Ngân hàng Nhà nước đề nghị ngân hàng thương mại giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp

Nhàđầutư
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đơn vị này đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp từ nay đến cuối năm tiết giảm lãi suất của những khoản cũ để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp.
QUANG TUYỀN
04, Tháng 11, 2023 | 19:58

Nhàđầutư
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đơn vị này đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp từ nay đến cuối năm tiết giảm lãi suất của những khoản cũ để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Chiều 4/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo.

Tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 26 tỷ USD

Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.

Lạm phát trong nước được kiểm soát trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%), tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tăng trưởng và điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

tran van son

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.

Thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán, trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất 163.800 tỷ đồng (trong đó, miễn, giảm khoảng 57.300 tỷ đồng).

Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại và là điểm sáng. So với cùng kỳ, xuất khẩu tháng 10 tăng 5,9% và nhập khẩu tăng 5,2%; trong đó xuất nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh (xuất, nhập khẩu tháng 10 của khu vực kinh tế trong nước tăng lần lượt 15,1% và 8,5% so với cùng kỳ). Tính chung 10 tháng xuất siêu 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD).

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt gần 402.000 tỷ đồng, bằng 56,74% kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ, số tuyệt đối tăng khoảng 104.000 tỷ đồng. 

Tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ; tổng vốn FDI thực hiện tiếp tục đà tăng, 10 tháng đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4%. Nhiều công ty, tập đoàn lớn, công nghệ cao đến Việt Nam và cam kết đầu tư. Trong tháng 10 đã ký hợp đồng triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B với quy mô đầu tư 12 tỷ USD.

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Tính chung 10 tháng có 183.600 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 146.600 doanh nghiệp).

Mức lãi suất giảm nhưng khi cho vay phải phù hợp

Cũng tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã đưa ra đánh giá về mức giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại so với mức giảm của Ngân hàng Nhà nước.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm hiện tại, việc điều hành lãi suất đã đạt được mục tiêu giảm lãi suất, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, mở rộng đầu tư cho tăng trưởng GDP.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc điều hành lãi suất huy động phụ thuộc lớn vào lạm phát và nhiều chỉ số khác. Cho nên ngân hàng huy động với mức lãi suất giảm nhưng khi cho vay ra thì giảm ở mức độ nào cần phải phù hợp.

"Ngân hàng Nhà nước luôn phải tính toán tìm ra phương án hợp lý nhất trong điều hành lãi suất", ông Tú khẳng định.

Ông Tú cho biết, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã nhấn mạnh thông điệp, thậm chí sử dụng các công cụ của mình để tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, mức giảm đến 2%. Với các ngân hàng thương mại, đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, mức giảm lãi suất khoảng 1% so với cuối năm 2022. 

"Với biến động kinh tế thế giới, cũng như khả năng chống chịu của nền kinh tế, điều hành chính sách đảm bảo lạm phát dưới 4,5% hỗ trợ tăng trưởng, chúng tôi kỳ vọng cuối năm nay có thể đạt được mức giảm lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại từ 1-1,5%. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, theo thống kê, mức lãi suất trung bình của các khoản cho vay mới đã giảm 2-2,2%", Phó Thống đốc thông tin.

Ông Đào Minh Tú cho biết thêm, hiện còn một số khoản cho vay cũ khi các ngân hàng thương mại huy động vốn cao có thể vẫn đang neo cao do độ trễ của chính sách, cũng như để đảm bảo hài hoà phương án tài chính của các ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp từ nay đến cuối năm tiết giảm lãi suất của những khoản cũ để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ngày 27/10, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 35 ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng cho vay chính của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã liệt kê những ngân hàng lãi suất còn cao, ngân hàng nào lãi suất đã hạ thấp. Và đã yêu cầu những ngân hàng lãi suất còn cao thì phải tìm biện pháp hạ lãi suất.

"Buổi làm việc rất quyết liệt, cụ thể với những ngân hàng có những mức lãi suất chênh lệch đầu vào, đầu ra còn cao. Hiện còn có những ngân hàng hiện mức cho vay bình quân còn cao trên 9%. Những ngân hàng này đã được yêu cầu phải giảm lãi suất", ông Tú cho hay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ