Soát xét bán niên 2017: Lộ diện nhiều nghi vấn

Sau mỗi lần kiểm toán vào cuộc, dù là báo cáo tài chính bán niên hay cả năm, luôn lộ diện những trường hợp sai lệch hay nghi vấn khiến nhà đầu tư ngã ngửa. Những cái tên gây sốc điển hình của mùa soát xét bán niên 2017 có thể kể đến là HKB, HAG, PVC Mekong.
NGỌC ĐIỂM
25, Tháng 08, 2017 | 14:28

Sau mỗi lần kiểm toán vào cuộc, dù là báo cáo tài chính bán niên hay cả năm, luôn lộ diện những trường hợp sai lệch hay nghi vấn khiến nhà đầu tư ngã ngửa. Những cái tên gây sốc điển hình của mùa soát xét bán niên 2017 có thể kể đến là HKB, HAG, PVC Mekong.

Soat xet ban nien

 Sau soát xét, lộ diện nhiều nghi vấn trong báo cáo tài chính bán niên của nhiều công ty niêm yết 

Soát xét bán niên về cơ bản có phạm vi hẹp hơn cuộc kiểm toán với công việc thực hiện bao gồm: phỏng vấn, phân tích và thủ tục soát xét khác. Song, mỗi mùa soát xét bán niên qua đi đều lộ diện những sai sót mà lúc lập báo cáo tài chính (BCTC) doanh nghiệp vô tình hay cố tình không kiểm soát được và cả những nghi vấn về các con số doanh nghiệp công bố. Dĩ nhiên hậu quả cho những sai lệch đó vẫn là cổ đông gánh chịu.

Những nghi vấn đến kiểm toán cũng không dám cho ý kiến

CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (mã HKB) vốn đã gây sốc cho nhà đầu tư khi giữa năm 2016 cổ phiếu bất ngờ tăng mạnh đạt mức giá trên 30.000 đồng/CP rồi sau đó lao dốc không phanh xuống dưới 2.000 đồng/CP và hiện lình xình quanh 3.000 đồng/CP.

Tốc độ lao dốc của HKB đi cùng kết quả kinh doanh ảm đạm. Quý II/2017 công bị lỗ ròng lên đến 23,7 tỷ đồng khiến lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 18,1 tỷ đồng. Tuy kinh doanh bết bát như vậy nhưng BCTC soát xét bán niên của công ty còn cho thấy những yếu tố không chắc chắn và tồn tại nguy cơ trọng yếu ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh.

Theo đó, kiểm toán đưa kết luận ngoại trừ về số dư tại ngày 1/1/2017 lấy từ BCTC hợp nhất kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016 do không thu thập được bằng chứng cần thiết. Bởi vậy, đơn vị kiểm toán không đủ cơ sở để xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh và không đưa ra ý kiến đối với các số dư đầu kỳ trên BCTC hợp nhất giữa niên độ cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2017.

Đồng thời, đơn vị kiểm toán cũng đưa ra những lưu ý về các khoản công nợ phải thu, trả trước người bán, hàng tồn kho, đầu tư tài chính dài hạn, thu nhập khác. Cụ thể, công ty có 24,4 tỷ công nợ phải thu khách hàng ngắn hạn là nợ quá hạn thanh toán nhưng mới trích lập 3,2 tỷ phải thu khó đòi và 299,7 triệu trả trước người bán; tại ngày 30/6/2017 có 126.890 kg nguyên vật liệu hạt tiêu tồn kho giá bình quân 151.063 đồng/kg nhưng giá bán trên thị trường tối đa chỉ 78.000 đồng/kg; Công ty đem tài sản có giá gốc còn lại gần 4 tỷ nhưng định giá lại đến 28 tỷ để góp vốn, tài sản này là “dây chuyền đánh bóng gạo xuất khẩu” và bàn giao cho Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Cường.

Tệ hơn nữa, CTCP Phát triển Đô thị Dầu khí - PVC Mekong (mã PXC) ngậm ngùi chuyển từ lãi 1,3 tỷ đồng nửa đầu năm sang lỗ 11,2 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty phải ghi nhận khoản chi phí tài chính lên đến 5,4 tỷ đồng trong khi báo cáo tự lập không có và lỗ khác từ 519 triệu tăng lên 7 tỷ đồng (phải trích lập dự phòng theo quy định và trích lập tiền lãi phạt chậm nộp theo thông báo của Cục Thuế). Không những vậy, đơn vị kiểm toán còn ý kiến từ chối và cảnh báo khả năng hoạt động liên tục.

Cụ thể, tính đến 30/6/2017, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 39,1 tỷ đồng, lỗ lũy kế 323,4 tỷ vượt vốn góp của chủ sở hữu. Công ty đang thiếu hụt nghiêm trọng vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn (dư nợ gốc vay quá hạn chưa thanh toán và đang bị khởi kiện là 119,5 tỷ đồng). Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng cho thấy cam kết hỗ trợ tài chính từ cổ đông hay kế hoạch dòng tiền đảm bảo khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác tại PXC như: Chưa ghi nhận vào kết quả kinh doanh dự phòng giảm giá hàng tồn kho dự án Bạc Liêu Tower 3,4 tỷ đồng; chưa đánh giá giá trị thuần của chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các đội xây dựng và xí nghiệp tư vấn 4,9 tỷ đồng để trích lập dự phòng tương ứng. Ngoài ra, công ty có khoản chi phí lãi vay, phạt chậm phải trả cho Oceanbank Cà Mau trị giá 41,8 tỷ đồng mà đơn vị kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh trong BCTC hay không.

Một đơn vị khác cũng bị kiểm toán cho ý kiến ngoại trừ trong báo cáo soát xét nửa đầu năm nay là CTCP Đầu tư và Phát triển điện Tây Bắc (mã NED). Ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc công ty chưa đối chiếu, xác nhận đầy đủ công nợ phải trả, chưa xem xét trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính và chênh lệch giữa nguyên giá của các nhà máy thủy điện với báo cáo kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành, chưa theo dõi công nợ trả thay cho Công ty TNHH MTV Xây lắp và Khai thác Vật liệu xây dựng Tây Bắc (công ty con). Những chênh lệch này tổng cộng lên đến 57,25 tỷ đồng.

Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh có các yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty như lỗ lũy kế 181 tỷ, các khoản công nợ quá hạn xấy xỉ 58,1 tỷ, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 142,1 tỷ và lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 15,4 tỷ đồng.

Những khoản chênh lệch đáng ngại

Mặc dù kiểm toán không đưa ra ý kiến tiêu cực trong báo cáo soát xét nhưng CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) cũng gây choáng cho nhà đầu tư khi sau soát xét lợi nhuận sau thuế “bốc hơi” 118 tỷ đồng và chỉ còn ghi nhận còn 1.018,8 tỷ đồng.

Giải trình cho sự sụt giảm trên, HAG cho biết nguyên nhân đầu tiên là do tăng chi phí thuế TNDN hiện hành do chưa ước tính thuế thu nhập hiện hành tại CTCP Hoàng Anh Đăk Lăk số tiền 19,4 tỷ đồng. Đồng thời, việc giảm lợi ích thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại do kiểm toán điều chỉnh trình bày nghiệp vụ thanh lý nhóm công ty mía đường vào lợi nhuận chưa phân phối hơn 107 tỷ khi không còn hợp nhất nhóm công ty mía đường.

Ở chiều ngược lại, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí - CTCP (mã PVC) cũng khá gây bất ngờ khi lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng tại báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2017 đã tăng từ 1,8 tỷ đồng lên 9,7 tỷ đồng.

Tổng công ty cho biết nhờ giảm chi phí dự phòng tổn thất hàng do thiên tai đang chờ bảo hiểm bồi thường thiệt hại tại công ty con - Công ty TNHH Dung dịch khoan M-I Việt Nam số tiền 3,7 tỷ đồng; giảm lỗ kinh doanh tại công ty con - CTCP Hóa phẩm dầu khí DMC - Miền Bắc sau soát xét số tiền 140,7 triệu đồng; tăng giá vốn hàng bán công ty con M-I Việt Nam bán cho công ty mẹ nay bán ra ngoài số tiền 282 triệu đồng; giảm chi phí phí thuế thu nhập (hiện hành & hoãn lại) tại công ty con M-I Việt Nam số tiền 4,3 tỷ đồng.

CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP) không kém cạnh khi giảm lỗ 6 tháng đầu năm 2017 gần phân nửa sau soát xét. Cụ thể, tại BCTC tự lập, BTP báo 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 33,43 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán giảm lỗ chỉ còn 17,24 tỷ đồng, chênh lệch 16,19 tỷ đồng (48%). Nguyên nhân là do tăng doanh thu phải thu khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ đầu tư tài chính dài hạn tại CTCP Thủy điện Buôn Đôn với số tiền 6,7 tỷ đồng (tỷ lệ chia cổ tức 8%/năm) và hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn là 9,48 tỷ đồng, làm lợi nhuận tăng tương ứng.

(Theo NDH)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ