Thấy gì từ tình hình kinh tế quý I ?

Nhàđầutư
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, mức tăng trưởng GDP trong quý I chỉ đạt 5,1% và để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% /năm, thì 9 tháng còn lại phải đạt mức tăng 7%. Nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh phải chống chọi với những yếu tố bất định và bất lợi để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
ANH TRUNG
01, Tháng 05, 2017 | 12:30

Nhàđầutư
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, mức tăng trưởng GDP trong quý I chỉ đạt 5,1% và để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% /năm, thì 9 tháng còn lại phải đạt mức tăng 7%. Nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh phải chống chọi với những yếu tố bất định và bất lợi để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

kt

Ảnh minh họa 

Những tín hiệu tích cực

Trong quý I, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, không có nhiều biến động lớn. Huy động vốn tăng 2,34% so với tháng 12/2016  cùng kỳ tăng 2,26%), tín dụng cho nền kinh tế tăng 2,81% so với tháng 12 năm 2016  cùng kỳ tăng 1,54 ). Tỷ giá trung tâm, tỷ giá thị trưởng diễn biến linh hoạt, tuy có xu hướng tăng nhẹ so với cuối năm 2016, nhưng vẫn tương đối ổn định; thanh khoản ngoại tệ vẫn đảm bảo dù chịu tác động của việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất điều hành thời gian gần đây.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quý I tăng mạnh với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam quý I tăng 27,9% so với cùng kỳ. Đây là một điểm sáng cần tiếp tục thúc đẩy và có những điều chỉnh linh hoạt để khai thác hiệu quả hơn những yếu tố thuận lợi mới nhằm phát triển du lịch-một ngành kinh tế đã được xác định là mũi nhọn của Việt Nam.

Xuất khẩu quý I đạt kết quả khả quan với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 43,73 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong một số năm gần đây, đồng thời cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra (kế hoạch 6-7%)

Khó khăn thách thức

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

Điều đáng quan tâm đầu tiên là sản xuất công nghiệp quý I tăng trưởng rất thấp với mức tăng 4,1 %, chỉ bằng hơn một nửa so với cùng kỳ  năm trước (7,4 %). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn cùng kỳ. Điều này cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù thời tiết diễn biến khá thuận lợi, nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp vẵn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp, chưa có tín hiệu khởi sắc; giá bán các sản phẩm chăn nuôi giảm sút; dịch bệnh xuất hiện trở lại. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Vốn cho nền kinh tế đang gặp khó khăn, đầu tư xã hội tăng chậm, quý I chỉ tăng 8,6%, thấp hơn cùng kỳ (năm 2016 tăng 10,9%, năm 2015 tăng 9,7%). Do giải ngân chậm, chi đầu tư phát triến từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ đạt 12,4% dự toán, trong khi chi thường xuyên đạt 23,6% dự toán.

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đang bị chậm lại, khó có khả năng đạt kế hoạch như dự kiến, ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của  nền kinh tế.   

Lạm phát bình quân quý I tăng 4,96% so với cùng kỳ, cao hơn chỉ tiêu đề ra là 4%, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là điều hành việc tăng giá điện, giáo dục và y tế.

Điều đáng chú ý là cầu trong nước chững lại, chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 7,5%). Trong khi đó nhập khẩu tăng cao (22,4%), nhập siêu 1,9 tỷ USD, bằng 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn chi tiêu đề ra.

Mặc dù vốn FDI đăng ký mới tăng mạnh, nhưng vốn giải ngân lại không tương ứng, chỉ đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ở trong nước, số doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng, nhưng so với cùng kỳ thì thấp hơn cả về tỷ lệ tăng và số vốn đăng ký.

Đối với lĩnh vực tài chính tiền tệ, mặc dù quyết định tăng lãi suất của FED trong quý I chưa có tác động lớn, nhưng khả năng FED liên tục tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ có những tác động nhất định đến Việt Nam. Một số chuyên gia kinh tế dự báo rằng, tỷ giá có thể tăng 2-3% từ nay đến cuối năm.

Xu hướng tăng mặt bằng lãi suất huy động trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại cũng đang kéo theo những hệ lụy đối với nền kinh tế.

Bên cạnh những khó khăn nói trên, nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi những yếu kém tồn tại từ nhiều năm như năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; nợ công đã tăng cao tới ngưỡng, nợ xấu chưa được xử lý triệt để; nhiều chủ trương chính sách quan trọng của Đảng và nhà nước đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống.

Nâng cao năng lực điều hành

Tăng trưởng kinh tế  quý I không đạt như kỳ vọng đang là thách thức lớn cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và mục tiêu tăng trưởng kinh tế của 9 tháng còn lại. Muốn đạt chỉ tiêu 6,7% cho cả năm thì 9 tháng còn lại phải đạt tốc độ tăng trưởng 7%. Đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề trong bối cảnh phải chống chọi với nhiều yếu tố bất định và bất lợi để tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Để có thể thực hiện được nhiệm vụ nói trên, ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi phải tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành của chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Đối với nhiệm vụ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, trước hết phải tìm ra nguyên nhân, xác định đúng những rào cản phát triển và hành động quyết liệt để xoá bỏ các rào cản đó. Theo nhận xét của một số chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhưng sự chuyển biến ở cấp dưới còn chậm. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa đạt kỳ vọng. Chính sách về thuế cũng cần được xem xét điều chỉnh vì việc tận thu thuế quá lớn đang gây khó cho doanh nghiệp. Đặc biệt cần rà soát hoàn thiện chính sách về hợp tác công tư (PPP) để tăng cường huy động vốn cho nền kinh tế. Việc đến nay chưa thu hút được dự án nào của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông vận tại theo hình thức BOT, BT đang là một câu hỏi lớn cần suy ngẫm. Đối với lĩnh vực FDI, chính quyền các địa phương cần rà soát các dự án đã được cấp phép, kiên quyết xử lý các dự án không triển khai, chậm tiến độ nhằm thu hồi đất cho các dự án khác và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa tái lạm phát, cần theo dõi nắm bắt kịp thời giá cả thị trường thế giới, dự báo và xây dựng các kịch bản điều hành giá một cách phù hợp ở từng thời điểm đối với các mặt hàng xăng dầu, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD vì nếu duy trì như hiện nay có thể sẽ làm chảy máu ngoại tệ. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, nhất là tín dụng dành cho các dự án bất động sản quy mô lớn, kém hiệu quả.

Đồng thời, cần kiềm chế lãi suất cho vay nền kinh tế, nhất là cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị cần điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, có sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, kiềm chế và giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ