hoạch sẵn quỹ đất để đón đầu, sau đó mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá, trong 10 năm tới, 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế và trở thành trung tâm kinh tế quan trọng của tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, tỉnh rất quan tâm, bổ sung đầy đủ quỹ đất cho từng lĩnh vực trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 để tới đây thuận lợi hơn trong mời gọi đầu tư vào các dự án nhằm khai thác được những tiềm năng sẵn có của từng địa phương.

Đối với huyện Long Thành định hướng sử dụng đất sẽ căn cứ theo vị trí kết nối hạ tầng giao thông quốc gia, quỹ đất phát triển không gian đô thị - công nghiệp - thương mại dịch vụ, cơ sở vật chất đô thị, xã hội hiện có.

Cụ thể, huyện sẽ phân thành 5 vùng phát triển để khai thác các lợi thế sẵn có. Trong đó, gồm vùng đô thị thị trấn Long Thành mở rộng và khu phức hợp công nghiệp, đô thị - dịch vụ Long Thành có thị trấn Long Thành, xã Tam An, một phần các xã: An Phước, Long Đức, Lộc An. Vùng này sẽ tập trung phát triển dân cư, dịch vụ đô thị, dịch vụ công nghiệp.

Vùng đô thị Bình Sơn có một phần các xã: An Phước, Lộc An, Bình Sơn, Long Đức và Bình An, sẽ là nơi phát triển đô thị kết hợp với phát triển nông nghiệp chất lượng cao, du lịch sinh thái.

Vùng dịch vụ thương mại, đô thị hỗn hợp dọc theo quốc lộ 51, thuộc một phần các xã: Phước Thái, Long An và Long Phước. Khu vực này thuộc cửa ngõ sân bay, sẽ phát triển thành trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính và logistics.

Vùng khu vực chức năng đặc thù cho cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc xã Bình Sơn và một phần các xã: Long An, Long Phước, Cẩm Đường và Bàu Cạn. Nơi này sẽ được quy hoạch đất đai phát triển các tiện ích đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Vùng công nghiệp đô thị dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao sẽ có xã Phước Bình, Tân Hiệp và một phần các xã: Phước Thái, Long Phước, Bàu Cạn.

Còn với huyện Nhơn Trạch sẽ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 theo 8 phân khu, trong đó có 4 khu phát triển đô thị gồm xã Phú Thạnh, Vĩnh Thanh và một phần của các xã: Long Tân, Phú Hội, Phước Thiền, Phước An và thị trấn Hiệp Phước; 3 khu phát triển công nghiệp, cảng, dịch vụ hậu cần cảng thuộc thị trấn Hiệp Phước và các xã: Long Thọ, Phú Đông, Phú Hữu, Phước Khánh…; 1 khu bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn thuộc xã Phước An gắn với phát triển các điểm du lịch sinh thái.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ