“Gió” đang đổi chiều trên thị trường TPCP

Trên thị trường tài chính, các khoản đầu tư có thời gian càng dài thì rủi ro càng cao, đặc biệt là trái phiếu chính phủ (TPCP) được phát hành ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
HOÀNG NGỌC KHANH
02, Tháng 06, 2017 | 09:18

Trên thị trường tài chính, các khoản đầu tư có thời gian càng dài thì rủi ro càng cao, đặc biệt là trái phiếu chính phủ (TPCP) được phát hành ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

trai-phieu_823922

 “Gió” đang đổi chiều trên thị trường TPCP

Chỉ số CPI của Việt Nam đạt mức đỉnh 22,9% vào năm 2008, ngay lập tức giảm xuống còn 6,9% vào năm 2009, rồi lại tăng lên mức 18,6% vào năm 2011, quay đầu giảm dần xuống mức 0,6% vào năm 2015 và bật tăng trở lại khoảng 5% vào năm 2016. Do đó, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được khối lượng rất ít TPCP có thời hạn trên 10 năm.

TPCP có kỳ hạn càng dài càng hấp dẫn nhà đầu tư

Tuy nhiên, thị trường TPCP của Việt Nam đang ghi nhận những thay đổi rất tích cực. Các nhà đầu tư đang ưa thích TPCP có kỳ hạn dài hơn là kỳ hạn ngắn. Việc phát hành TPCP kỳ hạn 20 và 30 năm mới chỉ được KBNN triển khai thí điểm vào năm 2016, tuy nhiên, hiện tại, đây là hai kỳ hạn thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Từ đầu năm 2017 đến nay, các nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp (KBNN phát hành lần đầu) chỉ đầu tư vào các kỳ hạn từ năm năm trở lên, TPCP có kỳ hạn càng dài thì tỷ lệ trúng thầu càng lớn. Đây là diễn biến trái ngược hoàn toàn so với các năm trước.

Ai đang quan tâm đến TPCP dài hạn của Việt Nam?

Theo quy định hiện hành thì chỉ có các thành viên thị trường mới được phép tham gia đấu thầu (mua) trực tiếp trên thị trường TPCP sơ cấp. Đó là các ngân hàng thương mại (NHTM) và các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, rất nhiều các định chế tài chính khác (công ty bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, quỹ đầu tư...) đã thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư vào TPCP thông qua các thành viên thị trường.

Theo thông tin từ các traders của các ngân hàng (nhân viên kinh doanh vốn) thì cầu về TPCP kỳ hạn trên 10 năm hiện nay chủ yếu đến từ ba nhóm nhà đầu tư chính. Đầu tiên là nhóm các định chế tài chính quốc tế (ngân hàng và các công ty bảo hiểm nhân thọ), các quỹ đầu tư cả trong và ngoài nước đang đầu tư tại Việt Nam và các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng như các NHTM tại Việt Nam.

Tại sao TPCP dài hạn của Việt Nam lại đang hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước?

Đây là câu hỏi mà các thành viên thị trường đang rất quan tâm để có thể đánh giá chính xác về diễn biến của lợi suất TPCP trong thời gian tới. Nhìn tổng thể thị trường tài chính toàn cầu cũng như của Việt Nam hiện nay thì có thể chỉ ra ba yếu tố chính.

Thứ nhất, uy tín quốc gia được cải thiện. Sau Moody’s, ngày 18-5-2017 đến lượt Fitch nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Mặc dù lợi suất TPCP của Việt Nam hiện nay đang ngang bằng với Philippines và Indonesia, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài lại đang quan tâm tới Việt Nam hơn bởi sự ổn định của kinh tế vĩ mô, đặc biệt khi tỷ giá và lạm phát đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Đây là hai yếu tố quyết định đến lợi nhuận thu 

được khi đầu tư vào TPCP, bởi lợi suất (hay giá cả) của TPCP sẽ biến động ngược chiều so với hai chỉ số trên. Hiện tại, các định chế tài chính lớn đến từ Đài Loan, Hồng Kông và Hàn Quốc đang là những nhà đầu tư chính vào TPCP kỳ hạn dài của Việt Nam.

Thứ hai,  đó là sự phát triển mạnh mẽ của các quỹ đầu tư cả trong và ngoài nước. Số lượng các quỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn trong thời gian tới khi thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam chính thức được vận hành vào tháng 6-2017. Để đảm bảo sự cân bằng cho danh mục thì việc đầu tư vào các công cụ nợ bên cạnh cổ phiếu được xem là nhu cầu tất yếu. Thậm chí, hiện nay đã hình thành các quỹ đầu tư với 100% danh mục là TPCP với mức sinh lợi cam kết cao hơn so với lãi suất tiền gửi của ngân hàng.

Thứ ba, chênh lệch giữa lãi suất trên thị trường mở (OMO) và TPCP kỳ hạn dài đang ở mức rất hấp dẫn. Trong khi lãi suất mua vốn trên OMO chỉ ở mức 5% thì lợi tức TPCP kỳ hạn 20-30 năm lên tới 7,6-7,9%/năm. Do vậy, nếu các yếu tố vĩ mô chính (tỷ giá và lạm phát) của Việt Nam tiếp tục được duy trì ổn định như hiện nay thì các NHTM Việt Nam đều có thể thu được lợi nhuận từ sự chênh lệch lãi suất. Theo đó, họ vay vốn trên OMO với giá 5%/năm và đầu tư vào TPCP với lợi suất trên 7%/năm.

Hoàn chỉnh đường cong lãi suất trên thị trường tài chính Việt Nam

Việc TPCP kỳ hạn 20-30 năm được phát hành và giao dịch trên thị trường thứ cấp có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường tài chính của Việt Nam. Theo đó đường cong lợi suất sẽ được hoàn chỉnh với đầy đủ các kỳ hạn từ 1-30 năm như thông lệ quốc tế. Đây sẽ là các mức lợi suất cơ sở để làm tham chiếu cho các giao dịch kinh tế tại Việt Nam.

Theo TBKTSG

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ