Thế giới đối mặt ‘sóng thần Omicron’: Chọn cách ứng phó linh hoạt hơn

Trước đợt lây nhiễm COVID-19 mới bùng phát trên khắp thế giới mà Tổ chức Y tế thế giới mô tả là “sóng thần Omicron”, nhiều quốc gia chủ động điều chỉnh chính sách phòng dịch theo hướng linh hoạt hơn. Tuy nhiên, nhân loại không thể chủ quan vì biến chủng này vẫn có thể khiến người nhiễm nhập viện và tử vong.
HOÀNG LINH
09, Tháng 01, 2022 | 09:00

Trước đợt lây nhiễm COVID-19 mới bùng phát trên khắp thế giới mà Tổ chức Y tế thế giới mô tả là “sóng thần Omicron”, nhiều quốc gia chủ động điều chỉnh chính sách phòng dịch theo hướng linh hoạt hơn. Tuy nhiên, nhân loại không thể chủ quan vì biến chủng này vẫn có thể khiến người nhiễm nhập viện và tử vong.

tiem-vaccine

Nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19, coi đây là “đê chắn sóng” trong thời điểm biến chủng Omicron lây lan mạnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), toàn cầu có 9,5 triệu ca mắc COVID-19 mới trong tuần qua, tăng 71% so với tuần trước đó.

Tại châu Âu, biến chủng Omicron lây lan nhanh khiến số ca nhiễm mới mỗi ngày vượt mốc 5 triệu ca. Còn ở Mỹ, số ca nhiễm mới mỗi ngày cũng cán mốc 1 triệu ca. Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cho biết, biến chủng Omicron khiến số trẻ em nhập viện ở nước này tăng lên mức kỷ lục. Tại châu Á, Ấn Độ có số ca nhiễm theo ngày tăng gấp 5 lần chỉ sau 1 tuần.

Trước nguy cơ mới, các quốc gia đã nhanh chóng triển khai phòng ngừa. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến chủng Omicron có nhiều đặc thù khác biệt với Delta và các biến chủng của SARS-CoV-2 trước kia nên cách ứng phó cũng có sự khác biệt.

Điều này thể hiện rõ nhất tại Đức, khi Thủ tướng Olaf Scholz cho rằng, lâu nay nền kinh tế số một châu Âu áp dụng các quy định hạn chế tiếp xúc nghiêm ngặt mang lại hiệu quả cao. Nhưng trước biến chủng Omicron, Đức giờ đây cho phép những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh, có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, có thể tới các nhà hàng trên toàn quốc mà không phụ thuộc vào tỷ lệ ca bệnh ở các địa phương. Những người đã tiêm tăng cường mũi vaccine thứ 3 trở lên sẽ được miễn hoàn toàn các yêu cầu cách ly khi đến Đức, trong khi người tiêm đủ 2 mũi chỉ cần cách ly 10 ngày thay vì 14 ngày như trước. 

Tương tự, Pháp giảm thời gian cách ly cho những người đã tiêm chủng xuống 5 ngày nếu họ có chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính… Singapore, quốc gia vốn khắt khe về vấn đề y tế giờ đây chú trọng kiểm soát tỷ lệ lây lan bằng cách giảm quy mô các cuộc tụ tập đông người.

Nam Phi, quốc gia đầu tiên phát hiện biến chủng Omicron đã ngừng truy vết và không yêu cầu cách ly, xét nghiệm cả với những người tiếp xúc ca nhiễm COVID-19. Theo Tổng Giám đốc cơ quan y tế Nam Phi Sandile Buthelezi, nước này chuyển từ trạng thái “ngăn chặn cứng” sang “giảm thiểu lây nhiễm” khi đối phó với biến chủng Omicron. Nhiều nước phân cấp các khu vực theo mức độ dịch, mở ra khả năng linh hoạt trong áp dụng các quy định chống lây nhiễm, như Manila (Philippines) nâng mức cảnh báo dịch bệnh từ cấp độ 2 lên cấp độ 3.

Song song, các nước tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, coi đây là “đê chắn sóng” trong giai đoạn hiện nay. Israel, một trong những nước đi đầu về tiêm vaccine phòng COVID-19, đang khẩn trương tiêm mũi thứ 4 cho người dân. Thủ tướng Naftali Bennett cho biết, mũi tiêm này giúp tăng 5 lần lượng kháng thể chỉ sau 1 tuần, ngăn chặn đáng kể sự gia tăng ca nhiễm mới, ca nhập viện hoặc có triệu chứng nặng... 

Cách ứng phó dịch linh hoạt tại nhiều quốc gia được đánh giá cao, do vẫn tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thực sự cần thiết trong bối cảnh "sóng thần Omicron" đang khiến bài toán vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế khó khăn hơn bao giờ hết. Theo Hiệp hội bán lẻ Anh (BRC), lượng người đến các cửa hàng tiện ích mua sắm trong tháng 12/2021 giảm 18,6% so với trước dịch. Điều này đồng nghĩa với việc biến chủng Omicron đã "xóa sổ" phần lớn sự phục hồi của các cửa hàng truyền thống ở đảo quốc sương mù.

Mặc dù vậy, giới chuyên môn cảnh báo, sự cẩn trọng và công tác giám sát dịch cần được duy trì. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhân loại không thể chủ quan vì biến chủng Omicron vẫn có thể khiến người nhiễm bệnh nhập viện và tử vong.

(Theo Hà Nội Mới)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ