Gấp rút gỡ thẻ vàng, các tỉnh vùng biển Tây Nam đồng loạt tổng kiểm tra tàu cá

Nhàđầutư
Từ nay đến 30/9, Ban Chỉ đạo về IUU các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cùng với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn Biên phòng 28 và Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 sẽ thực hiện tổng kiểm tra tàu cá trên biển và chống khai thác IUU.
THIÊN KỲ
21, Tháng 09, 2023 | 06:45

Nhàđầutư
Từ nay đến 30/9, Ban Chỉ đạo về IUU các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cùng với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn Biên phòng 28 và Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 sẽ thực hiện tổng kiểm tra tàu cá trên biển và chống khai thác IUU.

HINH KEM BAI XK DBSCL

Chống khai thác IUU là giải pháp giúp sớm gỡ thẻ vàng từ EU cho ngành thủy sản. Ảnh: Thiên Kỳ

Nhiều nổ lực gỡ thẻ vàng

Dự kiến, tháng 10/2023 tới, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ có lần thứ 4 đánh giá những nỗ lực của Việt Nam để xem xét gỡ thẻ vàng IUU sau 6 năm.

Phản hồi về việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam, hồi tháng 6/2023 Nghị sĩ Daniel Caspary thuộc Nghị viện châu Âu (EP) trong chuyến thăm Việt Nam cho biết, EC đang đánh giá rõ ràng tình hình. Họ cũng sẵn sàng giúp đỡ Chính phủ và người dân Việt Nam bị ảnh hưởng (bởi thẻ vàng IUU) để khắc phục tình hình và đáp ứng các tiêu chí của EC.

Về phía Việt Nam, nhờ quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác phòng, chống IUU nhằm gỡ “thẻ vàng” tại 28 địa phương ven biển đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, như thực hiện kiểm soát 100% tàu cá vào cảng bốc dỡ sản phẩm, giám sát 100% sản lượng bốc dỡ qua cảng; thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương.

Đến nay, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đạt 97,65%. Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý.

Từ năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 4.000 vụ, tổng số tiền xử phạt khoảng 110 tỷ đồng. Việc cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác cũng được triển khai mạnh. Đã có 26/28 tỉnh, thành phố ven biển rà soát, kiểm kê tàu cá hiện có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng...

Trong nỗ lực vận động EU tháo gỡ thẻ vàng IUU trước khi Đoàn thanh tra IUU vào Việt Nam tiến hành đợt thanh tra thứ 4, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã thăm và làm việc với các cơ quan của Ủy ban châu Âu tại Brussel, Bỉ ngày 18/9 vừa qua.

Trong các phiên làm việc với Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá và Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản (DG MARE), Ủy ban châu Âu vào 18/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với phía bạn về quan điểm của Việt Nam trong xử lý với vấn đề IUU, xác định chống khai thác IUU là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành, không chỉ để xuất khẩu sang EU mà còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng kiểm tra tàu cá, chống khai thác IUU

Với mục tiêu chấm dứt hoàn toàn tình trạng khai thác IUU trên vùng biển Tây Nam, góp phần thúc đẩy Ủy ban Châu Âu (EC) gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam, kể từ ngày 20/9 các lực lượng thuộc 2 tỉnh Cà Mau - Kiêng Giang sẽ phối hợp thực hiện tổng kiểm tra tàu cá trên biển và chống khai thác IUU. Lần kiểm tra này được triển khai kế cả ngày thứ 7 và Chủ nhật. Đồng thời với thời gian tuần tra, kiểm soát chung trên biển nói trên, UBND tỉnh Cà Mau và Kiên Giang cũng sẽ chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tổng kiểm tra trên đất liền của mỗi tỉnh.

Hoạt động lần này sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát số lượng tàu cá còn khả năng hoạt động thực tế, tập trung vào nhóm tàu từ 12m trở lên và thường xuyên phối hợp giữa các bên để cập nhật, trao đổi bổ sung thông tin. Tăng cường duy trì lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên thực địa, siết chặt công tác đăng ký, đăng kiểm, công tác lắp đặt, quản lý, theo dõi, giám sát VMS, nhất là đối với các trường hợp tàu cá thuộc nhóm có nguy cơ cao

Cụ thể, hoạt động tổng kiểm tra tàu cá trên biển và chống khai thác IUU trên vùng biển Cà Mau - Kiên Giang (vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi, các đảo trên biển) đối với nhóm tàu cá nằm trong danh sách mất tích, hết hạn đăng ký, đăng kiểm, tàu cá mất tín hiệu kết nối trong bờ, trên biển dài ngày, các hoạt động khai thác thủy sản chưa đúng quy định.

Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an ninh trật tự trên vùng biển, đảo của 2 tỉnh.

Bên cạnh Cà Mau - Kiên Giang, tỉnh Bạc Liêu cũng đẩy mạnh triển khai rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS theo quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản gửi các cơ quan chức năng của tỉnh, địa phương để theo dõi, quản lý. Lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU và các tàu cá đã sang bán cho cá nhân của tỉnh khác nhưng chưa làm thủ tục chuyển nhượng. 

Ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, dể góp phần ngăn chặn, chấm dứt hoàn toàn hoạt động  khai thác IUU, tỉnh này đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, ngư dân về chống khai thác IUU. Đồng thời, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên ngành, liên tỉnh và xử phạt nghiêm hành vi khai thác IUU theo quy định.

"Tăng cường, bổ sung nguồn lực cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Chấm dứt tàu cá Bạc Liêu khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xử lý nghiêm các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Bạc Liêu đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài", đại diện Sở NN&PTNT tỉnh thông tin thêm.

Bài học từ Philippines, Thái Lan

Trong số các nước gỡ thẻ vàng IUU thành công, Philippines là một trường hợp đáng chú ý khi có thể chuyển vàng thành xanh chỉ trong chưa đầy một năm.

Thẻ vàng được EU áp dụng cho Philippines vào tháng 6/2014. Đây là lời cảnh báo có sức nặng đến ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD, liên quan đến sinh kế của 1,4 triệu ngư dân và 3 triệu người khác trong các ngành liên quan đến đánh bắt cá của nước này. Nó buộc các quan chức Philippines, đặc biệt là các quan chức thủy sản và đối ngoại, phải hành động. Và quốc gia này đã hành động rất nhanh. Tháng 4/2015, 315 ngày sau khi nhận thẻ vàng, Philippines được cấp lại thẻ xanh nhờ các nỗ lực cải cách trong ngành đánh bắt cá.

Với khẩu hiệu “Thái Lan không IUU”, các nhà chức trách đặt mục tiêu có thể truy xuất nguồn gốc thủy sản “từ biển tới bàn ăn” thông qua một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử nâng cao mới. “Thái Lan không IUU” có nghĩa là cá và các sản phẩm thủy sản nhập khẩu và xuất khẩu từ Thái Lan (không chỉ sang EU mà còn đối với tất cả các nước khác) không có nguồn gốc từ các hoạt động đánh bắt IUU, đồng thời cá và sản phẩm thủy sản IUU không thâm nhập vào chuỗi cung ứng của nước này. Từ tháng 5/2015 đến tháng 9/2018, Chính phủ Thái Lan đã chi khoảng 87 triệu euro cho các chương trình chống đánh bắt IUU, trả lương cho đội ngũ gồm 4.000 thanh tra và thiết lập hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát nghề cá (MCS) mới. Với những nổ lực quyết liệt đó, quốc gia này đã gỡ thành công thẻ vàng sau 4 năm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ